Monday, December 16, 2019

*Quê Người! (25)



Những người mới tới Nam Úc để định cư đa số đều ở tại trại tiếp cư Pennington nầy trong một thời gian, rồi sau đó tùy theo tình trạng quen biết, có thân nhân giúp đỡ thì có thể ra ngoài mà chia phòng với người khác để được nhẹ chi phí hơn; ngoại trừ những người đi sang Úc bằng sự bảo lãnh của gia đình thì họ có nơi ăn chốn ở sẵn không cần ở tại trại tiếp cư, nhưng vài thủ tục họ vẫn phải vào trong nầy làm. Trong “list” tôi cũng có vài người như vậy!
Tính ra thì chúng tôi ở trại tiếp cư cũng cả tháng rồi, mọi thủ tục về giấy tờ, khám sức khỏe đều hoàn tất, bây giờ chỉ chờ đợi để học Anh Văn hầu mai sau có thể giao tiếp được với người ta. Nhưng thời gian nầy mọi trường học đều vào thời “nghỉ học kỳ” nên lớp học phải đợi chờ. Mọi ngày cứ đến buổi thì rủ nhau lên căng-tin rồi về phòng, thật là buồn chán! Sự rảnh rang càng làm cho mình nôn nóng hơn về chuyện gia đình ở Việt Nam vì mình chẳng giúp cho họ được gì, trong khi mình đang ở đây cũng chưa biết mình sẽ ra sao?
Rồi ngày học “Đời Sống Mới” với ông Y cũng đến. Tất nhiên lớp khá đông. Phòng học cùng dãy nhà tiền chế với văn phòng làm việc của “nhân viên di trú” trong trại. Ông Y là một trong hai nhân viên “Sở Di Trú” làm việc tại Pennington, ông phụ trách giúp đỡ cho người Việt, và một ông khác phụ trách cho người Kampuchia về các vấn đề di trú. Lớp học nầy là do “Sở Di Trú” phụ trách chứ không phải của bên ngành Giáo Dục. Các vấn đề được đặt ra là những chi tiết giao tiếp với người Úc kể cả các vấn đề liên quan đến giấy tờ bảo lãnh, hay cách sống của Úc để mình sống cho thích hợp với họ. Có những cách diễn tả của người Úc khác ý nghĩa với của người Việt, khi mình sử dụng theo thhói quen làm cho người ta dễ hiểu lầm, nên cẩn thận. Anh Y kể chuyện rất duyên dáng, nói chuyện thân mật và cách diễn đạt của anh dễ hiểu khiến cho mọi người thích thú và có cảm tình với anh ngay từ buổi đầu. Khi đến giờ nghỉ ngơi tôi đến bên anh hỏi ngày xưa anh có đi dạy không? Anh nói đi dạy ở Bình Long. Tôi mới hỏi tiếp là sau trường dời về Gò Đậu của tỉnh Bình Dương và rồi anh có công tác trong trại tiếp cư trong “Mùa Hè đỏ lửa” của năm 1973. (Tôi xin đóng ngoặc nơi đây để giải thích vì sao gọi là “Mùa hè Đỏ Lửa”: Vì sau khi cuộc Hội Nghị “Chấm Dứt Chiến Tranh và Tái Lập Hòa Bình tại Việt Nam” ở Paris được ký kết thì Hiệp Định sẽ được thực hiện vào Mùa Hè của năm 1973, nhưng vì trong Hiệp Định qui định Lực lượng nơi nào ở yên trong phạm vi chiếm đóng của lực lượng ấy, cho nên ngay trước khi Hiệp Định có hiệu lực các lực lượng cố chiếm để “Dành dân, lấn đất, cắm cờ”, do vậy mà cuộc chiến lại càng ác liệt hơn bao giờ hết mà ở Miền Đông Nam Phần hai Tỉnh Bình Long, Phước Long và các quận phía Bắc Tỉnh Bình Dương là nặng nhất. Nói như vậy không có nghĩa là cuộc chiến chỉ riêng ở Miền Đông, mà khắp cả Miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ đều đầy “Tiếng súng, lửa đạn” cho nên mới gọi là “Mùa Hè Đỏ Lửa”). Anh hỏi: “Sao tôi biết?”. Tôi mới nói: “Ngày đó trong các đêm trực ở trại tôi có nghe nói đến tên anh, vì tên anh rất dễ nhớ chỉ có một chữ Y dài thôi”! Không ngờ tôi lại gặp anh ở đây! Rồi tôi anh nói chuyện về ngày xưa trong chốc lát, để anh còn thì giờ đi về phòng uống nước, nghỉ ngơi. Thế là hai người đặc biệt nhất trong thời kỳ công tác ở trại Tiếp Cư Gò Đậu, thời kỳ khi mà Hiệp Định Đình Chiến Paris bắt đầu được thi hành để  cuộc chiến ở Việt Nam tạm ngưng, nhưng không ngờ trở thành cuộc chiến giành giựt khốc liệt nhất khiến cho dân hai tỉnh Bình Long và Phước Long phải tan nát nhà cửa, cố thoát chạy khỏi vòng chiến tranh để về Bình Dương và Trại Tiếp Cư Gò Đậu được thành lập để tiếp nhận họ. Và phần lớn nhà giáo chúng tôi được lệnh vào công tác trong trại để giúp đỡ về hành chánh cũng như phân phát các nhu yếu phẩm cứu trợ. Ở đó, tôi có dịp nghe đến “Thằng Y” và “Hiệp Lùn”, không ngờ nay trên xứ người tôi lại gặp cả hai ở trên đất Nam Úc nầy! Xong buổi học, anh Y cho biết vấn đề sẽ học trong lần sau và anh cũng cho hay là chúng tôi sẽ gần học lớp Anh Văn rồi vì học sinh chuẩn bị vào học kỳ mới. Có buổi học nầy cũng giúp cho chúng tôi đỡ buồn chán hơn và phát họa trong đầu vài cách ứng xử để thích ứng với nếp sống theo kiểu Tây Phương rất là xa lạ. Tôi có cảm tưởng như mình bắt đầu “rọ rạy” cho một bước đầu tiên trong cuộc sống mới sau thời kỳ “giấc ngủ đông miên”!
Bây giờ tôi không còn nôn nóng trông chờ vào giấy tờ từ bên nhà gởi qua nữa. Trông chờ lắm thì cũng vậy thôi. Thư từ đi thì không biết đến bao lâu sẽ tới, và gởi ra thì cũng chẳng biết thế nào mặc dù giá cả rất mắc. Vả lại, trong lúc nầy thì Nhà Nước Việt Nam cũng đã “ngưng cứu xét hồ sơ xuất ngoại theo diện bảo lãnh” rồi! Thôi thì bao lâu thì lâu, đành phải thí cho số phận! Mình ra đi chẳng là giao cho số phận hay sao? Nghĩ rồi tôi cũng tự tức cười: Tại sao trong chiến tranh ác liệt mình chẳng phải lưu vong, mà khi chiến tranh chấm dứt, thống nhất đất nước thì bao nhiêu người lại bỏ nước ra đi, không cùng nhau xây dựng lại đất nước. Cũng tại việc xây dựng “Xã Hội Chủ Nghĩa”, và “Quan Điểm Hận Thù” mà ra. Những người tị nạn trong trại nầy phần lớn từ những nước Cộng Sản Ba Lan, Tàu Tân Cương, Liên Xô rồi Việt Nam, Kampuchia, Lào, thỉnh thoảng có vài người từ vài nơi khác. Ai có thân nhân ở bên ngoài thì ra trại nhanh hơn, còn những ai “cô thân gối chiếc” thì ở lâu hơn tùy theo điều kiện của mình!
Để chuẩn bị cho những lớp Anh Văn được mở ra vào học kỳ mới, chúng tôi phải trải qua một cuộc phỏng vấn với các Thầy Cô người Úc để họ định theo trình độ mà xếp lớp. Nghe nói ông Hiệu Trưởng trường là ông Sang người Việt, và có thầy Tỉnh dạy ở đây cũng khá lâu. Các lớp Tiếng Anh nầy là cho những người mới tới gọi là ESL, viết tắt cho chữ English as Second Language vì những người học các lớp nầy là những người đã có ngôn ngữ khác là Tiếng mẹ đẻ và Tiếng Anh chỉ là ngôn ngữ thứ hai.
Tôi không hiểu chuyện nghĩ học kỳ nên lần gặp ông Y trong lần học Đời Sống Mới kế tiếp mới hỏi anh, anh cho biết: Ở Úc không có học suốt thời gian trong năm học để tới hè mới nghỉ Hè như ở Việt Nam; mà người ta chia ra những học kỳ tương ứng với ba tháng. Học sinh học chừng 10 tuần thì nghỉ hai tuần, rồi lại vào học kỳ mới. Cuối năm thì cũng nghỉ Hè nhưng thời gian nghỉ không dài lắm. Thế là tôi lại học thêm được một điều mới! Chính vì vậy mà chúng tôi phải kéo dài thời gian ở không có nhiều buồn chán!
Ở trong trại Tiếp Cư nầy cũng có cái Câu Lạc Bộ để người ta có thể đánh Bida, banh bong hay xem truyền hình hoặc uống cà phê, ngồi tán gẫu. Nhưng vì có nhiều thanh niên ồn ào và đang trong thời kỳ mà phong trào kỳ thị dâng cao cho nên chúng tôi ít hay bén mảng đến, chỉ khi nào muốn giải khuây thì kéo đến đó trong chốc lát rồi trở về phòng. Ngoài ra tôi có nghe nói bên phòng đằng kia nơi đất trống có lớp võ đường Thái Cực Đạo, mỗi tuần hình như dạy hai buổi do Anh Mai Hồng Vân nào đó cũng người Bình Dương đang hướng dẫn, nhưng tôi cũng không đến đó vì mình không có khiếu. Cứ quanh quẩn trong trung tâm từ Căng-tin, Câu lạc bộ cho đến người thân quen. Nay có thêm lớp Đời Sống Mới nên cuộc sống tha hương đỡ buồn hơn. Còn đi ra ngoài thì “lạ nước lạ cái” lại trong lúc kỳ thị dâng cao nên không dám, thà rúc vào cái vỏ cho an toàn, chỉ khi nào cần thiết thì hai ba đứa rủ đi cùng.
Rồi ngày tựu trường cũng đến. Lớp học được khoảng ba chục người đa số là người Việt, vài người Kampuchia, một người Lào cùng vài người Ba Lan. Tôi, Bác Vỹ, Bác Phương, Tịnh, Kim, Liêm, Chú Nhiệm và một số người qua chung “list” cùng lớp. Thành, Kiệt, Anh Ba Nguyên học lớp bên kia. Người dạy lớp tôi là bà Helena gốc người Ba Lan. Thú thật, về viết thì tôi còn đỡ hơn chứ về nghe tôi rất dở nên không mấy phản ứng nhanh, lại cộng thêm mình phải dịch nghĩa trong đầu óc xong lại tìm câu trả lời bằng tiếng Việt mới dịch sang tiếng Anh, rồi mới trả lời. Do đó chuyện học của tôi rất là vất vả. Lúc ấy tôi mới tiếc là khi ở đảo hay trại Tị nạn mình không tham dự vào các lớp học để bây giờ được phản ứng nhanh hơn. Tiếc chỉ để tiếc thôi, chứ mọi việc cũng qua rồi! Học từ Thứ Hai cho đến ngày Thứ Sáu vào mỗi buổi sáng. Thứ Bảy và Chúa Nhật nghỉ. Chương trình học thì do Cô giáo phát bài bằng những đoạn văn nào đó từ trong truyện hay báo, sách mà cô chọn rồi in ra phát cho từng người. Dựa vào bài đó mà cô đặt câu hỏi, cũng như giải nghĩa về từ vựng, hay chúng tôi cùng nhau thảo luận về đề tài. Gần như cô muốn cho chúng tôi tập về đàm thoại nhiều hơn.
Tuy nhiên, với người Việt của mình nói chung thì viết hay làm bài tương đối khá, có lẽ do căn bản được học từ trường học trước kia dù là học Sinh ngữ 1 hay Sinh ngữ 2; nhưng về trả lời vấn đáp thì có nhiều chậm chạp và không đúng vì cách phát âm tiếng mẹ đẻ ảnh hưởng vào. Tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm nên khi phát âm nó trở nên ngắn, gọn mà Tiếng Anh là ngôn ngữ đa âm nó cần đến sự mềm mại của lưỡi và miệng. Chính vì thế mà sự học Tiếng Anh của người mình cần luyện tập nhiều hơn về giọng đọc, lớn tuổi rồi thì trí nhớ cũng giảm đi nên chuyện học Từ Vựng là cả một vấn đề. Nếu không đủ Từ vựng thì không thể diễn tả được cái ý của mình, giọng đọc không đúng thì người nghe không thể hiểu điều mình muốn nói. Đã thế mà thói quen của mình là chú ý về Văn Phạm nên chuyện học đàm thoại thêm nhiều trở ngại. Có lần cô giáo kêu chúng tôi cứ học thuộc cái câu trả lời có sẵn để trả lời câu hỏi theo cách phản ứng tự nhiên, cứ nghe câu hỏi thì trả lời thẳng không cần suy nghĩ, rồi từ từ về sau sẽ nghĩ đến Văn Phạm. Còn cái miệng không quen với ngôn ngữ đa âm thì hãy tập nhiều lần giống như cô cho thí dụ: “I go to the bank”, đọc càng ngày càng nhanh, xong nối dài câu ấy ra “to get some money” rồi ráp lại đọc cho nhanh hơn, và “to buy something”. Theo cách đó thì sự đọc Tiếng Anh của chúng tôi có tiến bộ hơn, nhưng nó chỉ là tương đối thôi. Từ đó tôi lại nhớ những người Tàu sống trên đất Việt Nam lâu đời mà còn nói tiếng Việt không rành thì bây giờ chúng tôi cũng sẽ lâm vào tình trạng giống như vậy trên xứ Úc là quê hương thứ hai nầy! Chính những người Cộng Sản đã cho chúng tôi một quê hương thứ hai! Quê hương chính chỉ để “dành riêng cho họ”. Quê hương có hùng mạnh, giàu có hay nghèo đói, mất nước cũng do chính họ mà thôi!
Thời tiết bây giờ càng vào sâu trong mùa Thu, những cây có lá vàng, trở màu đều đã rụng cả rồi, cành trơ ra để lộ những mái nhà đỏ, xanh, đen, màu tôn hay màu khác mà người chủ thích. Có chỗ cây rụng lá để lộ cả vách tường màu gạch đỏ mà trước kia tôi chỉ nhìn thấy trên hình ảnh trong các sách hay tạp chí về mùa Thu ở các xứ miền Ôn Đới. Bây giờ tôi mới được nhìn thực tế bên ngoài! Mùa Thu với lá bay, cây trơ cành, trên trời đầy mây vần vũ, gió lành lạnh, mưa bay bay, người co ro với những quần áo ấm. Đây quả thật là một mùa Thu đầu tiên trong đời của tôi!
Càng ngày thời tiết càng lạnh, cái lạnh đầu tiên mà tôi chưa từng hưởng. Đêm đến chúng tôi mở lò sưởi ống nhiều hơn, kéo cái mền trùm kín đầu mặt vậy vẫn còn nghe lạnh, người ta nói trời dần đi vào mùa Đông. Có vài hôm nắng ấm, vậy mà những người Ba Lan lại nằm trên sân cỏ phơi nắng, trong khi đó chúng tôi vẫn còn nghe lạnh. Trọng luống này hơi bận nên cũng ít vào thăm tôi, Thành. Có hôm rảnh thì đến chở tôi, Thành về nhà ăn bún cùng Trí, Mai, Kiệt, Hường; hoặc hôm nào chở đến nhà Huynh vào buổi tối cuối tuần để xem phim. Quả thật, nơi tha hương xứ người gặp được Trọng, chị Yến và những bạn bè của họ khiến tôi, Thành nghe được ấm lòng mà quên bớt đi nỗi nhớ nhung quê nhà cũng như vợ con.

Nguyên Thảo,
12/11/2019.




No comments:

Post a Comment