Saturday, August 5, 2017

*Khi Hoa Anh Đào Nở! (4)



Dù lỡ rồi, nhưng sáng khi dậy sớm (từ lúc 5 giờ) tôi cũng cầm máy để quay một vòng cảnh gần nửa thành phố Osaka vào ban đêm với không nhiều ánh đèn, để gọi là kỷ niệm cái thành phố đầu tiên mình đến khi đặt chân lên đất Nhật. Xong, tôi sửa soạn chuẩn bị những gì cho chuyến đi ngày hôm nay. Rồi một lần nữa cũng không quên cầm máy quay lại cái góc độ có Thành Osaka đẹp đẻ ở phía công viên, vườn tược bên kia sông khi trời sáng. Từ phòng tôi nhìn xuống là dòng sông O (O river), có cầu cho những người đi bộ sang công viên để tập thể dục; kế bên đó là một sân vận động thì phải, vì nó có những trụ đèn của nhiều bóng đèn cực mạnh để chiếu sáng về ban đêm. Tiếp đó là những tàng cây che cả một vùng rộng lớn, mà trung tâm của nó là Thành Osaka. Dọc hai bên sông O, người ta trồng nhiều cây anh đào đến nay hãy còn nhiều bông. Từ cầu đi qua là Osaka Jo Hall, và phía sau trên gò cao đó là Thành Osaka. Nó đứng sừng sững duyên dáng, nhưng không kém hùng tráng, thanh tao.
Và rồi, mọi người lần lượt kéo nhau xuống phòng ăn để ăn sáng khá sớm, vì sau đó hầu còn có nhiều thì giờ lo vài chuyện nữa, trong đó có việc vệ sinh cá nhân và thủ tục trả phòng. Với thời gian chờ đợi sự kiểm phòng của nhân viên trong khách sạn hơi lâu, nên chúng tôi lần ra bờ sông đi dọc theo những hàng cây anh đào mà chụp vài bôi hình, hoặc quay những cảnh nào mình thấy ưng ý để sau nầy ngồi xem lại như kỷ niệm của một lần đi.
Xe buýt đến, chúng tôi chuyển hành lý cho tài xế chất lên xe. Đoàn bắt đầu lên đường từ lúc 8 giờ 15. Cái thú của tôi lại là quay phim những phong cảnh dọc đường để nhìn cảnh nơi xứ người và phỏng đoán cái cách sống của người dân. Xe chạy trên đường tốc hành (không có đèn dừng lại) và chắc là đường trên cao, nên hầu hết các đoạn đường đều có nhiều vách ngăn ở hai bên để giới hạn tiếng động cho những khu dân cư đông đúc. Xe cũng chạy phần đường bên trái giống như ở bên Úc. Ra đến ngoại ô, tầm nhìn hai bên đường mở rộng vì không còn có những vách ngăn nữa. Tới các nơi có nhà nilông, tôi biết nơi đó là vùng nông nghiệp nên thường chú ý hơn để xem nông nghiệp xứ người ra sao. Còn về công nghiệp thì xứ Nhật nầy chắc đã là tiến bộ lắm rồi!
Đến 9 giờ 15 xe vào bãi đậu xe bên đường, đoàn chúng tôi xuống để ghé thăm Nijo-jo Castle. Thành nầy có âm theo tiếng Hán Việt là Nhị Điều được xây dựng bắt đầu từ năm 1603 dưới thời Mạc Phủ Tokugawa thứ nhất là Ieyasu và hoàn tất vào thời Mạc Phủ Tokugawa thứ ba là Iemitsu vào năm 1626; và nó được liên kết với vài công trình của thành Fushimi được xây dựng vào thời Momoyama (1573-16140). Thành nầy được xem là một trong những khuôn mẫu tinh tế nhất về cách kiến trúc, tranh ảnh, và nghệ thuật chạm trỗ của thời kỳ Edo và Momoyama trong văn hóa Nhật Bản. Được biết toàn khu thành rộng hơn 28 mẫu với hai lớp tường đá, hào sâu. Còn các công trình kiến trúc chiếm khoảng 8,000m2 gồm có cung điện Honmarru, Ninomarru các nhà bảo vệ, nhà bếp và các khu vườn.
Chúng tôi đi qua cổng và vào một dãy dài có các kệ để giày dép, để cởi giày vì giày phải bỏ ngoài rồi mới được đi tham quan trên các hành lang theo lộ trình chỉ dẫn, vì các cung điện nầy đều bằng gỗ. Không được phép quay phim, chụp hình. Đa số những phòng trống trơn với những hình nhân sáp để tạo cảnh sinh hoạt trong phòng ấy như thế nào của ngày xưa. Nhưng đặc biệt nhất là sàn gỗ được thiết kế có những tiếng kêu khi có người đi trên đó như là để tránh kẻ lạ đột nhập hay thích khách. Đi một vòng và cuối cùng ta được ngắm những khu vườn theo cách riêng biệt của người Nhật trước khi bước đến các dãy nhà dài lấy giày dép để ra ngoài.
Thành nầy trở thành lãnh địa của Hoàng gia khi Mạc Phủ thứ 15 của dòng Tokugawa là Yoshinoku trở nên Hoàng Đế. Đến năm 1884 Thành được đổi tên là Dinh Thự Nijo. Đến năm 1939 nó được hiến cho Thành phố Kyoto quản lý và được đổi tên là Nijo-jo Castle. Và UNESCO công nhận là Di Sản Thế Giới vào năm 1994.
Lúc 10 giờ 15, xe buýt lại trên đường đi, bây giờ chúng tôi sẽ đến tham quan Nishijin Textile Centre.  Trung tâm nầy không xa với Thành Nijo-jo bao nhiêu chỉ chừng 5 phút đồng hồ đi xe thôi. Đến đây để xem Kimono show và mua sắm vài món hàng lưu niệm.
Người ta bày bán tơ lụa và những bộ đồ kimono cùng những tranh ảnh bằng lụa, những quà lưu niệm trên tầng lầu 2. Chúng tôi cùng nhau lên đó để chọn cho mình những gì ưng ý. Riêng tôi chẳng biết mua gì đành lựa chọn cho mình vài bức tranh cho ba đứa cháu gái, và một đứa cháu trai để coi như là món quà nho nhỏ. Rồi sau đó cùng nhau dự vào một show trình diễn kimono của các cô gái Nhật ở sàn diễn tầng dưới.
Kimono show
Kimono show

Trung tâm nầy được xem như là một bão tàng viện của ngành dệt may ở vùng Nishijin nầy. Kỹ thuật và nghệ thuật dệt tơ lụa Nishijin được nhiều người biết đến từ thời kỳ đầu của cố đô Kyoto. Lúc đó khoảng vào năm 794 khi một phần của gia tộc “Hata dan” đến đây sinh sống nuôi tầm và dệt lụa. Họ rất giỏi về nghề nầy nên từ đó nền kinh tế ở Kyoto được phát triển đến đỗi Hoàng Đế Kanmu quyết định dời kinh đô về đây. Vào thời đại Edo có chừng 5000 xưởng dệt tơ lụa đa số nằm trong vùng Nishijin, và từ đó khu nầy trở nên nổi tiếng nhất của Nhật về tơ lụa cùng những bộ kimono truyền thống.
Sau, đoàn chúng tôi lên xe và được Jennifer đưa đi ăn trưa. Không biết đối với những người khác như thế nào chứ tôi cứ làm lạ là hầu như các đường không thấy thùng rác ở đâu, vậy mà đường phố vẫn luôn sạch sẽ; nhất là những hàng cây dọc đường, chúng được cắt tỉa như thế nào mà giống những cây bonsai to lớn, không bao nhiêu cành nhỏ vào khoảng thời gian nầy cả. Bây giờ thời tiết mùa Xuân có nhiều cây đâm chồi nẫy lộc, nhưng vẫn còn nhiều loại cây chưa vuơn mình được, chúng sáng sủa, vén gọn do cắt xén. Nghĩ thật là kỳ công và công cắt tỉa nầy phải “lắm công phu” cho các đường phố dù các cây hai bên đường đó là lớn hay nhỏ, thấp hay cao.
Xe đi vào “car park” nơi có nhà hàng Arashiyama mà chúng tôi sẽ ăn trưa ở đây. Nhưng nhà hàng đó ở trên lầu mà vì chưa tới giờ hẹn của chúng tôi nên đoàn còn rảo trong các gian hàng bán đủ thứ bánh kẹo, mứt ở tầng dưới. Sau chừng gần 20 phút, chúng tôi lên nhà hàng để cùng nhau ăn trưa. Đây là nhà hàng “buffet” Nhật nên chúng tôi ăn tùy thích. Xong, mọi người xuống để đi thăm cái cầu được giới thiệu là có tuổi khoảng 400 năm. Đó là cầu Togetsu. Cầu ở khu vực Arashiyama về phía Tây của Thành phố Tokyo. Cầu được xây bắt qua sông Katsura dài 155m
Có người viết: Cầu được xây dựng từ thời Heian (794-1185) để người hai bên sông qua lại được dễ dàng mà lại gần chùa Pháp Luân nên gọi là Pháp Luân Kiều. Rồi một ngày, Thượng Hoàng Kameyama (tại vị 1259-1274) đi du lãm trên sông vào đêm trăng rằm nên ngài thấy “bóng trăng như chạy qua cầu” và từ đó cầu có tên là “Độ Nguyệt Cầu” (Togetsu). Cầu có dáng thanh nhã, đẹp nhìn mãi mê không chán. Nước sông lúc nầy không nhiều, có hai bờ đập phía trên và phía dưới cầu để điều tiết lượng nước mà bão vệ cây cầu lịch sử nầy chăng? Hai bên bờ sông được lót đá thoai thoải, và trồng nhiều cây anh đào để tạo sự hấp dẫn khi trời vào Xuân. Lại có người cho biết thêm: Cầu được xây dựng ban đầu do nhà sư Dosho, đệ tử của cao tăng Kuhai, vào thời Thừa Hòa (834-848 đầu thời kỳ Heian). Cầu ấy nằm ở phía thượng nguồn so với hiện tại, nhưng qua nhiều lần bị hư hại do thiêu hủy, lụt lội nên dời về vị trí hiện tại từ năm 1606.
Đến 12 giờ 50 đoàn lại lên xe để Jennifer hướng dẫn sang Chùa Vàng.

Nguyên Thảo,
18/07/2017.



No comments:

Post a Comment