Hôm Trọng vào thăm,
tôi có nói đến Thông, thằng bạn qua cùng “list” đã kiếm chỗ ra ở bên ngoài. Trọng
nói: “Trước sau thì cũng phải ra thôi! Ra ngoài sớm thì mới có dư tiền, chứ ở trong
nầy, chi phí nhiều thì không có dư đâu. Thôi để tao hỏi mấy thằng bạn tao coi có
chỗ nào có dư phòng để mầy với thằng Thành ra ngoài tiện hơn”. Mấy ngày sau, Trọng
cho hay nhà Huynh có dư phòng, vậy một đứa ra trước. Tôi kêu thằng Thành ra trước.
Ngày Thành nói với Bác Vỹ, Bác Phương ra ở ngoài thì hai bác có hỏi tôi tính như
thế nào? Tôi nói chắc có lẽ tôi sẽ theo hai bác, ráng học Tiếng Anh trước, rồi
coi có đủ sức theo học khóa Thông dịch không thì tính sao vì tôi thấy anh Hiệp đang
theo học khóa Thông dịch nên tôi nghĩ tôi có thể làm được. Thế là tôi ở lại
trong phòng một mình!
Chừng tuần lễ
sau, trong lúc Trọng rảnh rang vì vào mùa Đông công việc ít, Trọng cho hay là sẽ
có thì giờ để chở tôi đến nhà các người bạn qua cùng “list” để hỏi xem có phòng
dư không để tôi dời ra ngoài. Đi tìm nhà anh Xuân thì anh đã dời đi chỗ khác rồi.
Còn đến căn “flat” của vợ chồng anh Lợi thì không có dư phòng. Trở về nhà của
anh Hiệp thì nhà anh cũ và ở tương đối đông người, nhưng Trọng cũng hỏi Đức có
thể cho tôi ở chung phòng được không, nhưng Đức chưa trả lời dứt khoát mà để tính
rồi cho biết sau. Thế là trở về trại tiếp cư, tôi nói với Trọng: Thôi từ từ cũng
được, không gắp lắm! Thế là tôi cứ an lòng mà ở trong trại tiếp cư tiếp tục với
hai bác: Bác Phương và Bác Vỹ! Rồi một buổi sáng nọ anh Hiệp lái xe đi vào trại
gặp tôi và anh cho hay là Đức không chịu cho tôi cùng ở chung phòng. Tôi cám ơn
anh và nói: Điều đó không sao vì phòng nhỏ mà hai người ở chung cũng có nhiều
phức tạp, thôi thì từ từ cũng được. Thú thực chỉ có bao nhiêu đó thôi mà tôi cảm
thấy quý anh Hiệp nhiều!
Tôi cùng Bác Vỹ,
Bác Phương hàng ngày cùng đi ăn, cùng đi lên phòng học, cùng trao đổi nhiều vấn
đề, nhưng tôi lại học được nhiều kinh nghiệm từ hai Bác vì hai Bác đã từng trải
nhiều vấn đề trong xã hội, cũng như cuộc sống, còn tôi thì kinh nghiệm ứng phó
ngoài đời rất là kém cỏi. Không biết từ ngày còn nhỏ, má tôi khiến tôi sợ hay là
sự chân thật từ trong bản tính đã làm cho tôi ra ngoài đời không đủ sức ứng phó
với cuộc sống nhiều ganh đua, mưu mẹo. Vả lại, tôi đã chọn một cái nghề không đụng
chạm, an nhàn, vui sống với lương “ba cọc ba đồng” cũng thành hình con người tôi
trên thực tại. Đôi lúc tôi có nhìn thấy cái khiếm khuyết của mình, nhưng đã
quen rồi, nên không thể thay đổi được; giả sử có một biến cố trọng đại nào đó
trong cuộc đời có thể thay đổi tâm tính con người của tôi, nhưng vẫn chưa chắc
là nó có thể thay đổi điều mà tôi đã có!
Tuy nhiên, nhìn
lại nhiều người cùng hoàn cảnh với mình, hay những người qua chung “list” có điều
kiện hơn, họ vẫn còn ở trong trại Pennington nầy như gia đình anh Ba Nguyên, Lê
Nguyên Tịnh, Hoa, Nhàn, Phương, Huệ, Báu, Liêm, Kiệt, Kim… nên tôi cũng an lòng!
Một hôm, Trọng vào
cho hay là bạn cháu rễ của anh Sáu Long (người cùng quê Trà Vinh với Huynh) muốn
trả cái “flat” ở khu Mansfied Park, nếu muốn mướn thì nó hỏi dùm cho. Vào lớp học,
tôi bàn với Kim, Liêm. tụi nó đồng ý ra ngoài. Thế là tôi bàn với Trọng hỏi giúp
dùm. Vì là bàn giao sang ngang, chúng tôi phải chịu hoàn trả lại cho Thơm tiền “thế
chân” khi mướn căn flat, cộng với tiền đóng trước một tuần, rồi sau đó là đóng
tiền cho chủ mỗi tuần. Còn về sau muốn trả tiền mướn bao lâu thì chúng tôi sẽ thảo
luận với chủ flat. Chuyện chuyển “mướn” đó thì Thơm sẽ lo. Tôi, Kim, Kiệt, Liêm
hùn tiền lại rồi đưa cho Thơm ngay đêm mà tôi đến ngủ ở flat với Thơm và có chủ
flat để Thơm giới thiệu người mướn mới với ông chủ. Và sáng hôm sau Thơm chở vợ
con rời Adelaide đi Whyllala. Thế là cả bốn đứa chúng tôi cùng nhau rời trại tiếp
cư để chuẩn bị bước đầu cho cuộc sống mới nơi “xứ lạ quê người”! Khi tôi cho Bác
Phương cùng Bác Vỹ hay tôi sẽ dời ra ngoài ở, Bác Vỹ có vẻ giận tôi vì tôi đã
thay đổi!
Trọng gom được một
số nồi, xoang, chảo củ mà bạn bè dư cho chúng tôi một số. trong căn flat không
có đồ đạc gì nên chúng tôi phải tự lo. Vừa đi xin ở Hội vài món đồ, cùng hùn tiền
lại mua đồ cũ để xài như tủ lạnh cho tới giường, mền. Lúc đầu phải nằm trên sàn
nhà với cái lò sưởi vì trời đang vào mùa Đông. Có hôm nhiệt độ xuống tới 1, 2 độ
C. Hội ICRA cho tôi một cái giường cá nhân, có thể xếp chân lại được, mặt giường
bằng lưới thép nên hơi thụng khi mình nằm lên. Phần đồ dùng cá nhân thì mỗi người
tự lo, còn phần chung thì hùn tiền để mua kể cả thức ăn. Căn flat có hai phòng
một phòng lớn và một phòng nhỏ, phòng nhỏ Kiệt ngủ, phòng lớn thì Kim, và Liêm ở,
tôi chọn nơi phòng khách mà kê giường.
Sự nấu nướng và tắm rửa được phân công ra, ngày
nào ai nấu nướng thì tắm rửa sau. Thức ăn thì cùng nhau hùn tiền để mua. Cuối cùng
chúng tôi cũng có bàn ghế, salông cũ, giường, mền, lò sưởi tương đối đầy đủ cho
cuộc sống.
Mỗi sáng, chúng
tôi phải đi bộ cả cây số để ra đường lớn đón xe buýt để tới lớp học ở Trung tâm
Pennington, xong chúng tôi lại đón xe đi về. Có hôm học buổi chiều. Chiều xuống
trời trở lạnh, nhiệt độ xuống nhanh quá khiến tôi đứng co ro ở trạm mà nghe lạnh
đến cả xương sống và phổi, lúc đó tôi mới sợ cái bệnh phổi ngày xưa tái phát.
Trên chuyến xe
buýt trưa trở về nhà từ lớp học, tôi, Kim và Hiệp (Hiệp là người đã đi chung tàu
vượt biên với tôi từ Việt Nam cũng là người lái tàu “de” ra khỏi bãi cát ở cửa Bình
Đại khi bị vướng cồn và thoát khỏi không bị bắt do du kích của Tỉnh Bến Tre).
Ba chúng tôi ngồi ở băng sau cùng, nhưng vì lâu ngày không gặp nhau nên Kim và
Hiệp chuyện trò nhau khá lớn tiếng. Trong lúc đó có một người đàn ông Úc đã có
hơi men, ông đi lần xuống phía chúng tôi. Đột nhiên ông hét lên “Speak English”,
tôi ngồi yên lặng. Hiệp, Kim cũng yên lặng một chút, xong hai người vẫn tiếp tục
câu chuyện với giọng như cũ. Ông người Úc bất bình, hét lên lần nữa “Speak
English!” và ông đưa nắm tay lên. Ngay lúc đó, người tài xế cho xe buýt tắp vào
lề, rời chỗ ngồi đi xuống phía dưới và ông đến bên người đàn ông Úc ấy, nói với
ông ta và đưa ông ta về phía trên. Chúng tôi thoát nạn! Tôi không dám nói gì với
Kim hay Hiệp dù tôi biết hai người nói chuyện quá to, nhất là ngôn ngữ của mình
khiến người khác phải bực mình. Từ chuyện nầy tôi lại nhớ đến trường hợp của những
năm về trước, trước thời gian 30/04/1975. Ngày ấy tôi có chuyện nên cỡi Honda từ
trong Chợ Lớn về Sài Gòn, đang trên đường Nguyễn Trải thì gặp cơn mưa lớn nên tắp
vào mái hiên của một dãy phố đụt mưa. Khi đó cũng có một đám thanh niên choai
choai người Hoa tắp vào. Chúng nói chuyện ồn ào bằng tiếng Quảng Đông, chúng lớn
tiếng hăng say, tôi chẳng hiểu được gì chỉ khi nào dứt câu chúng lại buông hai
chữ tiếng Việt là “Đ..má” hay “Đ..mẹ”. Tôi không bực mình, nhưng cũng thấy tức
cười! Có lẽ vì vậy mà hôm này tôi mới hiểu được cái “khó chịu” của ông Úc hơi
say ấy! Khi đến trạm chúng tôi xuống để về nhà. Hiệp và Kim tâm tình nhau nhiều
vì ngày mai Hiệp đã di chuyển lên Melbourne sống rồi!
Bốn đứa chúng tôi
bắt đầu cuộc sống bên ngoài từ những thiếu thốn hay sự giúp đỡ của bạn bè hay của
Hội nhất là Hội ICRA tức là Hội giúp đỡ những người Tị nạn Đông dương của một ông
Cha thành lập nên. Rồi thì những gì cần thiết chúng tôi cũng có đầy đủ dù là đồ
cũ hay mua đồ mới. Thỉnh thoảng Báu dẫn ông Bob (tên tắt của chữ Robert) là ông
Úc kết bạn với Báu đến chơi. Do đó chúng tôi cũng dần làm quen với ngôn ngữ Anh
qua giọng Úc và tập đàm thoại ngoài những giờ học trong trường. Bob thường đến
thăm chúng tôi vào ban tối sau những giờ làm việc của Bob hoặc vào những ngày
cuối tuần. Chúng tôi quay quần trong phòng khách để trò chuyện vì phòng khách có
lò sưởi mà thời tiết đang vào mùa Đông. Trong chúng tôi tất nhiên Liêm là người
chủ chốt trong cuộc đối thoại, và Kim là người dạn dĩ hơn tôi. Không biết tôi
nhát hay là e ngại chỉ ngồi nghe nhiều hơn là nói.
Gần cuối khóa học,
Bob đã viết một cái thư giới thiệu cho Báu đến Hãng xe Holden để xin việc làm và
Báu được nhận vào làm ở hãng nằm trên đường Port Road không xa trung tâm cho lắm.
Như vậy Báu là người được đi làm sớm nhất trong những qua cùng list với tôi! Rồi
tiếp theo là chúng tôi được Phương, Huệ mời dự “đám cưới” mà hai người đã chọn
ngày thành hôn. Ở xứ nầy không cần coi ngày tốt hay xấu mà chỉ chọn vào ngày cuối
tuần thuận tiện cho buổi lễ. Trong tiệc cưới tôi mới thấy cái tài ngoại giao của
hai nhân vật nầy, vì số lượng người khá đông mà có những người thật là xa lạ đối
với tôi.
Một buổi chiều tối,
sau khi cơm nước xong xuôi thì có người Úc đến tìm chúng tôi khi gặp Liêm vừa đi
mua vài món đồ về tới ở dưới sân nhà. Đó là người Úc mà muốn kết bạn với tôi
qua sự liên lạc của Hội ICRA, tên là Joeff. Lần đầu tiên tiếp xúc với nhau, câu
chuyện xã giao được diễn ra trong căn phòng khách với toàn bộ bốn người chúng tôi,
mỗi người một vài câu cho chuyện không trở nên nhạt nhẽo! Tôi cứ tưởng tên là Jo-eff,
nhưng Liêm nhắc lại giọng đọc đúng của tên ông bạn như là Jeff chứ không phải là
Jo-eff như khi ông bạn tôi đã giới thiệu mà tôi không để ý tới. Buổi tiếp xúc và
câu chuyện được kéo dài đến khoảng hơn 10 giờ thì Joeff từ giả ra về và hẹn cuối
tuần sau sẽ đến thăm chúng tôi.
Thế là chúng tôi
từ từ đã hội nhập vào cuộc sống mới trong một xã hội có nhiều xa lạ với các phong
tục ở trên quê hương, và nơi nầy đã trở thành quê hương thứ hai của tôi ngoài “quê
cha đất tổ”. Chúng tôi tha phương, xa lánh nơi mình đã sinh ra, đất nước vì những
người Cộng Sản đã đối xử và kiềm hãm cái thân phận cùng gia đình của chúng tôi
trên quan điểm: “Ta, Bạn và Kẻ Thù”! Cho nên chúng tôi không thể chịu nỗi đành
phải trốn chạy đi xa thôi, để hi vọng cầu mong mưu cầu một tương lai cho thế hệ
đời sau thoát khỏi cái vạ “lý lịch” mà người Cộng Sản đặt để cho con cháu chúng
tôi trong mai sau.
Điều ấy khiến tôi
đôi khi nhớ lại và nghiền ngẫm mà bật cười: Trong chiến tranh ác liệt với cái
chết có thể bất chợt đến bất cứ lúc nào mà người ta không bỏ quê hương, đất nước
để ra đi; nhưng khi người Cộng Sản thắng cuộc, đất nước hòa bình, chấm dứt chiến
tranh, thống nhất thì chỉ với đường lối cai trị, hệ thống điều hành đất nước đã
khiến không biết bao nhiêu người phải bỏ nước, cùng bao nhiêu người bỏ mạng trên
con đường ra đi. Rồi ở nơi quê người chúng tôi cũng chỉ thấy những người từ các
nước Cộng Sản khác đến đây cùng chung một mục đích chứ chưa hề nghe người từ xứ
khác bỏ quê hương để tìm về nơi mà các người Cộng Sản đã thống trị. Như vậy không
lẽ đó là do điểm “Ưu Việt” của chế độ Cộng Sản đấy ư?
Từ trong hoàn cảnh
nầy tôi lại nghĩ về người Tàu tha phương cầu thực từ hàng trăm, hàng ngàn năm
trước. Để rồi trong cuộc sống thực tế nơi quê người, họ phải tự điều chỉnh lại
phong cách, thái độ, cách xã giao hay làm ăn buôn bán để tránh được những phiền
phức, tai họa hay các hệ lụy có thể xảy ra khi họ là “kẻ ăn nhờ, ở đậu” nơi “đất
khách, quê người”. Chính vì thế họ đã chọn con đường tiến thân bằng “học vấn” để
trở thành Bác sĩ, Nha sĩ, Kỹ sư; hoặc nếu buôn bán thì: “Nếu mình chửi họ thì họ
vẫn vui vẻ, mĩm cười miễn làm sao mà họ lấy tiền mình được thì thôi”! Nhưng thực
ra họ muốn được “yên thân” mà sống trên trên quê hương của người khác không hơn
không kém!
Nguyên Thảo,
04/02/2020.