Saturday, June 22, 2019

*Một Lối Suy Nghĩ!



Sau những năm tập tành viết lách qua một cơ hội biến chuyển lạ lùng trong cuộc đời, Đồ Ngông tôi thả xuôi “cái viết” của mình theo thời thế. Từ trong “cái muốn” diễn đạt những gì mình đã cảm nhận được trong cơn bệnh ở thời điểm “chán chường” nhất của đời sống; rồi lại đến đóng góp ý kiến cùng quý bậc cha mẹ về chuyện con cái trên xứ người. Đang lúc đó thì tới chuyện người ta “chửi nhau” trên những tờ báo địa phương, Đồ Ngông tôi đã “trân mình” đi giữa hai lằn đạn để mong cầu một sự yên ấm cho một cộng đồng nhỏ bé, mới cáu cạnh nơi quê lạ. Tự đó Đồ Ngông tôi nghĩ ra một cách tránh phiền lòng người khác nên đã chọn con đường “Viết về chuyện con người”. Chuyện con người ở đây không có nghĩa là viết về những cá nhân, hay vạch cái xấu tốt của ai mà chỉ là viết chung chung về những gì mà “con người” đã sống và đã làm. Cái lối viết ấy Đồ Ngông tôi chỉ mong độc giả nhìn vào như là “một phần phiến diện ý kiến” có thể đóng góp vào nhận xét chung của mình hoặc là chỉ để đọc giải trí, vui chơi trong những thời gian rỗi rảnh.
Đó là “tiền đề” cho những bài thơ và văn xuôi của “Đồ Ngông” hiện diện từ bấy lâu nay, nhất là ở những bài “châm biếm, trào phúng”, hay những chuyện “Tào Lao Thế Sự” (Chuyện Tào Lao) nhằm đem đến cho độc giả một niềm vui trong cái “đọc” hoặc cái nhìn vào cuộc sống.
Đồ Ngông tôi không có tham vọng, mà chỉ trình bày những gì mình đã thấy, suy nghĩ; mặc dù đôi khi chỉ là những nhận xét yếu kém, non nớt, hay lập hoặc nhắc lại ý kiến của người khác, thành bài viết có chủ đề để mua vui. Cái suy nghĩ của Đồ Ngông tôi muốn mượn “cái viết” hầu trang trải “những điều nhức nhối trong cuộc đời” mà con người đã tạo nên.
Nói đến con người là nói đến những phức tạp diễn biến trong cuộc sống trên rất nhiều khía cạnh: Từ những con người cùng khổ đến những kẻ sang giàu; từ “vô sản, bần cố nông” đến giai cấp “Lãnh đạo”; từ trí thức trở về đám “dân ngu, cu đen”. Những sự “bốc lột, chèn ép, làm tiền, cướp của, giết người” luôn xảy ra, hay “tìm sự sung sướng” trên “niềm đau khổ” của người khác, dù cho đó là “Chế độ xã hội” với lý tưởng nhằm đem đến công bằng, bình đẳng, ai cũng như ai không có cảnh “người bốc lột người”!
Cái lý tưởng nào cũng vậy, vì lý tưởng chỉ là lý tưởng. Lý tưởng là cái lý thuyết, là cái để nói, đôi khi chỉ là nói chơi cho vui, chứ quan trọng vẫn là thực hành. Ngoài thực tế, đôi khi người ta chỉ “vay mượn” lý tưởng để làm cớ mà thực hiện những tham vọng, cướp bóc thâm sâu cho một bầy đàn, hay đảng phái nào đó khi họ đã “dối trá” người dân mà nắm được quyền “lãnh đạo”. Lịch sử đã chứng minh rất nhiều từ thời bộ lạc cho đến thời “phong kiến”, hoặc đến thời “lãnh chúa” và “đế quốc”. Không những từ trong “thế quyền” mà ngay cả những tổ chức “thần quyền” không khác! Vậy thì, người dân nên tin ai bây giờ? Hay chỉ vì “Thấp cổ, bé miệng” nên phải đành “ngậm câm”!
Ca dao, tục ngữ Việt Nam đã ghi nhận những chính xác của người dân quê trong mọi thời kỳ với những ví dụ cụ thể mà ta có thể hình dung qua hình ảnh ấy được, giống như câu “Bộ Binh, Bộ Hộ, Bộ Hình – Ba Bộ đồng tình bóp vú con tôi”. Nhưng rất tiếc: Chắc còn có rất nhiều câu bị mất đi vì những triều đại hay chế độ “áp lực hay giết chết chúng nên chúng không được sưu tập lại trong kho tàng “Văn chương bình dân” của dân tộc.
Chuyện con người thật bao la, diễn tiến rất là phức tạp dù triết học, hay ngành tâm lý nghiên cứu, khắc phục vẫn không diễn tả được hết những hành vi mà con người đã làm. Đồ Ngông tôi “ngẩn ngơ”, cho đến một ngày đọc được cái gọi là “Tâm Lý Học Phật Giáo” hay là “Duy Thức Học” mới vỡ lẽ ra, dù là mình chưa hiểu bao nhiêu về Duy Thức!
Qua sự kiện đó, Đồ Ngông tôi lại thích thú hơn để viết tiếp về chuyện con người. Chính vì thế mà “Chuyện Tào Lao Thế Sự 2” được tiếp nối. Viết tiếp không phải là “nói xấu xã hội” hay “bày trừ tận gốc” mà chỉ để “mua vui với độc giả thân thương” vì đã chiếu cố đến các bài viết của Đồ Ngông; đồng thời góp thêm ý kiến để độc giả cảnh tỉnh những điều có thể xảy đến cho mình ở mai sau, vì chuyện con người không bao giờ dứt trừ phi con người bị tận diệt.
Con người là một chuỗi dài của các sự kiện, chuỗi “trùng trùng duyên khởi” được sinh ra: Sự kiện nầy tiếp nối với sự kiện khác dù nó trên hướng thiện hay ác, có ích hay không có ích cho nhân loại. Nó tùy theo suy nghĩ của cá nhân hay bầy đàn tương tác, nếu thuộc bầy đàn thì kết quả sẽ đi đến cái phạm vi ảnh hưởng to lớn hơn nhiều. Đồ Ngông tôi quả là không tự lượng sức mình mà đi vào cái bao la để rồi chỉ bơi lõm bõm trong cái vòng xoáy lẩn quẩn của chính mình. Nhưng ít ra là Đồ Ngông cũng sẽ đem lại được một vài phút để vui chơi, giải trí trong lúc gọi là “trà dư tửu hậu”!

Đồ Ngông,
23/06/2019.




Saturday, June 15, 2019

*Đầu Năm Tản Mạn: "Xuân Và Tết"!



“Tản mạn” theo cái hiểu của người viết là viết thoáng qua, viết lung tung với cái biết cùng cảm hứng của mình; chứ không nhất thiết phải theo sách vở, dẫn chứng bằng những bằng chứng mà khoa học, hay người ta đã kiểm chứng, chứng minh. Vì thế mà người viết, tức là Ngông tôi, đầu năm này cũng “bày đặt” tản mạn vài ý nghĩ chơi cho vui trong chuyện “khai bút” như người xưa đã làm.
Từ khi còn nhỏ Đồ Ngông đã nghe nói về mùa Xuân, nhưng trên quê hương Miền Đông Nam Bộ làm gì có bốn mùa để biết về mùa Xuân, nên mình cứ tưởng tượng theo sách vở hoặc các kiến thức đã học trong nhà trường. Để rồi về sau cũng hiểu được các mùa theo vị trí của Trái Đất trong quỹ đạo quay quanh Mặt Trời, thay thế cho cái kiến thức dân gian là do “Ông Trời” làm. Các kiến thức học được cũng chỉ làm cho mình hiểu và giải thích được hiện tượng của Trời Đất qua cái nhìn của khoa học chứ cũng chưa là thực tế, dù trên đất nước ở miền Bắc và Bắc Trung phần có sự khác biệt về Bốn Mùa. Nhưng trong thời gian chiến tranh, đất nước chia đôi thì làm sao để tìm hiểu về thực tế; mà nếu có thể thì cũng chẳng ở suốt năm để biết rõ được bốn mùa như thế nào!
Khi Thầy Doãn Quốc Sĩ đi Mỹ về có viết cuốn sách nhỏ về “Thần Thoại và Ca Dao” lưu hành trong Trường Sư Phạm Sài Gòn, Ngông tôi lại thích về chuyện Thần Thoại Hi Lạp mà Thầy đã thu gọn viết vào trong quyển sách. Khi đọc các mẫu chuyện ấy, tôi lại thán phục người Hi Lạp cũng như nền Văn Minh của họ. Họ đã có các câu chuyện Thần Thoại sát với cuộc sống con người, cũng như giải thích các hiện tượng theo trí tưởng tượng thật là thú vị. Nó không như mấy chuyện trong vài Tôn giáo đã thêu dệt, đôi khi Ngông tôi lại nghĩ, chuyện Thần Thoại Hi Lạp có lẽ còn hay hơn là chuyện kể trong tôn giáo nữa. Riêng về câu chuyện các mùa, Thần thoại Hi Lạp đã lấy những sản phẩm có trong mùa để trang trí cho vị Thần ấy mà thần mùa Xuân được trang bị bằng các hoa rực rỡ.
Đến khi lang thang, ăn nhờ ở đậu trên “Quê Người”, Ngông tôi được định cư nơi có bốn mùa rõ rệt nên những kiến thức ngày xưa lại trở về. Trí óc bắt đầu làm một cuộc phân tích, giải thích theo các sự kiện khoa học mà ngày xưa đã học, lẫn cái nhìn qua câu chuyện Thần Thoại Hi Lạp cung cấp. Từ đó Ngông tôi đã ghi chép và đặt để tản mạn trong các văn, thơ của mình để làm nguồn vui cho mình, cho người. Vì vốn dĩ mình chẳng có khả năng nào về văn thơ, nhưng cái điều lạ “bất chợt” lại hiện ra khiến Đồ Ngông tôi lại có thể viết văn, làm thơ bất đắc dĩ, nên Ngông tôi coi các việc làm nầy như là “chia sẻ” cho nhau cái điều mà “Trời” đã ban cho Ngông tôi vậy!
Nói đến mùa Xuân tức là nói đến một mùa sinh động đầy sức sống của thiên nhiên, một mùa mà mọi cây cối bừng lên đâm chồi nẩy lộc, tạo một màu xanh tươi mát, mơn mởn khắp nơi; để rồi từ đó các chùm hoa được sinh ra và nở rộ. Hoa nở từ dưới đất cho đến trên cây, từ đồng bằng lên triền núi, đâu đâu cũng thấy hoa nở (tất nhiên hiện tượng thiên nhiên nầy chỉ xảy ra ở những nơi có bốn mùa, chứ không ở những vùng nhiệt đới hay xích đạo), khiến lòng người cũng rạo rực, phấn khích hơn sau một mùa đông lạnh lẽo, phải rúc mình co ro trong nhà mà nghe cái lạnh thấm vào da thịt. Thêm vào đó, sinh vật năng động trở lại, muông chim ca hót tưng bừng tạo nên một khung cảnh đầy màu sắc, vui vẻ. Một sự hồi sinh vĩ đại trong thiên nhiên, bắt đầu cho một chu kỳ mới của một năm.
 Và cũng theo sự biến đổi của thiên nhiên: Tuyết tan, nhiệt độ ấm dần lên, đất trở nên ẩm ướt, người ta đi vào vụ mùa, cấy trồng những cây lương thực cung ứng cho đời sống hàng ngày và nhu cầu thiết yếu. Có thể do sự mừng cho một chu kỳ mới ấy mà người làm một cuộc “ăn mừng” vào “tiết” trời đẹp đẽ. Từ một vùng miền, rồi phổ biến ra đến một khu vực rộng lớn, ảnh hưởng lẫn nhau, cùng nhau thực hiện những ngày “Tiết” trời thay đổi ấy mà người Việt mình thường hay gọi là “Tết” chăng!
Đồ Ngông tôi lại còn thắc mắc thêm nữa là: “Tại sao người Campuchia cùng người Thái, Lào ăn Tết khác với người Việt Nam? Hay chăng: Tại người Việt mình ảnh hưởng nền văn hóa của người Trung Hoa giống như Nhật Bàn, Hàn quốc nên “Ăn Tết” thường giống nhau. Còn người Thái, người Lào, Campuchia họ lại giống nhau vì thời tiết ở những nơi đó khác. Họ mừng một “Vụ mùa” mới với những cơn mưa ướt đất hay nước đến để họ có thể canh tác trên ruộng đồng, bắt đầu cho một năm “Lương Thực” khác mà người miền nam hay gọi là “Lễ Xuống Đồng”, giống như có một hôm xem trên truyền hình Đồ Ngông tôi được thấy ở cái nơi nào đó thuộc xứ Âu Châu người ta đã làm một lễ “Xuống Đồng” với những chiếc máy cày cày những luống đầu tiên khởi đầu cho một “Vụ Mùa Mới” sau bữa tiệc ngoài trời!
Trong cuộc sống con người trên trái đất, người ta đã quá chịu nhiều đau khổ và vất vả vì mưu sinh, để rồi người ta lại mong ước được sung sướng, hạnh phúc, nhiều thuận lợi…Từ đó, mà gần như mọi câu chúc an lành, hạnh phúc, vui vẻ… được gởi đến cho nhau nhất là trong giai đoạn bắt đầu cho một chu kỳ thời tiết mới. Nhưng “chúc tụng” là một chuyện, mà thực tế là một chuyện khác! Thôi thì, cứ chúc nhau đi để mang được một niềm “hi vọng”. Hi vọng để mà sống, giống như Thần thoại Hi Lạp đã đề cập đến chuyện nàng Pandora chỉ kịp đóng nắp hộp lại để rồi chỉ giữ được cái “Niềm hi vọng” mà thôi!
Và cũng theo đó, mà những điều “mê tín dị đoan” đầy dẫy được truyền ra khắp thế gian trong mọi dân tộc với những “lòng tin” khác nhau: Nào là con “kỳ hưu” ăn vào không “ỉa ra”, nào là “cây tiền, cây phú quý; nào là con số nầy may mắn; hoặc màu nầy thích hợp, màu nầy không? Và chung quy nơi nào người ta “vất vả” mưu sinh nhiều chừng nào thì người ta lại càng hi vọng và “dị đoan” nhiều chừng nấy.
Đấy chẳng qua là “sự yếu đuối” của con người, của một loài “sinh vật đã từng có trí khôn”!

Đồ Ngông,
16/06/2019.

Lời Tâm Tình:
Theo lẽ bài nầy được hoàn tất từ sau bài thơ “Chúc Tết Xuân Kỷ Hợi”, để gọi là “Khai bút” vui chơi trong năm mới. Nhưng vì máy vi tính đã “bị hư” đành phải chịu cho đến bây giờ. Hi vọng Đồ Ngông tôi sẽ được “đóng góp” thêm nhiều ý, chuyện tào lao trong cuộc sống đến cùng quý vị bạn đọc để chúng ta cùng nhau “ngẫm nghĩ”sự đời. Thân!