Monday, December 9, 2019

*Đi Nga. (3)




Hơn một tiếng đồng hồ sau khi rời phi trường, xe buýt đưa đoàn chúng tôi vào phạm vi Thành phố Moscow. Giọng Bà Hướng Dẫn Viên nhỏ nhẹ, từ từ giải thích những nơi cần thiết mà đoàn đi tới. Đôi khi có nhiều tiếng ồn mà chúng tôi không thể nghe được rõ; nhưng điều quan trọng nhất là ai cũng lo nhìn quang cảnh bên ngoài hoặc quay phim, chụp hình hơn là nghe Bà nói. Do vậy mà cứ nghe bấp bõm chứ không lĩnh hội được nhiều. Nhưng dù gì: Có bà giải thích thì vẫn tốt hơn, thế cho nên công ty du lịch đã chọn giải pháp tối ưu đó. Vì với Bernard nếu có giỏi thì cũng không thể biết rành rẽ về các nơi đang đi tới và sẽ đi, nhất là các xứ vừa thoát ra khỏi chế độ Cộng Sản không lâu, tất nhiên Bernard lại càng mù tịt hơn nữa khi Bernard được sinh ra, lớn lên ở trên đất Mã Lai, do Mã Lai không phải là quốc gia Cộng Sản.
Xe chạy dọc theo dòng sông gọi là Moskva River, đi vào trung tâm của Thành phố. Hai bên bờ sông đều được xây bằng bê tông nên không có nơi nào là bờ thiên nhiên, cả hai bên bờ là những đường lớn xe chạy một chiều với khoảng 5 làn mà lượng xe cũng không là ít dù thời kỳ Liên Xô tan rả chẳng là xa lắm! Bà Hướng Dẫn Viên thuyết minh hoặc chỉ những nơi cần biết, hoặc giới thiệu những building, khách sạn mới được xây dựng về sau nầy ở Moscow khi xe đi ngang qua. Có nhiều cầu bắt qua sông với cách thiết kế vững chắc và có nét cổ làm tăng cái nét đẹp của con sông cùng những chiếc du thuyền đang chở hành khách tham quan trên đó. Xe buýt đưa chúng tôi đi vòng “City tour” nầy từ lúc hơn 9 giờ rưỡi, đi qua nhiều con đường, phố xá để giới thiệu khái quát về những gì mà Moscow đã có, hoặc đang thay đổi. Có lẽ Moscow khác xưa nhiều vì trong thời kỳ Cộng Sản thì chắc nơi nào cũng vậy. Trong thế giới Cộng Sản thì những tổ chức lề mề, lễ mễ, rối rắm, rườm rà làm ngăn trở bước tiến trong xã hội đang có để trở về với những thời kỳ trước đó hàng nhiều năm: Cũng như muốn tổ chức thương nghiệp thì phải đánh tư sản, rồi kiểm kê những cửa hàng bán lẽ, xong cửa hàng thương nghiệp mới thành hình. Nhưng cửa hàng thương nghiệp cũng không cung cấp đủ hàng hóa cần thiết cho đời sống dân chúng vì nông nghiệp cũng đang phải tái tổ chức thành hợp tác xã, công nghiệp thì thiếu nhiên, vật liệu đành ngưng hoạt động. Một hoàn cảnh bi đát cho mọi người dân khi xã hội phải bị chuyển đổi từ tổ chức xã hội cũ để tiến sang giai đoạn mới. Như trong thương nghiệp đôi khi phải xếp hàng cả ngày mới mua được vài thứ đồ. Điều ấy chắc Karl Max, Engel không muốn, hay là nghĩ đến vì khi mấy ông ấy khi nghiên cứu và đưa ra lý thuyết Cộng Sản là phải “cung ứng dư thừa vật chất cho toàn xã hội, cho mọi người” với một cách công bằng: “Ai cũng như ai, không có người bốc lột người”. Các ông ấy còn chia xã hội tiến lên thành hai giai đoạn: Xã Hội Chủ Nghĩa và Cộng Sản chủ Nghĩa. Ở Xã Hội Chủ Nghĩa thì câu phương châm: “Có làm có hưởng, làm ít hưởng ít làm nhiều hưởng nhiều, không làm không hưởng”, và trong Cộng Sản Chủ Nghĩa là: “Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” và “Nhà nước tự tiêu vong” để từ đó thành lập một Thiên Đàng nơi hạ giới ở từng nước rồi sau đó cùng sống trong một Thế Giới Đại Đồng mà giai cấp nồng cốt là công nhân, vì công nhân là thành phần sản xuất, cung cấp cho mọi nhu cầu xã hội, và nông dân lúc ấy đã trở thành công nhân vì nông nghiệp đều được cơ giới hoá. Có thể vì lý thuyết như vậy nên Chủ Nghĩa Cộng Sản đã thu hút không biết là bao nhiêu người trí thức. Những con người có khuynh hướng công bằng xã hội đi theo và tranh đấu cho một xã hội tương lai. Nhưng ngay từ đầu khi người ta thực hiện chủ nghĩa nầy đã khiến cho cuộc sống toàn xã hội phải bị đình trệ, và thoái hóa cùng những sự phản kháng chống đối đồng loạt lại nổi lên, tâm tính con người cũng trở nên kỳ hoặc, bất thường, liều lĩnh, đạo đức bị đảo lộn do nơi bị tước đoạt quyền sở hữu và nhiều thứ tự do căn bản của con người. Trong khi đó những tổ chức của Nhà Nước cung cấp mọi nhu cầu thiết yếu cho toàn xã hội chưa hoàn thiện, hoặc thành hình quá chậm chạp khiến dân chúng thiếu thốn mọi bề. Vì sự sống người dân phải bươn chải với mọi cách, mọi thủ đoạn để bảo toàn mạng sống cho chính mình và gia đình, bất chấp mọi lệnh nghiêm cấm hay sinh ra trộm cắp, cướp giựt, cướp của giết người. Sự chịu đựng giới hạn nên đến lúc nào đó, khi có dịp phải ly khai, thì chuyện cái nôi của sự thực hiện Chủ Nghĩa Cộng Sản trên thế giới là ở  Đất nước Liên Xô nầy và các nước Đông Âu đã chứng minh cho điều ấy! Không biết người dân Nga có bao giờ thích quay lại thời bao cấp của chế độ Cộng Sản nữa hay không? Chứ bây giờ thấy nước Nga có nhiều biến đổi mà chúng tôi đang nhìn thấy mà bà Hướng Dẫn Viên đã nói về vấn đề sự phát triển mạnh mẽ của các Nhà Thờ sau thời kỳ Cộng Sản sụp đổ. Hôm nay đoàn chúng tôi đến Moscow nầy cũng như hành trình của tour là phần lớn đi qua những nước Cộng Sản ngày xưa. Tất nhiên là đời sống, sinh hoạt của người dân cũng khác xưa khá nhiều. Tính ra trong cuộc đời tôi vẫn còn rất nhiều may mắn khi được tham dự “tour” nầy để mình có thể thực tế những gì mà mình tìm hiểu, tra cứu vài vấn đề mà sau ngày kết thúc chiến tranh và thống nhất đất nước 30/ 04 năm 1975 trên lý thuyết cùng sách vở mà tôi đã thắc mắc khi môn dạy của tôi bắt buộc tôi phải tìm hiểu về lý thuyết, và cũng là để “thực tế hơn” về Chủ nghĩa Cộng Sản ở Tây Phương xem ra có khác gì với sự áp dụng cái gọi là “Chủ Nghĩa Xã Hội” ở Việt Nam hay không?
Xe đưa đến chỗ chiếc cầu, mà bên kia sông sau chiếc cầu là vòng rào bằng gạch đỏ, Hướng Dẫn Viên cho biết đó là vòng thành của Điện Kremlin. Với màu đỏ nó hiện lên một cách đặc biệt khiến ai cũng phải ngắm nhìn hay quay phim. Tường có vài pháo đài hay đài quan sát có cách kiến trúc đẹp, hài hòa làm tăng thêm nét hùng mạnh của nó.
Xe buýt đưa đoàn đi vòng trong thành phố thêm một thời gian nữa và ngừng lại ở một tiệm có bảng đề theo chữ Nga mà tôi đoán đó là “Cà phê”. Thời gian lúc nầy khoảng 11 giờ, mình vào đây ăn sáng ư? Hay là ăn trưa? Đoàn người vào trong, thì ra chắc là giờ ăn trưa! Tôi và nhiều người muốn thoải mái trước bữa ăn là đi vào “toilet” trước. Ôi, phòng vệ sinh không có nhiều, chỉ có hai cho bên phía đàn ông, nên đành phải sắp hàng rất lâu. Mọi người đều lấy làm ngạc nhiên và cười ồ. Không biết bên mấy bà như thế nào mà họ lại xếp hàng phải lâu hơn nữa!
Đến lúc bồi bàn đem thức ăn ra, mọi người càng ngạc nhiên hơn vì “salad” là món đầu tiên mà không có món nào khác ngoại trừ bánh mì để sẵn trên bàn. Lúc đó tôi mới nhớ lại lúc trên máy bay, người ngồi kế tôi chính là người ở Nga, thì ra cách ăn của tôi không đúng theo cách của Nga rồi. Thôi thì mình cứ ngồi ăn mà nghiền ngẫm thêm về cách của người Tây Phương.
Hơn tiếng đồng hồ sau, chúng tôi hoàn tất buổi ăn trưa đầu tiên trên đất Nga. Xong, nhiều người đi vệ sinh lần nữa trước khi tiếp tục lên đường, còn một số thì ra phía trước quay phim hay chụp hình. Xe chuyển bánh đi trong thành phố trong một thời gian nữa và Bà Hướng Dẫn viên tiếp tục thuyết minh về những nơi trong thành phố Moscow, tất nhiên Bà không thể bỏ qua Tòa Đại Sứ của Úc vì chúng tôi toàn là những du khách đến từ Úc. Không biết khu kỹ nghệ ở nơi nào mà trên đường phố rất ít những xe tải hạng nặng xuất hiện. Tính ra trong thời kỳ Cộng Sản, người ta cũng ước lượng kỹ càng nên đường xá đến bây giờ vẫn thênh thang, thừa cung ứng cho sự giao thông, cùng các building chung cư vẫn hài hòa tạo nên khung cảnh đẹp cho hai bên đường. Các công viên rộng lớn đầy cây xanh màu lá tươi tốt của khung cảnh mùa Xuân. Có nhiều công trình, khu vực mới được thành hình từ sau chế độ Liên Xô sụp đổ làm như Moscow cố vươn lên cùng với các thành phố khác trên thế giới!
Cung điện gỗ.

Đến hơn 1 giờ trưa xe đổ vào bãi đậu của một công viên, mọi người xuống và đi bộ theo Hướng Dẫn Viên dẫn đường. Đoàn đi qua một đoạn đường khá dài, đi qua công viên ít được cắt cỏ gọn ghẽ như các nơi khác mà để tự nhiên, nên thoáng nhìn qua người ta cũng có vẽ thích thú với sự hoang dã của nó. Nhưng không, đây là một lâu đài làm bằng gỗ, có cách kiến trúc độc đáo với nhiều màu sắc. Nhưng chính của nó là màu chocolate, vàng, xanh lá cây, và trắng. Ngôi biệt thự rất là kiểu Nga. Thì ra đây là nơi ở của vua Alexey Mikhailovich thuở trước. Theo Bà Hướng Dẫn Viên chúng tôi phải đợi hơi lâu vì chưa tới giờ hẹn với nhân viên ở đây. Trong thời gian ấy mọi người chụp hình, quay phim trên nhiều góc cạnh để làm kỷ niệm, vì ở chung quanh đây là công viên rất rộng với nhiều loại cây và bông hoa. Khoảng 1 giờ 45 chúng tôi mới được phép vào trong cung điện và những nhân viên ở đây với trang phục cổ của người Nga tiếp chúng tôi tham quan các phòng trưng bày những vật dụng, vũ khí, vật trang trí và họ thuyết minh để chúng tôi có thể hiểu được phần nào. Các phòng được sơn son thiếp vàng thật là lộng lẫy, với những hoa văn tinh tế, đầy mỹ thuật. Vật dụng được trưng bày trong tủ kính. Tất nhiên là mọi thứ du khách không được chạm vào. Nào là phòng ngủ của vua, của người trong hoàng gia, rồi đến hành lang hoặc các vách tường trưng bày vật dụng của chiến sĩ cùng vũ khí của họ. Kế đến là xem phòng tắm ngày xưa của những người trong hoàng tộc. Nơi lò sưởi có những hòn đá được đun nóng ở đó sẽ được bỏ vào trong những bồn nước để làm cho nước trở thành nước nóng mà tắm. Tôi lại học một điều mới mà từ trước tôi không nghĩ tới.
Sau đó đoàn được người hướng dẫn đưa về một phòng khá rộng có các băng để mọi người ngồi. Rồi ông hoạt náo viên bắt đầu giới thiệu công việc làm ở đây qua sự thông dịch của Bà Hướng Dẫn Viên. Thì ra mọi người sẽ được giới thiệu hình thức một đám cưới ngày xưa của một sắc tộc Nga.
Lúc đầu ai cũng tưởng các nhân vật là do người Nga thủ vai. Nhưng không, điều kỳ thú là họ chọn người trong đoàn từ vai cha mẹ bên đàng trai cũng như bên gái. Rồi cô dâu, chú rễ lại là cặp vợ chồng Nghi, Dung. Người được chọn mặc sắc phục của sắc tộc cùng được trang hoàng theo phong tục. Trong lúc đó thì những bài hát cùng giọng đàn được cổ vũ theo, tạo nên khung cảnh vui nhộn. Cuối cùng chúng tôi được một bài học khái quát về nét văn hóa trên đất Nga trong ngày đầu tiên. Xong tiệc cưới mọi người thưởng thức rượu mật ong trên cái chén mà mình có thể giữ lấy làm kỷ niệm. Đến khoảng 3 giờ 50, đoàn rời cung điện gỗ, ra xe và tiếp tục cuộc hành trình.

Nguyên Thảo,
08/09/2019.




No comments:

Post a Comment