Wednesday, May 30, 2018

*Quê Người. (16)


Những ngày trải qua trong trại tiếp cư thật là yên tĩnh và cùng nhịp điệu, chúng tôi chưa có việc gì làm chỉ chờ làm cho xong mọi thủ tục để hoàn tất việc định cư. Sáng thức dậy đi lên căng-tin ăn uống, rồi trở về phòng làm vài công việc hoặc bàn tính với nhau làm gì, rồi lại đến ăn trưa. Sau trưa thì lại đến buổi ăn chiều. Ngày nào có lịch đi làm thủ tục thì kéo nhau đi làm cho xong. Thủ tục mở trương mục ngân hàng và y tế kế tiếp. Các nơi đó cử nhân viên vào trung tâm cung cấp tài liệu, giấy tờ và hướng dẫn chúng tôi điền vào đơn, có khi họ cần người thông dịch đi theo nếu không có nhân viên nói tiếng Việt. Hai thủ tục cần thiết để hoàn tất sớm nhất là ngân hàng và y tế. Y tế gồm có thẻ khám bệnh “Medicare” và Thẻ mua thuốc giá thấp được tài trợ của chính phủ là “Health Care Card”. Được biết người dân được giúp đỡ từ chính phủ rất nhiều về vấn đề y tế, với Medicare thì đi khám bệnh với Bác sĩ khỏi phải trả tiền mà chính phủ đài thọ, và mua thuốc thì mỗi món chỉ trả một số tiền nhỏ tượng trưng, còn sai biệt thì chính phủ bù đắp qua thẻ Health Care Card. Như vậy về sức khỏe chúng tôi được yên tâm hơn khi có bệnh, mà bệnh thì đâu biết lúc nào nó tới, cho nên thủ tục đó là thiết yếu phải làm trước để phòng ngừa bất trắc có thể xảy ra.
Tôi là người hay bị bệnh, thân thể yếu đuối từ lâu cho nên tôi rất mừng là từ đây sức khỏe của mình có chỗ dựa tương đối vững chắc và nhất là về tinh thần. Tôi không còn phải lo âu trên bước đường lưu lạc, tha phương nữa vì bây giờ mình đã có bến đỗ và được chính phủ cũng như người dân Úc tận tình giúp đỡ, cung cấp mọi thứ. Nhiệm vụ của tôi là ráng cố gắng giữ gìn sức khỏe cũng như bão toàn mạng sống để hoàn tất nhiệm vụ rước vợ con sang đoàn tụ cho tròn mục đích “trốn chạy” của tôi. Tôi không có đem theo thứ giấy tờ gì trong mình trong chuyến vượt biển, cho nên phải chờ đợi vợ tôi lựa ra và gởi cho tôi. Tôi cũng thừa biết khi tôi ra đi là đã được nhà nước xếp vào thành phần gọi là “phản quốc” thì vợ con tôi sẽ bị xếp vào thành phần xấu và chịu mọi phần đối xử “cay đắng” cũng như bao nhiêu thành phần “ngụy” khác, nhưng điều ấy đối với gia đình tôi chỉ là xấu hơn chút ít thôi, vì bản thân tôi và vợ tôi cũng đã là người của “ngụy quyền” rồi dù chúng tôi chỉ là những giáo viên quèn nơi làng quê.
Những năm còn được “lưu dụng” hay theo một từ ngữ khác đúng hơn là “lưu dung” tức là được “dung tha” mà “sử dụng” trở lại, chúng tôi cũng ráng cố gắng làm tròn nhiệm vụ đối với con em người dân, làm tròn với những chức năng của một nhà giáo, dù đồng lương eo hẹp do tổ chức “bao cấp” và tái cơ cấu tổ chức xã hội theo chế độ mới mà ra. Hồi ấy tôi cũng nghĩ là cố gắng góp phần làm tròn nhiệm vụ nhà giáo của mình để giúp cho đất nước tiến lên sau thời gian dài chiến tranh. Nhưng khi đất nước được hòa bình thì lại đến một cuộc chiến tranh khác khốc liệt và hận thù hơn nhiều, kéo theo hàng triệu người lẫn biết bao nhiêu gia đình tang thương chỉ vì một cuộc “Đấu tranh giai cấp” và nằm trong đối tượng “Ta, Thù”. Tôi thấm thía lời dạy của Đức Phật xưa kia: “Chỉ có tình thương mới xóa bỏ được hận thù”, nhưng trong thế gian nầy mấy ai đã có thể tin ai, cho nên “Chỉ có cách làm cho kẻ thù phải gục, không thể ngóc đầu lên chống đối hay lật ngược trở lại mà thôi” tức là phải “Trấn áp” cho đến tận cùng hoặc “Bạo lực cách mạng” để bảo toàn thành quả!
Thông rủ tôi đi đến Hội ICRA xin đồ để mặc vì thời tiết bây giờ đã bắt đầu lạnh và sẵn nó nhờ Hội làm giấy tờ bảo lãnh gia đình dùm nó. Tôi hỏi: Sao mầy biết? Nó nghe người ta nói và chỉ chỗ rồi. Thế là tôi theo nó vừa kiếm đồ để mặc và cũng để biết chỗ, khi nào giấy tờ tôi đến thì tôi cũng phải nhờ Hội ấy giúp mà thôi. Nhưng giấy tờ tôi bao giờ sẽ đến? Tôi nôn nóng trong lòng, nhưng không biết đến bao giờ. Hiện tại tôi chẳng làm gì được mà chỉ cố gắng suy tư và lo cho bản thân mình, rồi lại nghĩ đến tình cảnh vợ con, gia đình trong tình huống hiện nay, nghĩ mà lại thương cho mình, cho gia đình. Tôi đi với Thông băng qua cửa hông của trung tâm tiếp cư rồi ra đường lớn, quẹo trái và đi đến góc đường và Thông bảo: Người ta chỉ ở khoảng nầy, cái nhà ngay góc đường”. Tôi và Thông cố nhìn để tìm và cuối cùng chúng tôi đã tìm được. Thông vào nhờ giúp. Chúng tôi làm quen với chị Quyên, chị vui vẻ cầm các giấy tờ của Thông xem, rồi lấy ra những tấm đơn bằng tiếng Anh để rồi chị điền vào cho Thông. Thỉnh thoảng chị hỏi các chi tiết, Thông trả lời và chị tiếp tục điền vào đơn. Sau cùng, chị soạn lại các giấy tờ hỏi Thông và điền vào đơn, làm thủ tục hành chánh dùm cho Thông. Chị soạn, sắp xếp lại mọi thứ và giao cho Thông để đi nộp cho cơ quan hữu trách. Thế là xong! Tôi thấy Thông hoàn tất giấy tờ mà tôi thấy trong lòng mình hơi buồn, vì mình còn phải chờ đợi khá lâu và chẳng biết đến bao giờ! Trụ sở của Hội ICRA nầy là một nhà cho mướn, khá cũ nhưng vòng rào tương đối rộng nằm trong vùng Pennington, gần với Trung tâm tiếp cư nên cũng khá thuận tiện cho những người tị nạn, nhất là những người tị nạn từ các nước Đông Dương như Việt, Miên (Kampuchia), Lào. Sau khi làm giấy tờ xong, Thông và tôi đi qua phòng phía sau nơi chứa đồ cũ mà người ta hiến tặng cho Hội để Hội giúp đỡ cho những người chưa đủ điều kiện mua. Chúng tôi lựa một số đồ ấm để mặc, lựa mãi mới có được vài cái áo vì đa số không vừa với mình. Những người lựa trước bỏ vun vãi và không thứ tự cho nên bà giữ kho nầy mãi cằn nhằn không thôi.
Trở về Trung tâm thì đã đến giờ ăn trưa nên phải xếp hàng mãi tuốt đàng sau một hàng dài. Dù vậy, cũng chờ đợi không lâu. Nghĩ lại bên xứ mình sao hỗn độn quá, trình độ, ý thức còn hạn hẹp, nhất là sau 75 người ta lại chen lấn, giành giựt để mua hàng, khiến cho đám đông lại thêm mất trật tự và làm nơi cho kẻ trộm cắp, móc túi thừa cơ hội trà trộn mà hành động. Nói như vậy không có nghĩa là trước 75 là không có. Tôi lại nhớ về những năm 66 khi đi ghi danh vào đại học, cái cảnh sinh viên chen lấn thật là khủng khiếp, người ta thừa cơ hội xô nhau để đụng chạm đến cơ thể những đứa con gái, hay có lần kẻ móc túi mở nút cài túi quần sau của tôi để lấy đồ nhưng tôi hay được. Bây giờ, tôi thấy chuyện xếp hàng đâu có khó, nó vừa trật tự mà lại vừa giúp cho người làm việc thoải mái, không bực bội thì công việc giải quyết đâu có lâu, thế mà tại sao ở nước mình không làm được nhỉ?
Ăn xong, về phòng mình nằm nghỉ, Thành dạo đến các phòng khác đi tìm bạn bè, người quen mà nó biết từ lúc ở đảo và trại Sungai Bési. Hồi lâu chợt nhớ vài điều tôi lấy giấy ra viết thơ về cho gia đình về những giấy tờ cần thiết mà tôi đã biết khi đến Hội ICRA khi Chị Quyên soạn lại cho Thông. Viết thư thật là khó, phải suy nghĩ viết như thế nào cho thích hợp. Mỗi lần viết thư tôi không hoàn tất được trong một buổi hay một ngày mà phải tốn vài ngày mới xong một bức thư, không hiểu sao mà mình lười quá như vậy! Viết chưa được bao lâu thì Bác Vỹ qua phòng gõ cửa vả rủ tôi qua phòng Bác chơi với Bác Phương vì có một người khách đến thăm. Tôi qua ngồi chơi uống nước trà với họ và nghe những chuyện kể về quá khứ, hiện tại. Bác Vỹ, Bác Phương hỏi về những vấn đề thực tế và cuộc sống ở trên đất nầy. Với kinh nghiệm đi trước ông bạn kể đôi nét về những sinh hoạt ở đây. Anh kể ngày anh đến, người Úc rất thân thiết và thương người tị nạn mình lắm, họ đến thăm và giúp đỡ mình nhiều, thậm chí cuối tuần họ đến chỡ mình đi chơi với họ. Có nhiều hãng xưởng vào đây hỏi mình có thích làm với họ không, họ cho mình vào làm. Thế nhưng chỉ mới vài năm thôi, sau nầy họ hơi ngán ngẫm với mình, ra đường thiếu điều họ ra dấu để chửi mình, cũng tại nhóm mình quậy quá, nhất là từ lúc “băng tóc dài” đâm chết người của nhóm “mô tô lòi tói” ở bãi biển Glenelg, và anh dặn chừng chúng tôi khi lãnh tiền thì nên cẩn thận vì có nhiều tay đến vào các ngày đó để hỏi tiền. Nghe chuyện mà tôi lại không biết tương lai mình ở nơi đất khách quê người nầy sẽ như thế nào? Nhưng thôi, đành buông xuôi theo chiều nước trôi, tới đâu thì tới! Câu chuyện kéo dài cũng khá lâu thì đến giờ ăn chiều. Anh bạn từ giả đi về, chúng tôi lại lục tục kéo nhau lên căng-tin.
Thức ăn ở căng-tin không hẳn là cơm, nó vừa là thức ăn Tây cũng là vừa thức ăn Á châu, tùy theo mình chọn, nên tôi cũng dần làm quen với kiểu cách của dân Úc. Chúng tôi ngồi ăn và cùng trao đổi những gì nghe ngóng, điều biết về đời sống của xứ sở nầy để làm hành trang cho mình trong tương lai. Mọi việc đều lạ, cần học hỏi rất nhiều, kể cả đường sá, khu vực, mua đồ đạc, vật dụng cần thiết để xài; đôi lúc cần phải có người biết trước hướng dẫn hay người biết Tiếng Anh nhiều giúp đỡ!
Có một lần, tôi cảm thấy mình bị “quê độ” ở nơi nhà vệ sinh. Vốn phòng tắm, phòng giặt ở khu vực chúng tôi là công cộng, bên ngoài xa nơi mình ở. Việc sử dụng bồn cầu mới nầy phải hỏi nhiều người mới biết cách xài, nhưng một hôm nọ tôi vừa đến nơi thì bị bà dọn dẹp phân bua, la lối um sùm. Té ra anh chàng Kampuchia nào đó thót ngồi chồm hổm trên bờ thành bồn cầu làm dính đất dơ dáy nên bà ta bực mình vừa lau chùi lại vừa la lên cho đỡ bực, nhưng tôi lại là người nghe hết cả vì bà ấy là người Việt.
Vừa nằm xuống nghỉ ngơi để rồi tối nay viết thư tiếp cho gia đình thì Bác Vỹ gõ cửa kêu tôi sang phòng Bác chơi vì có ông anh nào đó đi làm từ sa mạc mới về ghé thăm. Anh Điện qua đây từ lâu và nay có việc làm trên sa mạc cho công ty hầm mỏ nào đó, nay nhân nghỉ phép về ghé qua trại tiếp cư để xem có người nào quen hay không và luôn tiện hỏi thăm người mới tới cùng với vài chai bia anh xách trên tay. Anh tâm tình, kể chuyện đời sống ở Úc nầy khá nhiều, qua đó chúng tôi có thể học được vài kinh nghiệm để thích nghi cuộc sống ở đây. Khi nghe anh nói: “Ở xứ nầy nó buồn lắm, rồi càng ngày càng…” thì tôi bỗng dưng tiếp theo ý nghĩ “càng buồn hơn” rồi nghe lòng não nuột; nhưng may mắn anh đã nói tiếp “mình có công việc làm thì ít buồn hơn, vì làm quần quật nên cũng không cảm thấy buồn”!
Nói chuyện với anh Điện cũng khá khuya, anh từ giã ra về, chừng vài ngày nữa anh mới trở lên sa mạc để làm, còn chúng tôi phải chuẩn bị cho mình một tư thế để đối chọi với một tương lai trong môi trường thật là xa lạ trên đất nước mang dáng dấp Tây Phương nầy.

Nguyên Thảo,
30/05/2018.



No comments:

Post a Comment