Hôm nay là ngày đầu tiên chúng tôi khởi hành đi “Băng hà”, lòng tôi có nhiều háo hức và lâng lâng niềm vui, vì từ nhỏ cho đến bây giờ mình chưa bao giờ được tiếp xúc với băng hà, có chăng là qua phim ảnh đã được coi trên truyền hình, hay ở phim tài liệu hoặc sách vở. Những kiến thức trong các môn học vạn vật hay địa lý ở trường lại hiện về: “Băng hà” là tiếng Hán Việt để chỉ cho “dòng sông băng” mà chúng được kết tụ từ trong thung lũng ở trên núi cao do tuyết nén nhau tạo thành “băng” (nước đá), mỗi năm càng nhiều, rồi với trọng lực chúng theo đường hẽm núi mà di chuyển dần về phía dưới thấp với vận tốc rất chậm, mũi nhọn đi đầu được gọi là “lưỡi băng hà”; để rồi đến ngày nào đó “lưỡi băng hà” di chuyển đến nơi mà nhiệt độ cao khiến chúng tan chảy thành nưóc tạo thành những dòng đi ra sông biển vùng đó gọi là “vùng băng tan” để những đá sỏi nặng hơn mà chúng đã bào mòn, lôi cuốn trên đường đi nằm lại ở đó thành những bãi đá sỏi.
Chúng tôi được báo thức từ lúc 6 giờ sáng, nhưng tôi và anh Thới đã dậy sớm hơn cùng nhau uống cà phê tán gẫu, rồi đi ăn sáng ở phòng ăn của khách sạn. Đến 7 giờ 40 thì đem hành lý xuống để tài xế chất lên xe và đúng 8 giờ thì khởi hành.
Theo sơ đồ đường đi mà công ty du lịch cung cấp: Hôm nay chúng tôi sẽ rời Vancouver đi theo đường Quốc lộ 1 để sang Golden. Điều nầy Vincent có thuyết minh cho chúng tôi cả nửa tiếng đồng hồ trên xe. Nhưng với trình độ tiếng Anh “bấp bõm” mà tôi không thể hiểu được nhiều! Vincent là người đã có nhiều kinh nghiệm trong việc hướng dẫn du lịch, nên ông ta biết pha trò khiến mọi người cười thoải mái trên các khoảng đường xa. Lần đi nầy, do tập họp được nhiều nhóm người từ các tiểu bang, mà qua đó đoàn chúng tôi mới thấy tiếng Anh của đoàn mình không khá lắm, ngoại trừ anh Hiệp vì anh làm nghề Thông dịch trong nhiều năm, nên chúng tôi thường dựa vào anh ở nhiều phương diện. Còn các đoàn khác đa số thì họ trẻ và được kinh qua trường học, hoặc những người dù già nhưng đã có vốn tiếng Anh giỏi từ trước.
Tôi chỉ hiểu loáng thoáng về câu chuyện cá “Salmon” mà Vincent đã kể trên đoạn đưòng nầy, ông kể cuộc sống và sự sinh sản của cá “Hồi”, thật là ông đã đọc tài liệu rất nhiều khiến tôi cũng học được chút ít. Cá Hồi là loại được sinh sản từ trên vùng núi cao, nước cạn. Khi đẻ xong cá mẹ lại phải chết và cá con nở ra sống trong vùng nước ngọt, rồi theo dần dòng nước đi vào sông, lúc đó người ta chỉ gọi là “Trout”. Ra đến cửa biển chúng sống ở đó cả năm để làm quen với nước biển. Sau đó thì ra đại dương vùng vẫy đến những vùng thật xa của đại dương, có khi xa đến cả mấy ngàn cây số. Lúc ở đại dương người ta gọi chúng là “Salmon”.
Vincent kể đến đây thì xe đã đến Hope là một thị trấn nằm ở phía đông của Vancouver, cách khoảng 154 cây số, ở đây là hợp lưu của hai con sông Fraser và Coquihalla. Xe vào bến để chúng tôi xuống nghỉ ngơi và đi vệ sinh. Tôi cùng mọi người đánh một vòng quanh đó và thu được vài hình ảnh của Hope. Ở đây có nhiều trụ được gọi là Totem Poles đặt ở nhiều nơi để trang điểm cho đường phố cùng đánh dấu cái lịch sử của nó qua thời gian. Hope được xây dựng gần sông và núi nên có vẻ nên thơ, khí trời vào Xuân hãy còn lành lạnh đối với chúng tôi, nhưng vào mùa Đông chắc là buồn lắm. Tôi đi vào vườn Nhật và ở đây tôi thử “selfie” để xem thế nào.
Nghỉ nửa tiếng, rồi chúng tôi lại lên xe tiếp tục cuộc hành trình vào lúc 10 giờ 15 trên con đường mang số 5, chứ không phải số 1 nữa. Sau vài câu chuyện vui vui, Vincent lại tiếp tục chuyện cá hồi và xe đang trên đường số 5 để hướng về Kamloops.
Cá hồi lại vượt biển về lại cửa sông mà nó đã đi ra để làm quen với nước lợ, cũng cả năm trời; rồi lại vượt nước đi về nguồn nơi mà nó xuất phát, để rồi đẻ trứng và lại chết. Vincent kể chi tiết khá nhiều như là ông đã đọc, nghiên cứu tài liệu về cá hồi nhằm chia sẻ kiến thức với những người đi tour du lịch như chúng tôi. Nhưng cũng chính vì vậy mà chúng tôi không cảm thấy mệt mỏi trên những đoạn đường dài hay những đoạn đường nguy hiểm vì chúng tôi mãi mê theo dõi điều ông kể, đồng thời lại được hiểu biết thêm đôi điều. Đôi khi ông chỉ theo cái hướng của đồng hồ để ông giải thích ngọn núi, vùng gì đó mà mọi người cần nên biết như: 9 giờ là phía tay trái của chúng tôi, 3 giờ là phía tay phải, 11 giờ là phía tay trái xéo về phía trước chẳng hạn. Sau chuyện kể về cá hồi ông lại chiếu phim về đời sống của cá để chúng tôi theo dõi nhằm bổ sung kiến thức. Tại sao ông lại nói về cuộc sống của cá hồi? Vì Canada có hai biểu tượng mà đi đâu cũng thấy là “Gấu” bắt “Cá hồi” để ăn, ngoài “chiếc lá” của cây phong (maple) trên lá cờ của xứ ấy.
Trên đoạn đường nầy chúng tôi đã thấy có nhiều đỉnh núi có tuyết phủ cùng những vùng tuyết tuột xuống theo những eo hẹp của sườn núi mà người ta gọi là “avalanche”. Màu xanh của núi rừng, màu trắng của tuyết làm tương phản màu sắc của thiên nhiên và cảnh đầu núi đầy tuyết trắng cùng vách đá màu đen sẫm vươn lên nền trời xanh với những áng mây làm nên cảnh đẹp mà tranh ảnh đã thể hiện rất nhiều ở những nơi xứ lạnh. Đến đây rồi tôi mới cảm nhận được cái đẹp của nó!
Cảnh rừng, núi, tuyết, bầu trời, mây. |
Ngồi trong xe mà tôi cứ ráng quay máy về những hướng ấy để thu lấy hình ảnh, nhiều người không hiểu tôi thu lấy để làm gì, có người gọi đùa tôi là phóng viên. Nhưng tôi đã thú thật với các bạn rồi: “Tôi thích quay các cảnh trên đường đi hơn”! Vì thế trong nhiều chuyến đi trước kia tôi cứ mãi mê cảnh bên ngoài, dọc đường; nên khi đến các di tích, hay cung điện chính thì máy đã hết “pin”. Từ đó tôi phải học lấy kinh nghiệm nên thường sau nầy tôi phải lo “đạn dược” đầy đủ cho dư chứ không thể thiếu. Có một lần tôi đi vòng đảo Đài Loan quay thật nhiều, nhưng khi về Hoa Liên thì máy bị hư hoàn toàn, thế nên trong chuyến ấy tôi bị mất hầu hết, chỉ trừ một số hình ảnh còn lại trong máy chụp hình! Thật là uổng công toi!
Cảnh núi tuyết hấp dẫn thật! Tuyết rơi đầy trong rừng thông, không biết đây là loại thông, tùng hay bách, nhưng dáng nhọn và cao thẳng lên, mà theo kiểu nầy, tuổi chúng chắc thật là cao, vì ở xứ lạnh có tuyết tất nhiên mỗi năm chúng chẳng lớn và được cao là bao nhiêu, nên với tầm cỡ như vậy chúng có thể lên đến hàng những trăm năm. Tôi cố nhìn thẳng vào trong rừng vẫn thấy tuyết đầy trên mặt đất, nhưng ngộ một điều là ở tại gốc nó không có tuyết, không biết là do tàng lá che chắn mà tuyết không đến được hay là trong gốc ấm hơn nên tuyết đã tan, ngay cả những cây nhỏ cũng vậy. Nơi nầy không xa với Hope, chỉ hơn độ nửa giờ xe chạy, chắc nơi đây là vùng Coquihalla Summit Recreation chăng?
Qua đoạn đường đó thì không còn thấy núi có tuyết nữa và có nhiều khoảng đồng bằng trống, tuy nhiên sự trồng trọt, canh tác không có nhiều. Đến khoảng 12 giờ 10, xe chúng tôi đến một thị trấn tương đối đông đúc, phồn thịnh nằm ở trong thung lũng kia. Vincent cho biết đó là Thành phố Kemloops là nơi hợp lưu của hai sông Nam, Bắc Thompson. Ở đây chúng tôi sẽ ghé thăm nơi bán và trồng sâm. Tức là một “farm” sâm!
Kamloops cách Vancouver vào khoảng 354 km đường xe chạy, có số dân hơn 90,000 người, là một Thành phố lớn với diện tích gần 300 km2. Chúng tôi băng qua thành phố và đến văn phòng của nhà máy chế biến sâm: “Ginseng Farm” để tham quan. Ở đây mọi người được cho uống thử nửa ly trà sâm, và được hướng dẫn đi đến những container đang sấy sâm cho khô, rồi sau đó mới vào trong “shed” để các người có trách nhiệm thuyết về cách trồng trọt, thời gian và thu hoạch sâm qua các bức tranh giới thiệu treo trên tường. Cuối cùng thì đi vào nơi bán để ai muốn mua thì mua từ kẹo sâm, râu, bột cho đến những củ sâm đắt tiền. Mua về để làm quà hay làm tốt cho sức khoẻ của người già. Một điều khiến tôi nghĩ đây là một công ty của người Trung Quốc hoặc sáng lập, hoặc họ mua lại vì toàn bộ nhân viên đều nói tiếng phổ thông Trung Quốc. Từ giã farm sâm chúng tôi lên xe đi ăn trưa ở một nhà hàng Tàu.
Sang đến 2 giờ 10 chúng tôi lại lên xe tiếp tục cuộc hành trình. Đường đi bây giờ không là đường số 5 nữa mà là đường 1 tức là nối trở lại đường Trans-Canada Highway để đi qua Salmon Arm chạy dọc theo bìa hồ Shuswap rồi qua Sicamous để đến Craigellachie, mà nơi đó có một đài tưởng niệm 100 năm ngày đóng cây đinh cuối cùng cho việc hoàn thành đường rầy xe lửa xuyên Canada vào ngày 7 tháng 12 năm 1885. Ở đây có gian hàng bán đồ lưu niệm cùng với địa điểm, dấu hiệu hướng dẫn cây đinh đường rầy cuối cùng để cho du khách biết, và cây đinh đó được đóng xuống do nhà tài chánh của dự án đường rầy là Donald Alexander Smith qua hình ảnh còn lưu lại. Và chúng tôi vừa tham quan vừa nghỉ ngơi, vừa tránh cơn mưa nhỏ ở đây cho đến 4 giờ 45 thì lại lên xe buýt để lên đường tiếp tục.
Xe chạy dọc theo bờ hồ Three Valley. Cuối bờ hồ có một “Chateau” rộng lớn mái đỏ chót mà Vincent giới thiệu đó là một cái khách sạn lớn với 200 phòng ngủ. Rồi xe lại băng qua thành phố Revelstoke đi vào những khu rừng núi, lúc đó đã quá 5 giờ. Đến chừng 6 giờ đoàn chúng tôi đã đến nơi len giữa hai dãy núi mà Vincent cho biết đó là Roger’s Pass. Hai bên dãy núi nhiều núi cao và phủ tuyết khá nhiều. có những nơi tuyết đổ xuống cùng với đất trông rất dơ, có nơi lan ra tới ngoài đường.
Núi tuyết và tuyết tuột (avalanche) |
Vincent cho biết mấy hôm trước đất chuồi ở khu vực nầy và người ta mới dọn dẹp xong. Tôi mới nhớ ngay sáng sớm hôm sau ngày đặt chân đến Canada tôi muốn coi thời tiết nên mở truyến hình để xem thì có tin tức báo ở Québec bị lụt lội nước dâng lên đến mức báo động, còn ở Bristish Columbia thì có đất chuồi nhưng tôi chẳng biết nơi nào, thì ra lại là nơi nầy.
Hiện tượng đất chuồi (landslide) |
Thế là chúng tôi hãy còn hên vì không bị trở ngại nào cả. Qua khu vực nầy Vincent nhắc mọi người lấy lại giờ của đồng hồ vì qua múi giờ khác của Tỉnh Alberta.
Đường xe lên cao nhìn sang bên phải một khung cảnh núi tuyết sáng rực lên và đẹp đẻ khiến mọi người đưa máy hoặc phone lên mà chụp lia lịa, còn tôi thì cứ thế mà quay, khi nào hứng chí thì chụp vài bôi hình. Rồi trên độ cao đó xe lần về hướng đông, núi có tuyết giảm dần để rồi chúng tôi về đến khách sạn Prestige ở Golden vào lúc hơn 8 giờ (giờ địa phương). Và sau đó chúng tôi đi ăn tối tại nhà hàng Kicking Horse Palace cũng gần đó.
Nguyên Thảo,
10/8/2017.