Cầu treo Capilano nằm trong công viên Capilano Park thuộc Quận North Vancouver, tỉnh British Columbia. Nó có tên tiếng Anh là Capilano Suspension Bridge. Xe qua cầu Lions Gate rồi xuôi theo đường Capilano để về Capilano Park.
Cau Lions Gate. |
Xuống xe, chúng tôi đi vào cổng với tấm vé trên tay do Vincent trao cho. Khỏi cổng, một khoảng không gian được dựng lên “nhiều cột linh vật” (Totem poles) tượng trưng cho văn hóa của người dân bản địa nhằm giới thiệu đến du khách tham quan, rồi tiến dần về cầu treo Capilano.
Người trên cầu khá đông, nhóm thì đi qua, nhóm đi lại, cầu lắc lư liên tục. Vincent dặn dò giờ giấc rồI mạnh ai nấy đi. Nhiều người trong đoàn không dám đi, đành ở lại đi vòng vòng quanh đó, trong đó có vợ tôi. Còn tôi thì có nhiệm vụ phải quay lấy hình ảnh trong chuyến đi nầy để cho mình, cho mấy đứa cháu có thể biết nên dù sợ hay không sợ thì tôi cũng phải vượt qua. Thế là tôi mạnh dạn “dấn bước”.
Cau treo Capilano. |
Xuống cầu chừng vài thước thì đi vào phần cầu dễ bị lắc lư vì cầu giống như là một chiếc võng hẹp bắt ngang qua vực sâu, và dưới kia là dòng sông Capilano đang chảy xiết không ngừng. Đầu tiên tôi tập bước theo sự lắc lư và không dám nhìn xuống dòng sông sâu mà nhìn ngang vào những đầu ngọn cây, cùng vin vào dây cáp. Có nhiều người sợ đứng lại chần chờ, chắc đang suy nghĩ là nên đi hay quay trở lại, sau đó có vài người đành bỏ cuộc không tiếp tục cuộc hành trình. Tôi lại nghĩ và ngẫm cười: Cầu lắc thì ít mà chính du khách trên cầu mới là người làm cho cầu lắc nhiều vì do sợ mà người thì nghiêng qua phía nầy người chạy qua phía kia làm cho cầu không yên vị trí và lắc lư, đó là chưa nói đến những người “đáng mắc” lắc cầu để làm cho mọi người la ó lên vui chơi. Tôi lại tưởng tượng đến câu chuyện mà ngày trước đã được nghe kể, câu chuyện nói rằng: Nếu một đoàn quân đi qua cầu như người ta đi bình thường thì cầu không hề hấn gì, nếu họ đi cùng một nhịp điệu thì dễ làm cho cầu sập do cái chấn động cùng lúc, thế là tôi lại nghĩ nếu mọi người trên cầu nầy mà cùng nhau nhảy lên và rơi xuống cùng một nhịp điệu thì chiếc cầu nầy sẽ ra sao? Nghĩ thế cho vui, chứ cầu với dây cáp treo lớn như thế nầy, lưới sắt thành cầu an toàn và người đi đông thì cao lắm cầu chỉ lắc lư làm cho những người “nhát gan” sợ thôi, chứ mình tìm được “cái thế” thì cũng chẳng có gì để lo. Rồi ra giữa cầu tôi vẫn tì mình vào thành cầu để quay được cảnh dòng sông bên dưới dù gió hay người làm cầu lắc mạnh. Xong tôi vẫn theo đoàn người đi đến đầu bên kia lẫn vào khu rừng già.
Tôi nói là khu rừng già vì nó già thật, những cây ở đây rất lớn, tất nhiên là nó không lớn như những khu rừng già của vùng nhiệt đới, vì sự tăng trưởng còn ảnh hưởng do thời tiết băng giá của mùa đông làm cho nó “khựng” lại, nhưng với độ lớn như thế nầy thì tuổi của nó cũng chắc phải là cao “vời vợi”.
Theo tài liệu thì khu vực nầy được mang tên là Capilano Suspension Bridge Park là một công viên hấp dẫn khách du lịch thuộc về bậc nhất ở Vancouver. Ở đây, du khách có thể nhìn và tham dự vào nhiều việc.
Đầu tiên là với chiếc cầu treo Capilano, tức là chiếc cầu giống như chiếc võng mà tôi vừa đi qua, bắc ngang hẻm sâu của sông Capilano để nối liền hai bờ. Nó được xem là cái cầu treo với 3 cái nhất trên thế giới: Cao nhất, xưa nhất và dài nhất; hàng năm có khoảng 800,000 người đến đây thăm và đi qua cầu. Cầu có chiều dài là 140m, cao 70m được xây dựng từ năm 1889 do một kỷ sư công chánh người Tô-Cách-Lan làm việc ở Vancouver. Ông nầy mua khu rừng rậm ở North Vancouver nhưng lại nằm ở hai bên bờ sông Capilano, nên ông quyết định làm cây cầu treo bắc qua sông bằng dây thừng gai dầu (hemp ropes) và mặt cầu bằng gỗ tuyết tùng (cedar) với sự giúp đỡ của hai người bản địa. Đến năm 1903 cầu được thay bằng dây cáp chắc chắn hơn.
Năm 1910 cầu được bán lại cho Edward Mahon và Mahon bán lại cho MacEachran vào năm 1935 và ông nầy mời những người dân bản địa dựng các cột Totem vào trong công viên. Đến năm 1945 cầu lại được bán cho chủ mới là Henri Aubeneau và được xây dựng lại hoàn tất vào năm 1956. Rồi tới năm 1983 cầu bán qua cho Bà Nancy Stibbard làm chủ cho đến ngày nay.
Tháng 5 năm 2004 bảy đoạn cầu đi trên cao giữa các cây cao lớn trong rừng được mở ra để đón du khách đến tham gia gọi là “Treetops Adventures” có độ cao khoảng 30m so với mặt đất ở đây. Và “Cliffwalk” được mở ra vào năm 2011 với ban-công treo ra ngoài vách đá, đường vừa một người đi được treo bằng 8 sợi cáp nhỏ để thử sự can đảm của người tham dự. Và đến thời gian Giáng Sinh người ta treo rất nhiều đèn để làm cảnh trí thu hút du khách đến chiêm ngưỡng.
Đó là những sự kiện mà trong tài liệu cho biết, chứ riêng tôi sau khi đi qua cầu thì đến khu rừng già với những cây to và tôi được Vincent chỉ lên các bậc cao để lên các đoạn cầu được xây dựng nối với các cây ở độ cao “khoảng giữa các cây cao”, nhưng lại trên ngọn của những cây thấp. Điều ấy chắc chắn là chúng tôi đã được dự tính cho tham gia với “trò chơi” nầy. Qua các đoạn cầu đi thì ở mỗi thân cây đều có khoảng để nghỉ ngơi hay làm chỗ để du khách có thể dừng chân tận hưởng cái khung cảnh ở nơi nầy mà không phải sợ rơi xuống đất. Quả thật không khí thật trong lành mà gần gũi với thiên nhiên nghe được chim kêu khắp nơi hay tiếng gió thì thầm qua khe lá, hoặc tiếng nước róc rách của dòng nước ở gần đây. Đi rồi thì cũng hết đoạn đường, đành quay về cầu đi trở lại bờ bên kia. Ôi, đã “đáo bỉ ngạn” được rồi! Lên khỏi cầu mà tôi còn nhiều luyến tiếc nên đành quay lại chụp vài bôi hình cùng quay một vài đoạn phim cho cái cầu đầy hấp dẫn nầy để làm kỷ niệm.
Xong tôi trở ra tìm cái gì để mua ăn trưa. Còn đang lang thang thì vợ tôi đã chạy đến và kêu tôi đến cái bàn gần căng-tin để mua đồ ăn mà anh chị Hiệp cùng em vợ tôi đã ngồi ở đó. Chúng tôi ngồi vừa ăn, vừa tán gẫu các thứ chuyện trong chuyến đi, cũng như chuyện đâu đâu. Rồi thì cũng đến giờ ra xe, chúng tôi tập hợp và đi theo sự hướng dẫn của Vincent để lên xe buýt đi đến nơi khác. Xe về đến Prospect Point của Stanley Park vào lúc 4 giờ 10. Đứng ở đây để nhìn về cầu Lions Gate mới thấy được cái cấu trúc đẹp của nó và cảnh bên kia Thành phố West Vancouver dựa vào núi cảnh thật đẹp. Ở đây tôi xin được chụp hình với Vincent, vợ chồng cô Liên, Vinh (dẫn đoàn) để làm kỷ niệm mà tôi đã Post lên ngay từ đầu!
Chup hinh ky niem o Prospect Point. |
Đây cũng là một công viên đẹp được cắt xén trồng tỉa khéo léo ở 3 tầng: Trên đồi, lưng chừng và thung lũng; khiến du khách mãi mê ngắm nhìn, chụp hình hay quay phim. Tất nhiên tôi cũng phải thu một vài cảnh để sau nầy xem lại và nhớ mình đã đến đây!
Đến 4 giờ 30 đoàn rời nơi đây để về ăn chiều ở nhà hàng Shusi trong khu Richmond và sau đó về khách sạn vào lúc 6 giờ, tắm rửa, nghỉ ngơi. Và một ngày nữa lại qua đi!
Nguyên Thảo,
13/12/2017.
No comments:
Post a Comment