Lúc
nhỏ tôi thường hay thắc mắc là tại sao khi người ta bắt kế phải có phần che mắt
cho con ngựa khi cưỡi hoặc là lúc nó kéo xe? Những tiếng vó con ngựa với móng bằng
sắt gõ lên đường theo tiếng chạy của nó làm tôi thích thú, tiếng gõ đều theo nhịp
chạy cùng âm vang của người điều khiển hầu như len vào ký ức của tôi từ thuở ấu
thơ. Nói chung chiếc xe ngựa với mái bầu bầu, cong cong có phần nhọn đưa về phía
trước để che nắng che mưa cho người đánh xe, cùng hai tấm bảng hình cong để chở
hành lý hai bên thùng xe, đã đi vào những kỷ niệm trong một phần cuộc đời trên
quê hương Bình Dương của tôi. Hình dáng chiếc xe ngựa ở Bình Dương nó không giống
chiếc xe ngựa ở Biên Hòa, người ngồi bên trong không thoải mái lắm, nhưng về hình
dáng thì tôi vẫn thích vì nó thon, nhất là giống gánh được chất lên hai tấm bảng
rồi ràng lại ở hai bên thùng khiến nó có cái vẻ thơ mộng làm sao ấy. Đã vậy lại
có thêm hai cây đèn kiểu cọ được đặt hai bên với hình dáng hơi xưa xưa, để dùng
chứa đèn dầu có kính chắn gió để đi vào ban đêm nữa xem cổ kính thế nào!
Có
lẽ Đồ Ngông tôi đi quá xa vì mãi mê diễn tả cái hình ảnh xe ngựa hay còn gọi là
xe thổ mộ trên quê hương tôi mà tôi mê quá đi chăng? Thực ra tôi muốn nói đến một
điều mà tôi thắc mắc nhất, đó là: “Tại sao người ta che mắt ngựa lại”? Hồi nhỏ
tôi cũng đã thắc mắc với bạn bè hay nhiều người lớn rồi, nhưng có câu trả lời
thì đứng đắn, có câu thì giỡn cợt, nhưng chưa có câu nào làm cho tôi thỏa mãn
trí tò mò cả. Họ có giải thích, nhưng tôi vẫn lấy làm hoài nghi và rồi tôi phải
có ngày nào đó mình cần tìm được câu giải thích được mới thôi!
Thế
rồi, một ngày kia có một chiếc xe ngựa đi từ trên chợ tỉnh về ngang chợ làng của
tôi, không biết như thế nào mà nó vụt chạy nhanh làm cho cả xe hoảng hồn tưởng
rằng xảy ra tai nạn. Nhưng may mắn mọi người vẫn yên ổn, xe cộ không bị hư hao,
chỉ hư một ít hàng hóa. Người ta chỉ nói là con ngựa trở chứng, thế thôi! Sau đó
không lâu, thì các xe ngựa lần được loại xe lam ba bánh dần thay thế, vì thời đó
xe gắn máy thịnh hành và nhập vào Việt Nam khiến sinh hoạt về xe cộ thay đổi khá
nhiều kể cả các chuyến xe đò và xe lô.
Cũng
vào sự thay đổi đó mà tôi không còn nhớ đến chuyện con ngựa vì sao mà người ta
phải che mắt nó khi cưỡi hay là bắt kế để kéo xe? Nhưng không ngờ về sao nầy câu
chuyện ấy lại lần nữa hiện đến trong tôi để tôi giải thích đến một hiện tượng
khác, lần nầy lại là vấn đề trọng đại hơn nhiều!
Câu
chuyện ấy bắt nguồn từ một câu chuyện mà anh bạn dạy học chung với Đồ Ngông tôi
đã kể: Anh có một người thân ở bên trong về cho anh biết là “Một thầy giáo không
thể phục vụ hai chế độ, trước sau gì thì anh cũng sẽ bị cho nghỉ dạy”; anh có hỏi
lại “Vì sao”? Thì người quen cho biết: “Đó là chủ trương, chính sách, vì mầy đã
dạy và sống trong chế độ cũ, mầy đã biết; nếu mà sử dụng mầy dạy lại trong chế độ
mới, một ngày nào đó mầy đứng trên bục giảng so sánh giữa hai chế độ thì như vậy
mầy tiêm nhiễm cái điều có hại cho tư tưởng của học trò đang được đào tạo theo
kiểu cách của con người mới trong chế độ mới”! Lúc đó tôi nghe kể vậy thì hay
như vậy, nhưng cũng để ý thử xem “sự thể” sẽ như thế nào? Nhưng lâu ngày có lẽ
do số học trò càng ngày càng đông, nhu cầu đào tạo giáo viên cũng không đủ cung
ứng, cơ sở trường lớp cần phải nhiều hơn nữa; lại nữa giáo viên cũng đã được “giáo
dục” thuần hơn nên không còn cho nghỉ nhiều nữa như trong giai đoạn đầu của đất
nước thống nhất, thế là đa số giáo viên vẫn được dạy tiếp tục cho đến ngày nghỉ
hưu. Trái lại những kẻ ngày xưa được xem là “hoạt động hai mang” thì chính quyền
mới “ngờ vực” không dám giao cho họ trọng trách nào quan trọng cả, họ giống như
“ngồi chơi xơi nước” chỉ làm vài công việc hay công tác thông thường những khi
cần thiết. Có nhiều điệp viên được coi là xuất sắc trước kia, sau nầy vẫn chìm
lỉm, nhưng khi họ chết đi rồi thì được vinh danh làm rùm beng công trạng. Đó là
sự an ủi cho họ! Không biết có phải người ta sợ họ sẽ hoạt động ngược lại hoặc
phản bội hay không mà không dám sử dụng tiếp tục hay là đã xong rồi giai đoạn
theo kiểu: “Giai đoạn nào có con người đó, giai đoạn nào có chính sách ấy”!
Từ
những việc như vậy, Đồ Ngông tôi mới nhớ đến chuyện con ngựa được người ta cưỡi
hoặc kéo xe phải che bớt con mắt ngựa lại để ngựa chỉ nhìn được phía trước, mà đi
về phía ấy, chứ không nhìn thấy được hai bên để phải hoảng sợ hoặc phân tâm hay
là so sánh mà hại đến chính sách, đường lối của họ không nhỉ? Điều ấy tôi không
thể đoán được!
Nói
đến “Chuyện con ngựa” Đồ Ngông tôi mới nhớ đến một vài thế kỷ trước có một lý
thuyết được sản sinh ra đời, trình diện với dân chúng bằng cách nương vào những
kiến thức nổi tiếng đương thời để từ đó tổng hợp, suy luận mà nên. Do sự hợp lý,
tương đối chính xác thời bấy giờ mà nó đã hấp dẫn, ăn sâu vào tri thức của nhiều
người có học để nó được hun đúc biến thành hiện thực trong xã hội loài người.
Nhưng khi để áp dụng vào thực tế, những con người thực hiện muốn lý thuyết ấy
trở thành nhanh chóng trên toàn thế giới, đã áp dụng đến một phương pháp giống
như là “bịt mắt ngựa”: Làm cho người ta chỉ biết “có một đường thẳng tới trước
mà đi”, đầu óc chỉ suy nghĩ về một hướng nên mọi sự từ giáo dục, tuyên truyền,
thông tin, giáo huấn, đều phải từ “cùng một sự chỉ huy” để tập trung vào đường
lối, thực hiện. Người ta dùng mọi biện pháp mạnh bắt buộc mọi người phải tuân
thủ thi hành, không được phản kháng, nếu kháng cự nhiều biện pháp cứng rắn sẽ được
thi hành, trấn áp theo kiểu “dùng bạo lực cách mạng” đè bẹp theo phương án “cứu
cánh biện minh cho phương tiện”. Người ta còn tính đến sự tổ chức ở nhiều nơi,
cấu kết thành hệ thống để đồng loạt chiếm lĩnh thế giới, nhanh chóng biến thế
giới thành một Thiên Đàng nơi hạ giới, xóa bỏ ranh giới giàu nghèo, bốc lột, kể
cả ranh giới quốc gia. Nhưng con người có khác với loài thú, họ có nhiều suy
nghĩ, nhận xét và so sánh nên có nhiều khác biệt: Từ những nơi khác nhau, người
ta có tinh thần sắc tộc, tinh thần quốc gia, không ai nhịn ai, ai cũng muốn dân
tộc mình vươn lên trên mọi dân tộc khác. Ai cũng muốn mình hay dân tộc của mình
phải lãnh đạo các dân tộc hay nước khác. Vì thế mà dã có những sự rạn nứt xảy
ra, nước lớn vẫn là ăn hiếp nước nhỏ, xem “nước nhỏ chỉ là tay sai, chư hầu sai
khiến” (cho nên mình là nước nhỏ chỉ là nước nô lệ mà thôi)! Để giành được thắng
lợi với các đối thủ, kẻ thù thì không từ một thủ đoạn nào để tranh thắng để thực
hiện vị trí “bá chủ”, kể cả dối trá, láo khoét, lừa đảo, ăn cắp, đánh lén, che đậy cái xấu, mua chuộc,
bức ép … Tức mọi việc có thể đem đến cho họ sự thắng lợi thì họ cũng chẳng từ
nan!
Cũng
là vì con người chứ không phải là loài vật, người ta nhận thức cho mình cái sự
tự do, cái quyền tư hữu (nguồn gốc thoát thai từ xã hội nguyên thủy để tiến đến
thời kỳ chiếm hữu), nhất là cái niềm tin nên số đông người dân đã phản kháng. Càng
bị trấn áp thì càng có sự ngấm ngầm cho nên cái thiểu số cầm quyền trở thành lực
lượng bị chống đối của đại đa số người dân, luôn luôn chỉ chờ cơ hội bộc phát hoặc
là “bất hợp tác”. Cho nên câu “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân
liệu cũng xong” không còn ý nghĩa nữa! Vô tình “người dân” trở thành giai cấp bị
áp bức!
Chính
vì thế mà xe ngựa cũng chẳng chạy tới đâu! Và người lãnh đạo vẫn mãi quay cuồng
với những con ngựa “cùng cực” đã phải “chứng” lên! Trăm năm hoặc ngàn năm nữa
chủ nghĩa “xem như chừng” tốt đẹp ấy cũng chỉ là một mớ chữ nghĩa trên những tờ
giấy “vàng úa” mà thôi! Thật buồn thay và khá buồn thay cho đời “Lạc quan cách
mạng”!
Đồ
Ngông,
24/04/2020.