Saturday, June 22, 2019

*Một Lối Suy Nghĩ!



Sau những năm tập tành viết lách qua một cơ hội biến chuyển lạ lùng trong cuộc đời, Đồ Ngông tôi thả xuôi “cái viết” của mình theo thời thế. Từ trong “cái muốn” diễn đạt những gì mình đã cảm nhận được trong cơn bệnh ở thời điểm “chán chường” nhất của đời sống; rồi lại đến đóng góp ý kiến cùng quý bậc cha mẹ về chuyện con cái trên xứ người. Đang lúc đó thì tới chuyện người ta “chửi nhau” trên những tờ báo địa phương, Đồ Ngông tôi đã “trân mình” đi giữa hai lằn đạn để mong cầu một sự yên ấm cho một cộng đồng nhỏ bé, mới cáu cạnh nơi quê lạ. Tự đó Đồ Ngông tôi nghĩ ra một cách tránh phiền lòng người khác nên đã chọn con đường “Viết về chuyện con người”. Chuyện con người ở đây không có nghĩa là viết về những cá nhân, hay vạch cái xấu tốt của ai mà chỉ là viết chung chung về những gì mà “con người” đã sống và đã làm. Cái lối viết ấy Đồ Ngông tôi chỉ mong độc giả nhìn vào như là “một phần phiến diện ý kiến” có thể đóng góp vào nhận xét chung của mình hoặc là chỉ để đọc giải trí, vui chơi trong những thời gian rỗi rảnh.
Đó là “tiền đề” cho những bài thơ và văn xuôi của “Đồ Ngông” hiện diện từ bấy lâu nay, nhất là ở những bài “châm biếm, trào phúng”, hay những chuyện “Tào Lao Thế Sự” (Chuyện Tào Lao) nhằm đem đến cho độc giả một niềm vui trong cái “đọc” hoặc cái nhìn vào cuộc sống.
Đồ Ngông tôi không có tham vọng, mà chỉ trình bày những gì mình đã thấy, suy nghĩ; mặc dù đôi khi chỉ là những nhận xét yếu kém, non nớt, hay lập hoặc nhắc lại ý kiến của người khác, thành bài viết có chủ đề để mua vui. Cái suy nghĩ của Đồ Ngông tôi muốn mượn “cái viết” hầu trang trải “những điều nhức nhối trong cuộc đời” mà con người đã tạo nên.
Nói đến con người là nói đến những phức tạp diễn biến trong cuộc sống trên rất nhiều khía cạnh: Từ những con người cùng khổ đến những kẻ sang giàu; từ “vô sản, bần cố nông” đến giai cấp “Lãnh đạo”; từ trí thức trở về đám “dân ngu, cu đen”. Những sự “bốc lột, chèn ép, làm tiền, cướp của, giết người” luôn xảy ra, hay “tìm sự sung sướng” trên “niềm đau khổ” của người khác, dù cho đó là “Chế độ xã hội” với lý tưởng nhằm đem đến công bằng, bình đẳng, ai cũng như ai không có cảnh “người bốc lột người”!
Cái lý tưởng nào cũng vậy, vì lý tưởng chỉ là lý tưởng. Lý tưởng là cái lý thuyết, là cái để nói, đôi khi chỉ là nói chơi cho vui, chứ quan trọng vẫn là thực hành. Ngoài thực tế, đôi khi người ta chỉ “vay mượn” lý tưởng để làm cớ mà thực hiện những tham vọng, cướp bóc thâm sâu cho một bầy đàn, hay đảng phái nào đó khi họ đã “dối trá” người dân mà nắm được quyền “lãnh đạo”. Lịch sử đã chứng minh rất nhiều từ thời bộ lạc cho đến thời “phong kiến”, hoặc đến thời “lãnh chúa” và “đế quốc”. Không những từ trong “thế quyền” mà ngay cả những tổ chức “thần quyền” không khác! Vậy thì, người dân nên tin ai bây giờ? Hay chỉ vì “Thấp cổ, bé miệng” nên phải đành “ngậm câm”!
Ca dao, tục ngữ Việt Nam đã ghi nhận những chính xác của người dân quê trong mọi thời kỳ với những ví dụ cụ thể mà ta có thể hình dung qua hình ảnh ấy được, giống như câu “Bộ Binh, Bộ Hộ, Bộ Hình – Ba Bộ đồng tình bóp vú con tôi”. Nhưng rất tiếc: Chắc còn có rất nhiều câu bị mất đi vì những triều đại hay chế độ “áp lực hay giết chết chúng nên chúng không được sưu tập lại trong kho tàng “Văn chương bình dân” của dân tộc.
Chuyện con người thật bao la, diễn tiến rất là phức tạp dù triết học, hay ngành tâm lý nghiên cứu, khắc phục vẫn không diễn tả được hết những hành vi mà con người đã làm. Đồ Ngông tôi “ngẩn ngơ”, cho đến một ngày đọc được cái gọi là “Tâm Lý Học Phật Giáo” hay là “Duy Thức Học” mới vỡ lẽ ra, dù là mình chưa hiểu bao nhiêu về Duy Thức!
Qua sự kiện đó, Đồ Ngông tôi lại thích thú hơn để viết tiếp về chuyện con người. Chính vì thế mà “Chuyện Tào Lao Thế Sự 2” được tiếp nối. Viết tiếp không phải là “nói xấu xã hội” hay “bày trừ tận gốc” mà chỉ để “mua vui với độc giả thân thương” vì đã chiếu cố đến các bài viết của Đồ Ngông; đồng thời góp thêm ý kiến để độc giả cảnh tỉnh những điều có thể xảy đến cho mình ở mai sau, vì chuyện con người không bao giờ dứt trừ phi con người bị tận diệt.
Con người là một chuỗi dài của các sự kiện, chuỗi “trùng trùng duyên khởi” được sinh ra: Sự kiện nầy tiếp nối với sự kiện khác dù nó trên hướng thiện hay ác, có ích hay không có ích cho nhân loại. Nó tùy theo suy nghĩ của cá nhân hay bầy đàn tương tác, nếu thuộc bầy đàn thì kết quả sẽ đi đến cái phạm vi ảnh hưởng to lớn hơn nhiều. Đồ Ngông tôi quả là không tự lượng sức mình mà đi vào cái bao la để rồi chỉ bơi lõm bõm trong cái vòng xoáy lẩn quẩn của chính mình. Nhưng ít ra là Đồ Ngông cũng sẽ đem lại được một vài phút để vui chơi, giải trí trong lúc gọi là “trà dư tửu hậu”!

Đồ Ngông,
23/06/2019.




No comments:

Post a Comment