Monday, November 18, 2019

*Quê Người! (24)



Tôi nghe người ta nói là chúng tôi qua đúng vào lúc gần nghỉ học kỳ của học sinh nên những sinh hoạt ở trung tâm cũng bị đình trệ vì trường học nghỉ, rồi nhân viên liên hệ cũng ít tới nên chúng tôi đành phải chờ. Lớp học Anh Văn cho người mới tới nghỉ gần tuần rồi. Cứ mỗi ngày kéo nhau lên căng-tin ba buổi sáng, trưa, chiều để ăn, rồi lại về phòng cho hết ngày giờ hoặc gặp nhau tán gẫu vài ba câu chuyện, trong khi thì tâm tư không an: Không biết vợ con bây giờ ở quê nhà như thế nào, rồi lại nghĩ đến chuyện gia đình được xếp vào thành phần có người đi vượt biên, thành phần phản quốc thì bị đối xử hất hủi, có khi vợ đang ở nhà bị cho thôi việc, con cái thì bị tách rời khỏi sinh hoạt chung của nhà trường thì lại khổ hơn. Trong khi mình đang ở đây không làm được cái gì để giúp ích cho gia đình. Chỉ hi vọng là bắt được liên lạc qua thư từ để biết được hoàn cảnh gia đình ra sao, nhưng cho đến giờ nầy cũng chẳng được tin tức nào cả. Tôi đã gởi thư qua địa chỉ của cô Ba Thưa ở Sài gòn để nhờ chuyển về cho gia đình. Không biết thư có tới hay chưa? Mọi mối lo âu, tôi phải đành từ bỏ không dám nhớ tới nữa vì có thể nó sẽ làm ảnh hưởng đến sức khoẻ, và tự nghĩ: Mình phải giữ gìn sức khoẻ, ổn định tinh thần để ứng phó với hoàn cảnh hiện tại, cũng như tương lai. Và rồi tôi lại cố gắng chuẩn bị cho chuyện học Anh Văn được nhanh chóng hơn vì ngôn ngữ bây giờ trở nên thiết yếu và quan trọng.
Thời gian gần đây Trọng bận rộn đi làm cho nên ít vào chơi. Nhưng có nó thì hoàn cảnh tôi và Thành được ấm cúng hơn, còn không thì chúng tôi cũng phải tự lo. Những người cùng cảnh ngộ thì dễ cảm thông, cho nên trong trại tiếp cư chúng tôi dễ quen nhau nhiều. Cùng nhau kể cho nhau nghe những mẫu chuyện trong chuyến hành trình vượt biên, những sinh hoạt hồi còn ở quê nhà, hay những suy nghĩ về chế độ mới với ưu và khuyết điểm của nó. Kể thì kể chứ có thay đổi được gì, vì sự cứng nhắc về tổ chức, cũng như đường lối “bảo vệ tới cùng” chế độ bằng sự “chuyên chính vô sản,” bằng “bạo lực cách mạng” thì ai cũng phải đành chịu thua. Mình sống không nổi thì tốt nhất là mình bỏ chạy đi thôi! Riêng tôi, tôi thấy cái lý lịch của mình ảnh hưởng đến con cháu “ba đời” thì tương lai của chúng sẽ ra sao trong chế độ nầy, cho nên khi có dịp tôi chọn con đường ra đi. Ra đi để tìm lấy tương lai cho con cháu và tôi không phải chịu trách nhiệm vì ảnh hưởng của mình lên chúng nó, mặc dù tôi chỉ là một “giáo viên quèn” trong chế độ cũ! Tôi không thể ngờ tình thế đến nước ấy! Lúc trước nhiều người trong quê cứ nghĩ thanh niên trong chiến tranh nên chọn ngành nghề nào không dính dáng đến quân sự, chính quyền để sau khi chấm dứt chiến tranh mình vẫn có thể sống yên ổn, không bị phiền toái. Nhưng không, sau khi chiến tranh kết thúc, đất nước thống nhất hòa bình thì những biện pháp “đối với kẻ thù” bên kia chiến tuyến được bày ra nhiều phương cách. Khi còn được “lưu dung” trở lại, tôi đã thấy những đứa trẻ học giỏi nhiều bộ môn bị đánh rớt trong kỳ thi như thế nào, sau khi cha là sĩ quan cấp trung đã đi học tập cải tạo ở trong các trại tập trung nơi rừng sâu nước thẳm. Mỗi lần khai lý lịch (lý lịch được khai thường xuyên) làm tôi lại càng nhớ đến cái ảnh hưởng của mình đè lên “lý lịch” của con cháu về sau. Bây giờ sang đến đây, chỉ riêng tôi là thoải mái thôi, nhưng cả gia đình đang nằm trong vòng “kiềm tỏa” nặng nề, kể cả ba má tôi và những người liên hệ trên huyết thống! Nhưng tôi cũng đang đối diện rất nhiều cái khó khăn trong đời sống của kiếp “tha hương” nơi đất khách “quê người”! Cũng may là tôi “không chết trên biển”, hay “bị bắt nơi chốn lao tù”. Tại nơi trại tị nạn tôi ở cũng không lâu thì được phái đoàn Úc nhận cho định cư ở Úc Đại Lợi; và rồi tính tất cả chưa đến một năm sang tới Úc và được Úc giúp đỡ đủ thứ, thế mà tôi vẫn có nhiều hụt hẫng dù bên tôi có Thành, Trọng, chị Yến cùng những người mới quen, hay các gia đình bạn bè cùng chuyến bay từ Mã Lai sang Úc. Trong những lúc ấy tôi mới thấy mỗi người có một “định số” vì mình không làm chủ được gì đối với bản thân mình cả, mà chỉ “thí” cho định số quyết định cho mình!
Trong lúc tôi đang có nhiều suy nghĩ, mệt mỏi và thiêm thiếp đi vào giấc ngủ thì được Bác Vỹ gõ cửa rủ sang chơi. Thì ra Vũ Minh với mấy người bạn nữa đến thăm Bác Vỹ, Bác Phương. Trong câu chuyện tôi mới biết những người thanh niên ấy từ Melbourne đến để tổ chức buổi chiếu phim về “Kháng chiến”. Họ nói ông Hoàng Cơ Minh ra mắt “Phong trào kháng chiến” từ trong chiến khu và rủ chúng tôi đi xem. Từ lúc còn ở trong nước tôi có xem báo thỉnh thoảng có đề cập đến phong trào nầy cũng như vài phong trào khác, nhưng tôi không mấy quan tâm vì lúc ấy phong trào thật và phong trào giả rất nhiều. Chính quyền mới bắt người trong phong trào thật cũng có, mà tạo ra phong trào giả để gài bẫy cho những người nhẹ dạ rồi bắt họ để trừ hậu họa cũng có. Vào thời ấy người ta chỉ thủ thân và lo cái ăn nhiều hơn trong cái hoàn cảnh ngăn cấm nhiều thứ khiến cho đời sống thường ngày trở nên khốn đốn và lao đao. Những tổ chức theo kiểu Xã Hội Chủ Nghĩa chỉ mới thành hình, còn thiếu thốn mọi bề không thể cung cấp nỗi cho đời sống của dân chúng: Thương nghiệp thì không có bao nhiêu hàng; giao thông vận tải trưng thu xe vào trung tâm nằm ụ, thiếu xăng dầu; Hợp tác xã nông nghiệp bị nông dân phản đối vì đưa đất vào trong hợp tác xã để rồi đi làm mỗi ngày với chấm công điểm; nhà máy bị quốc hữu hóa không người chuyên nghiệp điều hành, thiếu nguyên liệu để sản xuất… Nhiều và nhiều vấn đề bị đình trệ và cả toàn xã hội đều bị ngưng, sự tiến triển giống như một cỗ xe chở người phải ngừng lại để ổn định, sắp xếp theo một qui cách mới, mà qui cách ấy cũng không được hoàn hảo để rồi khi lên đường xe cứ phải ngừng lại để kiểm điểm, sửa sai. Có lẽ vì thế mà Việt Nam đi sau các nước khác trong vùng rất là nhiều năm, mặc dù trước kia Miền Nam chẳng thua gì với Singapore và Đại Hàn, hơn hẳn cả Thái Lan, Mã lai và Phi Luật Tân mặc dù vùng đất miền nam trong thời chiến tranh bị tàn phá khủng khiếp!
Có lần tôi đọc báo thấy nói đến vụ Võ Đại Tôn từ Úc xâm nhập về Việt Nam bị bắt ở trên vùng Tây Nguyên với đầy đủ tài liệu, tôi không tin là thật. Đến khi sang đến đảo Bidong hay ở trại tị nạn Sungai Bési mới nghe nói nhiều đến phong trào của Hoàng Cơ Minh, nhưng tôi cũng chẳng hề quan tâm vì tôi “vượt biên” chỉ nhằm lôi cuốn con tôi ra khỏi cái ảnh hưởng “lý lịch” của tôi thôi. Tôi đi tìm tương lai thoải mái cho chúng nó dù tôi vẫn biết bước đường của tôi rất là gian nan. Tôi đánh ván bài ăn thua! Nếu tôi chết thình lình đi thì chúng sẽ khổ thêm thôi, còn nếu như suôn sẻ thì tôi không cảm thấy ân hận đối với cuộc đời của chúng. Tôi không ngờ một lý thuyết nhằm đem Thiên Đàng, công bằng, hạnh phúc đến cho con người, cho xã hội như chủ nghĩa của Marx như thế, mà “người ta” áp dụng một cách mà tôi không thể tưởng tượng ra được!
Bây giờ có người đang đi quảng bá phong trào Kháng Chiến của Hoàng Cơ Minh khiến tôi cũng tò mò. Trong cuộc trò chuyện Bác Vỹ hỏi chừng nào. Mấy anh trẻ ấy cho biết là tối nay sẽ chiếu phim tại võ đường Hắc Long của Vũ Minh ở dưới Hindmarsh. Bác Vỹ hỏi sao cho hay trễ vậy thì Vũ Minh cho biết là cả tuần nay rồi, nhưng bữa nay mới cho ở đây biết thôi.
Trong bữa cơm chiều ở căng-tin, tin ấy được truyền lan. Kim cũng tò mò rủ tôi tối nay cùng đi xem thử. Khi xe chở chúng tôi đến võ đường của Vũ Minh thì trời đã tối. Tôi không thấy được rõ hình dáng của cái Nhà Thờ mà những người Việt theo Đạo Thiên Chúa đến hành lễ ở đó. Còn võ đường của Vũ Minh thì ở phía sau Nhà Thờ, tôi và Kim cũng như mọi người đều không thấy rõ hình dáng mà chỉ đi vào phía trong ngồi vào những băng, ghế đã kê sẵn trước màn ảnh để chiếu phim.
Trời lạnh, không gian mờ mờ, người cũng khá đông. Trong khi các anh thanh niên trẻ “giáo đầu” buổi chiếu phim thì người ta truyền nhau miếng giấy ghi tên của mình vào danh sách. Ngồi bên Kim, hai đứa tôi thắc mắc: Không biết đây là thật hay giả đây, không khéo danh sách ấy về Việt Nam thì khổ cả cho gia đình nữa. Ngần ngừ rồi hai đứa truyền tờ giấy ấy cho người kế bên nói để ghi sau. Buổi chiếu phim cũng đến. Nội dung của phim là chiếu cảnh Hoàng Cơ Minh ra mắt cái phong trào của ông ta trong khu rừng mà được cho là chiến khu với bài diễn văn, kêu gọi tham gia phong trào. Nhưng có điều lạ mà tôi và Kim cứ thầm thì là Hoàng Cơ Minh cũng mặc bộ đồ bà ba đen, mang dép râu, khăn rằn quấn cổ, râu cũng để chòm như hình ảnh của Hồ Chí Minh khi ở chiến khu Việt Bắc. Lại thêm ba chữ viết tắt của cái tên cũng là HCM. Hai đứa xem xong phim đều thắc mắc như nhau. Thôi thì: “Ai làm gì thì làm, mình cứ lo chuyện mình trước đi đã”! Tàn cuộc, những người lái xe đưa chúng tôi về nhà Vũ Minh ăn cháo trước khi chở về trung tâm Tạm cư Pennington.

Nguyên Thảo,
19/11/2019.




Tuesday, November 12, 2019

*Nghe Tin!



         (Tưởng niệm 39 người Việt chết ở Anh)



Nghe tin chấn động

Khắp cả địa cầu

Với 39 người Việt chết trong một toa xe đông lạnh

Để nhập cảnh lậu vào Anh.



Tôi lại nghĩ thân tôi

Một nhân viên quèn chế độ cũ

Sau chiến tranh huynh đệ, tương tàn thảm khốc

Đất nước được thống nhất hòa bình

Hàng triệu người đi vào trại cải tạo

Với lý lịch đè nặng lên con cháu

Chúng chẳng tìm thấy tương lai!



Theo dòng người

Thí thân cho biển cả

Mặc xác chốn lao tù

Làm thân người xứ lạ

Mình chẳng còn quê hương,

Quê hương: “Dành cho người Cộng Sản”!



Đa số các em

Được “Đảng cho mùa Xuân”, “cơm no, áo ấm”

Sao giờ lại bỏ nước ra đi

Để rồi không bao giờ trở lại

Để thế giới thương tiếc ngậm ngùi!



Tôi nghe tin chấn động

Mình cảm thấy chơi vơi!

Quê hương mình đẹp lắm

Dải giang sơn gấm vóc vô ngần

“Rừng vàng, biển bạc” thênh thang

Hai vựa lúa hai đầu Nam, Bắc

Mà sao người cứ mãi muốn lang thang

Sao nghèo đói cứ còn vương vấn mãi!



Tôi lại phải suy tư

Nghĩ đến điều mà người ta không muốn nghĩ!



Đồ Ngông,

13/11/2019.






*Đi Nga. (2)



Thế rồi máy bay của hãng Singapore Airlaines cũng vượt qua chặng đường hơn 10 ngàn cây số,  trong khoảng gần 12 giờ để mang mấy trăm người cùng hành lý đến được phi trường Moscow. Bây giờ chúng tôi rời máy bay để bước lên đất Nga, khiến trong đầu óc lại nhớ đến chuyện Tề Thiên Đại Thánh “đằng vân” (cưỡi mây) đi đây đi đó, rồi ngầm thán phục Ông Ngô Thừa Ân khéo tưởng tượng ra trò “đằng vân” nầy. Thực ra tôi chẳng được đọc là bao nhiêu chương trong truyện Tây Du Ký từ lúc nhỏ cho đến khi trưởng thành; nhưng qua một chuyến du lịch ở vùng núi, tôi thấy mây bay từ bên nây núi sang núi bên kia thì tôi lại nghĩ: Hay những người Tu Tiên ngày xưa thường hay ở trên núi, mỗi lần sang thăm bạn phải cơm nước xuống thung lũng rồi mới sang núi bên kia xa xôi, vất vả quá, nên họ tưởng tượng “nếu họ cưỡi mây sang thăm bạn được thì hay quá”! Và tôi lại đoán phép “đằng vân” được sinh ra từ hoàn cảnh ấy. Nhưng bây giờ “phép đằng vân” một lần được cả mấy trăm người cùng với hành lý cộng với sức nặng của máy bay. Ôi! Thật là vĩ đại cho trí thông minh của con người!
Máy bay đáp xuống phi trường đúng giờ qui định theo lịch trình tức là 6 giờ sáng. Ở phi trường nào cũng vậy, nơi khâu nhập cảnh và thủ tục hải quan đều phải xếp hàng chờ đợi thật đông người. Đợi một lúc khá lâu, thì chúng tôi phát hiện có khu vực dành rìêng cho công dân một số nước đã ghi theo bảng hướng dẫn. Thủ tục thì nhanh hơn, nhưng vì qua máy móc, nên một vài người bị trở ngại do không có người giúp đỡ. Còn những người làm được nhưng phải qua khu chụp hình thì không thể quay lại để giúp. Bởi vậy mà những người gặp trở ngại phải quay lại nơi sắp hàng mà chờ đợi, như vậy phải chịu lâu hơn. Ở đây, tôi thấy anh bạn ngồi kế bên tôi trong chuyến bay đã nói chuyện với nhân viên hải quan bằng ngôn ngữ tiếng Nga. À! Thì ra, anh nầy có thể là người của quốc gia nằm trong Liên bang Xô Viết ngày xưa, hoặc là sắc tộc nào đó của dân Nga. Rồi tôi lại nghĩ đến cách ăn đồ ăn Tây của mình! Cuối cùng thì mọi người đều được êm xuôi qua khâu hải quan để kéo nhau đến khu lấy hành lý nhận lại hành lý của mình.
Xe đẩy hành lý để hơi xa nên chúng tôi phải chạy đi lấy, khá tốn nhiều thời gian và mệt đối với những người già như tôi. Vừa thở vừa chất hành lý lên xe, rồi tập hợp lại một chỗ để đợi mọi người đi chung qua sự hướng dẫn của Jennifer. Vừa ra khỏi cổng của khu vực hành lý thì gặp ngay một anh chàng cầm cờ với chữ Friendly Travel đang giương lên chờ đoàn. Anh chàng nầy có thể là nhân viên của công ty du lịch ở bên Âu Châu mà ông Chánh đã làm ăn với họ trong nhiều năm. Trong một chuyến đi lần trước, tôi mới biết ông Chánh làm ăn với một công ty du lịch ở bên Anh tại Thủ đô London vì vào bữa ăn tối nọ ông Chánh đã giới thiệu ông chủ đó với người trong đoàn.
Sau cuộc giới thiệu để làm quen thì Bernard đưa đoàn ra bên ngoài phi trường. Trời se se lạnh chứ không đến nỗi lạnh nhiều như chúng tôi tưởng, hay do thời tiết hôm nay tốt. Chúng tôi làm một màn chụp hình quay phim sốt dẻo trên đất Nga, nhất là cái nét của phi trường ở Moscow nầy. Với mái vòm hình vòng cung bao trùm một khu vực rộng lớn phủ toàn là kính thật là khang trang. Phi trường nầy có vẻ là phi trường mới nên sự xây dựng chưa được hoàn tất, vật liệu còn đang bày trí khá nhiều. Tên của phi trường là Domodedovo. Trong lúc mọi người còn đang bận rộn với việc quay phim, chụp hình thì Bernard nói chuyện với một bà người Nga và đợi chờ xe buýt đến. Và bên ngoài những chiếc xe đến rước người nhà hay những chiếc taxi màu vàng đang rước khách cùng với màu vàng cam của những cột trụ làm cho phi trường có màu sinh động hơn.
Phi trường Domodedovo vào sáng sớm.

Xe buýt lớn đã đến và tài xế vội chất hành lý lên xe. Mọi người ổn định chỗ ngồi theo sự sắp xếp của Jennifer. Xe đưa đoàn rời phi trường vào lúc 8 giờ 33 phút. Bà người Nga giới thiệu mình với mọi người, Jennifer thông dịch lại, nhưng tôi lại không nhớ được tên của Bà. Bà là người cũng khá lớn tuổi, chắc chắn bà là người đã sinh ra và lớn lên trong thời Nga còn là Cộng Sản hay đúng hơn là theo chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa lúc đó được gọi là Liên Bang Xô Viết mà người ta thường gọi tắt là Liên Xô. Đất nước nầy là khởi thủy của tổ chức, và là mẫu mực theo mô hình Cộng Sản cho các nước Cộng Sản trên thế giới. Tuy nhiên chế độ nầy đã sụp đổ và tan rã tại Liên Xô và Đông Âu từ năm 1991. Xe đi trên đường phố theo như được báo là hôm nay theo lịch “City tour”. Đường phố cũng khang trang, xe cộ tương đối đông đảo chứ không là ít; tuy nhiên lạ một điều là hầu như gần hết các xe đều mở đèn khi chạy mặc dù là ban ngày trời sáng tỏ. Lúc đầu tôi lấy làm lạ là trong chuyến đi nầy ngoài Jennifer, Bernard, sau lại có thêm bà người Nga nầy nữa; không giống như chuyến đi Tây Âu thuở trước. Lúc đó chỉ có vợ chồng Anh Chánh dẫn đoàn và khi đến Hòa lan thì giao cho Hướng dẫn viên ở bên đó đưa đi và thuyết minh. Nay Bà người Nga nầy là người thuyết  minh và hướng dẫn, tức là người địa phương am tường và giải thích những gì mà du khách cần thiết phải biết. Tôi nghĩ như vậy thì cũng hay, nhưng những người vốn Tiếng Anh không nhiều như tôi thì cũng chẳng hiểu được bao nhiêu, và phần lớn ai cũng lo nhìn quang cảnh đó đây hoặc chụp hình, quay phim cái “xứ lạ, quê người” thì mấy ai chú ý. Nhưng nếu mình nghe, hiểu được hết các thông tin bà đã truyền cho thì thật là bổ ích. Thôi thì cứ bấp bỏm mà nghe vậy!
Từ phi trường Domodedovo chạy về Trung tâm thành phố Moscow theo tài liệu thì cách tới 42 km từ hướng Nam-Đông Nam, tất nhiên là xe đang chạy qua những vùng phụ cận ngoại ô. Hai bên đường có những khu rừng xanh mát, một màu xanh rất sinh động, chứng tỏ sự phì nhiêu của đất và đầy đủ nước cho cây (có lẽ là sau mùa Đông tuyết tan). Tôi thì thích ghi hình vùng ngoại ô, thôn quê, cách kiến trúc nhà cửa hơn nên tôi đã không bỏ qua từng cơ hội đã đến. Những khu rừng thì cây cũng đa dạng, chứ không giống như xứ Úc, tuy nhiên có một loại cây thân trắng khá nhiều, không biết đó có phải là cây Bạch Dương hay không? Người ta nói xứ Nga là xứ sở của Bạch Dương, vậy thì Bạch Dương là cây thế nào? Tôi nhìn hai bên đường xen với những vườn cây là những khu nhà cao tầng mà Bà Hướng Dẫn Viên cho biết đó là những khu nhà chung cư được xây dựng lên trong thời Xô Viết để cung cấp cho cư dân, nhưng đa số được phân phối theo vị thế, tiêu chuẩn và tùy theo số người. Tất cả nhà cửa, đất đai ở thời kỳ ấy đều do Nhà Nước quản lý và phân phối; không có riêng tư. Qua đến những Nhà Thờ, Bà cho biết ngày xưa trong chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa các nhà thờ đều là nơi để chứa hàng, hoặc nhà kho; nhưng sau khi Liên Xô sụp đổ thì dân chúng bắt đầu xây lại với hàng ngàn nhà thờ được mọc lên. Dân Nga đa số theo Đạo Chính Thống giáo. Bà kể lại nhưng chúng tôi cảm thấy có sự dè dặt của Bà là người từng sống trong chế độ Cộng Sản. Ai đã từng sống trong chế độ Cộng Sản đều thừa biết rằng tư tưởng, lời nói của mình đều có thể khiến mình có thể bị tù, hay đi cải tạo vì khác với chủ trương, đường lối của Nhà Nước hay của Đảng. Con đường đi duy nhất là tuân theo, thi hành những gì do Đảng và Nhà Nước lãnh đạo! Bà nói đến một “farm dâu tây” nhưng rẫy dâu đâu không thấy, có thể nó chỉ ở sau khu phố kia mà một tấm bảng của farm được dựng lên gần đó như là sự chỉ dẫn.
Xe về chắc gần Thành phố nên lượng xe càng đông hơn; hệ thống đèn đường cũng nhiều. Các dãy chung cư san sát, cách kiến trúc khá hài hòa, chứng tỏ trong thời Liên Xô sự xây dựng được theo kế hoạch và mỹ thuật nào đó và cũng không mất khung cảnh cây xanh như môi trường sống. Có những chung cư cũ đang được sơn phết lại. Nhiều chung cư, building mới được xây lên nhưng không biết đó là của tư nhân hay Nhà nước hiện nay cùng với những cơ sở của các công ty ngoại quốc khác đầu tư vào. Bên đường những chuyến xe lửa cũng thường xuyên tới lui, cùng với các xe lửa điện (tram) và xe buýt chạy bằng điện với hai cần dài nối lên dây điện để đưa khách trong phương tiện công cộng. Ít thấy những xe tải hạng nặng trên đường, chẳng lẽ những khu kỹ nghệ sản xuất nằm xa trên tuyến đường nầy!
Đã có triệu chứng đường bị kẹt xe, chắc là có tai nạn phía trước, hay là xe đi vào khu vực Thành phố. Xe cũng nhích lần về phía trước từ từ, chậm chạp. Nhưng không, đó chỉ là một ngã tư với rất nhiều xe. Qua nơi đó là xe đi vào khu vực xe cộ, building đông đúc hơn. Quả thực xe càng đi sâu vào khu vực Thành phố Moscow sau khi đã quẹo phải. Bà Hướng Dẫn Viên chỉ cho chúng tôi một công trình chung cư xây dựng dang dỡ rất là cũ bên đường mà bà nói đó là từ thời Liên Xô còn sót lại, nhưng không được đập quá dọn dẹp đi. Mọi người cười ồ! Riêng tôi tôi thấy điều ấy không lạ vì trong chế độ mà Nhà Nước quản lý thì “Cha chung không ai khóc” là một chuyện thường! Ngày tôi còn đi dạy sau 30/04/75 do nơi mọi hoạt động xã hội đều phải đình trệ vì Nhà Nước tái phối trí, cũng như tổ chức trở lại cái hệ thống xã hội theo Chủ Nghĩa Xã Hội đã làm cho người ta lâm vào cảnh thiếu thốn mọi bề kể cả lương thực, nhu cầu thiết yếu cho đời sống; lúc đó người làm cho Nhà Nước chỉ lo chạy kiếm ăn, lo đời sống gia đình chứ không coi nhiệm vụ của mình là chính yếu nữa, nhất là với lương bổng chẳng bao nhiêu. Còn trong dân chúng vì quá đói người ta sinh ra trộm vặt khá nhiều, càng làm cho đời sống của người dân càng khó khăn hơn nữa! Ở trường hợp nầy khi nào Nhà Nước cung ứng đầy đủ thì được xây tiếp để hoàn tất, không thì bao nhiêu đó rồi cứ đợi chờ. Đó là chưa nói đến trường hợp cắt xén ngân sách để bỏ vào túi riêng, hoặc chia chác nhau một cách vô tội vạ vì tiền ấy là của Nhà Nước chứ không phải của nhân dân.
Xe đi qua các con đường tương đối rộng rãi với nhiều xe cộ, cũng đông đúc không khác gì với các nước khác mà tôi đã biết, có thể từ lúc Liên Xô tan rã cho đến ngày nay cũng đã là gần 30 năm rồi còn gì. Các building mới mọc lên khá nhiều, nhất là những cơ sở thương mại khang trang của các nước khác đầu tư vào. Cơ sở thức ăn nhanh của Mac Donald hiện diện rải rác ở hai bên đường.

Nguyên Thảo,
04/08/2019.