Saturday, October 12, 2019

*Cứ Đi!



Đi mãi, cứ đi, trọn cuộc đời
Đời buồn, nhiều khổ, chẳng bao vui
Có chăng, những lẽ đời vô vị
Như thế, mà suy cái sự đời
Năm tháng, bao mùa luôn tiếp nối
Ngày qua, chuỗi tuổi lại không rời
Trách không? Con tạo vô duyên quá!
Nhân thế vào đời đóng kịch chơi!

Đồ Ngông,
13/10/2013.




*Đi Nga. (1)



Tôi dự trù sẽ viết thêm một hoặc hai bài nữa về “Đường Đến Băng Hà” để hoàn tất loạt bài nầy khi chuyện kể kết thúc ở chặng đường “Giã từ Vancouver và Canada”, mà sẽ không tiếp theo ở chặng đường Hawaii trước khi trở về Úc. Nhưng mọi dữ liệu ghi lại trong máy vi tính đã mất theo sự hỏng của nó nên đành “bỏ qua”. Nhưng dù gì: Bao nhiêu đó cũng gọi là “Tạm đủ”, dù là chưa được trọn vẹn.
Thế rồi, hôm nay tôi lại “hứng thú” muốn ghi lại vài “chia sẻ” khác đến cùng Quý độc giả xem chơi. Đây không là một ký sự, mà là những chặng đường của một chuyến đi. Tôi sẽ ghi lại những thực tế, và kinh nghiệm mà chúng ta cần rút ra vài bài học.
Nhân hai vợ chồng tôi và đôi cặp vợ chồng: Anh Thới - Chị Hai; Anh Bích và Chị Tường Vi cùng rủ nhau đăng ký vào tour du lịch ở công ty Friendly Travel của anh Vương Chánh tự trên Melbourne qua Tina thuộc công ty du lịch Goodway trên đường Hanson. Mọi thủ tục đều êm xuôi, giấy tờ đầy đủ, và rồi chúng tôi chuẩn bị cho một cuộc hành trình xa xôi đến “Nước Nga và vài vùng ở Trung Âu”.
Vì chuyến bay của Singapore Airlines đến Adelaide không nhiều, nên chúng tôi phải đi sang Singapore mới nhập đoàn chung với các nơi khác, tính theo thời khắc là phải đến Singapore và đợi đoàn đến gần nửa ngày trời. Nhưng dù vậy vẫn còn hơn là đến Melbourne nhập đoàn thì phải tốn thêm khá nhiều tiền cho máy bay và khách sạn để ngủ qua đêm.
Sáu người qua thủ tục “Check in” gởi hành lý, vào cổng, và qua hải quan để đến phòng đợi lên máy bay. Tất nhiên là phải đợi khá lâu cho chuyến bay vì mãi đến hơn 9 giờ máy bay mới bắt đầu cất cánh.
Chuyến bay vượt đường dài và mất gần tám tiếng đồng hồ thì cũng đến được phi trường Changi của Singapore. Xuống máy bay với hành lý xách tay, còn hành lý ký gởi khi đến Moscow mới nhận lại.
Phi trường Singapore rộng nên chúng tôi phải lần mò đi tìm nơi để lấy cái voucher mà hãng máy bay cho với khoảng 20 đô Singapore mỗi người, nhờ chị Tường Vi (chị Bích) khá Tiếng Anh nên công việc trôi chảy không gặp trở ngại nào.
Do nơi mấy lúc gần đây tôi thường thấy trên “you tube” rất nhiều người làm những ký sự du lịch bằng hình ảnh, video rất là hấp dẫn, mà cũng không thiếu tài liệu mà họ gọi là Vlog. Xem các chương trình ấy mà tôi lại thấy tự thẹn với lòng. Mình sao tệ quá! Nhưng an ủi được cái là mình viết kỷ niệm cho mình, đồng thời chỉ để mua vui cho mọi người, với những ai đã bỏ thời gian để vào blog mình mà đọc, nhất là cùng với các Cựu Học Sinh của trường Trịnh Hoài Đức.
Nhiều lần tôi đã khẳng định là tôi chẳng có khả năng về viết lách hoặc làm thơ từ lúc xa xưa. Nhưng do một “nguyên nhân kỳ lạ” tôi lại “nhảy ra” làm thơ và viết văn, thì những cái chuyện thơ văn “vớ vẩn” tôi vẫn xem là chỉ “chia sẻ” cùng với mọi người cái mà mình có được! Do suy nghĩ như vậy mà tôi lại không tự thấy “thẹn” với  lòng nữa!
Trong chuyến đi nầy, những suy nghĩ “viết về chuyến du lịch” làm tôi cứ mãi băn khoăn, đôi lúc không muốn viết giống như lúc trước mình không viết thì cũng chẳng có sao. Rồi lại nghĩ “viết để kỷ niệm, để mua vui với bạn bè” thì cũng tốt. Nhưng viết như thế nào bây giờ. Về hình ảnh, tài liệu người ta đã có đầy đủ trên Vlog của họ rồi. Còn muốn tìm tài liệu đầy đủ hơn thì cứ đánh lên Google để hiện ra mà đọc. Vậy thì mình viết như thế nào bây giờ? Đôi lúc tôi lại không muốn viết nữa!
Từ kinh nghiệm trong vài chuyến đi thì chuyến đi nào cũng vậy, khâu chuẩn bị đều vất vả cả, kể cả những chuyến đi ngắn ngày ở gần; còn đi xa thì phải suy nghĩ, chuẩn bị nhiều hơn. Người lo nhiều là vợ tôi, vì tôi bận vào công việc khác. Tôi chỉ dành ra vài ngày để lo hành lý, tư trang của mình trước chuyến đi.
Đi du lịch thì cũng tùy theo quan niệm của mỗi người, người thì thích đi, làm có bao nhiêu tiền cứ dành dụm để đi, họ đi theo cái thích thú và muốn tìm hiểu, ngắm nhìn. Còn người thì không thích, họ thích vào các phương diện khác. Thường thì người thích tìm hiểu, tò mò hay thích đi hơn chứ không hẳn là đi du lịch. Ông bà ta ngày xưa đã có nói: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” thì tôi nghĩ cũng có thể là vậy, nếu người đi biết học hỏi thì có thể học hỏi rất nhiều điều trên chuyến đi.
Lang thang hàng giờ trên phi trường Changi, từ những tiệm bán hàng cho đến các công viên trang điểm cho phi trường, chúng tôi cứ mãi lo lắng vì không có số điện thoại của người Hướng Dẫn Viên vì cô ấy khi gọi đến chúng tôi là số điện thoại “Private” nên số không hiện ra, mà cổng của phi cơ đi Moscow bây giờ thì chưa hiện lên trên bảng vì thời gian còn quá sớm. Vừa phập phồng, vừa lo âu vì sợ bị lạc với đoàn, cho nên chúng tôi chỉ lẩn quẩn ở Terminal 3 mà thôi. Rồi để giết thì giờ, lại đi xin số Wi-fi để vào internet cho đỡ buồn.
Ngồi hoài thì cũng chán, lại kéo nhau đi ra đi vào. Đến giờ ăn thì lên các quầy bán thức ăn để mua. Mình muốn ăn cái gì thì xếp hàng mua món ấy, lấy giấy và trả tiền. Người ta sẽ kêu mình đến gian hàng nào đó để đưa giấy và sẽ được phục vụ. Chúng tôi đa số là ăn thử cơm gà “Hải Nàm” ở đây xem sao?
Mệt mỏi quá rồi chúng tôi lại đi kiếm chỗ để nghỉ ngơi, mà cứ luôn nhìn vào đồng hồ để xem tới giờ chưa để đi đến cổng chờ nhập với đoàn, đến lúc đó thì chúng tôi mới an tâm. Thế rồi sau một thời gian dài, chúng tôi cũng nhìn thấy giờ giấc, cổng của chuyến bay đi Moscow được hiện lên trên bảng của những chuyến phi cơ sẽ khởi hành. Lòng đỡ lo hơn, và chúng tôi đi mua vài thứ để chuẩn bị cho cuộc đi, rồi kéo nhau đi về cổng của chuyến bay đợi chờ đoàn đến.
Vì nóng ruột và không biết như thế nào, lòng chúng tôi vẫn luôn bồn chồn trông ngóng, không biết rồi sẽ có gặp đoàn hay không. Lòng vòng ở khu đợi cũng khá lâu, thì thấy có bốn người Việt đến: Một người đàn ông và ba người đàn bà. Thấy họ ngồi trên băng, nói tiếng Việt, mà lại ở đây tôi hồ nghi là những người cùng chuyến nên tôi đến bên người đàn ông hỏi chuyện. Đúng là những người từ Sydney đến, anh Thạnh (tên người đàn ông) kêu vào ngồi ghế kế bên anh. Chúng tôi bắt đầu hỏi han nhau và làm quen. Tâm tình hồi lâu thì anh bận công việc đi một chút, tôi cũng đứng dậy ra ngoài. Ngay lúc đó một đoàn người đến, có một cô trẻ mà gương mặt hao hao với cô Liên làm Hướng dẫn viên cho đoàn lúc vợ chồng tôi cùng vợ chồng anh Thới đi trong chuyến sang Canada, nên tôi nghĩ chắc là Jennifer, em cô Liên. Quả đúng là đoàn từ Melbourne đến. Tôi nghe an tâm trong lòng. Jennifer cho biết đoàn gồm có 27 người từ Melbourne kể cả cô, 4 người từ Sydney và 6 người ở Adelaide, vị chi tất cả là 37 người.
Nhưng vì Jennifer bận rộn, dẫn vài người đến vị trí để nhận “voucher” mà hãng máy bay đã cho. Còn “băng” chúng tôi bây giờ hoàn toàn an tâm, ngồi thoải mái để chờ đợi giờ đi qua nơi kiểm soát hành lý và vào khu vực đợi chờ chuyến bay. Thật là một chuyến đi hồi hộp chỉ vì thiếu đi cái số điện thoại để liên lạc mặc dù trong mấy người chúng tôi vẫn có số điện thoại được kết nối khi chuyển qua vùng khác!
Không bao lâu thì chuyến bay cũng được khởi hành. Tất nhiên là chúng tôi cũng chỉ được ngồi hạng “economic” mà thôi! Ngồi phía sau đuôi nhưng cũng là ở trên máy bay; máy bay cũng đưa mình đến nơi, chứ đâu có bỏ lại ở phi trường đâu, mặc dù tiêu chuẩn không cao hay thoải mái lắm. Tôi ngồi kế bên một anh chàng mà tôi cứ ngỡ anh ta là một người Tàu đi du lịch hay làm ăn gì đó trên đất Nga. Khi đến buổi ăn thì tôi để ý là anh ta ăn bánh mì trước, sau đó là ăn toàn là salad rồi mới đến các thức ăn khác. Tôi lấy làm lạ, thầm nghĩ: Không biết cái cách mình ăn sai, hay là cách ăn của anh ta là như thế; vì thực ra về cách ăn thức ăn Tây Phương thì mình cũng chẳng là thông thạo cho lắm! Thôi thì cứ nghĩ là “cái nào cũng vào đấy” như một anh “chi viện” ngày xưa đã nói. Món nào rồi cũng vào trong bao tử cả ấy mà!
Trên chuyến bay đường dài thì người ta chuộng cái ngủ là hơn cả. Ngủ để quên đi đoạn đường “xa lắc, xa lơ”, không cảm thấy khó chịu trong cái chật chội của hạng vé “cá kèo, bình dân”. Nhưng những hãng máy bay khi thiết kế người ta cũng đã tính toán đến các nhu cầu cho hành khách đủ cả từ cái “toilet” đến phương diện giải trí cho những người khó ngủ, từ xem đường bay, vận tốc, độ cao, vị trí của máy bay đến các loại phim, nhạc, TV, hay “game” trên màn hình cho cả con nít lẫn người lớn. Nhưng trong thời đại ngày nay, con nít thường được cha mẹ đem theo cái iPad, hay Tablet để chúng tha hồ chơi “game” quen thuộc của chúng, khiến chúng say mê mà không phải khóc, bực bội như ngày trước nữa. Tôi thuộc loại khó ngủ nên cứ loay hoay trên cái tư thế ngồi, và cái màn hình, cuối cùng thì  cứ chọn cái “Phim movie” nào đó có cái tựa hơi là lạ là cho nó chạy dù tiếng Anh của mình không đủ để hiểu: Cứ coi hình mà đoán vậy! Hết phim thì chẳng biết làm gì, cứ mở thêm phần thông tin về chuyến bay để coi máy bay đang trên độ cao nào, vận tốc là bao nhiêu, còn bao lâu thì đến nơi, hoặc nó đã đi được bao xa rồi! Những chi tiết ấy cũng thú vị, thu hút được rất nhiều người, khiến họ quên đi cái đoạn đường dài!

Nguyên Thảo,
11/07/2019.




Tuesday, October 1, 2019

*Sự Vô Cảm!



Nói đến sự vô cảm, Đồ Ngông tôi lại nhớ đến những thời kỳ đầu sau ngày thống nhất, khi mà mọi hoạt động xã hội phải đứng chựng lại để đợi chờ những gì xảy ra kế tiếp. Trong dân chúng người ta hớn hở, vui mừng vì hòa bình đã đến; và lúc ấy người ta thi đua nhau chết theo như ước nguyện của họ: “Cho tao thấy hòa bình rồi tao chết cũng vui”. Điều ấy làm cho người chết được thỏa mãn phần nào. Kế đến là những phong trào xây dựng lại đất nước, nhất là thủy lợi thì rất năng nỗ, đôi khi vượt ra ngoài ý kiến của người dân. Bên cạnh đó là những biện pháp đối với thành phần thuộc chế độ trước. Rồi tiếp đến những biện pháp về kinh tế và tổ chức theo xã hội mới. Tất cả phải lần lượt vào khuôn phép theo cách tổ chức kinh điển mà đường lối đã vạch ra. Không một cơ cấu nào hoàn tất cho nhanh được, và luôn gặp nhiều trở ngại vì quyền tư hữu của người dân bị giới hạn. Nơi thì thừa ăn, nơi thì chịu đói, nạn buôn lậu dẫy đầy vì tổ chức của chính quyền chưa hoàn thành. Có nơi thì hoàn thành, nhưng lấy hàng hóa đâu mà phân phối hay cung cấp dù theo tiêu chuẩn: Nhà máy không đủ nguyên liệu để sản xuất. Nông nghiệp thì thiếu thuốc trừ sâu, ruộng đất thì chờ để vào hợp tác xã, nên mùa màng bị sâu hoành hành thất bát. Xe cộ đi vào giao thông vận tải, không xăng dầu để chạy. Nhà không chất đốt phải phá đến rừng…Mọi thứ đều trở nên khó khăn và cũng không vài tháng hay một năm mà còn kéo ra trong thời gian khá là dài!
Vào thời kỳ ấy, nhiều nơi thuộc vùng lao động ngày xưa hay dân nghèo không có tiền sinh sống, họ đành “túng quẩn phải làm liều” trở thành “người ăn cắp, ăn trộm, hay cướp giựt”. Địa phương không có tiêu chuẩn để nuôi, đành ra lệnh: “Ai bắt thì nấy nuôi”. Người dân bất mãn rất nhiều, nên “sự xảy ra” thì đừng quan tâm tới. “Đừng quan tâm, đừng dính líu, dính líu thì phiền hà” mở đầu cho một tinh thần sau nầy là: “Vô Cảm”!
Đồ Ngông tôi không nói ngoa đâu! Quý vị cứ nghiệm lại kỹ mà xem. Trong hoàn cảnh lo chạy ăn từng bữa, lo nuôi sống bản thân, gia đình mình chưa xong, thì dính líu vào chuyện nầy hay chuyện khác làm chi cho mệt. Bởi thế khi bắt đầu dân chúng thường hay tham gia chuyện nầy, hay chuyện kia mong làm cho đất nước khá hơn sau thời chiến tranh tàn phá. Ai là công dân chẳng có lòng yêu nước? Nhưng đói quá thì yêu nước và yêu bản thân, gia đình cái nào là quan trọng hơn? Bây giờ không phải là thời kỳ để “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” thì người ta đâu có chọn cái chết “Vì Tổ Quốc”! Cái lý thuyết bao giờ cũng tốt đẹp, nhưng cái thực tế nó lại khác xa, thế mà tối ngày cứ ôm cái “lý tưởng xa vời” mà sống được sao? Thế cho nên người ta dần dần rồi “Cũng đành dửng dưng!” với mọi cách và tổ chức, mặc cho nhà nước làm gì thì làm, chuyện đó là chuyện của nhà nước và những ai lãnh đạo. “Vô Cảm” tiến thêm một bước xa hơn!
Rồi lại thêm cái “Quan Điểm”, cái bảo vệ “Thành Quả”, cái “Nghi Kỵ” kẻ thù, kẻ địch mọi sự đóng góp ngoài “thành phần nồng cốt” chẳng được quan tâm. Những người có tài, trí thức đành mai một, chết dần chết mòn trong u tối hay họ mở đường cho “Tài năng đội nón ra đi, đem chuông đi giúp xứ người”. Nếu không sang xứ người thì cứ yên phận mà lo cho đời sống của mình và gia đình, chẳng cần quan tâm, lo việc cống hiến chi cho mệt. Lại được thêm một nhóm người vô cảm!
Chuyện “Vô Cảm” không dừng ở đó, nó còn truyền đến mấy chục năm sau một cách vô tội vạ: Những hành động bất tuân luật lệ, những cung cách chạy xe cản trở lưu thông, những hành vi ngang ngược, xả rác lung tung, chẳng giữ vệ sinh công cộng…trở thành phổ biến trong toàn xã hội. Thậm chí đến chiếc xe chở bia gặp tai nạn, đổ đầy ra ngoài đường, con người đã chẳng giúp thì thôi, lại nở nhẫn tâm đi “hôi của”, như là một “cơ hội” để họ được thỏa mãn say sưa. Ôi, con người mới là như thế đấy! Con người mới không phải trong xã hội không đâu mà còn len lỏi trong tận chốn “Công Quyền”. Họ “Vô Cảm” để đòi “Thủ tục đầu tiên”, tìm cách làm tiền, đòi hối lộ và cắt xén ngân quỹ, lấy tiền của công làm của tư một cách qui mô không thương tiếc. Họ chạy chức, chạy quyền đến vị trí nào “có tiền” nhiều hơn. Họ không từ “xài bằng giả” để giữ vững cương vị của mình! Chỉ tiếc rằng “Sự Vô Cảm” đã đánh bại tư cách con người, cũng như quan chức theo điều đã được dạy: “Chí Công, Vô Tư”, “Lo trước cái lo của Thiên Hạ, vui sau cái vui của Thiên Hạ”. Nhưng đó cũng là chuyện thường tình trong một kiếp của con người! Biết trách ai bây giờ…!!!

Đồ Ngông,
2/10/2019.