Theo lịch trình thì sáng nay du thuyền đến Sitka, và chúng tôi sẽ được đưa đi thăm viếng Thành phố nầy vài tiếng đồng hồ. Trong tờ tài liệu và hành trình của du thuyền mà phòng chúng tôi nhận được hằng ngày cho biết là suốt đêm tàu sẽ đi về hướng Bắc, dọc theo bờ biển của đảo Chichagof, đi qua vịnh Sitka Sound để vào Thành phố nhỏ lịch sử Sitka.
Sitka là Thành phố nằm trên đảo Baranof tức là đảo phía nam của quần đảo Alexander với số dân là 9,895 người, là cộng đồng lớn thứ năm của Tiểu bang Alaska trên một diện tích là 7,434 cây số vuông. Nơi đây là đất sinh sống của người Tlingit từ hơn 10,000 năm trước. Nhưng đến năm 1799, Alexander Baranov và người Nga đến định cư ở Old Sitka. rồi năm 1802 người Tlingit vùng lên phá hủy nơi nầy và giết nhiều người Nga. Hai năm sau Baranov quay trở lại với lực lượng hùng hậu cùng chiến hạm tấn công người Tlingit gần sông Indian, khiến người Tlingit phải đầu hàng và rút đi. Từ đó người Nga định cư thường xuyên ở đây với tên gọi là Novo-Arkhangelsk mà Arkhangelsk là thành phố lớn nhất nơi Baranov được sinh ra.
Sitka còn là nơi đánh dấu sự kiện lịch sử chuyển nhượng Tiểu bang Alaska từ Nga sang Mỹ qua cuộc buôn bán với giá $7.2 million theo trị giá thời bấy giờ, với buổi lễ vào ngày 18 tháng 10 năm 1867 tại Castle Hill. Cho nên nơi nầy được xem là một National Historic Landmark, mà cũng là một National Park nhỏ nhất của cả Tiểu bang Alaska.
Sitka trước kia được xem là Thủ Đô của Alaska trong thời gian từ năm 1867 đến năm 1884 và sau đó thì trở thành khu vực và đến năm 1906 thì thủ đô được Thành lập ở Juneau cho đến ngày nay.
Đó là những tài liệu tổng quát về Sitka, còn chúng tôi thì đang trên du thuyền tiến thẳng về Sitka dù là ban đêm hay ngày. Thật ra thì chúng tôi cũng chẳng biết du thuyền chạy với vận tốc là bao nhiêu Miles hay cây số, và khoảng cách nơi nầy đến nơi kia là bao nhiêu. Không hiểu, những người có trách nhiệm trên tàu không cho chúng tôi biết hay người ta muốn tạo cho chúng tôi sự ngạc nhiên, thích thú khi mà những ngày cuối cùng người ta mới phát cho chúng tôi tờ lịch trình với số liệu đáng ghi nhớ gọi là “Log Of The Cruise”, trong đó từ Vancouver đến Sitka là 723 miles tính theo khoảng cách của hàng hải (Nautical Miles) mà 1 Nautical Mile bằng 1,852 m, tàu chạy với vận tốc là 15,3 Knots. Và trong đó, người ta cũng cho chúng tôi biết là đã đi qua những nơi nào và cần có sự hướng dẫn của người khác (pilotage) như: Vào sáng sớm lúc 5:42 phút du thuyền đi vào Blackney Passage và ra khỏi nơi nầy vào lúc 6 giờ. Rồi sau đó là Pine Island và đến Old Sitka Dock vào lúc 9:57 giờ.
Từ khoảng 9 giờ sáng sau khi chúng tôi đã ăn sáng ở Horizon Court thì trời cũng đã sáng rõ, du thuyền đi vào vùng biển của Sitka nên nhiều người đã lên boong tàu đứng nhìn, ngắm cảnh, chúng tôi cũng vậy với tính tò mò muốn biết đồng thời nhìn xem cảnh đẹp xung quanh. Những đảo với các ngọn núi đóng tuyết ở trên đầu hiện lên đẹp như tranh mà ở trên xứ Úc khó tìm được nếu không đi về đảo Tasmania hoặc lên những núi tuyết ở Victoria hoặc là New South Wales.
Vung bien Sitka voi nui Edgecumbe. |
Mặt biển buổi sáng sớm phẳng lặng, im lìm thật là hiền từ, dễ thương in hình các ngọn núi, cùng các khu rừng rất rõ khiến chúng tôi ngắm nhìn một cách chăm chú, mà quên đi cái lạnh bên ngoài. Nói thế chứ hồi lâu cũng lạnh quá, khiến chúng tôi phải tìm nơi ẩn hoặc núp sau những tấm kính để tránh gió dù gió vẫn còn nhè nhẹ. Quả thật cảnh đẹp quá, tôi tha hồ ghi hình vào máy quay, thỉnh thoảng nhờ anh Thới chụp dùm vài bôi hình, rồi hai đứa đứng dựa vào lan can tàu vừa ngắm cảnh vừa tán dóc chuyện đời.
Rồi thì du thuyền cũng cặp vào cảng yên lành, sau hồi lâu các nhóm lần lượt rời tàu, xuống đất. Chúng tôi phải đi lên phía dãy nhà ở trên kia, chừng hơn 100m. Thì ra nơi đây là gian hàng bán đồ ăn uống lẫn hàng lưu niệm cho du khách. Nhưng chúng tôi chưa có thì giờ để xem qua vì còn phải đi ra phía sau đón xe buýt để xe đưa vào trung tâm của thành phố Sitka, mà chỉ vội lấy tờ báo quảng cáo Sitka kỷ niệm 150 năm được trao về cho nước Mỹ.
Du thuyen nhin tu Khu ban do luu niem. |
Khu Castle Hill. |
Canh nui, nuoc o Sitka. |
Mặc dù trong tài liệu của du thuyền có giới thiệu đến các nơi hoặc các hoạt động tại Sitka, nhưng mọi người đâu có nhiều thì giờ để tham gia; mà họ chỉ đi nhìn, quan sát, hay ngắm nghía các món đồ trưng bày ở các tiệm bán hàng, quà để rồi mua chút đồ để làm kỷ niệm rằng: “Mình đã đến nơi nầy”! Nếu có đói thì kéo vào quán nào đó gọi là lót dạ.
Không biết Sitka rộng lớn bao nhiêu nhưng nơi nầy đã có thời gian dài được lấy làm thủ đô của Tiểu bang Alaska từ 18/10/1867 đến năm 1906, và sau đó nhường vị trí lại cho Juneau. Nổi bật nhất của Sitka là Thánh Đường Saint Michael’s của Đạo Chính Thống Nga được xây dựng vào năm 1848, là nhà thờ đầu tiên kiểu Nga xây dựng trên Bắc Mỹ có cách kiến trúc với mái vòm hình củ hành. Chúng tôi không đến gần đó để quan sát mà chỉ thấy nó từ đàng xa. Nhà thờ hiện tại là được xây dựng lại sau trận hỏa hoạn thiêu rụi nhà thờ cũ vào năm 1966. Ở Sitka tôi vào tiệm để mua một thẻ nhớ để sử dụng cho việc quay phim, phòng hờ thẻ cũ hết nửa chừng.
Ben thuyen Sitka. |
Xuống xe, chúng tôi vẫn lòng vòng trong khu bán đồ lưu niệm để xem “cho đã con mắt” chứ giá tương đối mắc, với những bộ đồ lông mà chắc trên xứ Úc không cần thiết như ở Alaska nầy. Đến 1 giờ 40 nhóm kéo nhau xuống tàu. Khi lên phải làm thủ tục trình giấy, những đồ đạc được đưa qua máy để kiểm tra. Trước khi về phòng nghỉ ngơi, chúng tôi phải ghé qua Horizon Court để làm một bữa ăn trưa. Đi du thuyền cho tôi một kinh nghiệm là giờ giấc tham quan trên bộ không nhiều vì khi xuống tàu đã tốn tương đối khá nhiều thời gian, rồi cần phải trở về tàu sớm do sợ phải bị trễ giờ mà đến cỡ từ 4, hay 6 giờ là tàu nhổ neo, mình phải có trên tàu. Còn chuyện “book tour” thì tôi chưa biết vì trong chuyến đi nầy tôi chưa từng làm. Nhưng đi tàu thì sướng mấy điều là giá tương đối rẽ, ăn ngon, phủ phê và ngủ bao nhiêu cũng được: Lý tưởng cho việc an dưỡng, nghỉ ngơi hay người ta nói tắt lại là “nghỉ dưỡng”!
Đến 6 giờ rưởi chiều thì tàu nhổ neo, ra khơi trở lại, để rồi đêm đó “tàu cứ đi và chúng tôi cứ ngủ” sau bữa ăn tối ở nhà hàng Botticelli.
Tất nhiên trong phòng chỉ có anh Thới và tôi cho nên trong chuyến đi nầy, tôi và anh tha hồ nói chuyện ngày xưa và cũng có rất nhiều chuyện đời để nói. Nói đã, khi cơn buồn ngủ đến, chúng tôi mới tắt đèn đi ngủ.
Sáng ngày mai, du thuyền sẽ đưa chúng tôi đến khu vực băng hà mà ở đó là nơi có nhiều lưỡi băng hà đổ ra. Như vậy, chúng tôi cũng đang trên đường “Đến Băng Hà”, mà Quý vị cũng đừng nghĩ chúng tôi là những vị Vua Chúa, Nữ Hoàng đang trên đường đi đến “Tiêu Tùng” (Băng Hà) để chấm dứt cuộc đời.
Chiều ngày, những người phục vụ phòng cho khu vực phòng ngủ của chúng tôi cũng đã phân phát cho từng phòng những tài liệu sinh hoạt trong ngày, cùng tài liệu, bản đồ về Glacier Bay National Park nầy với những chi tiết khái quát để du khách có thể mường tượng hiểu băng hà ở đây như thế nào!
Nguyên Thảo,
31/07/2018.