Tôi dự trù sẽ viết thêm một hoặc hai
bài nữa về “Đường Đến Băng Hà” để hoàn tất loạt bài nầy khi chuyện kể kết thúc ở
chặng đường “Giã từ Vancouver và Canada”, mà sẽ không tiếp theo ở chặng đường
Hawaii trước khi trở về Úc. Nhưng mọi dữ liệu ghi lại trong máy vi tính đã mất
theo sự hỏng của nó nên đành “bỏ qua”. Nhưng dù gì: Bao nhiêu đó cũng gọi là “Tạm
đủ”, dù là chưa được trọn vẹn.
Thế rồi, hôm nay tôi lại “hứng thú”
muốn ghi lại vài “chia sẻ” khác đến cùng Quý độc giả xem chơi. Đây không là một
ký sự, mà là những chặng đường của một chuyến đi. Tôi sẽ ghi lại những thực tế,
và kinh nghiệm mà chúng ta cần rút ra vài bài học.
Nhân hai vợ chồng tôi và đôi cặp vợ
chồng: Anh Thới - Chị Hai; Anh Bích và Chị Tường Vi cùng rủ nhau đăng ký vào
tour du lịch ở công ty Friendly Travel của anh Vương Chánh tự trên Melbourne
qua Tina thuộc công ty du lịch Goodway trên đường Hanson. Mọi thủ tục đều êm xuôi,
giấy tờ đầy đủ, và rồi chúng tôi chuẩn bị cho một cuộc hành trình xa xôi đến “Nước
Nga và vài vùng ở Trung Âu”.
Vì chuyến bay của Singapore Airlines đến
Adelaide không nhiều, nên chúng tôi phải đi sang Singapore mới nhập đoàn chung
với các nơi khác, tính theo thời khắc là phải đến Singapore và đợi đoàn đến gần
nửa ngày trời. Nhưng dù vậy vẫn còn hơn là đến Melbourne nhập đoàn thì phải tốn
thêm khá nhiều tiền cho máy bay và khách sạn để ngủ qua đêm.
Sáu người qua thủ tục “Check in” gởi
hành lý, vào cổng, và qua hải quan để đến phòng đợi lên máy bay. Tất nhiên là
phải đợi khá lâu cho chuyến bay vì mãi đến hơn 9 giờ máy bay mới bắt đầu cất cánh.
Chuyến bay vượt đường dài và mất gần tám
tiếng đồng hồ thì cũng đến được phi trường Changi của Singapore. Xuống máy bay
với hành lý xách tay, còn hành lý ký gởi khi đến Moscow mới nhận lại.
Phi trường Singapore rộng nên chúng tôi
phải lần mò đi tìm nơi để lấy cái voucher mà hãng máy bay cho với khoảng 20 đô
Singapore mỗi người, nhờ chị Tường Vi (chị Bích) khá Tiếng Anh nên công việc trôi
chảy không gặp trở ngại nào.
Do nơi mấy lúc gần đây tôi thường thấy
trên “you tube” rất nhiều người làm những ký sự du lịch bằng hình ảnh, video rất
là hấp dẫn, mà cũng không thiếu tài liệu mà họ gọi là Vlog. Xem các chương trình
ấy mà tôi lại thấy tự thẹn với lòng. Mình sao tệ quá! Nhưng an ủi được cái là mình
viết kỷ niệm cho mình, đồng thời chỉ để mua vui cho mọi người, với những ai đã
bỏ thời gian để vào blog mình mà đọc, nhất là cùng với các Cựu Học Sinh của trường
Trịnh Hoài Đức.
Nhiều lần tôi đã khẳng định là tôi chẳng
có khả năng về viết lách hoặc làm thơ từ lúc xa xưa. Nhưng do một “nguyên nhân
kỳ lạ” tôi lại “nhảy ra” làm thơ và viết văn, thì những cái chuyện thơ văn “vớ
vẩn” tôi vẫn xem là chỉ “chia sẻ” cùng với mọi người cái mà mình có được! Do
suy nghĩ như vậy mà tôi lại không tự thấy “thẹn” với lòng nữa!
Trong chuyến đi nầy, những suy nghĩ “viết
về chuyến du lịch” làm tôi cứ mãi băn khoăn, đôi lúc không muốn viết giống như
lúc trước mình không viết thì cũng chẳng có sao. Rồi lại nghĩ “viết để kỷ niệm,
để mua vui với bạn bè” thì cũng tốt. Nhưng viết như thế nào bây giờ. Về hình ảnh,
tài liệu người ta đã có đầy đủ trên Vlog của họ rồi. Còn muốn tìm tài liệu đầy đủ
hơn thì cứ đánh lên Google để hiện ra mà đọc. Vậy thì mình viết như thế nào bây
giờ? Đôi lúc tôi lại không muốn viết nữa!
Từ kinh nghiệm trong vài chuyến đi thì
chuyến đi nào cũng vậy, khâu chuẩn bị đều vất vả cả, kể cả những chuyến đi ngắn
ngày ở gần; còn đi xa thì phải suy nghĩ, chuẩn bị nhiều hơn. Người lo nhiều là
vợ tôi, vì tôi bận vào công việc khác. Tôi chỉ dành ra vài ngày để lo hành lý,
tư trang của mình trước chuyến đi.
Đi du lịch thì cũng tùy theo quan niệm
của mỗi người, người thì thích đi, làm có bao nhiêu tiền cứ dành dụm để đi, họ đi
theo cái thích thú và muốn tìm hiểu, ngắm nhìn. Còn người thì không thích, họ
thích vào các phương diện khác. Thường thì người thích tìm hiểu, tò mò hay thích
đi hơn chứ không hẳn là đi du lịch. Ông bà ta ngày xưa đã có nói: “Đi một ngày đàng,
học một sàng khôn” thì tôi nghĩ cũng có thể là vậy, nếu người đi biết học hỏi
thì có thể học hỏi rất nhiều điều trên chuyến đi.
Lang thang hàng giờ trên phi trường Changi,
từ những tiệm bán hàng cho đến các công viên trang điểm cho phi trường, chúng tôi
cứ mãi lo lắng vì không có số điện thoại của người Hướng Dẫn Viên vì cô ấy khi
gọi đến chúng tôi là số điện thoại “Private” nên số không hiện ra, mà cổng của
phi cơ đi Moscow bây giờ thì chưa hiện lên trên bảng vì thời gian còn quá sớm.
Vừa phập phồng, vừa lo âu vì sợ bị lạc với đoàn, cho nên chúng tôi chỉ lẩn quẩn
ở Terminal 3 mà thôi. Rồi để giết thì giờ, lại đi xin số Wi-fi để vào internet
cho đỡ buồn.
Ngồi hoài thì cũng chán, lại kéo nhau
đi ra đi vào. Đến giờ ăn thì lên các quầy bán thức ăn để mua. Mình muốn ăn cái
gì thì xếp hàng mua món ấy, lấy giấy và trả tiền. Người ta sẽ kêu mình đến gian
hàng nào đó để đưa giấy và sẽ được phục vụ. Chúng tôi đa số là ăn thử cơm gà “Hải
Nàm” ở đây xem sao?
Mệt mỏi quá rồi chúng tôi lại đi kiếm
chỗ để nghỉ ngơi, mà cứ luôn nhìn vào đồng hồ để xem tới giờ chưa để đi đến cổng
chờ nhập với đoàn, đến lúc đó thì chúng tôi mới an tâm. Thế rồi sau một thời
gian dài, chúng tôi cũng nhìn thấy giờ giấc, cổng của chuyến bay đi Moscow được
hiện lên trên bảng của những chuyến phi cơ sẽ khởi hành. Lòng đỡ lo hơn, và chúng
tôi đi mua vài thứ để chuẩn bị cho cuộc đi, rồi kéo nhau đi về cổng của chuyến
bay đợi chờ đoàn đến.
Vì nóng ruột và không biết như thế nào,
lòng chúng tôi vẫn luôn bồn chồn trông ngóng, không biết rồi sẽ có gặp đoàn hay
không. Lòng vòng ở khu đợi cũng khá lâu, thì thấy có bốn người Việt đến: Một người
đàn ông và ba người đàn bà. Thấy họ ngồi trên băng, nói tiếng Việt, mà lại ở đây
tôi hồ nghi là những người cùng chuyến nên tôi đến bên người đàn ông hỏi chuyện.
Đúng là những người từ Sydney đến, anh Thạnh (tên người đàn ông) kêu vào ngồi
ghế kế bên anh. Chúng tôi bắt đầu hỏi han nhau và làm quen. Tâm tình hồi lâu thì
anh bận công việc đi một chút, tôi cũng đứng dậy ra ngoài. Ngay lúc đó một đoàn
người đến, có một cô trẻ mà gương mặt hao hao với cô Liên làm Hướng dẫn viên
cho đoàn lúc vợ chồng tôi cùng vợ chồng anh Thới đi trong chuyến sang Canada, nên
tôi nghĩ chắc là Jennifer, em cô Liên. Quả đúng là đoàn từ Melbourne đến. Tôi
nghe an tâm trong lòng. Jennifer cho biết đoàn gồm có 27 người từ Melbourne kể
cả cô, 4 người từ Sydney và 6 người ở Adelaide, vị chi tất cả là 37 người.
Nhưng vì Jennifer bận rộn, dẫn vài người
đến vị trí để nhận “voucher” mà hãng máy bay đã cho. Còn “băng” chúng tôi bây
giờ hoàn toàn an tâm, ngồi thoải mái để chờ đợi giờ đi qua nơi kiểm soát hành lý
và vào khu vực đợi chờ chuyến bay. Thật là một chuyến đi hồi hộp chỉ vì thiếu đi
cái số điện thoại để liên lạc mặc dù trong mấy người chúng tôi vẫn có số điện
thoại được kết nối khi chuyển qua vùng khác!
Không bao lâu thì chuyến bay cũng được
khởi hành. Tất nhiên là chúng tôi cũng chỉ được ngồi hạng “economic” mà thôi!
Ngồi phía sau đuôi nhưng cũng là ở trên máy bay; máy bay cũng đưa mình đến nơi,
chứ đâu có bỏ lại ở phi trường đâu, mặc dù tiêu chuẩn không cao hay thoải mái lắm.
Tôi ngồi kế bên một anh chàng mà tôi cứ ngỡ anh ta là một người Tàu đi du lịch
hay làm ăn gì đó trên đất Nga. Khi đến buổi ăn thì tôi để ý là anh ta ăn bánh mì
trước, sau đó là ăn toàn là salad rồi mới đến các thức ăn khác. Tôi lấy làm lạ,
thầm nghĩ: Không biết cái cách mình ăn sai, hay là cách ăn của anh ta là như thế;
vì thực ra về cách ăn thức ăn Tây Phương thì mình cũng chẳng là thông thạo cho
lắm! Thôi thì cứ nghĩ là “cái nào cũng vào đấy” như một anh “chi viện” ngày xưa
đã nói. Món nào rồi cũng vào trong bao tử cả ấy mà!
Trên chuyến bay đường dài thì người
ta chuộng cái ngủ là hơn cả. Ngủ để quên đi đoạn đường “xa lắc, xa lơ”, không cảm
thấy khó chịu trong cái chật chội của hạng vé “cá kèo, bình dân”. Nhưng những hãng
máy bay khi thiết kế người ta cũng đã tính toán đến các nhu cầu cho hành khách đủ
cả từ cái “toilet” đến phương diện giải trí cho những người khó ngủ, từ xem đường
bay, vận tốc, độ cao, vị trí của máy bay đến các loại phim, nhạc, TV, hay “game”
trên màn hình cho cả con nít lẫn người lớn. Nhưng trong thời đại ngày nay, con
nít thường được cha mẹ đem theo cái iPad, hay Tablet để chúng tha hồ chơi “game”
quen thuộc của chúng, khiến chúng say mê mà không phải khóc, bực bội như ngày
trước nữa. Tôi thuộc loại khó ngủ nên cứ loay hoay trên cái tư thế ngồi, và cái
màn hình, cuối cùng thì cứ chọn cái “Phim
movie” nào đó có cái tựa hơi là lạ là cho nó chạy dù tiếng Anh của mình không đủ
để hiểu: Cứ coi hình mà đoán vậy! Hết phim thì chẳng biết làm gì, cứ mở thêm phần
thông tin về chuyến bay để coi máy bay đang trên độ cao nào, vận tốc là bao nhiêu,
còn bao lâu thì đến nơi, hoặc nó đã đi được bao xa rồi! Những chi tiết ấy cũng
thú vị, thu hút được rất nhiều người, khiến họ quên đi cái đoạn đường dài!
Nguyên Thảo,
11/07/2019.
No comments:
Post a Comment