Tuesday, September 19, 2017

*Đường Đến Băng Hà. (4)



Golden là một thị trấn có khoảng gần 4,000 dân, nằm trên độ cao 800m cách Vancouver 713 km, như vậy là ngày hôm qua chúng tôi đã vượt hơn 700 km đường bộ và đã học được nhiều vấn đề, cho nên ông bà ta ngày xưa có nói “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” cũng đúng, nhưng mà mệt quá! Quả thật như vậy! Điều trước kia tôi chỉ nói chơi thôi, nhưng nghiệm lại thì thấy không sai. Chuyến đi du lịch nào cũng đều mệt nhoài về nhiều phương diện cả thể xác lẫn tinh thần: Nhiều thứ lo để chuẩn bị, bệnh hoạn, thủ tục lại đến đi đường dài, sáng dậy sớm ra đi, về đến khách sạn chỗ ngủ thì tối thui, không thể giặt quần áo được, thế mà ai cũng thích đi du lịch mới là lạ! “Tất cả mọi thứ đều mệt, nhưng chỉ có con mắt, óc tò mò là sướng thôi”! Đó là câu kết luận cho những chuyến đi du lịch, kể cả các chuyến đi “Cruise” là những chuyến trên tàu chỉ có “ăn, nghỉ, ngủ, chơi” thôi!
Chúng tôi được báo thức từ lúc 6 giờ, nhưng tôi và anh Thới đã dậy sớm hơn để uống cà phê, vệ sinh, tâm tình đôi chút vì chúng tôi đã biết nhau từ những năm đầu đến Úc. Nhưng sau ai cũng bận việc làm, con cái nên lâu lắm chẳng có dịp gặp nhau, bây giờ là dịp để kể cho nhau nghe những điều ở trong đời!
Đến 6 giờ rưỡi lên xe để rời khách sạn và đến ăn sáng ở nhà hàng Kicking Horse Palace lần nữa. Xong, xe bắt đầu đi ra đường số 1 (vào lúc 7 giờ 15) để thẳng hướng về Icefield vì mục tiêu hôm nay là đoàn sẽ đến Bristish Columbia Icefield. Chung quanh đây là cả năm cái Vườn Quốc Gia của Canada gồm có Glacier National Park về phía Tây, phía Đông Nam có Kootenay National Park, phía Đông có Yoho và Banff National Park, và về phía Bắc là Jasper National Park. Những “Vườn Quốc Gia” nầy được UNESCO công nhận là Di sản của thế giới vào năm 1984, mặc dù chúng được thành lập từ năm 1886 và về trước.
Xe lần đi vào khu vực của Yoho National Park tức là khu vực phía Tây của dãy núi đá Rocky Mountain chạy dài từ phía Nam Hoa Kỳ lên đây. Rocky có lẽ là loại trầm tích thạch từ đáy đại dương trồi lên cho nên hình dáng đa số núi của nó là trơ trọi đá ở phần trên, có màu sẫm đen, nhiều tầng lớp chồng chất lên nhau, nhiều nơi nhô ra thụt vào tạo nên dáng núi dễ coi nhưng lại có nét hùng vĩ. Núi nối tiếp thành dãy dài lại mang trên đỉnh đầy tuyết trắng xóa tạo nên một sự tương phản màu sắc, cộng với màu thanh thiên của bầu trời xanh tạo thành cảnh quang thật là đẹp khiến tôi không thể không liên tục cầm máy để quay, và nhiều người bạn cũng phải cầm phone lên để lấy vài bôi hình, mặc dù đang ngồi trong xe mà kính thì lại là kính nhuộm màu. Đến dãy núi Chancellor mọi người đều reo lên trong tiếng thuyết minh của Hướng dẫn viên Vincent. Cảnh rất là đẹp: Dãy núi đầy tuyết trắng ở trên, phía dưới là rừng thông xanh, sông Kicking Horse chảy len dưới thung lũng sâu kia.
Khoảng 8 giờ thì đoàn đến khu vực gọi là Mount Stephen, kế bên đường có con sông cạn, lòng tương đối rộng nhưng nước không nhiều, trên đó có nhiều đá, sỏi và còn nhiều mảng tuyết tan còn sót lại. Đây có lẽ là khởi nguồn cho sông Kicking Horse đổ qua Field và về Gorden. Bên kia là vài ngọn núi phủ tuyết tương đối đẹp mà Vincent nói đó là núi Stephen.
Mt. Stephen và Kicking Horse River.

Vincent cho mọi người nghỉ ngơi, đi vệ sinh, chụp hình ở đây trong thời gian ngắn. Khí trời hãy còn lạnh, nhưng chúng tôi vẫn thích thú chụp những bôi hình để làm duyên và kỷ niệm. Đa số đều mặc áo lạnh của tiệm Kathmandu mà tôi đùa là: “Đoàn nầy đi ở đây đã làm giàu cho tiệm Kathmandu”!
Sau chừng 15 phút, đoàn lại lên xe tiếp tục cuộc hành trình. Dọc đường có cái hồ lớn có tên là Wapta mà lớp mặt đang bị băng đông cứng gần hết mặt hồ. Lúc nầy tôi mới hiểu được những hình ảnh người ta đi trượt băng trên mặt hồ vào mùa Đông. Qua thêm một đoạn đường nữa của đường số 1 (tức Trans-Canada Highway) thì xe chuyển sang đường 93 để đi về Icefield hay đường còn có tên là Icefield Parkway theo hướng Tây Bắc. Từ đây chúng tôi đã làm quen với những cảnh núi tuyết và băng nên không còn ra vẻ ngạc nhiên nữa, chỉ ngồi trên xe để lặng nhìn cái phong cảnh ở bên ngoài mà trên xứ Úc chúng tôi chưa hề được thấy.
Đường đi dọc theo dãy núi ở bên phải nhưng bên trái thì núi xa hơn nên có nhiều hồ và một dòng sông chảy bên cạnh mà nguồn nước cung cấp là tuyết và băng đang tan. Đó là dòng sông Bow. Đến 9 giờ thì xe ngừng ở Crowfoot để chúng tôi được chụp hình núi Crowfoot cùng cái hồ đầy băng của nó ở trên kia.
Mt. Crowfoot.

Có nhiều xe buýt cũng dừng lại để du khách cùng xuống chụp hình. Bên lề đường là những đống tuyết cao mà chắc người ta đã dọn tuyết mở đường cho xe chạy. Màu đen của vách núi hùng dũng nổi bật lên trên nền trắng của tuyết khiến cho cảnh thêm phần hấp dẫn. Một hồi lâu ai cũng lạnh quá đành phải lên xe trước thời gian qui định.
Rồi chúng tôi lại đến Bow Lake sau đó chừng 10 phút và thêm một chập để chụp hình, làm duyên, làm dáng. Bow Lake giờ nầy vẫn còn đầy băng trắng xóa. Thôi thì mình cứ chụp hình với băng cùng tuyết trắng cho có vẻ “lạnh lùng”! Lúc đó, tôi lại nhớ đến lời một người nào đó đã nói: “Ở trên xứ Canada là ở trong một cái tủ lạnh vĩ đại” và tôi lại cười khảy lấy một mình! Không biết các bạn khác nghĩ thế nào, chứ ở nơi đây đối với du khách phương xa một đôi lần đến thăm thì đẹp, nhưng ở lâu rồi chắc là “buồn chết” mà thôi!

Bow Lake.

Hơn mười phút sau chúng tôi lại lên đường để trực chỉ về Icefield. Chẳng rõ độ cao bây giờ là bao nhiêu, nhưng các núi đều có tuyết bao phủ. Dọc đường tôi cố nhin và tự giải đáp những hiện tượng hay khung cảnh theo những kiến thức mà mình đã học được từ khi ở nhà trường. Học mà không có thực tế, đến bây giờ già rồi mình mới được chiêm nghiệm những gì của một quá khứ đã qua và qua thật là lâu! Đến 9 giờ 55 chúng tôi lại được nghỉ ngơi đi vệ sinh trong vài phút ở khu vực gần đó có một số nhà lưa thưa mà người ta để bảng là “The Crossing”. À! Thì ra đó là “Saskatchewan River Crossing” là cái điểm của những người du hành hoặc buôn bán lông thú dừng lại từ phía bắc của sông Saskatchewan để sang British Columbia vào thế kỷ thứ 19. Xong chúng tôi lại tiếp tục đoạn đường còn lại để đến được trung tâm “British Columbia Icefield” ở giữa ranh giới của Banff và Jaspers National Park vào lúc 10 giờ 30.
Vì giờ ăn trưa của chúng tôi chưa đến, nên mọi người quay quần chụp hình để chờ đợi. Tất cả chụp một tấm hình chung do Vincent, cô Liên hoặc nhờ một du khách khác để chụp cho toàn thể. Rồi mạnh ai nấy chụp cho những hình riêng tư. Sau thì đi vệ sinh hoặc tự do và hẹn đến phòng ăn cho buổi ăn trưa ở tại trung tâm nầy. Giờ ăn trưa của đoàn với nhà bếp ở đây là 11 giờ 15.
Dứt buổi ăn, chúng tôi còn dư thời giờ để nghỉ ngơi trong chốc lát và sau đó nhận vé đi tour mà Vincent đã đặt. Vé không đề giá là bao nhiêu nhưng mỗi người được một vé cho hai nơi: Glacier Advevture và Glacier Skywalk. Để bắt đầu, mọi người vào cổng với tấm vé cầm trên tay để trình cho người kiểm soát vé, rồi sau đó ra khu vực để xe buýt đưa đi. Từng chuyến chở người đi lên núi đầy tuyết theo con đường đã dọn sạch. Xe đến nơi gọi là “Ice explorer boarding station” để đợi chuyển sang một chuyến xe buýt đặc biệt khác có tên “Snow coach”. Những xe nầy có kiểu dáng của một xe buýt, tuy nhiên với bốn bánh trước và bốn bánh sau của nó có thể lớn hơn bánh sau của những máy cày với những lằn gai rất sâu, chắc để đặc biệt đi trên băng tuyết. Chúng tôi lên xe nhưng chưa biết nó sẽ đi đâu, thì xe dần tiến về bìa của vùng núi. Đường đi đâu mà chẳng thấy dấu xe? Thế rồi xe đậu ở trên bìa vực đợi chờ. Chúng tôi thấy phía dưới kia có chiếc xe buýt đang vượt dốc khá đứng để đi lên. Thì ra chúng tôi sẽ xuống dưới đó và xe đưa ra giữa nơi “dòng sông băng” to lớn ở đàng xa kia, nơi đang có một số người đi qua đi lại chụp hình hoặc nhởn nhơ. Xe trờ tới bắt đầu từ từ xuống dốc. Dốc không thoai thoải làm cho tôi hồi hộp, lỡ xe đi ào xuống thì sao. Nhưng rồi xe xuống cũng an toàn và đưa chúng tôi vào giữa bãi.

Băng hà Athabasca.

Đây là bãi băng hà Athabasca (Athabasca Glacier). Mọi người đã “Đến Băng Hà”, không còn là “Đường Đến” nữa mà là “Đang Đứng” trên “Băng Hà”. Băng hà nầy theo người ta tính đã được kết tụ từ Thời kỳ Đại Băng Hà (khoảng 238,000 đến 126,000 năm trước Tây Lịch) trên một diện tích khoảng 325 km2 có độ dầy từ 100 đến 365 m,  và vẫn còn tiếp nhận một lớp tuyết cao khoảng chừng 7 m hàng năm.
Trên Băng hà.

Trên bãi băng nầy không phải chỉ có riêng chúng tôi với những chiếc “Snowcoaches” không thôi, mà còn có một chiếc máy ủi, móc với giàn móc ở sau và càng ủi ở trước; cùng với chiếc máy bang khá nặng nề. Chúng bang mặt bằng để phục vụ khách du lịch đến đây như chúng tôi, và mọi người chỉ được di chuyển trong khu vực có giăng dây cờ. Ở đây ta có thể sờ, ngắm tuyết hoặc băng, hoặc đứng để nghe hơi lạnh toát ra từ băng tuyết hay gió lạnh từng cơn thổi tới. Tôi lại “selfie” cho mình vài tấm hình để xem đẹp xấu ra sao với tuổi già như thế nầy! Đến 1 giờ 15 mọi người lên xe để trở về trung tâm.
Cũng theo tài liệu thì Columbia Icefield nầy là Icefield nằm trên đỉnh của một lục địa phân chia lượng nước từ tuyết hay băng tan ra các vùng khác trong đó có 3 vùng chính: Các dòng chảy về phía Bắc chảy vào Bắc Băng Dương; các dòng chảy về hướng Đông đổ vào Hudson Bay tức là phía Bắc của Đại Tây Dương, và bãi băng nầy cũng là nguồn nước của hai sông Athabasca và North Saskachewan, tức là những lưu lượng chính của dòng sông Columbia chảy ra Thái Bình Dương ở ranh giới hai Tiểu bang Oregon và Washington của Hoa Kỳ.
Về đến trung tâm đoàn lại chờ xe buýt để đưa lên một nơi khác, đó là Glacier Skywalk.
Skywalk

Xe đưa chúng tôi đến đó trong vòng khoảng hơn 5 phút đồng hồ. Skywalk được thiết kế dọc theo bờ của một vách hẻm sâu, dài khoảng 400 m với 6 trạm để du khách thưởng ngoạn cái thung lũng Sunwapta sâu dưới kia với đầy cây thông “alpine”, dòng sông uốn khúc và ngắm nhìn cảnh vật thiên nhiên như là một đài quan sát ở trên cao. Nó cao khoảng trên 270 m so với đáy của thung lũng được thiết kế bằng thép, kính và gỗ. Người ta cho biết sự xây dựng phải tốn ba năm với số vốn là 21 triệu tiền Canada. Ở nơi cái vòng cung vươn ra ngoài bờ vách thung lũng hơn 30 m, được lót bằng kính, du khách có thể quan sát kỹ hơn dọc chiều dài lẫn chiều sâu của thung lũng kể cả vào thời gian mùa đông đầy tuyết đổ. Ở trên vòng cung ấy, người ta còn có thể phóng tầm nhìn đến những ngọn núi đầy tuyết phủ trên đỉnh cao, thưởng ngoạn trọn vẹn cái đẹp, kỳ thú của thiên nhiên.
Trong vòng hơn nửa tiếng đồng hồ đi trên skywalk cho bận đi và bận quay lại, chúng tôi ra trạm đón xe buýt để về lại trung tâm. Ở đây nghỉ ngơi trong chốc lát và đến 3 giở 30 đoàn lên xe của mình để trở về khách sạn. Tối nay chúng tôi sẽ ngủ ở Banff. Lượt về nầy không mấy ai chú ý theo dọc đường nữa, không háo hức như là lúc đến. Xe về đến khách sạn lúc 5 giờ 40, mọi người chuyển hành lý và nhận phòng. Nhưng với nhiều kinh nghiệm hướng dẫn du lịch, cho nên trước khi xe về khách sạn Vincent nhờ tài xế đảo một vòng trong thành phố để Vincent chỉ cho những nơi cần thiết vì tối nay chúng tôi phải đi tìm và tự túc ăn tối.

Nguyên Thảo,
20/09/2017.



No comments:

Post a Comment