Tôi nghe người ta nói là chúng tôi
qua đúng vào lúc gần nghỉ học kỳ của học sinh nên những sinh hoạt ở trung tâm cũng
bị đình trệ vì trường học nghỉ, rồi nhân viên liên hệ cũng ít tới nên chúng tôi
đành phải chờ. Lớp học Anh Văn cho người mới tới nghỉ gần tuần rồi. Cứ mỗi ngày
kéo nhau lên căng-tin ba buổi sáng, trưa, chiều để ăn, rồi lại về phòng cho hết
ngày giờ hoặc gặp nhau tán gẫu vài ba câu chuyện, trong khi thì tâm tư không
an: Không biết vợ con bây giờ ở quê nhà như thế nào, rồi lại nghĩ đến chuyện
gia đình được xếp vào thành phần có người đi vượt biên, thành phần phản quốc thì
bị đối xử hất hủi, có khi vợ đang ở nhà bị cho thôi việc, con cái thì bị tách rời
khỏi sinh hoạt chung của nhà trường thì lại khổ hơn. Trong khi mình đang ở đây
không làm được cái gì để giúp ích cho gia đình. Chỉ hi vọng là bắt được liên lạc
qua thư từ để biết được hoàn cảnh gia đình ra sao, nhưng cho đến giờ nầy cũng
chẳng được tin tức nào cả. Tôi đã gởi thư qua địa chỉ của cô Ba Thưa ở Sài gòn để
nhờ chuyển về cho gia đình. Không biết thư có tới hay chưa? Mọi mối lo âu, tôi
phải đành từ bỏ không dám nhớ tới nữa vì có thể nó sẽ làm ảnh hưởng đến sức khoẻ,
và tự nghĩ: Mình phải giữ gìn sức khoẻ, ổn định tinh thần để ứng phó với hoàn cảnh
hiện tại, cũng như tương lai. Và rồi tôi lại cố gắng chuẩn bị cho chuyện học
Anh Văn được nhanh chóng hơn vì ngôn ngữ bây giờ trở nên thiết yếu và quan trọng.
Thời gian gần đây Trọng bận rộn đi làm
cho nên ít vào chơi. Nhưng có nó thì hoàn cảnh tôi và Thành được ấm cúng hơn, còn
không thì chúng tôi cũng phải tự lo. Những người cùng cảnh ngộ thì dễ cảm thông,
cho nên trong trại tiếp cư chúng tôi dễ quen nhau nhiều. Cùng nhau kể cho nhau
nghe những mẫu chuyện trong chuyến hành trình vượt biên, những sinh hoạt hồi còn
ở quê nhà, hay những suy nghĩ về chế độ mới với ưu và khuyết điểm của nó. Kể thì
kể chứ có thay đổi được gì, vì sự cứng nhắc về tổ chức, cũng như đường lối “bảo
vệ tới cùng” chế độ bằng sự “chuyên chính vô sản,” bằng “bạo lực cách mạng” thì
ai cũng phải đành chịu thua. Mình sống không nổi thì tốt nhất là mình bỏ chạy đi
thôi! Riêng tôi, tôi thấy cái lý lịch của mình ảnh hưởng đến con cháu “ba đời”
thì tương lai của chúng sẽ ra sao trong chế độ nầy, cho nên khi có dịp tôi chọn
con đường ra đi. Ra đi để tìm lấy tương lai cho con cháu và tôi không phải chịu
trách nhiệm vì ảnh hưởng của mình lên chúng nó, mặc dù tôi chỉ là một “giáo viên
quèn” trong chế độ cũ! Tôi không thể ngờ tình thế đến nước ấy! Lúc trước nhiều
người trong quê cứ nghĩ thanh niên trong chiến tranh nên chọn ngành nghề nào không
dính dáng đến quân sự, chính quyền để sau khi chấm dứt chiến tranh mình vẫn có
thể sống yên ổn, không bị phiền toái. Nhưng không, sau khi chiến tranh kết thúc,
đất nước thống nhất hòa bình thì những biện pháp “đối với kẻ thù” bên kia chiến
tuyến được bày ra nhiều phương cách. Khi còn được “lưu dung” trở lại, tôi đã thấy
những đứa trẻ học giỏi nhiều bộ môn bị đánh rớt trong kỳ thi như thế nào, sau
khi cha là sĩ quan cấp trung đã đi học tập cải tạo ở trong các trại tập trung nơi
rừng sâu nước thẳm. Mỗi lần khai lý lịch (lý lịch được khai thường xuyên) làm tôi
lại càng nhớ đến cái ảnh hưởng của mình đè lên “lý lịch” của con cháu về sau. Bây
giờ sang đến đây, chỉ riêng tôi là thoải mái thôi, nhưng cả gia đình đang nằm
trong vòng “kiềm tỏa” nặng nề, kể cả ba má tôi và những người liên hệ trên huyết
thống! Nhưng tôi cũng đang đối diện rất nhiều cái khó khăn trong đời sống của
kiếp “tha hương” nơi đất khách “quê người”! Cũng may là tôi “không chết trên biển”,
hay “bị bắt nơi chốn lao tù”. Tại nơi trại tị nạn tôi ở cũng không lâu thì được
phái đoàn Úc nhận cho định cư ở Úc Đại Lợi; và rồi tính tất cả chưa đến một năm
sang tới Úc và được Úc giúp đỡ đủ thứ, thế mà tôi vẫn có nhiều hụt hẫng dù bên
tôi có Thành, Trọng, chị Yến cùng những người mới quen, hay các gia đình bạn bè
cùng chuyến bay từ Mã Lai sang Úc. Trong những lúc ấy tôi mới thấy mỗi người có
một “định số” vì mình không làm chủ được gì đối với bản thân mình cả, mà chỉ “thí”
cho định số quyết định cho mình!
Trong lúc tôi đang có nhiều suy nghĩ,
mệt mỏi và thiêm thiếp đi vào giấc ngủ thì được Bác Vỹ gõ cửa rủ sang chơi. Thì
ra Vũ Minh với mấy người bạn nữa đến thăm Bác Vỹ, Bác Phương. Trong câu chuyện
tôi mới biết những người thanh niên ấy từ Melbourne đến để tổ chức buổi chiếu
phim về “Kháng chiến”. Họ nói ông Hoàng Cơ Minh ra mắt “Phong trào kháng chiến”
từ trong chiến khu và rủ chúng tôi đi xem. Từ lúc còn ở trong nước tôi có xem báo
thỉnh thoảng có đề cập đến phong trào nầy cũng như vài phong trào khác, nhưng tôi
không mấy quan tâm vì lúc ấy phong trào thật và phong trào giả rất nhiều. Chính
quyền mới bắt người trong phong trào thật cũng có, mà tạo ra phong trào giả để
gài bẫy cho những người nhẹ dạ rồi bắt họ để trừ hậu họa cũng có. Vào thời ấy
người ta chỉ thủ thân và lo cái ăn nhiều hơn trong cái hoàn cảnh ngăn cấm nhiều
thứ khiến cho đời sống thường ngày trở nên khốn đốn và lao đao. Những tổ chức
theo kiểu Xã Hội Chủ Nghĩa chỉ mới thành hình, còn thiếu thốn mọi bề không thể
cung cấp nỗi cho đời sống của dân chúng: Thương nghiệp thì không có bao nhiêu hàng;
giao thông vận tải trưng thu xe vào trung tâm nằm ụ, thiếu xăng dầu; Hợp tác xã
nông nghiệp bị nông dân phản đối vì đưa đất vào trong hợp tác xã để rồi đi làm
mỗi ngày với chấm công điểm; nhà máy bị quốc hữu hóa không người chuyên nghiệp điều
hành, thiếu nguyên liệu để sản xuất… Nhiều và nhiều vấn đề bị đình trệ và cả toàn
xã hội đều bị ngưng, sự tiến triển giống như một cỗ xe chở người phải ngừng lại
để ổn định, sắp xếp theo một qui cách mới, mà qui cách ấy cũng không được hoàn
hảo để rồi khi lên đường xe cứ phải ngừng lại để kiểm điểm, sửa sai. Có lẽ vì
thế mà Việt Nam đi sau các nước khác trong vùng rất là nhiều năm, mặc dù trước
kia Miền Nam chẳng thua gì với Singapore và Đại Hàn, hơn hẳn cả Thái Lan, Mã
lai và Phi Luật Tân mặc dù vùng đất miền nam trong thời chiến tranh bị tàn phá
khủng khiếp!
Có lần tôi đọc báo thấy nói đến vụ Võ
Đại Tôn từ Úc xâm nhập về Việt Nam bị bắt ở trên vùng Tây Nguyên với đầy đủ tài
liệu, tôi không tin là thật. Đến khi sang đến đảo Bidong hay ở trại tị nạn
Sungai Bési mới nghe nói nhiều đến phong trào của Hoàng Cơ Minh, nhưng tôi cũng
chẳng hề quan tâm vì tôi “vượt biên” chỉ nhằm lôi cuốn con tôi ra khỏi cái ảnh
hưởng “lý lịch” của tôi thôi. Tôi đi tìm tương lai thoải mái cho chúng nó dù tôi
vẫn biết bước đường của tôi rất là gian nan. Tôi đánh ván bài ăn thua! Nếu tôi
chết thình lình đi thì chúng sẽ khổ thêm thôi, còn nếu như suôn sẻ thì tôi không
cảm thấy ân hận đối với cuộc đời của chúng. Tôi không ngờ một lý thuyết nhằm đem
Thiên Đàng, công bằng, hạnh phúc đến cho con người, cho xã hội như chủ nghĩa của
Marx như thế, mà “người ta” áp dụng một cách mà tôi không thể tưởng tượng ra được!
Bây giờ có người đang đi quảng bá
phong trào Kháng Chiến của Hoàng Cơ Minh khiến tôi cũng tò mò. Trong cuộc trò
chuyện Bác Vỹ hỏi chừng nào. Mấy anh trẻ ấy cho biết là tối nay sẽ chiếu phim tại
võ đường Hắc Long của Vũ Minh ở dưới Hindmarsh. Bác Vỹ hỏi sao cho hay trễ vậy
thì Vũ Minh cho biết là cả tuần nay rồi, nhưng bữa nay mới cho ở đây biết thôi.
Trong bữa cơm chiều ở căng-tin, tin ấy
được truyền lan. Kim cũng tò mò rủ tôi tối nay cùng đi xem thử. Khi xe chở chúng
tôi đến võ đường của Vũ Minh thì trời đã tối. Tôi không thấy được rõ hình dáng
của cái Nhà Thờ mà những người Việt theo Đạo Thiên Chúa đến hành lễ ở đó. Còn võ
đường của Vũ Minh thì ở phía sau Nhà Thờ, tôi và Kim cũng như mọi người đều không
thấy rõ hình dáng mà chỉ đi vào phía trong ngồi vào những băng, ghế đã kê sẵn
trước màn ảnh để chiếu phim.
Trời lạnh, không gian mờ mờ, người cũng
khá đông. Trong khi các anh thanh niên trẻ “giáo đầu” buổi chiếu phim thì người
ta truyền nhau miếng giấy ghi tên của mình vào danh sách. Ngồi bên Kim, hai đứa
tôi thắc mắc: Không biết đây là thật hay giả đây, không khéo danh sách ấy về Việt
Nam thì khổ cả cho gia đình nữa. Ngần ngừ rồi hai đứa truyền tờ giấy ấy cho người
kế bên nói để ghi sau. Buổi chiếu phim cũng đến. Nội dung của phim là chiếu cảnh
Hoàng Cơ Minh ra mắt cái phong trào của ông ta trong khu rừng mà được cho là
chiến khu với bài diễn văn, kêu gọi tham gia phong trào. Nhưng có điều lạ mà tôi
và Kim cứ thầm thì là Hoàng Cơ Minh cũng mặc bộ đồ bà ba đen, mang dép râu, khăn
rằn quấn cổ, râu cũng để chòm như hình ảnh của Hồ Chí Minh khi ở chiến khu Việt
Bắc. Lại thêm ba chữ viết tắt của cái tên cũng là HCM. Hai đứa xem xong phim đều
thắc mắc như nhau. Thôi thì: “Ai làm gì thì làm, mình cứ lo chuyện mình trước đi
đã”! Tàn cuộc, những người lái xe đưa chúng tôi về nhà Vũ Minh ăn cháo trước khi
chở về trung tâm Tạm cư Pennington.
Nguyên Thảo,
19/11/2019.
No comments:
Post a Comment