Thursday, December 19, 2019

*Tham Vọng!



Nói đến “Tham Vọng” thì chắc ai cũng đều có tham vọng cả, từ đứa nhỏ cho đến người lớn. Đứa nhỏ bé “muốn giành đồ chơi hết, không cho bạn mình”; người lớn thì muốn “ai cũng phải theo ý mình”! Từ trước tôi chỉ xem đó là những tâm tính của từng con người, nên chẳng để ý gì cho lắm! Rồi đến một ngày nào đó, với cơ duyên, tôi lại chui vào cái là lạ của tâm lý học. Với Tâm Lý Học của Triết học thì ít ra tôi cũng được học từ chương trình lớp Đệ Nhất (Lớp 12) của bậc Trung Học rồi, song những điều tôi học chỉ phân tích, cung cấp kiến thức để mình có thể phân biệt hoặc nhận biết tổng quát thôi. “Cái là lạ” của Tâm Lý Học ở đây là lúc tôi tiếp cận với Tâm Lý Học Phật Giáo hay đúng hơn là Duy Thức Học. Duy Thức Học đã mở cho tôi một cái nhìn mới về con người, mọi vật và phần lớn những gì xảy ra trong cuộc đời nầy. Thực sự tôi chẳng hiểu nhiều gì về những điều siêu hình trong Duy Thức. Nhưng với cái phân tích tổng quát đã làm cho tôi có thể hiểu được nhiều vấn đề. Trong đó các “Điều chính yếu” (Tâm Vương) chỉ khác với Triết học chút ít: Nếu triết học có “ngũ quan” (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân), ý thức; thì trong Duy Thức Học lại có thêm hai phần khác là Mạt-Na-Thức (Thức Thứ Bảy cũng là Ý Căn), và A-Lại-Da-Thức (Thức Thứ Tám hay Tàng Thức). Lúc đầu tôi phân vân giữa Ý Thức và Thức Thứ Bảy vì cả hai đều là “Ý Thức”, thế nó lại khác nhau như thế nào? Rồi một ngày tôi nhớ lại chuyện Tây Du Ký thì Tôn Hành Giả tượng trưng cho Ý Thức (nhận biết và sáng suốt trong nhiều vấn đề), còn Trư Bát Giới cũng là Ý thức (nhưng các ý thức ấy chỉ giành và đem lại quyền lợi riêng cho mình), thế là đối với riêng tôi hầu như tôi tìm được sự phân giải mà chẳng biết là đúng hay không?
Con người hay mọi sinh vật đều có thân xác, trên thân xác ấy có các giác quan: Để nhìn ra bên ngoài thì có mắt (thị giác), mũi để đánh hơi, biết mùi (khứu giác), lưỡi để nếm các vị (vị giác), tai để nghe các âm thanh, tiếng động (Thính giác), da hay thân xác để nhận biết khi tiếp xúc, va chạm (xúc giác). Và từ những giác quan đó mà con người mới nhận định, có ý thức và các hành động tiếp theo, mà trong Duy Thức gọi các giác quan là Căn để tiếp xúc với trần cảnh bên ngoài gọi là “sáu Trần” mà nhận biết trần cảnh như thế nào qua “sáu Thức”. Với Ý Thức hay Thức Thứ Sáu thì khi người ta tìm được, nhận biết những điều mà họ khám phá ra, rồi lúc họ Ứng dụng hay Hành xử đều không có mục đích dành riêng cho mình, đôi khi đem lại ích lợi cho người khác, nhân loại giống như các nhà Khoa Học, các nhà Bác Học thậm chí đến những Triết gia. Nhưng nếu những ai muốn hành xử, ứng dụng giành riêng cho mình, cho nhóm hay cho quốc gia mình thì đó là họ đi về “Thức Thứ Bảy” hay Ma-Nạt-Thức.
“Tham Vọng” là gì? Tham là ham, tham lam; Vọng là mong muốn. Tham vọng là ham muốn, tham lam nhiều hơn nữa, vô bờ bến. Như vậy, vì con người có thân xác nên cần có những nhu cầu để đáp ứng cho thân xác như về ăn, mặc, nhu cầu sinh lý. Lúc đầu chỉ cần “ăn no, mặc ấm”, rồi xa hơn là “ăn ngon, mặc đẹp”, rồi xa hơn nữa. Đó là lòng tham. Cái lòng tham không dừng lại cho nên trong tục ngữ ca dao của ông bà ta mới có câu “Túi tham không đáy”, vì “không đáy” nên xã hội loài người đầy dẫy sự chiếm đoạt, tham nhũng, cướp công, hoạnh họe, áp bức, vòi vĩnh… người khác bất chấp những hành động tội ác giống như trong Đạo Phật phân tích. Vì “Tham” nên cần chiếm nhiều, nhiều hơn nữa; nếu bị cản trở thì trở nên “sân hận”, rồi từ “sân hận” quá trở nên không kiểm soát, kìm hãm được mình trở nên “si mê” mà sinh ra các hành động “Sát (giết người), Đạo (trộm cướp), Dâm (làm việc không chính đáng), Vọng (làm càn, sằn bậy, lừa đảo)” để gây “Nhân” và phải trả “Quả”, và cũng từ đó bắt đầu cho các sự việc xảy ra tiếp theo theo thuyết “Trùng trùng Duyên Khởi”.
Tham vọng của từng con người (của Ta) nó chưa quan trọng bằng Tham vọng của nhóm người, của một dân tộc hay quốc gia (của chúng Ta). Nếu một người muốn vươn lên để trở thành nhân tài đem sức cống hiến cho dân tộc, nhân loại thì sự tham vọng đó đáng được vinh danh, ghi nhớ. Còn tham vọng lên cao để điều khiển, bắt thiên hạ phục tùng, phục vụ cho ước muốn của mình thì điều ấy chưa hẳn là tốt. Do đó mà trong Đạo Phật đặt nặng vấn đề “Vô Ngã” tức là “Không Ta”. Nếu nghĩ đến “Không Ta” thì người ta sẽ phục vụ cho Tha nhân như những nhà “Tôn Giáo”, hay những nhà Bác Học, Khoa Học lẫn Triết Gia; Và cũng “Không Ta” khi xem thân xác của mình là không thật, chỉ do các yếu tố: Đất, Lửa, Gió, Nước kết hợp tạm thời trong mấy mươi, hoặc trăm năm thì người ta mới không cần đến tìm cách cho thân xác mình được sung sướng hay bắt người ta phải phục vụ cho mình!
Nhưng trong cuộc đời nầy không có bao nhiêu người như vậy! Cái “Ta” được thể hiện ở mọi nơi, cái Ta “anh hùng, dũng cảm, hơn người, nhất thiên hạ, bá chủ, thiên tài, kiêu hãnh…” luôn được thể hiện khắp mọi nơi trên địa cầu nầy, từ đó mới sinh ra những biến cố lớn lao trên thế giới như một Cesar, Constantine, Charlemagne, Napoleon, Hitler… hay Tần Thủy Hoàng, Hán Cao Tổ, Thành Cát Tư Hãn vân vân…Đó chỉ là trong phạm vi cái Ta cá nhân mà đã là như vậy!
Còn cái “Của Chúng Ta” thì thế nào? Với một tập đoàn “Cái Ta” thì sẽ khủng khiếp hơn nhiều! Một cái Ta thì sẽ có nhiều sơ hở, có lúc sớm bị tiêu vong, chứ với “Của Chúng Ta”, qua sự tính toán của nhiều người, kế hoạch của một Tập Đoàn thì nhân loại sẽ đi vào giai đoạn đen tối không biết đến khi nào, trong khi qua các sự thực hiện các kế hoạch lại được che đậy tinh vi bằng những mỹ từ “hòa bình, giúp đỡ, tương trợ, cùng nhau có lợi…”. Lại thêm luôn khuấy động tinh thần dân tộc thì chắc chắn họ muốn dân tộc hay đất nước họ sẽ chiếm lĩnh cả địa cầu để thực hiện “một giấc mơ” về chủng tộc! Những nước hùng mạnh chưa chắc sẽ ngăn cản nổi thì nói chi đến các nước nhỏ, cho nên họ muốn vẽ ra sao thì vẽ, nói thế nào thì nói dù là “nói một đàng làm một nẽo” để lừa đảo thiên hạ và thế giới!
Đó cũng là một cuộc cờ!

Đồ Ngông,
20/12/2019.




No comments:

Post a Comment