Sunday, December 1, 2019

*“Cái Nền Giáo Dục”!



Rõ ràng cái nền giáo dục chắc chắn sẽ ảnh hưởng trên tất cả mọi người đi học từ khi còn nhỏ cho đến hết cuộc đời. Một con người được đi học đều mang những hình ảnh đầu tiên khi cắp sách đến trường, đến thầy cô giáo và mái trường thân yêu, ngay cả cái hình ảnh lớp học và khung trường với những cây cối xung quanh. Rồi những năm dài trên ghế nhà trường cùng bao nhiêu bạn bè chung lớp, hết đợt nầy đến đợt khác; quen, thân rồi lại xa nhau. Từng kỷ niệm, từng kỷ niệm in dấu ấn lên tâm hồn để đến khi già nó được quay lại như một cuốn phim. Ai cũng vậy! Nhưng đi học để làm gì? Không biết các bạn nghĩ như thế nào, chứ Đồ Ngông tôi cũng tự hỏi với mình nhiều lần. Hỏi thì hỏi, nhưng tùy theo hoàn cảnh mà mỗi người có thể có một hướng nhìn hay đi riêng mà trong đó chắc phải có cái “học để biết, có một số kiến thức để ra đời”. Tôi cũng trong trường hợp như vậy, vì khi ba tôi dẫn tôi tới trường là mục đích “cho tôi biết vài ba chữ với người ta”, “cho nó đi học để ở nhà nó đi phá cũng vậy”! Thực ra học cũng là để chống với cái “ngu”, cái “dốt” mà lúc tôi còn nhỏ thường nghe nói lớp “bình dân học vụ”, “xóa nạn mù chữ”, chống với “giặc dốt”. Chính vì vậy mà chữ “quốc ngữ” hay chữ viết theo mẫu tự La Tinh sáng chế của mấy Ông Cố Đạo Tây Phương, có thể khi họ muốn học Tiếng Việt đành phải lấy chữ cái La Tinh để phiên âm mà học (giống như tôi bây giờ học Tiếng Anh phải ghi chú giọng đọc các chữ bằng tiếng Việt vậy) mới được ra đời. Do sự dễ dàng, thuận tiện mà nó phát triển nhanh chóng để thay thế chữ Hán (viết chữ Tàu, nhưng giọng đọc khác Tàu), hay cách viết của chữ Nôm mà phải mượn qua nhiều chữ Tàu kết hợp để phiên âm giọng đọc tiếng “Thuần Việt” quá ư là rắc rối (vì chữ Việt cổ đã bị biến mất từ lâu). Trong sách sử có nói đến ông Hàn Thuyên làm thơ chữ Nôm khởi đầu cho nền Văn Học chữ Nôm, nhưng sự mượn chữ Hán để làm thành chữ Nôm cũng phải qua nhiều năm trước đó. Như vậy ngôn ngữ Việt cho đến ngày nay đã trải qua hai thời kỳ biến đổi: Thời kỳ mượn chữ Hán để phiên âm mà phát triển nhất là bài thơ của Hàn Thuyên khởi đầu cho nền Văn Học Chữ Nôm, và đến khi các Cố Đạo Tây Phương mượn mẫu tự La Tinh để phiên âm học Tiếng Việt nay thứ chữ nầy được phổ biến rộng rãi, được xem là “Quốc ngữ” từ năm 1919. Từ đó các khóa thi bằng Chữ Hán như Thi Hương, Thi Hội, Thi Đình cũng chấm dứt. Thế là Đồ Ngông tôi thất nghiệp, không còn làm Thầy Đồ nữa, mà chỉ còn là thứ “đồ” ngông thôi!

Nhờ thứ chữ dễ viết, dễ học nầy mà mấy ông Cố Đạo Tây Phương thành công trong việc giảng đạo, cũng như người học mau có kiến thức để giúp sức vào đời. Tôi nhớ khi tôi còn nhỏ có biết vài người còn học chữ Nho, nhưng lúc đó họ chỉ học để làm thầy thuốc, hoặc các chú tiểu trong chùa học để đọc Kinh sách nhà Phật thôi. Còn trong dân gian thì họ học lớp “Bình dân học vụ”, “Xóa nạn mù chữ” để biết đọc, biết viết; để dễ tính toán trong buôn bán, đi chợ nhất là để đọc truyện Tàu được in ra bằng chữ Quốc Ngữ. Thời đó những Truyện Tàu được nhiều quầy cho mướn Truyện lưu hành; các sách Thơ như Lục Vân Tiên, Thạch Sanh Lý Thông, Phạm Công Cúc Hoa, Lục Súc Tranh Công… được bày bán theo các chợ. Ông nội tôi biết chữ Quốc ngữ không nhiều chỉ để giao tiếp, đọc chuyện. Ba tôi thì biết khá hơn vì có đi học với các ông Thầy học trước có chữ nghĩa nhiều dạy lại. Đến thời tôi còn nhỏ trường học thật hiếm mấy xã mới có một trường tư. Mãi đến sau năm 1954 thì gần như mỗi xã mới có một trường gọi là Trường Sơ Cấp chỉ có lớp Năm, lớp Tư, và lớp Ba (tức lớp 1, 2, 3 ngày nay). Xong bậc đó, vì số học trò lên cấp trên ít hơn nên từ mấy xã dồn lại để có lớp Nhì, rồi năm sau lên lớp Nhất (tức lớp 4 và lớp 5). Trường phát triển đó gọi là Trường Tiểu Học. Xong năm học lớp Nhất thì thi bằng Tiểu Học và thi lên lớp Đệ Thất (lớp 6) bậc Trung học, nhưng năm tôi học đã bỏ thi bằng Tiểu Học chỉ còn thi lên lớp 6. Năm nay (2019) đánh dấu 100 năm sự áp dụng chữ Quốc Ngữ nên trên mạng có nhiều chương trình kỷ niệm, nghiên cứu về chữ Quốc Ngữ được phổ biến, trình chiếu!

Nói chung, chữ Nôm thì mượn hình thức chữ Tàu để diễn đạt ngôn ngữ Việt khiến người Tàu phải “ngẩn ngơ”, còn chữ Quốc ngữ theo mẫu tự La-Tinh thì người Tây cũng ngạc nhiên vì có những dấu giọng mà họ không thể hiểu. Quả thật Tiếng Việt làm cho thiên hạ dễ “nhức đầu” thắc mắc! Nhưng vấn đề đó không là vấn đề quan trọng, mà vấn đề quan trọng là “Mục đích của nền giáo dục là gì?”.

Đúng ra, theo lẽ khi cái thứ chữ dễ dàng sử dụng, dễ dàng học tập được phổ biến rộng rãi, thì cái nền giáo dục phải được phát triển và càng thăng tiến hơn lên, cộng với những người chuyên môn định hướng cho nền giáo dục khi họ hoạch định “cái chương trình” giáo dục hợp lý thì kết quả mới đem lại cho đất nước những nhân tài, những công dân ưu tú ở tương lai. Nhưng những điều ấy chưa hẳn mà tùy thuộc vào “giai cấp” cầm quyền có nhiệm vụ thi hành nền giáo dục.

Như ngày xưa, người ta cần những người có đạo đức “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”, “chí công vô tư”, “thanh liêm”, “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”, “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ” để ra làm quan, điều hành công việc của đất nước, nhằm cống hiến tài năng cho cuộc đời để làm cho quốc gia hùng cường “dân giàu, nước mạnh” như trong văn thơ của Nguyễn Công Trứ đã diễn đạt mà chúng ta đã học, đã biết. Như vậy cái học chính của ngày xưa là đào tạo ra những con người có năng lực, tài năng ra làm quan có đạo đức biết “Tu thân, Tề gia” rồi mới đến “Trị quốc, Bình thiên hạ” nhằm làm cho dân giàu có, đất nước trở nên hùng mạnh!

Đến thời Tây học, chương trình học được đặt nặng “Vấn đề tri thức” nhằm cung ứng kiến thức toàn diện cho “những đứa học trò” có điều kiện “đi vào trường học” kể cả vấn đề luyện tập về thân thể theo tinh thần “Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện”! Chính vì thế học sinh được hưởng nền giáo dục có tri thức theo ba vòng tròn đồng tâm: Thời Tiểu học học các tri thức khái quát đơn giản, thời Trung học cấp thấp học Tri thức khá hơn, thời Trung học cấp cuối thì học đầy đủ hơn để sau đó bước vào Đại học với Trình độ chuyên môn cao. Chính vì thế mà trong thời kỳ Trung học người ta mới được học nhiều về các vấn đề xã hội, kinh tế trong đó kể cả học về “Chủ nghĩa Cộng sản” và “Chủ nghĩa Tư bản”, đó là tiền đề cho những ai có khuynh hướng “Công bằng xã hội, chống bất công, làm cho xã hội tốt đẹp hơn” thường hay ngã về khuynh hướng “Xã hội chủ nghĩa” vì đã diễn tả cái cảnh một xã hội đầy tốt đẹp và nhân ái! Chính vì thế mà “Chủ nghĩa xã hội” đã thu hút không biết là bao nhiêu người “Trí thức” trên thế giới kể cả những người làm “Cách mạng”! Nói như vậy có nghĩa là với các nền giáo dục khai phóng, phóng khoáng trước kia đã giúp cho cuộc “Cách mạng xã hội chủ nghĩa” ra đời với sự lãnh đạo phần lớn là những người thuộc “Thành phần Tiểu tư sản, hay Tư sản trí thức”. Dĩ nhiên khi họ được đi học, học hành đầy đủ tức họ thuộc thành phần có ăn, hay dư dả, giàu có tức là gia đình Trung nông, Điền chủ hoặc Tư sản chứ không thể là Thành phần “Bần cố nông hay Vô sản” được!

Nền giáo dục Tây học không những đào tạo những con người Tài năng có ích chính cho họ, gia đình mà còn có thể cung ứng cho xã hội nhiều nhân tài đóng góp công sức vào cho xã hội, đất nước và đôi khi vượt ra ngoài biên giới quốc gia tiến ra thế giới và nhân loại nữa!

Đó là chuyện của những nền giáo dục rộng rãi, phóng khoáng, nhưng dù vậy họ cũng không quên định hướng cho tư cách sống, hành xử, lòng bác ái, nhân đạo, lễ phép, lòng tự trọng…của người công dân trong nước qua những bài về Đạo đức, Công dân giáo dục được giảng dạy trong nhà trường. Điều ấy nếu những ai đã đến nước Nhật Bản sẽ nhìn thấy đường sá không có thùng rác mà không thấy rác bừa bãi, hoặc những cung cách của họ đối xử với khách mà chúng ta cần học hỏi và noi theo.

Tuy nhiên, “cái nền giáo dục” không phải “nơi nào cũng giống nơi nào” nó có nhiều thay đổi tùy theo những nhà cầm quyền, các nhà lãnh đạo cũng như phong tục, tập quán mà những nhà hoạch định kế hoạch giáo dục của nước đó vạch ra. Nhưng chung qui nếu nền giáo dục bị giới hạn về tri thức thì nền giáo dục ấy bị “thui chột”, bị “mù” về một số vấn đề mà học sinh không được học. Nền giáo dục mà “bị định hướng” để nhằm phục vụ cho những mục đích nào đó thì những con người tương lai trở thành “những con ngựa kéo xe bị che mắt” để khỏi phải nhìn thấy hai bên đường. Nền giáo dục mà “bị nước ngoài chi phối, nhất là trong vấn đề lịch sử của dân tộc, quốc gia” thì nền giáo dục ấy chỉ là một “nền giáo dục nô lệ” trước sau gì cũng “mất nước”! Do đó, nếu theo một “chủ nghĩa quốc tế” nào đó mà mình chỉ là một nước nhỏ thì nước mình chỉ là “Tôi Mọi” để nước lớn sai khiến mà thôi! Vì vậy mà ông Lão Tử ngày xưa có câu: “Làm thầy thuốc sai lầm chỉ hại cho một người, làm chính trị sai lầm chỉ hại cho một nước, làm giáo dục sai lầm thì hại cả đến muôn đời”, điều ấy khiến cho người đời sau vẫn phải có nhiều “suy ngẫm”! Tôi có nhiều suy nghĩ, nhưng bạn có suy nghĩ gì không?



Đồ Ngông,

02/12/2019.






No comments:

Post a Comment