Thursday, May 4, 2017

* Đi Cruise. (1)




Được tin anh chị Chín Thôi cho hay là có chuyến Cruise đi lên Melbourne và trở về Adelaide trong bốn ngày với giá đang “save” rẻ khoảng hai trăm cho mỗi người. Anh chị Bảy Gàng vội cho chúng tôi hay cùng rủ anh chị Nhi để làm một chuyến. Thực ra chỉ có vợ chồng tôi chưa đi Cruise thôi chứ anh chị Bảy Gàng cùng với anh chị Nhi đã đi một lần với Cruise P&O từ trên Sydney, họ đi trong chuyến đó đã đi sang Vanuatu và New Caledonia thì phải, nên họ rất thích và thường hay ca ngợi về chuyện đi cruise. Vài tháng nữa vợ chồng tôi cũng sẽ có một chuyến đi Cruise trong chuyến hành trình sắp tới vào tháng đầu tháng 5, nên tôi cũng muốn làm một chuyến ngắn nầy để làm quen với thể thức trên cruise xem như thế nào mặc dù công việc trong khoảng thời gian nầy khá là bận rộn. Vì phòng đòi hỏi tới bốn người một phòng cho nên cần thêm hai người nữa nên Cô Hi (em vợ tôi) chị Thới cũng tham dự vào chuyến đi. Đến ngày hẹn chúng tôi cùng đón xe hoặc gia đình đưa ra Outer Habour để lên chiếc Cruise của công ty P&O. Khi vào cổng trước khi đi vào cruise, chúng tôi phải giao hành lý cho nhân viến để họ đem lên phòng cho mình chứ mình không phải đem, tất nhiên là hành lý ấy phải được gắn bảng đề tên, số phòng đầy đủ kể cả số điện thoại di động của mình. Trước khi vào cầu thang để lên Cruise mọi người đi qua phòng kiểm soát vé và ở đây phát cho mỗi người một cái thẻ để sử dụng trên tàu. Xong chúng tôi lần lượt qua hành lang di chuyển vào tàu bằng một cầu thang bắt ngang qua. Trình thẻ lên tàu cho nhân viên kiểm soát đứng bên đầu cầu thang, chúng tôi lại đi qua một máy kiểm soát hành lý và người giống như ở phi trường. Rồi từ đó kiếm tầng nào có phòng ngủ của mình bằng đi thang máy hay cầu thang và tìm cái số của phòng. Xong, dùng cái thẻ ấy để mở cửa phòng vì cái thẻ ấy cũng là chìa khóa để mở, cho nên mỗi người đều có cái thẻ riêng có tên họ, chuyến hành trình lẫn thời gian từ ngày nào (27/03/2017) đến ngày nào (31/03/2017). Đây là chuyến cruise của hãng P&O có tên là Pacific Eden khởi hành từ Port Adelaide lên Port Melbourne.
Theo lời anh chị Bảy Gàng, cũng như anh chị Nhi thì chiếc Cruise nầy nhỏ hơn chiếc kỳ trước mà các anh chị đã đi. Tôi đùa: “Đây là máy bay nội địa tất nhiên là nhỏ hơn máy bay đi quốc tế rồi, vì đây là chiếc Cruise đi trong nước chứ không phải là chiếc đi nước ngoài. Nhưng tôi thấy từ giờ phút nầy mình giống như ở tù: Đố ai dám đi ra khỏi tàu”. Đi làm sao được, đi ra khỏi tàu chỉ có xuống biển thôi, vậy thì ai dám đi!
Đại dương mênh mông.

Vợ chồng tôi ở chung một phòng với anh chị Bảy Gàng, ở phía trong tàu chứ không có cửa sổ để nhìn ra ban-công (balcon) nên được rẻ hơn. Phòng trang trí giống như phòng ở trong một khách sạn, nhưng chỉ nhỏ hơn mà thôi và giường cho bốn người thì ba giường kê vừa khoảng không gian ngoài cái bàn và tủ quần áo, nhưng riêng một giường được chồng lên trên. Một người phải ngủ trên đó. Tôi và anh Bảy sẽ thay phiên nhau trong vài ngày. Anh chị Nhi và hai đứa cháu ngoại ngủ ở phòng khác của tầng 4. Tôi không để ý rõ là bao nhiêu tầng có phòng ngủ, nhưng những tầng có phòng ngủ thì các phòng ngủ được đặt dọc theo tàu, hai dãy đâu mặt nhau, đường đi ở giữa mà tiếng Anh gọi là “gangway”, phân nửa tàu bên trái nơi có phòng của chúng tôi mang số chẵn, hai dãy phòng đâu mặt ở nửa bên phải tàu mang số lẽ. Tất cả có lẽ là 11 tầng vì khi đi thang máy lên tầng ăn gọi là “Pantry” thì nó ở tầng 11 (deck 11).
Dãy hành lang (gangway)

Theo số liệu mà tôi tra cứu theo điều mới thắc mắc thì được biết chiếc tàu Pacific Eden nầy có sức chứa hành khách là 1,260 người, chia 9 tầng chắc là không kể đến Thủy thủ đoàn và những người phục vụ trên đó, chỉ nói đến “guests” thôi. Tàu có chiều dài là 219 mét, trọng tải 55,820 tấn vận tốc tối đa là 20 knots đăng ký ở UK (Anh quốc).
Theo giờ quy định thì đến 4 giờ chiều tàu mới khởi hành, tuy nhiên hành khách phải đến sớm trước từ 2 giờ để làm thủ tục và nhập tàu. Đến 3 giờ 15 chúng tôi lại được gọi lên ban-công mang theo áo phao để thực tập ứng xử khi cần cấp cứu. Tôi thuộc đội 12 (Lifeboat 12). Đứng đợi khá lâu, chắc đợi mọi người lên đầy đủ và đúng giờ mới được hướng dẫn. Sự hướng dẫn chẳng là bao lâu, xong thì mọi người tản hàng ra về trở về phòng của mình. Đúng 4 giờ tàu rời bến ra khơi.
Tôi đứng trên boong cao để nhìn trở vào bến cũng như thấy toàn vùng của khu Outer Harbor của Port Adelaide, quả là đẹp thật. Tàu càng lúc càng đi xa, trời chiều mặt trời xuống dần khiến tôi lại hồi tưởng trên chiếc tàu cây nhỏ bé lênh đênh trên biển của những ngày “phải bỏ nước ra đi”. Tôi, anh Nhi ngồi trong phòng ăn, nhìn ra biển mà nhắc lại chuyện xưa, còn mấy bà thì đi lấy thức ăn ngồi ở chỗ khác.
Biển tương đối bình yên với tàu lớn như thế nầy, với sức nặng và lớn nên sóng biển cũng chẳng lay động nó là bao nhiêu, nhưng đến đêm thì tàu càng lúc càng chao mạnh hơn, các cửa tủ rung động và kêu tiếng kẽo kẹt, tôi hơi ngạc nhiên chắc tàu đi về hướng nam, nên thường đi vào vùng gió mạnh của khu vực đông nam Nam Úc khi chiều gió từ Nam Cực thổi về. Tàu lắc lư khiến vài người chịu không nổi nên đành phải “ói” vì “say sóng” trong đó có vợ tôi. Trong suốt đêm cũng nhiều khó ngủ, đến sáng hôm sau tình trạng cũng chẳng tốt hơn mấy, ngồi trên “pantry” ăn nhìn xuống biển thấy sóng không cao lắm, nhưng cũng làm cho tàu đủ chao đảo. Tôi lại nghĩ chắc mình nhìn từ trên cao quá nên thấy sóng nhỏ, còn ngày xưa mình đi tàu nhỏ quá thấp nên thấy sóng trở nên cao và mới thấy cái nguy hiểm của nó. Nhưng tôi lại có một cái suy nghĩ khác nữa vì thân tàu lớn nên bị ảnh hưởng của gió to mà lắc lư nhiều. Tàu lênh đênh trên biển cả ngày hôm sau. Đến chiều anh Bảy Gàng hỏi người phục vụ ở nhà hàng “Pantry”, chừng nào tàu đến và đến nơi nào ở Melbourne? Tàu sẽ đến vào sáng hôm sau và cập ở Port Melbourne. Nhìn vùng nước mênh mông trên biển, những hình ảnh ngày xưa lại hiện về, nhất là khi tôi phát hiện ra nước biển theo từng cơn sóng tràn qua khe hở để rót vào khoang tàu cây nhỏ bé. Thoa con anh chị Nhi cho biết chiều nay “book” ăn ở nhà hàng Angelo. Tôi hỏi: “Tại sao mình biết?”, Thoa mới nói nó để giấy trong phòng cho mình để mình biết chỗ nào để ăn, ngày nay ở chỗ nào có chương trình gì? Lúc đó tôi mới chú ý đến điều đó, chứ từ hồi xuống tàu đến bây giờ tôi không hề để ý đến những miếng giấy ấy vì điều đơn giản là không đủ tiếng Anh để hiểu.
Trên tàu có mấy nhà hàng như “Plantation”, “Angelo”, “Dragon Lady”, “Waterfront”, nhưng chúng tôi thường đến nhà hàng Pantry cho những bữa ăn của mình. Ngoài Pantry, Plantation, và Waterfront là những nhà hàng mà cước phí đã tính luôn trong tiền vé. Tuy nhiên, Thoa cho biết những nhà hàng Ý “Angelo” và “Dragon Lady” cũng khỏi phải trả tiền, nhưng những người Tây họ biết nên đã “book” từ sớm thành ra không còn chỗ nữa. Đúng là dân dốt như chúng tôi nên chỉ làm những điều “đơn giản nhất” để không sợ bị sai.
Bình minh trên biển cả.

Đêm đến không khí tương đối yên tĩnh hơn, tàu không còn lắc lư nhiều nữa. Tôi cứ trông trời sáng để được đến bến thay đổi không khí, sinh hoạt trong một khoảng thời gian ngắn nào đó xem sao!



Nguyên Thảo,
05/05/2017.













No comments:

Post a Comment