Sunday, October 11, 2020

*Sang Đức. (4)

 

Xe đi qua Tòa nhà chính Phủ Reichstag, du khách tham quan nhiều bên trong gần building, mà phía bề ngoài lề đường lại có hàng rào dã chiến che chắn không có người qua lại. Đầu Mùa Xuân cây cỏ xanh tươi có màu xanh mát rượi và rạng rỡ mặc dù bây giờ đã quá 3 giờ chiều. Xe đưa đoàn chúng tôi chạy vòng qua những nơi cần thiết cùng với sự thuyết minh, giới thiệu của Bà Hướng Dẫn Viên, giống như những xe chở các đoàn đi Sight Seeing ở các Thành phố lớn của nhiều nơi. Sau khi đánh một vòng ở công viên lớn trong thành phố tức là Grosser Tiergarten, rồi chúng tôi lại lượn qua cái bùng binh có cột chiến thắng cao trên đỉnh có bức tượng màu vàng sáng chói của Victoria. 

Cột Chiến Thắng.


Xong lại chạy về phía sau cổng Brandenburg để vòng qua góc đường có nơi tưởng niệm những người Do Thái đã chết trong thời kỳ Đệ Nhị Thế Chiến gọi là Holocaust Memorial. Kế đó là đi đến Quảng Trường Gendarmenmarkt Bà Hướng Dẫn giới thiệu Nhà hát Konzerhaus, Nhà thờ Pháp và Nhà Thờ Đức có khoảng 200 năm trong khu vực. Sau cuộc đi rong chừng 15 phút xe dừng lại cho chúng tôi xuống. Bà Hướng Dẫn đưa chúng tôi đến một ngã tư đường. Tôi không hiểu vì sao lại có nhiều người đông ở đây, trong khi có người đàn ông mặc quân phục nước nào đó ỏm tỏi giữa đường. Chúng tôi ngạc nhiên đứng nhìn, hình như ông ta không say, tai nạn hay sự xung đột chăng? Có người đưa máy lên quay cảnh đó, có người chụp hình. Tôi thấy lạ nghĩ rằng tụi Tây cũng ồn ào ngoài đường giống Việt Nam của mình sao? Nhưng khi nhìn lại thì thấy một lô-cốt đề chữ “Check Point”, có vài người mặc quân phục lính với lá cờ Mỹ thì mới giật mình: Thì ra đây là một cảnh đóng lại kiểu lính Nga đang hùng hổ chửi rủa lính Mỹ ở tại điểm kiểm soát của lính Mỹ nầy. Vì sơ ý mà chúng tôi đã bị lừa do một kiểu dàn cảnh cho du khách biết chuyện ngày xưa là như thế đó!



Ở đây không lâu, khoảng chừng nửa tiếng đồng hồ thì chúng tôi lại trở về xe để đi sang khu vực Tường Bá Linh trong thành phố tức là Berliner Mauer để tham quan nơi nầy. 

Berliner Mauer.


Bức tường được đúc bằng bê-tông nhưng thô thiển hơn bên East Side Gallery. Tường cao, nhưng người ta chỉ giữ lại một số đoạn thôi, còn dưới đường thì theo dấu cũ đặt những tấm, hình như bằng đồng để ghi dấu lại nơi bức tường xưa được dựng lên. Chúng tôi chụp hình nơi đây để lưu niệm là đã có đến chỗ nầy. Sau đó  thì xe lại đưa chúng tôi đi trong các phố xá của Thành phố Berlin để Bà Hướng Dẫn Viên giới thiệu tiếp những nơi mà chúng tôi cần biết sơ qua. Quả thật là đoàn đang “cưỡi ngựa xem hoa”! Nói thế chứ đoàn làm gì có nhiều thời giờ để đến từng địa điểm có tiếng của Thành phố mà quan sát cho kỹ, hay là nghêu ngao để tìm hiểu từng chi tiết. Tôi cứ nghĩ ngay cả khu phố mà tôi đang sống trên xứ Úc trong nhiều năm, thế mà tôi còn chưa từng hiểu hết các hóc hẻm thì làm gì với một, hai ngày ngắn ngủi để có thể biết hết các nơi trong thành phố lớn lao như thế nầy! Ừ! Thôi thì cứ đại khái biết và hiểu những gì mình được thấy và được nghe nói để rồi suy ra một cách tổng thể, được như vầy là quý lắm rồi! Ít ra, khi người ta nói đến Berlin thì mình cũng hình dung ra được như thế nào, nhưng cái quan trọng đối với chúng tôi là cái Bức Tường Bá Linh “Ô nhục” mà hiện tại, trong thực tế chúng tôi đã chứng kiến, sờ được; chứ không là những hình ảnh kinh khủng mà chúng tôi đã thấy trên báo chí trước kia hay là trong tưởng tượng xa vời! Nhất là, nó chính là chứng tích của các Chế độ và Chiến Tranh! Với bức tường nầy khiến tôi lại nhớ đến lúc xưa người ta đã bảo rằng: Khi chế độ Cộng Sản cai trị ở vùng đất nào đó thì một “bức màn sắt” luôn được buông xuống. Thuở ấy tôi chẳng biết thế nào là “bức màn sắt”, cũng chẳng biết “Tại sao những người Cộng Sản lại buông màn ấy xuống”, rồi tại sao dân chúng phải “liều sống chết” rời chế độ Cộng Sản trong khi về lý thuyết “đem lại công bằng, bình đẳng, sự sung sướng, ấm no, hạnh phúc, tự do cho mọi người dân, không có cảnh người bốc lột người, không có áp bức, hà hiếp và người dân được thực sự làm chủ đất nước”! Nhưng điều ấy, chúng tôi đã hiểu và cuối cùng chúng tôi phải chọn con đường của những người trước đã đi một khi có điều kiện, và không ít số người phải bỏ mình trên biển cả trong khi số người khác tới bến bờ để được thế giới giúp đỡ trở thành những kẻ “lang thang” không còn có quê hương!

Có lẽ không mấy ai trong cuộc đời mà không yêu quê hương mình, nhất là đối với người Việt Nam của chúng ta. Cái tinh thần “Quê Cha, đất Tổ” lẫn cái tình thương “Quê Mẹ”, “Nơi chôn nhau, cắt rốn”, cây đa, đình làng, lũy tre xanh… đã ôm ấp từng con người khi lớn lên; chính vì những yếu tố ấy mà dù cho chiến tranh khốc liệt như trước kia người dân vẫn cố bám làng, bám đất không rời bỏ quê hương dù khốn khổ, lầm than, hay cái chết cận kề bất cứ lúc nào. Nhưng rồi khi hòa bình đến người ta phải trốn chạy, đó là sự “suy tư” khá nhiều đối với tôi!

Sau thời gian tìm hiểu về lý thuyết ít ỏi, tôi cũng mường tượng được một chút thuộc về lý tưởng của ông Marx và Engels, cũng hình dung được một ít bước đường thực hiện nào đó mà mấy ông ấy vạch ra. Ôi lý thuyết sao mà tốt đẹp vậy! Thế cho nên trên thế giới nầy người ta vẫn mơ mộng, nhất là trong giới trí thức khắp mọi nơi khi người ta đã được đọc nhiều sách về lý thuyết. Và ngay cả trong thời điểm hiện tại, trên thế giới nhiều người theo khuynh hướng “chống bất công, đem bình đẳng” đến cho xã hội, mọi người vẫn còn “ước mơ một xã hội ấm no, công bằng” như thế, nhất là trong giới làm chính trị!

Có những lúc các nhóm bạn bè của chúng tôi ngồi bàn, tìm hiểu cùng nhau sau “trà dư, tữu hậu” đặt vấn đề: “Vì sao phải Chuyên Chính Vô Sản, và vì sao Trấn Áp Bằng Bạo Lực Cách Mạng, rồi Lạc Quan Cách mạng”. Có vài ý kiến giải thích là Mấy Ông Tổ cho là các giai cấp trên, lẫn giai cấp cầm quyền bốc lột áp bức giai cấp công nhân và nông dân lẫn người nghèo khổ, nên các giai cấp nầy phải làm cuộc Cách Mạng bằng bạo lực để lật đổ chúng và giành quyền cai trị. Để giữ vững chế độ thì phải trấn áp kẻ thù bằng Bạo Lực không thương tiếc để các giai cấp ấy không thể vùng dậy mà lật ngược lại. Và dù gặp khó khăn cách mấy hãy “Lạc Quan” vào con đường Tiến lên!

Ừ, thì cũng gọi là hiểu được chút nào đi! Rồi người ta lại tiến thêm bước nữa, chắc Lénin trong khi thực hành lý thuyết của Marx muốn “thúc đẩy” cho nhanh chóng thành công nên tập trung tất cả từ quyền lực, cho đến giáo dục, tuyên truyền, báo chí, đoàn thể, đều phải thực hành theo chỉ thị lãnh đạo của Đảng, bắt buộc ai cũng phải thực hiện theo lệnh và chỉ thị, thống nhất từ trên xuống dưới để mọi người cùng đi về một hướng không khác đi (tiêu cực, chống đối) hay chống lại (phản động). Điều ấy không phải chỉ một nơi mà mọi nơi nào mà người ta có thể làm được các cuộc Cách Mạng như thế theo hệ thống Tổ Chức Quốc Tế (bắt chước theo hệ thống tổ chức chặt chẽ của Đạo Thiên Chúa Giáo). Đó là lý do các Đảng Cộng Sản ở khắp các quốc gia nào có thể phát triển được, và họ liên kết với nhau (ngày xưa do Nga lãnh đạo, nhưng sau Trung Quốc muốn được quyền nên có sự xung đột hai bên và chia thành hai nhóm). Ấy chỉ là sự suy diễn của đám bạn bè chúng tôi qua sự tìm hiểu đó thôi!

Trong lúc đang miên man nhớ lại thì anh Thới kêu tôi là “Họ đi rồi kìa”! Tôi giật mình quay lại cùng đi theo để lên xe. Bà Hướng Dẫn cho chúng tôi đi một vòng nữa trong thành phố để giải thích tiếp những gì mà Bà thấy là chúng tôi cần biết. Xe đi qua khu Bảo Tàng xe hơi hiệu “Trabant” của Đông Đức thời ấy, chỉ  thoáng qua thôi nhưng mọi người cũng thấy được bãng hiệu cùng mẫu xe của nó. 

Bảo tàng xe "Trabant"


Không biết hiệu xe nầy như thế nào chứ trước kia khi mọi người nghe nói xe Molotova của Nga, ai khi chưa biết cũng tưởng nó rất là tân tiến và đặc biệt, nhưng sau ngày 30 tháng Tư thì kiểu xe của nó giống như trong thời Thế Chiến Thứ Hai thôi, chẳng có gì khác xa. Rồi đến khoảng hơn 5 giờ 30 xe đưa chúng tôi tới một khu Thương Mại để xem qua, đồng thời cũng là địa điểm Bà Hướng Dẫn Viên hẹn với chồng để rước Bà về. Chúng tôi từ giã bà, không đi nữa mà lại tắp vào một Tiệm thực phẩm của người Việt làm chủ để mua ít đồ, và cũng là để đợi xe buýt đến chuyển về khách sạn vì bây giờ cũng gần 7 giờ chiều!

Trên đường về Bernard căn dặn cho đoàn những điều cần biết và cần làm khi đến khách sạn và giờ giấc di chuyển cho ngày mai. Sau gần nửa tiếng đồng hồ xe về đến khách sạn, mọi người cứ theo như điều căn dặn của Bernard để nhận chìa khóa phòng, lấy số wifi để sử dụng cho các dụng cụ điện tử của mình. Ổn định phòng xong, chúng tôi lần lượt xuống nhà hàng của khách sạn để dùng bữa ăn tối. Thế là một ngày trôi qua trên vùng đất Thủ Đô nước Đức thống nhất ngày nay. Như vậy, với các vùng đất mà các thế lực thế giới xúm nhau chia đôi đất nước của người ta do hai Thái Cực: Cộng Sản và Tự Do đã được tái hợp lại. Một là Việt Nam được thống nhất bằng một cuộc chiến tranh lâu dài, tàn phá đất nước không thương xót và hậu quả sự thống nhất ấy là các cuộc thương đau khác xảy ra do cơ chế tổ chức xã hội, quan điểm; kéo theo sự suy yếu cùng lệ thuộc nặng nề vào những món nợ chiến tranh mà đất nước đã phải vay mượn! Và sau Việt Nam khoảng hơn 15 năm, nước Đức được thống nhất hòa bình do sự sụp đổ của khối Cộng Sản Đông Âu và Liên Xô trong một biến cố tương đối hòa bình, nhưng không kém phần gay go. Nay chỉ Triều Tiên hãy còn bị chia cắt, và hai bên vẫn xem nhau như hai nước thù địch tức là Đại Hàn và Bắc Triều Tiên vậy!

Trong bữa ăn tối nay đoàn chúng tôi nhận được một tin không vui và khiến cho mọi người hơi bồi hồi chia buồn cùng anh chị Lan Chi của nhóm Melbourne, vì anh vừa nhận được điện thoại của các con báo hình như là mẹ anh mất ở Việt Nam thì phải. Thế là cuộc đi của anh, chị phải dừng nửa chừng để trở về Úc, rồi mới về Việt Nam để lo hậu sự và báo hiếu. Jennifer cùng họp bàn với Bernard tiến hành các thủ tục, vé máy bay cho hai anh chị. Không biết bên các công ty du lịch hỗ trợ như thế nào, chứ đoàn chúng tôi vẫn tiếp tục cuộc hành trình như không bị một trở ngại nào hết. Chúng tôi chỉ nói lời chia buồn cùng gia đình anh chị thôi!

Thực sự trước khi đi chuyến nầy, tôi không hề có ý chú trọng vào vấn đề ảnh hưởng của chế độ Cộng Sản với các nước sẽ đi qua, nhưng khi đến Nga rồi qua sự thuyết minh của Bà Hướng Dẫn kéo tôi về với sự nhận xét, lưu ý hơn về các nước nầy để xem: Vì sao các nước thuộc chế độ Cộng Sản không thể tiến hơn là chế độ ở Tây Phương, mặc dù những người cầm quyền luôn cho “Xã Hội Chủ Nghĩa” là ưu việt, và Cộng Sản Chũ Nghĩa là điểm đích cuối cùng cho một Thế Giới Đại Đồng, là Thiên Đường của loài người trên trái đất nầy, mà tập thể người Cộng Sản lấy làm lý tưởng tranh đấu, thực hiện cho kỳ được!

Tuy nhiên cái lý thuyết nào cũng vậy, lý thuyết luôn vẫn là lý thuyết. Lý thuyết chỉ dựa trên nền tảng của suy tư và suy luận. Ông Marx đã lược qua rất nhiều lý thuyết, triết thuyết trong quá khứ, của những người đi trước, rút kinh nghiệm chúng được thực hiện trong thực tế, trên nhiều bình diện từ Xã Hội, Khoa học, Kỹ thuật, Chính trị, Tôn giáo, Tư tưởng lẫn sự Tiến hóa, kể cả Lý luận và Hệ thống Tổ chức, Quan điểm… tối ưu lúc bấy giờ để đúc kết thành “Hệ Thống Lý thuyết” của ông, mà về sau người ta cứ cho là ông tập hợp “Đỉnh Cao Các Trí Tuệ Của Loài NgườI” để làm Kim Chỉ Nam cho các tín đồ trong tương lai thực hiện đều ông đã vạch ra, để đi tìm “Tối ưu của một thể chế trong tương lai” nhằm đem lại sự tốt đẹp cho cuộc sống loài người trên trái đất! Thế nhưng, “Nó chẳng như là mơ” !

 

Nguyên Thảo,

07/10/2020.

 

 

 


Thursday, October 1, 2020

*Quê Người! (36)

 

Trọng đi làm bắt đầu từ ngày Thứ Hai, sang ngày thứ Ba tôi lái xe của Thành xuống văn phòng Port Adelaide Community nộp bài. Trong lúc nộp bài và đang chờ đợi thì ông thầy dạy lái fort lift cũng đến dẫn theo một anh bạn Việt Nam đang học khóa tiếp theo đến văn phòng. Thì ra số ghi tên học fork lift khá nhiều người nên chia thành vài khóa mà khóa tôi học là khóa đầu tiên. Ông thầy phàn nàn về trình độ Tiếng Anh của anh bạn nầy với nhân viên văn phòng, đại khái là ông ấy nói trình độ tiếng Anh của anh bạn yếu quá mà tại sao trung tâm cho anh ta học. Xong chuyện thì ông ấy lấy bài làm của tôi đi duyệt qua. Anh bạn phân bua với nhân viên văn phòng là ông thầy nói cái gì anh cũng hiểu cả mà khi anh nói tại sao ông Thầy không chịu hiểu mà còn nói Tiếng Anh của anh yếu. Rồi anh quay qua kể cho tôi nghe những gì thầy dạy anh đều hiểu và làm được, thế mà ông thầy nói anh không hiểu và bây giờ không cho anh học tiếp. Anh kể như thế nào thì tôi nghe như thế đó chứ tôi đâu biết “ất giáp” gì mà có ý kiến. Khi anh ra về, ông Thầy cũng chấm bài của tôi xong, ông cho tôi đậu, ông nói văn phòng cho tôi một giấy chứng nhận là tôi đã hoàn thành khóa học với kết quả “vượt qua” (pass). Rồi ông lại nói cho tôi nghe: “Phải chi nó như mầy, Tiếng Anh yếu thì mình cố gắng, làm theo những chỉ dẫn của tao, không hiểu thì hỏi lại; đàng nầy nó không, tao bảo nó lái sang trái thì nó sang phải, bảo sang phải thì nó lại sang trái; kêu nó tới thì nó lui, bảo lui nó lại tới, như vậy thì làm sao tao dạy, mà rủi có tai nạn thì tao phải chịu trách nhiệm sao”? Tôi nghe ông Thầy nói vậy tôi lại giật mình, đây là lần thứ hai tôi được nghe câu chuyện kỳ quái như thế nầy, và mình không thể tin những câu chuyện ấy là có thật, nhưng nó đã xảy ra. Không lẽ thần kinh của họ khác chăng, giống như những người “thuận tay trái”, “thuận tay phải”, hay khác lạ trong cuộc đời! Chuyện trước kia là anh bạn cũng là bà con của tôi với Trọng, khi đi vào quân đội anh được tuyển dụng vào phi công được đưa sang Mỹ huấn luyện về trực thăng. Trước khi đi được học Tiếng Anh ở Trường đặc biệt gần cả năm trời cộng với những năm bậc Trung học anh học sinh ngữ một là Tiếng Anh thì không thể nói là Tiếng Anh của anh dở. Khi anh sang Mỹ được vài tháng. Một hôm tôi, Trọng, Tâm là anh bạn khác cùng ngồi nhậu lai rai ở nhà Trọng ngay góc ngã tư đường. Uống trong chốc lát vụt nhớ đến ông anh bà con, Trọng nói bâng quơ: “Không biết giờ nầy nó ở bên Mỹ có nhậu và nhớ đến mình không”? Vừa nói không bao lâu nó ngó ra đường rồi la lên; “Mới nhắc tới nó, nó lại về kìa”! Tôi và Tâm tưởng Trọng đùa, cùng buộc miệng: “Đừng giỡn mầy”! Trọng: “Tao nói thiệt! Nó kìa”! Lúc đó tôi và Tâm nhìn theo tay của Trọng: “Thì ra, ảnh về thật”! Về sau tôi được nghe cái nguyên nhân “ảnh về sớm” giống trường hợp như hôm nay. Tôi ngậm ngùi cho cái “chuyện Tạo Hóa” trêu ngươi! Và cứ nghĩ Tạo Hóa đã cho mỗi người vài thứ khác nhau, anh bạn nầy và anh bạn bà con của tôi với Trọng có cùng một chứng bệnh như nhau! Tôi có thể giải thích được điều mà anh cho là “anh hiểu mọi thứ Thầy nói” là do tiếng Anh của anh cũng giỏi nên anh hiểu được mọi điều, ít ra cũng giỏi hơn tôi vì tôi đã nghe anh nói với người nhân viên, nhưng anh không để ý cái giọng nói Tiếng Anh của mình vừa cứng, vừa thiếu âm đuôi của chữ thì ông Thầy hiểu thế nào được; giống như tôi một lần nói “excuse me” thế mà Joeff làm bộ đưa hai tay ép vào ngực, sợ sệt và nghiêng mình xa ra.

Trọng và Thành đã đi làm, làm cho tôi cảm thấy nôn nao. Thế rồi một đêm trong lớp học Anh Văn ban đêm trường Parks, tôi nhờ đến Hoàng cùng học chung có thể xin cho tôi vào làm hãng của Hoàng không? Hoàng nói cũng không biết nó có cần không, nhưng nếu anh muốn thì anh theo tụi tôi đến đó rồi xin xem sao? Sau đó Hoàng cho tôi địa chỉ, tôi sẽ lái xe đến đó và đi với nhóm của Hoàng. Cả nhóm với tôi là 5 người, mà xe lại là xe có hai cửa nên người ngồi ở phía trước phải nghiêng ghế cho người ngồi băng sau vào trước, rồi mới ngã ghế vào vị trí ổn định thì mới lái đi được. Từ kinh nghiệm ấy tôi không thích xe hai cửa lắm. Những xe ấy thì thích hợp cho những vợ chồng mới cưới hay bồ bịch thôi, chứ nếu có con thì rất bất tiện. nếu rủi xảy ra tai nạn thì lại nguy hiểm cho người ngồi sau rất nhiều! Nhưng Thành thì lại thích kiểu xe ấy vì nó có vẻ “sport” mà nhiều người trẻ hay ham thích! Đi với nhóm Hoàng khi đến hãng, Hoàng hỏi dùm nhân viên trong đó, họ nói không có việc. Thế là khi mọi người vào trong hãng để làm, thì tôi phải ngồi đợi từ sáng cho đến trưa khi họ ăn trưa thì tôi cũng ăn phía bên ngoài, rồi đợi họ cho tới chiều khi tan hãng thì mới được về nhà. Điều nầy khiến tôi cũng kinh nghiệm một lần cho những lần sau.

Rồi một hôm, Hoàng hỏi tôi: “Hình như lúc trước anh có đi học hàn MIG phải không”? Tôi trả lời có, Hoàng mới nói với tôi là có quen với anh Hòa làm thợ hàn cho một hãng nọ, hãng đó đang cần người để tôi giới thiệu cho anh. Và Hoàng chở tôi đến nhà anh Hòa. Mấy ngày sau tôi theo anh Hòa đến hãng, hãng nhận cho tôi làm ngay ngày đầu trong việc hàn những thùng đựng rác lớn cung cấp cho các tiệm hay các hãng nhỏ. Lúc đầu tôi e ngại việc điện chuyền qua kim loại nên không mạnh dạn tì tay trên các tấm sắt nên mối hàn không được đẹp cho lắm. Sau đó rút kinh nghiệm mối hàn của tôi trở nên nhuyễn và đẹp hơn gần giống với mối hàn của anh Hòa. Trong lúc tôi làm từ bên nầy sang bên kia thì có anh bạn cũng là Việt Nam làm công việc lặt vặt trong hãng, anh lại đến hàn từ phía anh Hòa làm trở đi. Có lẽ anh mới chỉ tập hàn thôi, nên mối hàn trở nên đóng cục. Đang lúc anh lấy máy mài để mài các mối đóng cục ấy thì ông Úc khác đến kêu anh phụ giúp chuyện gì đó; anh nhờ tôi tiếp tục mài cho anh. Và khi đó thì ông chủ hãng đến, nhìn thấy công việc tôi đang làm, ông kêu tôi ngưng và hỏi tôi, tôi bảo của anh kia hàn và anh ấy nhờ tôi mài. Ông chủ hỏi tôi hàn cái nào rồi, tôi chỉ ông nhưng ông không tin, rồi ông dẫn tôi đến tấm bảng. Ông viết lên đó, ông trả cho tôi từ sáng đến giờ mấy tiếng đồng hồ với giá 7 đô, rồi với những mối hàn đó tôi mài phải mấy tiếng nữa như vậy ông bị thất thoát là bao nhiêu tiền. Thế rồi ông không cho tôi hàn nữa, mà chi kêu tôi phụ việc cho những người khác thôi giống như anh bạn Việt Nam kia. Sang ngày hôm sau tôi cũng đi theo anh Hòa một ngày nữa. Không biết anh bạn Việt Nam có còn làm nữa không tôi không thấy, mà tôi đi giúp việc vặt cho những ông thợ khác để làm với lương 5 đô một giờ. Rồi tới xế chiều, ông thợ Úc kêu tôi lấy cái “chisel” tôi không biết là cái gì, khiến ông lắc đầu đành dẫn tôi vào nơi để dụng cụ lấy cái đục để đục sắt. Tôi cảm thấy buồn vì mình không hiểu được nhiều nên không làm được việc cho người khác. Chiều đó tôi gặp ông chủ xin nghỉ, ông kêu nhân viên trả lương cho tôi với mấy giờ làm thợ hàn và bao nhiêu giờ phụ việc, tôi nói tôi sẽ cố gắng học thêm Tiếng Anh để đi làm về sau nầy. Ông chủ vui vẻ, động viên và chúc cho tôi nhiều may mắn trong tương lai! Tính ra hãng tôi làm nầy xa hơn là hãng Holden của Trọng, mặc dù ở cùng khu vực. Nhưng anh Hòa chở tôi thì đi con đường bên ngoài nên vào lúc cao điểm, hãng xưởng, trường học tan ra về nên kẹt xe là chuyện phải gặp. Thời gian di chuyển có khi hơn cả tếng đồng hồ, tôi tính chuyện trả tiền xe cho anh Hòa, nhưng anh không lấy và nói giúp tôi thôi!

Từ lúc đó tôi càng ráng học Anh Văn hơn. Tôi đi mượn băng ở thư viện về nghe, tìm từ ngữ để học nhất là trong quyển “Lexicon” mà anh Hợi đã chỉ cho tôi mua lúc trước. Nhưng đối với người có trí nhớ dở và nói không nhanh nhẹn như tôi thì không đạt được như ước muốn. Dù gì tôi phải cố gắng, tất nhiên là vất vả khá nhiều! Ban đêm cứ mở radio đài Tiếng Anh địa phương mà nghe dù hiểu hay là không hiểu, chỉ cố gắng nghe để phân biệt, khi nghe truyền hình thì tôi chú ý về phần thời tiết vì nó không có nhiều từ ngữ khó, hi vọng là mình bắt được cái nghe tốt hơn từ căn bản ở mục nầy!

Trọng thì vui vẻ với công việc dù phải đi hơi xa, sáng dậy sớm đem thức ăn đi, chiều tan hãng về. Còn Thành thì làm ở hãng gần hơn, vẫn còn ham đi xe đạp; tuy nhiên một hôm thấy có người bị tai nạn nó bắt đầu hơi sợ rồi, nên thỉnh thoảng mới đi xe đạp thôi. Tôi phải chuẩn bị kiếm một chiếc xe cũ để riêng cho mình khi cần đi đây đi đó. Một buổi tối Trọng với chị Yến đi đâu về ngang chỗ nọ thấy có một chiếc xe cũ đề giá 140 đô, Trọng xem thử thấy còn được nên về nói với tôi: “Tao thấy chỗ kia có một chiếc xe Morris nhỏ mầy à, coi cũng còn được để chiều mai đi làm về tao chở mầy lợi đằng đó coi, nếu được mua về chạy đỡ rồi sau nầy mua chiếc khác, tính ra nó còn rẽ hơn chiếc xe đạp của thằng Thành nữa”!

Thế là chiều ngày hôm sau, sau khi đi làm về, tắm rửa xong Trọng vội vã kêu tôi, Thành đi lại chỗ đêm hôm có chiếc xe Morris để bán coi xe còn hay không. Vừa quẹo cua thì chúng tôi đã thấy chiếc xe ở phía đàng xa. Ngừng xe, tôi và Trọng đi đến gần, mở cửa và xem bên trong. Thấy xe cũng còn khá, trong lúc đó thì ông chủ đi ra, Trọng hỏi chuyện ông, ông là một ông Úc già, dáng còn khỏe mạnh, vui vẻ. Sau những câu xã giao, chúng tôi xin ông coi xe, nổ máy và chạy thử. Chạy một hồi trong khu vực của ông là một khu hãng xưởng, nên về chiều không có nhiều xe, vì thế việc thử tương đối dễ dàng. Tôi không cần chạy với vận tốc cao vì xe cũ với giá đó thì tạm gọi là để có xài là quý rồi, còn về sau sẽ tính sau; chỉ có một điều là khi bắt đầu đề nổ máy thì máy hơi run lắc một chút, chứ khi máy chạy thì không có gì phải quan ngại, thuế đường thì hãy còn mới, có lẽ ông chủ đóng thuế 3 tháng rồi mới đề bán. Chung lại máy xe vẫn còn tốt, các bánh xe có thể đi được khoảng một năm nữa mới thay. Trọng hỏi ông chủ có thể bớt không chút nào không vì tôi (Trọng chỉ tôi) mới tới Úc vài tháng thôi. Sau khi suy nghĩ ông nói: “Thôi thì tao bán cho nó 120 đô đó, OK”. Trọng quay lại nói với tôi: “120 tao thấy được à mầy, thôi lấy đi”, tôi thấy giá ấy cũng là được, tôi đồng ý. Vậy là tôi đã có một chiếc xe đầu đời nơi xứ lạ quê người! Lái chiếc xe về nhà để ở phía sau sân cỏ, ngày mai tôi phải đi làm thủ tục đăng bộ, sang tên. Chủ nhà ở phía sau thấy tôi có chiếc xe mới, ông sang chơi hỏi tôi mua xe bao nhiêu, nghe xong ông cười. Trọng hỏi ông vì sao khi đề máy thì máy xe lại run lắc, ông là thợ máy nên ông giải đáp và chỉ cho chúng tôi thấy mấy cục cao su của chân máy bị nhão nên nó không giữ máy chắc chắn khi mới đề nổ; nhưng sau đó thì máy nổ đều nó không còn run lắc nữa. Ông chủ nhà nói cái đó không quan trọng lắm, không thay cũng không sao, nếu muốn thay thì về sau ông sẽ thay cho, cũng khá tốn tiền đó vì công mắc hơn mua đồ phụ tùng. Khi tôi mua được chiếc xe thì Thành cũng thường lấy xe đi làm thay vì đi xe đạp như lúc trước, vì có một lần nó thấy người đi xe đạp bị tai nạn dọc đường, nó thấy nguy hiểm nên không còn ham đi xe đạp nữa. Thế là Trọng, Thành đã ổn định cuộc sống, còn tôi phải tiến thêm một bước nữa mới đủ điều kiện cho chính mình!

 

Nguyên Thảo,

21/08/2020.

 

 

 


*Nghĩ Về Một Ông Tổng Thống!


Viết chuyện nầy, tôi nghĩ rằng tôi có đi quá sự hiểu biết của mình chăng? Và tôi có trở nên lố bịch không? Nhưng rồi tôi lại nghĩ mình chỉ là viết về “chuyện tào lao” thì không phải để đúng, mà chỉ là để nêu lên vài nhận xét riêng hay là để “vui” cùng độc giả, thì chuyện chính xác đâu là chuyện cần thiết. Thôi thì độc giả đã chấp nhận ngày “Cá Tháng Tư” thì chắc cũng không màng đến chuyện tôi viết bài nầy! Như vậy thì cứ xin độc giả thông cảm xem bài nầy như là tôi viết lên cái suy nghĩ ngộ nghĩnh của tôi và đừng quan tâm về nó khi tôi viết những “nhận xét” riệng về một ông Tổng Thống đình đám, nhiều vấn đề xảy ra với ông trên Thế Giới: Đó là chuyện của Tổng Thống xứ Cờ Hoa: "Donald Trump"!

Thú thật với độc giả tôi ít khi chú tâm về chính trị ngay cả trên chính trường của nước Úc là nơi đã cho tôi cùng gia đình được một cuộc sống an thân, một quê hương thứ hai khi tôi phải từ bỏ “quê hương ruồng bỏ” thân phận của mình từ những người chiến thắng, dù những người chiến thắng luôn hô hào “đứng về phía nhân dân, vì dân, sẽ làm cho nhân dân sung sướng, tự do và hạnh phúc; nước giàu dân mạnh”! Kể từ những thời gian đầu sau khi hòa bình tôi cũng như mọi người dân sung sướng, vui mừng vì đất nước không còn chiến tranh, sẽ được êm ấm làm ăn, ai cũng sốt sắng chuẩn bị để xây dựng lại cuộc sống và góp phần cho đất nước. Nhưng cuộc thế dần dần khác xưa, những tổ chức mới được thành hình tạo cho cuộc sống càng ngày càng khó khăn hơn, người dân bị lao vào chính trị cùng những tổ chức thành hình khuôn khổ “đào tạo theo kiểu con người mới” khiến ai cũng giống ai, cùng một suy nghĩ hay hành động, khác hơn sẽ gặp nhiều khó khăn cho chính mình lẫn gia đình, nhất là sẽ ảnh hưởng cho con cháu về sau nầy. Thế là mọi người gần như “yên lặng” để tuân hành, thích thì làm, không thì thôi, không phải chống đối. Từ đó người ta chẳng hề quan tâm đến tuyên truyền, giáo dục lẫn chính sách nữa mà chỉ nghĩ đến lo cho cuộc sống, "chuyện nhà nước cứ để nhà nước lo" vì có lo cũng chẳng thay đổi được gì. Tôi cũng vậy và không hề quan tâm đến chính trị nữa.

Đến khi có cơ hội ra ngoài và bảo lãnh được gia đình sum họp xem như là mục đích của tôi đã hoàn thành trách nhiệm đối với tương lai của các con tôi, tôi không còn thấy cái “trách nhiệm nặng nề” đè lên suy nghĩ của mình nữa. Mỗi lần bầu cử, tôi và vợ cứ bỏ phiếu cho Đảng Lao Động xem như là trả nợ “ân tình” với họ do nơi tôi được đến Úc trong thời kỳ của Đảng Lao Động cầm quyền, còn con cái thích ai thì chúng bỏ theo ý của chúng. Tôi chẳng quan tâm nhiều đến Đảng nào lãnh đạo. Tuy nhiên qua nhiều năm tìm hiểu và nhận xét thì tôi lại nghĩ: Ai đã tạo nên nền chính trị của Úc và những chính sách của nó, nhất là chế độ về An Sinh Xã Hội nhỉ? Tại sao chúng được thực hiện giống như là những gì mà trong chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa của người Cộng Sản mơ ước, mà người dân vẫn luôn được Tự Do và chính quyền không phải dùng đến “bạo lực cách mạng” trấn áp. Xã Hội như thế nầy có lẽ còn lâu lắm người Cộng Sản vẫn chưa thể thực hiện được! Lý tưởng mãi là lý tưởng, trong khi người ta đã thực hiện được lý tưởng đó từ lâu! Tuy nhiên, chế độ nầy, theo như ý của nhiều người, còn phải điều chỉnh lại giữa sự đóng thuế của người đi làm và những người lạm dụng sự ưu đãi của xã hội, không khéo nó sẽ trở lại giống như sự tách ra khỏi “thời kỳ cộng sản nguyên thủy” để tiến sang “thời kỳ tư hữu” của những thời sơ khai! Nếu không, xã hội ấy vẫn còn sự bất công giữa người “đóng thuế” và “những người hưởng lợi từ thuế của người khác”!

Viết thêm chút để quý độc giả xem chơi, chứ bây giờ tôi lại thương Ông Trump nhiều lắm! Giả sử ông yên phận với cuộc sống giàu sang, danh vọng ở trên Tháp Trump của ông thì ông quá an nhàn hưởng thụ mọi cái gì ông thích khi ông là Tỷ phú, với cơ sở đem đến lợi tức cho ông hàng trăm triệu hay bạc tỷ hàng năm. Ông đâu có thiếu thốn thứ gì: Tiền có, danh vọng đã có, ông chẳng là “Ngôi sao truyền hình” đó sao? Thì có cần gì mà ông phải nhảy ra ứng cử Tổng Thống xứ Hoa Kỳ làm gì cho cực nhọc!

Ngày mà tôi xem tin tức trên truyền hình thấy truyền hình chiếu cả mười mấy ứng cử viên trong Đảng Cộng Hòa cùng nhau trình diện và tranh luận để tranh phần được Đảng đề cử làm Ứng Viên Tổng Thống của Đảng, tôi thấy cũng vui. Lúc ấy họ đứng trên sân khấu, ỏm tỏi cùng nhau khiến tôi lại nghĩ đến các vai trò trong một tuồng hát. Với Ông Trump thuở đó, tôi chẳng biết gì về ông chỉ thấy là “sức nói” của ông rất mạnh, tranh luận rộn ràng, đôi khi trấn áp được đối phương. Dần dần qua các cuộc tranh luận khác ông đánh bại từng ứng viên gạo cội có thành tích chính trị nhiều năm trên chính trường xứ Mỹ. Từ đó tôi mới để ý đến nét “cao bồi” của ông, đôi khi nét mặt ông thể hiện giống như một “chú hề” giúp vui cho thiên hạ; rồi lại thêm bộ tóc màu vàng chải ngược, lông mi vàng khiến tôi lại nghĩ đến nhân vật “Kim Mao Sư Vương” của nhà văn kiếm hiệp Kim Dung.

Đến ngày ông được chính thức đề cử Đại diện cho Đảng Cộng Hòa ứng cử Tổng Thống thì ông phải đấu với bà Hillary Clinton một Cựu Đệ Nhất Phu Nhân, và cũng là một Cựu Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao lừng lẫy trong thời Tổng Thống Barack Obama. Lúc ấy tôi mới thấy được chút ít bản lãnh của Ông, và hiểu rằng vì sao ông đã là Tỷ Phú. Ông đi ra tranh cử chỉ với tiêu đề “Làm Cho Nước Mỹ Vĩ Đại Trở Lại” và “Nước Mỹ Trước Tiên”. Nhưng theo thế và thời cuộc người ta cũng như tôi nghĩ rằng Ông Trump khó mà thắng được Bà Hillary Clinton vì Bà Hillary thật là sáng giá trong cuộc đua ấy mà ông Trump thỉnh thoảng lại vướng vào vài vụ “trouble”!

Thế nhưng, không nhiều ngày trước cuộc bầu cử thì vụ “Email” của Bà Hillary Clinton bùng phát mạnh mẽ trở lại khiến tình hình khác biệt ngó thấy. Kết quả là Ông Trump đã thắng một cách bất ngờ! Tôi không đoán được Ông Trump đã có thuật gì để chiến thắng hay là do sự tình cờ. Mộng làm Nữ Tổng Thống đầu tiên xứ Mỹ của Bà Hillary Clinton trở thành mây khói!

Sau khi Ông Trump nhậm chức Tổng Thống tôi mới nhớ lại vài vấn đề nhất là câu nói của Ông về những khu kỹ nghệ của Hoa Kỳ phải đóng cửa, xúm nhau di dời qua Trung Quốc: “Nhìn vào những khu kỹ nghệ đóng cửa im lìm như những nghĩa địa”. Đó là cái ý, nhận xét chân thật về tình trạng đó vì năm 2001 tôi có dịp đặt chân lên xứ Mỹ, anh bạn tôi có một xưởng nhỏ trong khu kỹ nghệ ở Nam Cali, anh dẫn tôi vào tôi cũng thấy nó vắng lặng im lìm. Điều đó chắc không phải ở Mỹ không thôi, vì vào những năm đầu 1990 khi tôi làm công trong hãng may đã thấy hàng Trung Quốc qua nhiều khiến ngành may ở Úc bị điêu đứng do giá cả rẽ. Rồi những năm sau đó các hãng xưởng khác dần di dời qua Trung Quốc để sinh tồn, khiến khu kỹ nghệ không còn náo nhiệt như xưa. Ở Melbourne, Sydney dân Việt phải chuyển nghề rất nhiều. Đối với Ông Trump là một nhà kinh tế ông mới để ý đến điều đó, còn các đời Tổng Thống khác họ chẳng quan tâm. Nếu họ quan tâm thì đâu đến đỗi tệ hại như sau nầy!

Lại một hôm tôi xem trên truyền hình, người ta nói về Ông Trump và chiếu lại cuộc phỏng vấn của Bà Oprah Winfrey, trong đó Oprah hỏi Ông Trump có dự định sau nầy ông ra ứng cử Tổng Thống không? Hình như Ông trả lời “Chưa tính, nhưng khi nào cần thiết ông sẽ ra”. Hai điều ấy khiến tôi có cái nhìn tích cực về ông! Và rồi tôi lại để ý trong bài diễn văn nhậm chức của ông, ông đã có ý: “…Tuy nhiên, buổi lễ ngày hôm nay có ý nghĩa rất đặc biệt, bởi vì hôm nay chúng ta không chỉ đơn thuần chuyển giao quyền lực từ một chính quyền chính quyền sang chính quyền khác, hay từ một Đảng nầy sang một Đảng khác, chúng ta đang chuyển giao quyền lực từ Washington DC và đưa nó trở lại với các bạn, người dân của chúng ta. Từ lâu một nhóm nhỏ ở Thủ Đô đã thu lợi từ chính phủ trong khi người dân phải chịu thiệt, Washington đã phát triển mạnh mẽ, nhưng người dân không được hưởng lợi chung sự giàu có đó. Các chính trị gia ngày càng thành công phát đạt, nhưng việc làm lại ra đi. Các nhà máy thì đóng cửa, tầng lớp lãnh đạo, bảo vệ chính họ chứ không phải người dân. Chiến thắng của họ không phải là chiến thắng của các bạn. Trong khi họ sung sướng ăn mừng tại Thủ Đô, thì những gia đình đang gặp khó khăn trên khắp đất nước, không có điều gì để vui mừng. Tất cả điều đó sẽ thay đổi ngay tại đây và ngay bây giờ, bởi vì thời điểm nầy là thời điểm của các bạn, nó thuộc về các bạn, nó thuộc về tất cả mọi người chung ở đây hôm nay và những ai đang theo dõi trên khắp đất nước Mỹ. Hôm nay là ngày của các bạn. Đây là đại tiệc của các bạn và đây Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ là đất nước của các bạn. Vấn đề thực sự không phải là Đảng nào kiểm soát chính quyền, mà là chính phủ của chúng ta có được người dân kiểm soát hay không. Ngày 20 tháng 1 năm 2017 sẽ được nhớ đến như là ngày người dân trở lại thành những người cai quản đất nước nầy, những người đàn ông, phụ nữ bị lãng quên của đất nước sẽ không còn bị quên lãng nữa…” (Trích từ bài dịch trên Internet). Những điều tôi chứng kiến, nhận được đó khiến tôi lại suy nghĩ về ông nhiều, và có những điều suy nghĩ khác về một “Con người kỳ lạ” ấy!

Rồi trong thời gian ngắn, ông đã thực hiện từng bước những điều ông đã hứa trong lúc bầu cử, người ta bảo lúc tranh cử ông nói đến chuyện “xây bức tường biên giới phía Nam và bắt Mexico phải trả”, người ta bảo ông nói “khoác”, châm chích ông; nhưng tôi lại thấy ông đã đánh thuế lên hàng hóa Mexico có lẽ còn hơn chi phí đó, thế mà người ta không nghĩ đến. Đối với tôi, ông là người kỳ lạ một nửa giống như cao bồi, dám nghĩ dám làm, dám nói; nhưng một nửa khác ông lại rất trầm tĩnh. Ông là một Tỷ Phú cho nên ông không cần lấy tiền lương của một Tổng Thống, như vậy ông ra tranh cử và thắng cử Tổng Thống để làm gì? Tôi suy nghĩ nhiều vể điều ấy, cuối cùng tôi kiểm chứng lại các điều tôi đã thấy trên truyền hình thì ông không ra ngoài “Tấm lòng yêu nước và muốn xây dựng lại uy thế của nước Mỹ đã mất đi trong nhiều đời Tổng Thống trước, do họ không hiểu về chế độ Cộng Sản Trung Quốc, nên đã bị Trung Quốc “qua mặt”, gian xảo trong việc đánh cắp trí tuệ, ngoại giao, kinh tế, tình báo, mọi thứ của Hoa Kỳ lẫn các nước Tây Phương nhằm trang bị cho chính họ hầu đánh bại mọi nước để có thể thống lĩnh Thế Giới, Thế Giới nầy phải quy phục vào Một Đế Quốc Toàn Cầu: Trung Hoa Vĩ Đại theo chủ thuyết Khổng Tử về một Thế Giới Đại Đồng”. Ông là vị Tổng Thống thứ nhì nước Mỹ không cần lương sau Tổng Thống Herbert Hoover (1929-1933)

Ông Trump với cái nhìn của một nhà làm Kinh Tế đã giải quyết các vấn đề theo kinh tế. Ông đòi hỏi một sự công bình về kinh tế bằng áp thuế hay thay đổi những sự mất cân bằng giữa các giao dịch mà như chúng ta đã thấy và theo dõi. Nhưng cuộc đời cũng không có gì là suông sẽ, có khi từ những kẻ thù hay những người ganh tị từ trong nội bộ, hay những kẻ “muốn phá cho hôi” vì họ không làm được như những gì ông đã làm. Họ có thể “phá hoại, phá đám, gây rối, tạo tình cảnh rối loạn…” để phá ông vì những ích kỷ, âm mưu, cộng thêm ngay thời dịch bệnh Corona Virus phát xuất từ Vũ Hán tự bên Tàu; lại nữa, với cái chết tình cờ của người da đen “George Floyd” khiến Ông phải nhiều “ứng phó khó khăn”, không những cho chính ông mà cả trên thế giới nữa!

Có điều tôi thích nhất với Ông Trump là về những bài nói chuyện của ông, chúng không phải là những vọng động, bất đồng như cái cách ông thường phát ngôn, hay hành động mà người ta coi là thất thường; mà những bài đó lại là sự trầm tỉnh, sâu sắc, chân thật, chính xác khá nhiều khiến cho người nghe đôi khi phải cảm động và cảm phục. Ông nói về Chủ Nghĩa Xã Hội, ông dẫn chứng về chuyện Vi Khuẩn Vũ Hán, ông đề cập đến Trung Cộng lợi dụng sự tin tưởng, dễ dãi của Hoa Kỳ, khối Tây Phương để đưa người len vào các quốc gia nầy vừa lũng đoạn, vừa đánh cắp mọi thứ từ Kỹ thuật, trí tuệ, kinh tế, chất xám…, vừa thực hiện mưu đồ “Tình Báo” mà Chính quyền các nước không hề ngờ tới. Ông cũng không quên nhắc đến Trung Cộng dùng sức mạnh của mình để “áp bức”, hay áp chế các quốc gia nhỏ, yếu thế chung quanh để thực hiện mưu đồ “Lấn dần để mở rộng quyền lực nhằm tóm thâu khu vực, rồi phát triển ra Thế giới” để thực hiện mộng “Làm Bá Chủ Thiên Hạ” của “Trung Hoa Mộng” sau khi triệt hạ được Hoa Kỳ cùng Âu Châu với thái độ trịch thượng, quan thầy cùng ngạo mạn ở khắp nơi nơi!

 Đối với tôi, ông không chỉ là một Nhà Kinh Tế Giỏi, Một Người Có Lòng Yêu Nước Sâu Sắc, mà lại là Một Lãnh Đạo Có Bản Lĩnh, Có Tầm Nhìn cùng Biết Cách Giải Quyết. Đó chỉ là ý của riêng tôi, còn Quý Vị ra sao thì tôi không biết!

Tôi chỉ là một công dân ngoài nước Mỹ, nhưng tôi cũng nhìn thấy những sự cống hiến “tận tình” của ông cho Tổ Quốc; rồi tôi lại nghĩ về một đất nước nghèo nhỏ bé, khốn khổ của tôi để rồì tôi lại mơ ước: “Phải chi đất nước mình có những người tài trí biết lãnh đạo và có kiến thức về “Kinh tế” thì đất nước mình đâu có nghèo, lạc hậu, thua kém người ta đến thế vì “Kinh Tế” là viết tắt của câu “Kinh bang, Tế thế” ấy mà!

 

Đồ Ngông,

02/10/2020.