Wednesday, September 25, 2019

*Quê Người! (23)



Thời tiết trong khoảng thời gian nầy đã vào mùa Thu, cho nên những ngày mưa gió làm cho tôi thấy càng lạnh lẽo. Ban đêm cần mở sưởi nhiều hơn, nhưng với lò sưởi ống dài đốt không khí trong phòng nóng “hỗn” quá, nên đến sáng tôi cảm thấy khô cổ, đôi khi bị khan giọng nữa. Có người chỉ nên có thêm một tô nước trong phòng, để với độ nóng đó làm hơi nước bốc hơi dung hòa sự khô khan cho mình dễ chịu hơn. Với thời tiết như thế nầy, chắc hôm nào tôi phải đến Hội ICRA để tìm xem có quần áo cũ nào cho đủ ấm vì các ngày lạnh làm cho tôi cảm thấy nhức ở vai, lưng phần trên phổi. Tôi sợ bệnh phổi ngày xưa của mình lại tái phát thì khổ cho mình và cho cả vợ con còn ở quê nhà. Họ bây giờ còn trông chờ vào mình. Nghĩ như vậy tôi lại càng buồn, nhưng mình không thể làm gì được hơn là ráng chịu đựng để chờ tới “một lúc nào đó” mà mình cũng chẳng biết lúc ấy là lúc nào!
Thời gian mỗi ngày đi qua, cứ đến bữa thì kéo nhau lên căng-tin ăn, rồi lại tụ họp nhau nói vài ba câu chuyện, xong ai về phòng nấy lo làm công việc riêng của mình. Thành thì hay đi rảo đó đây, còn tôi thì không hứng thú lắm mà chỉ về phòng xem lại những từ ngữ Tiếng Anh mà tôi đã ráng ghi chép khi còn ở bên trại Sungai Bési để mong khi vào lớp học sẽ đốt được giai đoạn khó khăn mình sẽ gặp. Vì vào thời ở Trung học tôi chỉ học Anh Văn là sinh ngữ 2, nhưng nói chung học sinh ngữ lúc ấy dù Anh hay Pháp, chẳng qua là để cho biết chứ biết khi nào sẽ đến thực hành. Chuyện đời không ai học được chữ “ngờ”!
Hôm thứ năm vừa rồi, Thành và tôi có nhận được khoảng trợ cấp từ An Sinh Xã Hội mỗi đứa khoảng năm mươi mấy đô sau khi trừ các chi phí ăn ở nơi trung tâm tạm cư nầy. Tôi ráng dành dụm để khi có được thư và địa chỉ bên nhà thì có thể gởi chút ít quà để gia đình có thể chi phí trong lúc ngặt nghèo! Tôi lại nhớ đến câu mà những người đi vượt biển hay nói: “Một là con nuôi cá, hai là má nuôi con, ba là con nuôi má”! Nhưng giờ nầy tôi vẫn là người bất động, mặc cho mọi tình huống qua đi mà trong đầu luôn có những ưu tư và lo lắng! Tại vì đâu như thế?
Từng ngày mùa Thu lại qua đi, giống như những chiếc lá vàng của cái cây bên kia hàng rào từ xanh sang vàng, rồi từng nhóm lá lả tả theo các cơn gió. Những người tị nạn từ Ba Lan có ngày họ nằm phơi nắng trên sân cỏ ở gần hàng rào, nhưng sao mình cứ nghe lạnh hoài, chắc mình đến từ xứ nóng nên chưa quen. Một hôm tôi, Thành rủ Kim, Kiệt, Liêm đi đến Hội ICRA coi có những đồ nào ấm hơn để mặc vào thời gian lạnh sau nầy. Đồ đạc thì cũng chẳng có gì khác hơn nhiều, nhưng đi cầu may, may ra có vài cái để mặc cho ấm chứ chưa có tiền làm gì mua cho thấu.
Mỗi ngày cứ sáng, trưa, chiều đi lên căng-tin ăn rồi về phòng làm vài công việc lặt vặt mãi thì cũng chán. Khi còn ở trại tị nạn thì có những công việc như đi nhân lực, làm công tác chung; hay ít ra thì có nhiều bạn bè có thể đi tán gẫu ngoài giờ học, hoặc vào thư viện đọc sách, ghi chép từ ngữ Anh Văn như tôi đã làm. Còn ở đây thì “lạ nước, lạ cái” nên đành rút vào thế thủ, lặng yên mà nghe ngóng, học hỏi. Tính ra từ ngày sang đến đây tôi đã học được rất nhiều vấn đề, và gần như thứ gì tôi cũng phải học, nhưng cái thứ rất cần mà tôi chưa đáp ứng được là ngôn ngữ. Đến giờ nầy tôi mới thấy ngôn ngữ là rất hệ trọng như ông bạn già ngày trước đã nói “Mình biết thêm được một ngôn ngữ giống như mình có thêm con người thứ hai trong mình”. Tôi đã hoàn toàn thiếu tự tin và còi cọc trong xã hội mới hiện tại, mà nơi nầy đã cho tôi một cuộc sống mới và cũng là quê hương thứ hai. Cũng bởi vì đâu? Thực ra tôi không muốn lang thang nơi xứ người mà chỉ vì chế độ mới khiến tôi phải buộc lòng ra đi. Cái lý tưởng tổ chức cao đẹp của một xã hội tương lai sao mà cay đắng đến thế!
Một ngày tôi và Kim bàn tính mình cần phải mạnh dạn đi lần ra ngoài để tìm hiểu những vùng quanh đây xem sao, mặc dù chúng tôi đặt chân lên đất Úc đúng vào thời gian mà ông Giáo sư Sử học Blainy nào đó đang khơi dậy sự kỳ thị người Á Châu. Chúng tôi phải lặng lẽ, chai mặt khi có ai đó chạy xe ngang qua bóp kèn, la lối; nhưng cũng may là những người như vậy không nhiều. Chúng tôi ra vòng trung tâm tiếp cư đi lần ra đường lớn, rồi quẹo về hướng trái theo lịch trình không xa lắm, cỡ chừng khoảng trên dưới một cây số thì quẹo, tính theo một vòng tròn khi về đến trung tâm thì đúng giờ ăn trưa hay sớm hơn. Chúng tôi theo kế hoạch, đi dọc con đường lớn rồi đến ngả tư đèn xanh đèn đỏ thì quẹo trái, rồi cứ hướng đó mà đi tiếp. Đến ngã tư lớn thì thấy bên kia đường là một trung tâm thương mại lớn, nhưng chúng tôi không qua bên đó mà cứ tiếp tục đi về hướng trái để vòng về trung tâm. Đi khoảng hơn cây số thì đã tương đối mỏi chân, gặp mấy người Việt của mình mua đồ ăn ở một tiệm thực phẩm kế bên. Tò mò tôi và Kim đi vào coi thử. Trong tiệm Hưng Thạnh bán đủ thứ các thức ăn trong gói, hộp hay bình, gần như đầy đủ các thứ cần thiết cho thức ăn Á Châu. Tôi tình cờ nhìn trên kệ sau lưng của người tính tiền thì thấy có mấy cuốn sách về Tiếng Anh, đồng thời có luôn cả Tự điển Anh Việt nữa. Mừng quá tôi chỉ Kim, rồi hỏi giá tiền cuốn sách. Quyển Tự Điển gần hai chục đô. Tôi xem lại mình có đủ tiền không, rồi mua quyển sách ấy. Kim đợi mua sau. Mua được Tự Điển tôi mừng lắm, vì khi ở bên đảo hoặc Bési những người đi định cư trước viết thư về cho bạn bè báo là sách học về Tiếng Anh ở Mỹ cũng như ở Úc rất hiếm, nhất là về Tự Điển. Chính vì vậy mà khi sang Trại chuyển tiếp Sungai Bési ở Kuala Lumpur tôi cố gắng đi thư viện để mượn Tự Điển ghi chép Từ ngữ phòng cho mai sau. Bây giờ vấn đề ưu tư của tôi từ lâu đã được giải quyết. Tôi nghe lòng nhẹ nhỏm hơn. Vừa vui lại vừa mỏi chân tôi và Kim định quay trở về Trung tâm theo con đường tắt. Chúng tôi cứ nhắm hướng mà băng vào các khu xóm. Các con đường bên trong cũng khang trang không khác với những con đường bên ngoài, chỉ khác đi là ít xe thôi. Nhà nào cũng quay mặt ra đường, cất theo thứ tự chứ không quay hướng nầy hay hướng khác. Từ vòng rào mặt tiền ra mặt đường có một khoảng cách của đường đi bộ và một khoảng cỏ khiến cho mình cảm thấy thoải mái mà cảnh trí lại đẹp nữa. Chúng tôi băng qua nhiều con đường đến khu trường học Pennington thì đến đó là một con đường cụt. Thấy vậy đành phải quay lại tìm con đường khác, nhưng không dám đi xa hơn cái vòng trung tâm. Đến con đường có vòng rào của mấy cái hãng, tôi và Kim dọc theo đó nhắm hướng mà về. Trên vách tôn của hãng nào đó người ta viết lên chữ “Asian out” cũng khiến lòng tôi có nhiều lo ngại, nhất là trong suốt cuộc đời còn lại của mình đã “chọn nơi nầy làm quê hương”! Cây lớn bên cổng vào trung tâm mấy ngày nay gió nhiều đã thổi bay những lá vàng, làm lá rụng đầy trên mặt đất nhưng cây chỉ còn lại trơ cành!
Tôi và Kim về còn kịp giờ ăn trưa, nhưng tôi về phòng để cất cuốn Tự Điển rồi mới lên căng-tin. Ăn xong gặp Bác Vỹ cho hay là: “Bọn mình vài ngày nữa học lớp Đời sống mới do ông Y phụ trách, đã có thông báo dán lên bảng rồi kìa; nhưng tớ cũng báo cho biết một tin buồn là Việt Nam ngưng cứu xét hồ sơ bảo lãnh cho gia đình rồi”! Tôi ngạc nhiên: “Sao Bác biết”? “Thì báo đăng”. Về đến phòng Bác rủ tôi và Thành qua uống trà, xong Bác đưa tờ báo “Chuông Sàigòn” trên đó đăng tin là Chính phủ Việt Nam đã ngưng cứu xét những hồ sơ đoàn tụ gia đình chưa biết là đến bao lâu. Bác Phương và Bác Vỹ đưa ra nhận định: Có lẽ hôm mình qua, người ta biểu tình chống ông Ngoại Trưởng Nguyễn Cơ Thạch ở Thủ đô Canberra, nên ông ấy ngưng cứu xét hồ sơ chứ gì. Thôi thì tới đâu thì tới, mà chừng nào gia đình gởi giấy tờ qua thì tính sau. Tôi cũng trong tình huống như vậy!
Tính ra, tôi và Thành cũng được nhiều may mắn: Thứ nhất là gặp Trọng, chị Yến để biết thêm vài người đi trước khiến cho mình ấm lòng. Thứ hai ở kế bên Bác Vỹ, Bác Phương là những người từng trải, giao thiệp rộng, lớn tuổi nên họ được sự cung kính của những người khác và chúng tôi cũng được hưởng “ké” ân huệ. Lần nào có người vào thăm, tôi, Thành đều được rủ sang chơi để nghe tâm tình, kinh nghiệm sống trên xứ người. nhằm đốt giai đoạn trong tương lai. Riêng Bác Vỹ vì trong quá trình trong quân đội nên được nhiều người, nhất là những cựu quân nhân thuở xưa kính trọng thường ghé thăm, mà mỗi lần như vậy, tôi và Thành đều được rủ sang để uống nước trà hoặc cà phê và nghe chuyện hơn là tham gia ý kiến. Gia đình anh Ba Nguyên qua cùng chung “list” ở bên kia đường, ngày xưa cũng là sĩ quan, mà anh lại có hai người em qua trước nên sự giao tiếp của anh rất rộng rải, nhiều lần anh dẫn nhiều người sĩ quan cũ về ghé thăm Bác Vỹ, cứ mỗi lần như vậy tôi đều được “ké”. Ngồi cùng tham gia trà, cà phê chứ trong câu chuyện tôi chẳng biết gì để nói hay là kể vì “Lính” thì tôi không biết gì, còn nghề của tôi thì lạc lỏng ở đây hoặc là trong câu chuyện, nên tôi chỉ đành ngồi “để mà nghe”!

Nguyên Thảo,
26/09/2019.




No comments:

Post a Comment