Friday, September 20, 2019

*Cái Vòng "Kim Cô"!



Thú thật với độc giả, nếu nói về cái vòng Kim Cô thì Đồ Ngông tôi không rành cho lắm, vì lúc nhỏ chỉ đọc chuyện Tây Du Ký lờ mờ, có đoạn đọc, đoạn không. Và rồi tôi lại nhớ đến thằng Nghi, thằng bạn mà ba nó cho mướn truyện Tàu. Có một ngày nó rủ tôi cùng nhau xem truyện, đó là truyện Tây Du Ký. Hai thằng xem say sưa, chun vào một cái hốc trốn ba má mà đọc, nhất là đang lúc mùa hè được nghỉ học. Truyện hấp dẫn vì cái con khỉ sanh ra từ “đá nứt” để rồi sau đó nó sống theo bản năng tha hồ tung hoành nơi Động Thủy Liêm ở Hoa Quả Sơn. Thời con nít đã mê chuyện loài vật, nay lại thấy cái con khỉ khác thường làm cho tôi và thằng Nghi càng mê đọc hơn. Hở ra cứ rảnh là hai thằng ráp nhau lại mà đọc, kể cả quên ăn và thích nhứt là câu đầu chương: “Đây nói về…”. Không biết tôi với thằng Nghi mê con khỉ Tôn Ngộ Không đó được bao lâu, thì một buổi chiều má tôi đi kiếm tôi về, rồi bả cho tôi một trận đòn đáng đích. Từ đó tôi không dám lén đi coi truyện nữa. Thế là tôi phải bỏ Tôn Ngộ Không nửa chừng. Để về sau tôi chỉ nghe bạn bè thỉnh thoảng kể chuyện Tề Thiên Đại Thánh oai hùng với cây Thiết Bảng, và nó làm mưa làm gió từ dưới đất cho đến trên Trời.
Con khỉ “sanh ra từ đá nứt” ngang tàng đó lên tới Trời “đại náo Thiên Cung” đòi làm “Tề Thiên Đại Thánh”, và rồi phá Hội Bàn Đào để đến đổi Phật Tổ ra tay, Ngài “úp bàn tay” biến thành Ngủ Hành Sơn nhốt ông Tề Thiên đến 500 năm, đợi đến lúc Đường Tăng đi thỉnh kinh mới được thoát ra. Nhưng vì do tính khí theo bản năng nên Quan Thế Âm cho con khỉ đội mão có vòng Kim Cô để kìm hãm tính ý qua lời chú Định Tâm mà Ngài đã truyền cho Tam Tạng.
Ngày đó khi đọc truyện Tây Du Ký chúng tôi chỉ biết mê về những con thú có hành động giống như người, nhất là cái con khỉ ngang tàng dám đánh tới Thiên Đình mà chẳng sợ một ai. Đọc như giải trí vui chơi chứ không hiểu vào cái chiều sâu của nó. Mãi đến về sau khi Thầy Thu Giang Nguyễn Duy Cần giảng về Triết Đông Phương mới phân tích con khỉ trong Tây Du Ký ấy tượng trưng cho cái Ý Thức là cái Lý Trí, cái thông minh của con người mà trong Duy Thức của Đạo Phật gọi là Thức Thứ Sáu thì tôi mới lan man hiểu về cái tính triết lý trong đó, chứ chưa chính thật biết là gì. Sau nầy có dịp tìm hiểu về Duy Thức Học tức là môn Tâm Lý Học trong Đạo Phật tôi mới có thể lĩnh hội được chút nào về các nhân vật chính trong truyện Tây Du Ký. Rồi tôi lại thán phục đến tác giả Ngô Thừa Ân đã khéo gởi gấm kiến thức của mình hiểu được qua câu chuyện mà ông đã tạo ra.
Và cũng từ đó tôi lại chú ý đến cái “Vòng Kim Cô” mà Phật Bà Quan Âm đã cho Tôn Ngộ Không đội lên đầu. Nó có mục đích kiềm hãm lại những tính khí ngang tàng, vượt ra ngoài tầm kiểm soát của Tề Thiên Đại Thánh để có thể giúp ích rất nhiều trong cuộc đi thỉnh kinh của Đường Tam Tạng đến Tây Trúc, giống như một hành giả như tên gọi là Tôn Hành Giả.
Xong tôi lại nhìn vào xã hội, cũng thấy có rất nhiều người mang cho mình một cái vòng “Kim Cô”. Nếu họ không mang vòng Kim Cô, có lẽ xã hội đều loạn. Đọc đến đây, Quý Vị có thể sẽ vô cùng ngạc nhiên, nhưng đó là thực tế. Mọi tổ chức đều có cái qui định, nguyên tắc hoạt động, kỹ luật để những thành viên phải tuân theo như là giềng mối giữ vững sinh hoạt, chứ không thể mạnh ai nấy làm hay hành động theo cách riêng của mình. Do vậy khi tham gia vào một tổ chức nào, mọi thành viên đều phải tuân theo cái nguyên tắc chung cho nên tự họ đã chọn cho mình một cái vòng Kim Cô để đội lên đầu! Nếu một trường học không có một qui định, kỹ luật hẳn hòi thì khó đưa đến kết quả tốt đẹp, hay thành quả cao. Nếu trong quân đội không kỹ luật thì hậu quả thật là khó lường mà ta khó có thể tưởng tượng ra nổi. Cho nên những cái vòng Kim Cô đầy rẫy trong xã hội từ tổ chức nhỏ cho đến lớn, hay từ quốc gia cho đến quốc tế!
Có một lần, ông bạn của tôi kể một câu chuyện mà tôi không biết đó có phải là thật hay không vì chuyện ấy cũng không phải là chuyện của ông ta. Chuyện kể rằng: Có nhiều đảng phái chọn người trong đám dân chúng thấy người nào đó xuất sắc có khuynh hướng giống như điều kiện của đảng phái họ, họ chiêu dụ làm cảm tình. Rồi sau đó họ yêu cầu người kia phấn đấu để được chọn vào thành phần dự bị. Sau khi được vào dự bị thì họ phải phấn đấu làm đối tượng của thành viên chính thức của đảng phái. Xong họ phải phấn đấu làm thành viên chính thức. Và lúc họ là thành viên chính thức thì phải làm nhiệm vụ giao cho và phấn đấu cho đến khi nghỉ hay chết. Nếu một lúc vì điều kiện nào đó họ không thể tiếp tục mà suy giảm thì sẽ bị kiểm điểm. Hoăc họ tỏ ra chống đối, bất tuân thì bị thi hành kỹ luật và nặng hơn nữa họ sẽ bị khai trừ. Câu chuyện kết luận là người ấy “còn thua một quần chúng tốt”. Khi tôi nghe xong câu chuyện ấy thì quả thật trong lòng tôi có nhiều suy nghĩ cùng thắc mắc. Nhưng tôi chỉ nghĩ đó chỉ là một câu chuyện thêu dệt để vui chơi mà ông bạn tôi được nghe kể!
Trong đời ai cũng có lý tưởng và một hướng riêng cho mình về cuộc sống và xã hội. Thực hiện lý tưởng là mơ ước của không biết bao nhiêu người. Tuy nhiên lý tưởng đó có khi là tốt đẹp cho thiên hạ, đôi khi lý tưởng “dị chứng” làm hại hay khổ đến nhiều người. Nếu lý tưởng “xấu” ấy được tiếp tay nhiều người với vòng “Kim Cô” thắt chặt thì tác hại chẳng biết bao nhiêu mà kể. Cho nên cuộc đời nầy là những canh bạc hay trò chơi “khủng khiếp” đối với mọi người!

Đồ Ngông,
21/09/2019.




No comments:

Post a Comment