Tuesday, September 19, 2017

*Đường Đến Băng Hà. (4)



Golden là một thị trấn có khoảng gần 4,000 dân, nằm trên độ cao 800m cách Vancouver 713 km, như vậy là ngày hôm qua chúng tôi đã vượt hơn 700 km đường bộ và đã học được nhiều vấn đề, cho nên ông bà ta ngày xưa có nói “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” cũng đúng, nhưng mà mệt quá! Quả thật như vậy! Điều trước kia tôi chỉ nói chơi thôi, nhưng nghiệm lại thì thấy không sai. Chuyến đi du lịch nào cũng đều mệt nhoài về nhiều phương diện cả thể xác lẫn tinh thần: Nhiều thứ lo để chuẩn bị, bệnh hoạn, thủ tục lại đến đi đường dài, sáng dậy sớm ra đi, về đến khách sạn chỗ ngủ thì tối thui, không thể giặt quần áo được, thế mà ai cũng thích đi du lịch mới là lạ! “Tất cả mọi thứ đều mệt, nhưng chỉ có con mắt, óc tò mò là sướng thôi”! Đó là câu kết luận cho những chuyến đi du lịch, kể cả các chuyến đi “Cruise” là những chuyến trên tàu chỉ có “ăn, nghỉ, ngủ, chơi” thôi!
Chúng tôi được báo thức từ lúc 6 giờ, nhưng tôi và anh Thới đã dậy sớm hơn để uống cà phê, vệ sinh, tâm tình đôi chút vì chúng tôi đã biết nhau từ những năm đầu đến Úc. Nhưng sau ai cũng bận việc làm, con cái nên lâu lắm chẳng có dịp gặp nhau, bây giờ là dịp để kể cho nhau nghe những điều ở trong đời!
Đến 6 giờ rưỡi lên xe để rời khách sạn và đến ăn sáng ở nhà hàng Kicking Horse Palace lần nữa. Xong, xe bắt đầu đi ra đường số 1 (vào lúc 7 giờ 15) để thẳng hướng về Icefield vì mục tiêu hôm nay là đoàn sẽ đến Bristish Columbia Icefield. Chung quanh đây là cả năm cái Vườn Quốc Gia của Canada gồm có Glacier National Park về phía Tây, phía Đông Nam có Kootenay National Park, phía Đông có Yoho và Banff National Park, và về phía Bắc là Jasper National Park. Những “Vườn Quốc Gia” nầy được UNESCO công nhận là Di sản của thế giới vào năm 1984, mặc dù chúng được thành lập từ năm 1886 và về trước.
Xe lần đi vào khu vực của Yoho National Park tức là khu vực phía Tây của dãy núi đá Rocky Mountain chạy dài từ phía Nam Hoa Kỳ lên đây. Rocky có lẽ là loại trầm tích thạch từ đáy đại dương trồi lên cho nên hình dáng đa số núi của nó là trơ trọi đá ở phần trên, có màu sẫm đen, nhiều tầng lớp chồng chất lên nhau, nhiều nơi nhô ra thụt vào tạo nên dáng núi dễ coi nhưng lại có nét hùng vĩ. Núi nối tiếp thành dãy dài lại mang trên đỉnh đầy tuyết trắng xóa tạo nên một sự tương phản màu sắc, cộng với màu thanh thiên của bầu trời xanh tạo thành cảnh quang thật là đẹp khiến tôi không thể không liên tục cầm máy để quay, và nhiều người bạn cũng phải cầm phone lên để lấy vài bôi hình, mặc dù đang ngồi trong xe mà kính thì lại là kính nhuộm màu. Đến dãy núi Chancellor mọi người đều reo lên trong tiếng thuyết minh của Hướng dẫn viên Vincent. Cảnh rất là đẹp: Dãy núi đầy tuyết trắng ở trên, phía dưới là rừng thông xanh, sông Kicking Horse chảy len dưới thung lũng sâu kia.
Khoảng 8 giờ thì đoàn đến khu vực gọi là Mount Stephen, kế bên đường có con sông cạn, lòng tương đối rộng nhưng nước không nhiều, trên đó có nhiều đá, sỏi và còn nhiều mảng tuyết tan còn sót lại. Đây có lẽ là khởi nguồn cho sông Kicking Horse đổ qua Field và về Gorden. Bên kia là vài ngọn núi phủ tuyết tương đối đẹp mà Vincent nói đó là núi Stephen.
Mt. Stephen và Kicking Horse River.

Vincent cho mọi người nghỉ ngơi, đi vệ sinh, chụp hình ở đây trong thời gian ngắn. Khí trời hãy còn lạnh, nhưng chúng tôi vẫn thích thú chụp những bôi hình để làm duyên và kỷ niệm. Đa số đều mặc áo lạnh của tiệm Kathmandu mà tôi đùa là: “Đoàn nầy đi ở đây đã làm giàu cho tiệm Kathmandu”!
Sau chừng 15 phút, đoàn lại lên xe tiếp tục cuộc hành trình. Dọc đường có cái hồ lớn có tên là Wapta mà lớp mặt đang bị băng đông cứng gần hết mặt hồ. Lúc nầy tôi mới hiểu được những hình ảnh người ta đi trượt băng trên mặt hồ vào mùa Đông. Qua thêm một đoạn đường nữa của đường số 1 (tức Trans-Canada Highway) thì xe chuyển sang đường 93 để đi về Icefield hay đường còn có tên là Icefield Parkway theo hướng Tây Bắc. Từ đây chúng tôi đã làm quen với những cảnh núi tuyết và băng nên không còn ra vẻ ngạc nhiên nữa, chỉ ngồi trên xe để lặng nhìn cái phong cảnh ở bên ngoài mà trên xứ Úc chúng tôi chưa hề được thấy.
Đường đi dọc theo dãy núi ở bên phải nhưng bên trái thì núi xa hơn nên có nhiều hồ và một dòng sông chảy bên cạnh mà nguồn nước cung cấp là tuyết và băng đang tan. Đó là dòng sông Bow. Đến 9 giờ thì xe ngừng ở Crowfoot để chúng tôi được chụp hình núi Crowfoot cùng cái hồ đầy băng của nó ở trên kia.
Mt. Crowfoot.

Có nhiều xe buýt cũng dừng lại để du khách cùng xuống chụp hình. Bên lề đường là những đống tuyết cao mà chắc người ta đã dọn tuyết mở đường cho xe chạy. Màu đen của vách núi hùng dũng nổi bật lên trên nền trắng của tuyết khiến cho cảnh thêm phần hấp dẫn. Một hồi lâu ai cũng lạnh quá đành phải lên xe trước thời gian qui định.
Rồi chúng tôi lại đến Bow Lake sau đó chừng 10 phút và thêm một chập để chụp hình, làm duyên, làm dáng. Bow Lake giờ nầy vẫn còn đầy băng trắng xóa. Thôi thì mình cứ chụp hình với băng cùng tuyết trắng cho có vẻ “lạnh lùng”! Lúc đó, tôi lại nhớ đến lời một người nào đó đã nói: “Ở trên xứ Canada là ở trong một cái tủ lạnh vĩ đại” và tôi lại cười khảy lấy một mình! Không biết các bạn khác nghĩ thế nào, chứ ở nơi đây đối với du khách phương xa một đôi lần đến thăm thì đẹp, nhưng ở lâu rồi chắc là “buồn chết” mà thôi!

Bow Lake.

Hơn mười phút sau chúng tôi lại lên đường để trực chỉ về Icefield. Chẳng rõ độ cao bây giờ là bao nhiêu, nhưng các núi đều có tuyết bao phủ. Dọc đường tôi cố nhin và tự giải đáp những hiện tượng hay khung cảnh theo những kiến thức mà mình đã học được từ khi ở nhà trường. Học mà không có thực tế, đến bây giờ già rồi mình mới được chiêm nghiệm những gì của một quá khứ đã qua và qua thật là lâu! Đến 9 giờ 55 chúng tôi lại được nghỉ ngơi đi vệ sinh trong vài phút ở khu vực gần đó có một số nhà lưa thưa mà người ta để bảng là “The Crossing”. À! Thì ra đó là “Saskatchewan River Crossing” là cái điểm của những người du hành hoặc buôn bán lông thú dừng lại từ phía bắc của sông Saskatchewan để sang British Columbia vào thế kỷ thứ 19. Xong chúng tôi lại tiếp tục đoạn đường còn lại để đến được trung tâm “British Columbia Icefield” ở giữa ranh giới của Banff và Jaspers National Park vào lúc 10 giờ 30.
Vì giờ ăn trưa của chúng tôi chưa đến, nên mọi người quay quần chụp hình để chờ đợi. Tất cả chụp một tấm hình chung do Vincent, cô Liên hoặc nhờ một du khách khác để chụp cho toàn thể. Rồi mạnh ai nấy chụp cho những hình riêng tư. Sau thì đi vệ sinh hoặc tự do và hẹn đến phòng ăn cho buổi ăn trưa ở tại trung tâm nầy. Giờ ăn trưa của đoàn với nhà bếp ở đây là 11 giờ 15.
Dứt buổi ăn, chúng tôi còn dư thời giờ để nghỉ ngơi trong chốc lát và sau đó nhận vé đi tour mà Vincent đã đặt. Vé không đề giá là bao nhiêu nhưng mỗi người được một vé cho hai nơi: Glacier Advevture và Glacier Skywalk. Để bắt đầu, mọi người vào cổng với tấm vé cầm trên tay để trình cho người kiểm soát vé, rồi sau đó ra khu vực để xe buýt đưa đi. Từng chuyến chở người đi lên núi đầy tuyết theo con đường đã dọn sạch. Xe đến nơi gọi là “Ice explorer boarding station” để đợi chuyển sang một chuyến xe buýt đặc biệt khác có tên “Snow coach”. Những xe nầy có kiểu dáng của một xe buýt, tuy nhiên với bốn bánh trước và bốn bánh sau của nó có thể lớn hơn bánh sau của những máy cày với những lằn gai rất sâu, chắc để đặc biệt đi trên băng tuyết. Chúng tôi lên xe nhưng chưa biết nó sẽ đi đâu, thì xe dần tiến về bìa của vùng núi. Đường đi đâu mà chẳng thấy dấu xe? Thế rồi xe đậu ở trên bìa vực đợi chờ. Chúng tôi thấy phía dưới kia có chiếc xe buýt đang vượt dốc khá đứng để đi lên. Thì ra chúng tôi sẽ xuống dưới đó và xe đưa ra giữa nơi “dòng sông băng” to lớn ở đàng xa kia, nơi đang có một số người đi qua đi lại chụp hình hoặc nhởn nhơ. Xe trờ tới bắt đầu từ từ xuống dốc. Dốc không thoai thoải làm cho tôi hồi hộp, lỡ xe đi ào xuống thì sao. Nhưng rồi xe xuống cũng an toàn và đưa chúng tôi vào giữa bãi.

Băng hà Athabasca.

Đây là bãi băng hà Athabasca (Athabasca Glacier). Mọi người đã “Đến Băng Hà”, không còn là “Đường Đến” nữa mà là “Đang Đứng” trên “Băng Hà”. Băng hà nầy theo người ta tính đã được kết tụ từ Thời kỳ Đại Băng Hà (khoảng 238,000 đến 126,000 năm trước Tây Lịch) trên một diện tích khoảng 325 km2 có độ dầy từ 100 đến 365 m,  và vẫn còn tiếp nhận một lớp tuyết cao khoảng chừng 7 m hàng năm.
Trên Băng hà.

Trên bãi băng nầy không phải chỉ có riêng chúng tôi với những chiếc “Snowcoaches” không thôi, mà còn có một chiếc máy ủi, móc với giàn móc ở sau và càng ủi ở trước; cùng với chiếc máy bang khá nặng nề. Chúng bang mặt bằng để phục vụ khách du lịch đến đây như chúng tôi, và mọi người chỉ được di chuyển trong khu vực có giăng dây cờ. Ở đây ta có thể sờ, ngắm tuyết hoặc băng, hoặc đứng để nghe hơi lạnh toát ra từ băng tuyết hay gió lạnh từng cơn thổi tới. Tôi lại “selfie” cho mình vài tấm hình để xem đẹp xấu ra sao với tuổi già như thế nầy! Đến 1 giờ 15 mọi người lên xe để trở về trung tâm.
Cũng theo tài liệu thì Columbia Icefield nầy là Icefield nằm trên đỉnh của một lục địa phân chia lượng nước từ tuyết hay băng tan ra các vùng khác trong đó có 3 vùng chính: Các dòng chảy về phía Bắc chảy vào Bắc Băng Dương; các dòng chảy về hướng Đông đổ vào Hudson Bay tức là phía Bắc của Đại Tây Dương, và bãi băng nầy cũng là nguồn nước của hai sông Athabasca và North Saskachewan, tức là những lưu lượng chính của dòng sông Columbia chảy ra Thái Bình Dương ở ranh giới hai Tiểu bang Oregon và Washington của Hoa Kỳ.
Về đến trung tâm đoàn lại chờ xe buýt để đưa lên một nơi khác, đó là Glacier Skywalk.
Skywalk

Xe đưa chúng tôi đến đó trong vòng khoảng hơn 5 phút đồng hồ. Skywalk được thiết kế dọc theo bờ của một vách hẻm sâu, dài khoảng 400 m với 6 trạm để du khách thưởng ngoạn cái thung lũng Sunwapta sâu dưới kia với đầy cây thông “alpine”, dòng sông uốn khúc và ngắm nhìn cảnh vật thiên nhiên như là một đài quan sát ở trên cao. Nó cao khoảng trên 270 m so với đáy của thung lũng được thiết kế bằng thép, kính và gỗ. Người ta cho biết sự xây dựng phải tốn ba năm với số vốn là 21 triệu tiền Canada. Ở nơi cái vòng cung vươn ra ngoài bờ vách thung lũng hơn 30 m, được lót bằng kính, du khách có thể quan sát kỹ hơn dọc chiều dài lẫn chiều sâu của thung lũng kể cả vào thời gian mùa đông đầy tuyết đổ. Ở trên vòng cung ấy, người ta còn có thể phóng tầm nhìn đến những ngọn núi đầy tuyết phủ trên đỉnh cao, thưởng ngoạn trọn vẹn cái đẹp, kỳ thú của thiên nhiên.
Trong vòng hơn nửa tiếng đồng hồ đi trên skywalk cho bận đi và bận quay lại, chúng tôi ra trạm đón xe buýt để về lại trung tâm. Ở đây nghỉ ngơi trong chốc lát và đến 3 giở 30 đoàn lên xe của mình để trở về khách sạn. Tối nay chúng tôi sẽ ngủ ở Banff. Lượt về nầy không mấy ai chú ý theo dọc đường nữa, không háo hức như là lúc đến. Xe về đến khách sạn lúc 5 giờ 40, mọi người chuyển hành lý và nhận phòng. Nhưng với nhiều kinh nghiệm hướng dẫn du lịch, cho nên trước khi xe về khách sạn Vincent nhờ tài xế đảo một vòng trong thành phố để Vincent chỉ cho những nơi cần thiết vì tối nay chúng tôi phải đi tìm và tự túc ăn tối.

Nguyên Thảo,
20/09/2017.



Sunday, September 10, 2017

*Ăn Thua Đủ.


*Đùa Chút Chơi!  

Xuân nầy nở rộ những văn thơ,
Thiên hạ đua nhau ngắm sững sờ.
Bầu cử, sương rơi nghe chán ngắt!
Nông gia, gió thổi thấy râu phờ!
Tung tăng, chim hót như trêu ghẹo,
Lất phất, cỏ đùa lại ngẩn ngơ.
Cứ mỗi hai năm thì đáo lệ,
Lần sau có cũng: "Mùa văn thơ"?

Đồ Ngông,
29-09-02.



*Ăn Thua Đủ.      

Đã quá hai năm mới tới kỳ,
Phen nầy bầu cử lại lâm ly!
Um sùm, võ miệng nghe đinh óc,
Tá lả, văn thơ tối mặt mày...!
Tiếng chửi, tiếng la lo gọt dũa,
Từ thanh, từ tục chẳng nương tay.
Phen nầy lỡ hội, chờ phiên tới,
Tớ quyết ăn thua, tỏ mặt mày!

Đồ Ngông,
29-09-02.



*Hội Thi Quán Quân.     

Tớ dã tính rồi đợi tới phiên,
Hai năm qua lẹ! Thoáng sầu miên.
Hàng tôm sách vở, hằng ôn tập,
Bán cá ngón nghề, luyện khá siêng.
Chữ nghĩa tục thanh, đầy mọi túi,
Ý cay, ý đắng đủ ba miền.
Kỳ sau tớ quyết làm ra lẽ,
Thiên hạ biết tay...! Tớ: Gã điên!

Đồ Ngông,
29-09-02.

 


*"Hội" hay "Hụi"?       

Ta kết cùng nhau lập Hội, Đoàn,
Giúp nhau khi khốn, chia liên hoan...!
Đã lâu lâu lắm, tranh giành chức,
Lại mới mới đây, rẽ tập đoàn.
Danh "hảo", cùng nhau la chí chóe,
Tiếng "tồi", bè phái cứ oang oang.
Mai kia dân chúng đà chê chán,
Đừng trách vì sao họ chẳng "màng"!...

Đồ Ngông,
29-09-02.



*Khi Hoa Anh Đào Nở. (5)



Chúng tôi đến khu vực Chùa Vàng vào lúc quá 1 giờ. Xuống xe và theo đoàn người băng qua cái cổng màu đen sậm và vách tường vàng thì đến công viên rộng phía bên tay trái được trồng trọt vén khéo, mỹ thuật theo kiểu vườn Nhật mà chúng ta đã thấy ở nhiều nơi; cùng những dãy nhà hay cung thự của quan chức ngày xưa bên tay phải rồi đến một khoảng đất mà người ta đang chen chúc nhau. Thì ra kia là Chùa Vàng!
Chùa Vàng
Chùa Vàng (góc cạnh khác)
Chùa Vàng (Kinkaku ji) được phiên âm theo Hán Việt là Kim Các Tự, nhưng tên phổ thông là Rokuon ji (Lộc Uyển Tự). Kiến trúc nguyên thủy được xây dựng từ năm 1397 dùng làm nơi nghỉ ngơi của Shogun Ashikaga Yoshimitsu sau khi mua lại của Saionji Kinsune. Khi ông Shogun nầy chết đi thì con ông đã biến dinh thự nầy thành chùa thuộc phái Thiền Lâm Tế theo ước nguyện của ông. Trong cuộc chiến Onin (1467-1477) chùa bị thiêu rụi nhưng rồi được xây lại sau đó.
Đến tháng 7 năm 1950 chùa bị thiêu rụi lần nữa do chú tiểu (nhà sư mới vào tu) 22 tuổi Hayashi Yoken gây nên, rồi chú tự tử ở đồi Daimon ji. Nhưng chú không chết và bị bắt, kêu án tù 7 năm; sau được thả ra vì bệnh tâm thần (1955) và chú chết vào tháng 3/1956 bởi bệnh lao. Cấu trúc hiện tại dựng lại từ năm 1955 với ba tầng gác cao khoảng 12m rưỡi được dát vàng dựa theo cấu trúc nguyên bản. Đến năm 1984 người ta dát thêm một lớp vàng nữa đến 1987 thì hoàn tất, và phần mái được trùng tu vào năm 2003.
Chùa in bóng trên mặt ao và rực sáng lên nhờ màu của vàng lá được dát lên hai tầng gác trên của chùa. Người ta thi nhau làm duyên chụp ảnh với bối cảnh ao hồ, chùa ở phía sau. Vì nhiều phái đoàn lại đông người nên chụp được một tấm hình đẹp không phải là dễ. Thôi thì cứ “selfie” hay chụp đại cho đỡ tốn thì giờ! Thế là người ta cứ thi nhau chụp! Còn tôi thì đưa máy lên cao mà quay, thỉnh thoảng chụp vài cái cầu may! Cũng hên là trời không còn mưa lâm râm nên đường khỏi dơ, hình thêm sáng sủa. Chùa Vàng óng ánh soi bóng trên mặt nước của ao tạo một cảnh đẹp lộng lẫy nên ao được đặt tên là Ao Gương (Kính Trì: Kyoko chi).
Con đường quanh bờ ao đầy người, họ vừa đi thong thả vừa quan sát ở nhiều góc cạnh của chùa, nhưng đường ấy cũng là ngõ đi lần ra ngoài. Đường đi dần lên cao trên đồi để du khách có thể ngó xuống, Chùa lẫn khuất trong những lùm cây tạo nên một khung cảnh thật là Thiền và yên tịnh nếu trong những giờ không còn du khách. Lần lên cao rồi đi theo con đường xuống từ từ vòng trở lại xe buýt để chúng tôi làm một chuyến đi sang nơi khác.
Hai giờ đã lên xe và đến 2 giờ 45 thì đến khu vực đường lên chùa Kiyomizu Dera. Xe đâu vào bãi đậu khoảng một phần đường đi lên. Chúng tôi phải vượt con đường dốc khá cao, và người thì quá đông, nên chúng tôi cố bám theo Jennifer để lên đến tận trên rồi tập họp lại cho Jennifer dặn dò trước khi ai nấy tự do đi. Tôi thấy có nhiều đoàn mặc kimono đi lên chùa, một số thì là gương mặt người Nhật, còn một số hình như là người Trung Quốc vì theo giọng nói giống như họ nói tiếng phổ thông, chắc là những nàng thiếu nữ Tàu thử mặc bộ đồ kimono như là một sự hiếu kỳ. Lúc nầy tôi đi chung với anh Nhi, còn vợ tôi cùng mấy bà đi với nhau. Tôi và anh Nhi đi vào chùa chính. Người đi chùa thì có người vào trong chính điện để lễ Phật, còn nhiều người thì đi vãng cảnh chùa. Tôi và anh Nhi thuộc loại thứ hai, chúng tôi đi vòng ra phía trước trên cái ban-công đứng nhìn xuống phía dưới nó khá sâu. Lúc trước khi chưa đi tôi thấy cái hình có nhiều người đứng trên ban-công ấy xen vào những chòm cây và có ghi chú chùa là di sản thế giới tôi hơi thấy lạ. Đến nay khi đến đây rồi mới thấy quả thật nó có nhiều cái hay và nhất là nó được dựng trên một sườn đồi (hay núi?) với một kiến trúc công phu.
Thanh Thủy Tự
Kiyomizu Dera và T.P Kyoto xa xa.

Thanh Thủy Tự nầy (tên chùa Kiyomizu Dera gọi theo tiếng Hán Việt) là ngôi chùa nổi tiếng nhất ở Kyoto. Phong cảnh đẹp kể cả ở bốn mùa. Hàng năm nó đón khoảng 3 triệu người đến hành hương. Tên Kiyomizu dera bắt nguồn từ nguồn nước trong chảy vào con thác Otawa trong núi Otawayama.
Chùa được xây dựng từ năm 778 do nhà sư Enchin cùng với cư sĩ Gyoei (ông tổ của ngôi chùa đã tu hành khổ hạnh dưới dòng thác Otawa. Hiện nay các dòng thác nầy vẫn còn tồn tại. Nhiều lần chùa bị cháy. Và đến năm 1633 các kiến trúc hiện nay được dựng lại theo lệnh của Tokugama Iemitsu, đặc biệt là không sử dụng đến cây đinh nào. Phần chính của chùa là “Vũ đài Kiyomizu”, vũ đài nầy là bộ phận trung tâm của hành lang đi phía ngoài chánh điện nhô ra từ vách đá được chống đỡ bằng 139 cây cột bằng gỗ bách cao 13m, được xây dựng để có đủ chỗ cho số người hành hương đông đúc. Từ vũ đài nầy mới có thành ngữ “nhảy từ vũ đài chùa Kiyomizu” có từ thời Edo để mong ước điều mình mong muốn thành hiện thực. Sau, hành động nầy bị nghiêm cấm. Chúng tôi qua hành lang vũ đài ấy thì đến khoảng trống ở trên có ngôi đền của Thần Đạo với những bậc thang đi lên và qua cổng Torii đó là đền Jishu-jinja hay là đền mai mối. Nơi nầy có cặp “đá tình yêu” cách nhau 18m, tương truyền người nào nhắm mắt đi từ tảng đá nầy đến được tảng đá kia thì tìm được tình yêu đích thực.
Đền Thần Đạo Jishu-Jinja (phía sau Chùa Kiyomazu) 

Đền nầy người ta lên cũng đông! Chúng tôi thả dọc theo đường bìa núi. Đến khoảng giữa ngó lại về chùa thì đây là góc cạnh mà những nhà nhiếp ảnh thường chụp nhất. Kia là “vũ đài” ở giữa tán cây làm cho chùa có một vẻ hấp dẫn và nên thơ còn ngó về xa kia thì là thành phố Kyoto. Tôi cố tìm những góc cạnh nào đẹp hơn và thu thành phố Kyoto lại cho gần hơn từ vách núi của chùa Kiyomazu. Đi cuối con đường để đi xuống mà không đến một cái tháp ở bên ngọn đồi kia, vòng xuống nữa thì đến nơi ba dòng nước đang chảy qua những cái máng. À! Tên Thanh Thủy của chùa là từ những dòng nước nầy mà ra! Người ta đang sắp hàng để tới phiên mình hứng nước thật là dài. Mọi người tin rằng uống nước nầy sẽ giúp thực hiện được điều ước, trường thọ, khỏe mạnh và thành công trong học tập!
Tôi đang đứng trước cái khung sườn những cây cao chống đỡ cho cái “vũ đài” đang đầy người trên kia. Những cây đây mà cao quá vậy, lại to lớn thế kia, bằng cách nào mà người ta dựng lên được. Đây là lần thứ nhì mà tôi thắc mắc giống như mấy cây cột trên thềm cao ở chùa Todaiji ở Nara. Kế đó, là nơi bia đá nhiều thiếu nữ mặc đồ Kimono đang xúm xít chụp hình cho nhau hoặc “selfie” nhưng họ nói bằng tiếng Trung chứ không là tiếng Nhật. Lần ra ngoài chúng tôi đang theo con đường đi xuống gặp Phong, Hường với hai đứa con. Mấy đứa con nó muốn đi tìm kiếm Nhật, tôi và anh Nhi đi theo coi thử như thế nào. Nhưng kiếm ở đây bán cũng không rẽ nếu tính theo tiền Úc, và cái quan trọng nhất mà Phong do dự là không biết đem về Úc có được hay không. Thế rồi coi mà chẳng dám mua! Chúng tôi đi lần xuống để về nơi xe đậu để chờ đi sang Kobe.
Xe khởi hành từ lúc 4 giờ 05 phút, nhưng vì đường xuống nhỏ hẹp mà lại phải kẹt xe cho nên lướng vướng ở đây cả nửa giờ đồng hồ. Trải qua khoảng một tiếng rưỡi chạy trên đường cao tốc từ Kyoto để sang Kobe. Theo như Jennifer cho biết thì Thành phố Kobe bị tàn phá nặng nề vào tháng 1/1995 do cơn động đất 7.2 độ Richter gây nên khiến hơn 6 ngàn người chết và khoảng 300,000 người không còn nhà cửa.
Kobe là thành phố cảng quan trọng của Nhật cùng với các cảng Yokohama, Osaka, Nagoya và Tokyo, có dân số chừng 1 triệu 500 ngàn, Thành phố hiện tại được xây dựng lại từ sau thảm họa động đất. Thành phố Kobe chạy dài giữa bờ biển và rặng núi bên trong nên hình thể kéo dài, vì thế mà xe chạy trên đường cao tốc với thành vách che chắn tiếng động trên nhiều khoảng đường thật là dài. Kobe nổi tiếng với món thịt bò Wagyu, hay người ta thường gọi là thịt bò Kobe. Xe chúng tôi len qua các khu phố và đến khu vực cảng vào lúc hơn 6 giờ. Xe đậu ở bãi đậu gần Tháp đỏ, rồi chúng tôi đi vào nhà hàng ở khu thương mại kế đó để ăn tối. Trong bữa ăn nầy cũng có thịt bò nhưng không chắc là phần thịt bò mắc tiền ấy ở đây mặc dù chỉ là vài lát thịt mà thôi.
Kobe cũng được nổi danh là thành phố được xây dựng lại nhanh nhất sau thảm họa đổ nát của động đất: Điện, nước, khí đốt được phục hồi sau 3 tháng; hệ thống đường sá, đường xe lửa trong vòng 1 năm. Mọi thứ hoàn chỉnh vào tháng 3/1997. Và cũng ở kinh nghiệm ấy, nơi đây đã đào tạo các chuyên gia cũng như nhân lực để phục hồi nhanh cho các nơi có thiên tai.
Sau bữa ăn tối xong, chúng tôi có thì giờ để ra ngoài ngắm khung cảnh ở cảng biển nầy. Đàng kia là vòng quay để người ta có thể ngồi trên đó mà thưởng ngoạn khung cảnh trên độ cao, đang đổi màu theo từng khoảng thời gian. Đó là những chiếc tàu với nhiều cần cẩu bốc dỡ hàng vươn tay dài trong bóng đêm. Nọ là Tháp Kobe hiện lên với màu đỏ vàng rực sáng.
Chúng tôi lại gặp được một số em nhỏ ngưòi Việt du học và định cư ở Nhật cũng đang tham quan khung cảnh của cảng biển nầy vì họ có một vài người bạn từ San Diego (Mỹ) qua chơi. Chúng tôi cũng trò chuyện khá lâu với các em để rồi sau đó từ giã ra xe đi về chỗ trọ: Đó là khách sạn Ariston Hotel. Xe về đến “hotel” vào khoảng gần 7 giờ rưỡi.

Nguyên Thảo,
29/07/2017.







Saturday, September 9, 2017

*Ông Quá Tôi!



*Thì Ra Thế! 

À thế!... Thì ra... Đã hiểu rồi!
Vì sao ông mãi muốn "chơi" thôi.
Đám người dơ bẩn trông gay mắt,
Một lũ khoe khoang lại quá tồi.
Bởi vậy, ông đeo cho tới đích,
Dù rằng người bảo bỏ cho rồi.
Nhưng ông có quét thì nương nhẹ,
Đừng quét "đùng đùng" gãy chổi thôi!

Đồ Ngông,
12-08-02.

 


*Ông Quá Tôi!   

Ông muốn thì tôi cũng muốn thôi!
Dẹp đi rác rưởi đẹp cho đời.
Đường ông có khác tôi đôi chút,
Sức khỏe ông còn khỏe quá tôi!

Nai lưng, ông vác chổi hơi to,
Thịt bắp vai u, ráng sức bò
Đừng cố, quá chừng coi đuối sức,
Không thành, chúng sẽ mỉa cười cho.

Thân tôi sức yếu, nhờ thơ thôi!
Thơ chửi đời chơi, gởi mọi người
Chổi hóa thơ, thơ thành bó chổi,
Quét đời, cứ đọc quét đời chơi.

Nhân thế, trên gian lại lắm người,
Không từ, chẳng bỏ những tanh hôi,
Ma vương, quỷ sứ, Sa Tăng loại...
Càng khuấy đời dơ, bẩn quá thôi!

Lỡ lúc sanh ra gặp phải thời
Đứng nhìn! Thì khó ngó coi chơi!
Nếu ai cũng vậy thì càng tệ
Tôi hóa thành ngông! Ông quá tôi!

Đồ Ngông,
14-08-02.



*Gian Ngoa.     

Thủ đoạn gian ngoa, hắn đã rành
Tiền vô trong túi, lẫn ôm danh
Dựa người, nương thế thừa cơ hội,
Danh lợi về ta: Sự đã thành.

Chuyện xấu, hắn làm ai có biết
Khéo che hơn kín miệng con người.
Thằng nào dại dột thì cam chịu,
Chẳng lỗi do ta ở chỗ nào.

Bạn bè cẩn thận với thằng gian,
Chẳng kể gì ai, chẳng ngó ngàng,
Chẳng nghĩ ơn sâu, cùng nghĩa nặng
"Phụ người, (hơn) người phụ": Một thằng gian!

Đồ Ngông,
17-08-02.



*Phách Lối.    

Dương dương tự đắc giống gà nhà
Như thể trong đời chỉ có ta
Danh giá, gia phong vang một cõi
Người đời thế tục cũng phương xa.
Trên trời, dưới đất y là rốn,
Tả hữu không gian giữa lại nhà.
Nhân thế đã rằng: "Thằng phách lối"
Tưởng rằng nó khác, cũng "đồ" ra!

Đồ Ngông,
17-08-02.