Thursday, October 1, 2020

*Quê Người! (36)

 

Trọng đi làm bắt đầu từ ngày Thứ Hai, sang ngày thứ Ba tôi lái xe của Thành xuống văn phòng Port Adelaide Community nộp bài. Trong lúc nộp bài và đang chờ đợi thì ông thầy dạy lái fort lift cũng đến dẫn theo một anh bạn Việt Nam đang học khóa tiếp theo đến văn phòng. Thì ra số ghi tên học fork lift khá nhiều người nên chia thành vài khóa mà khóa tôi học là khóa đầu tiên. Ông thầy phàn nàn về trình độ Tiếng Anh của anh bạn nầy với nhân viên văn phòng, đại khái là ông ấy nói trình độ tiếng Anh của anh bạn yếu quá mà tại sao trung tâm cho anh ta học. Xong chuyện thì ông ấy lấy bài làm của tôi đi duyệt qua. Anh bạn phân bua với nhân viên văn phòng là ông thầy nói cái gì anh cũng hiểu cả mà khi anh nói tại sao ông Thầy không chịu hiểu mà còn nói Tiếng Anh của anh yếu. Rồi anh quay qua kể cho tôi nghe những gì thầy dạy anh đều hiểu và làm được, thế mà ông thầy nói anh không hiểu và bây giờ không cho anh học tiếp. Anh kể như thế nào thì tôi nghe như thế đó chứ tôi đâu biết “ất giáp” gì mà có ý kiến. Khi anh ra về, ông Thầy cũng chấm bài của tôi xong, ông cho tôi đậu, ông nói văn phòng cho tôi một giấy chứng nhận là tôi đã hoàn thành khóa học với kết quả “vượt qua” (pass). Rồi ông lại nói cho tôi nghe: “Phải chi nó như mầy, Tiếng Anh yếu thì mình cố gắng, làm theo những chỉ dẫn của tao, không hiểu thì hỏi lại; đàng nầy nó không, tao bảo nó lái sang trái thì nó sang phải, bảo sang phải thì nó lại sang trái; kêu nó tới thì nó lui, bảo lui nó lại tới, như vậy thì làm sao tao dạy, mà rủi có tai nạn thì tao phải chịu trách nhiệm sao”? Tôi nghe ông Thầy nói vậy tôi lại giật mình, đây là lần thứ hai tôi được nghe câu chuyện kỳ quái như thế nầy, và mình không thể tin những câu chuyện ấy là có thật, nhưng nó đã xảy ra. Không lẽ thần kinh của họ khác chăng, giống như những người “thuận tay trái”, “thuận tay phải”, hay khác lạ trong cuộc đời! Chuyện trước kia là anh bạn cũng là bà con của tôi với Trọng, khi đi vào quân đội anh được tuyển dụng vào phi công được đưa sang Mỹ huấn luyện về trực thăng. Trước khi đi được học Tiếng Anh ở Trường đặc biệt gần cả năm trời cộng với những năm bậc Trung học anh học sinh ngữ một là Tiếng Anh thì không thể nói là Tiếng Anh của anh dở. Khi anh sang Mỹ được vài tháng. Một hôm tôi, Trọng, Tâm là anh bạn khác cùng ngồi nhậu lai rai ở nhà Trọng ngay góc ngã tư đường. Uống trong chốc lát vụt nhớ đến ông anh bà con, Trọng nói bâng quơ: “Không biết giờ nầy nó ở bên Mỹ có nhậu và nhớ đến mình không”? Vừa nói không bao lâu nó ngó ra đường rồi la lên; “Mới nhắc tới nó, nó lại về kìa”! Tôi và Tâm tưởng Trọng đùa, cùng buộc miệng: “Đừng giỡn mầy”! Trọng: “Tao nói thiệt! Nó kìa”! Lúc đó tôi và Tâm nhìn theo tay của Trọng: “Thì ra, ảnh về thật”! Về sau tôi được nghe cái nguyên nhân “ảnh về sớm” giống trường hợp như hôm nay. Tôi ngậm ngùi cho cái “chuyện Tạo Hóa” trêu ngươi! Và cứ nghĩ Tạo Hóa đã cho mỗi người vài thứ khác nhau, anh bạn nầy và anh bạn bà con của tôi với Trọng có cùng một chứng bệnh như nhau! Tôi có thể giải thích được điều mà anh cho là “anh hiểu mọi thứ Thầy nói” là do tiếng Anh của anh cũng giỏi nên anh hiểu được mọi điều, ít ra cũng giỏi hơn tôi vì tôi đã nghe anh nói với người nhân viên, nhưng anh không để ý cái giọng nói Tiếng Anh của mình vừa cứng, vừa thiếu âm đuôi của chữ thì ông Thầy hiểu thế nào được; giống như tôi một lần nói “excuse me” thế mà Joeff làm bộ đưa hai tay ép vào ngực, sợ sệt và nghiêng mình xa ra.

Trọng và Thành đã đi làm, làm cho tôi cảm thấy nôn nao. Thế rồi một đêm trong lớp học Anh Văn ban đêm trường Parks, tôi nhờ đến Hoàng cùng học chung có thể xin cho tôi vào làm hãng của Hoàng không? Hoàng nói cũng không biết nó có cần không, nhưng nếu anh muốn thì anh theo tụi tôi đến đó rồi xin xem sao? Sau đó Hoàng cho tôi địa chỉ, tôi sẽ lái xe đến đó và đi với nhóm của Hoàng. Cả nhóm với tôi là 5 người, mà xe lại là xe có hai cửa nên người ngồi ở phía trước phải nghiêng ghế cho người ngồi băng sau vào trước, rồi mới ngã ghế vào vị trí ổn định thì mới lái đi được. Từ kinh nghiệm ấy tôi không thích xe hai cửa lắm. Những xe ấy thì thích hợp cho những vợ chồng mới cưới hay bồ bịch thôi, chứ nếu có con thì rất bất tiện. nếu rủi xảy ra tai nạn thì lại nguy hiểm cho người ngồi sau rất nhiều! Nhưng Thành thì lại thích kiểu xe ấy vì nó có vẻ “sport” mà nhiều người trẻ hay ham thích! Đi với nhóm Hoàng khi đến hãng, Hoàng hỏi dùm nhân viên trong đó, họ nói không có việc. Thế là khi mọi người vào trong hãng để làm, thì tôi phải ngồi đợi từ sáng cho đến trưa khi họ ăn trưa thì tôi cũng ăn phía bên ngoài, rồi đợi họ cho tới chiều khi tan hãng thì mới được về nhà. Điều nầy khiến tôi cũng kinh nghiệm một lần cho những lần sau.

Rồi một hôm, Hoàng hỏi tôi: “Hình như lúc trước anh có đi học hàn MIG phải không”? Tôi trả lời có, Hoàng mới nói với tôi là có quen với anh Hòa làm thợ hàn cho một hãng nọ, hãng đó đang cần người để tôi giới thiệu cho anh. Và Hoàng chở tôi đến nhà anh Hòa. Mấy ngày sau tôi theo anh Hòa đến hãng, hãng nhận cho tôi làm ngay ngày đầu trong việc hàn những thùng đựng rác lớn cung cấp cho các tiệm hay các hãng nhỏ. Lúc đầu tôi e ngại việc điện chuyền qua kim loại nên không mạnh dạn tì tay trên các tấm sắt nên mối hàn không được đẹp cho lắm. Sau đó rút kinh nghiệm mối hàn của tôi trở nên nhuyễn và đẹp hơn gần giống với mối hàn của anh Hòa. Trong lúc tôi làm từ bên nầy sang bên kia thì có anh bạn cũng là Việt Nam làm công việc lặt vặt trong hãng, anh lại đến hàn từ phía anh Hòa làm trở đi. Có lẽ anh mới chỉ tập hàn thôi, nên mối hàn trở nên đóng cục. Đang lúc anh lấy máy mài để mài các mối đóng cục ấy thì ông Úc khác đến kêu anh phụ giúp chuyện gì đó; anh nhờ tôi tiếp tục mài cho anh. Và khi đó thì ông chủ hãng đến, nhìn thấy công việc tôi đang làm, ông kêu tôi ngưng và hỏi tôi, tôi bảo của anh kia hàn và anh ấy nhờ tôi mài. Ông chủ hỏi tôi hàn cái nào rồi, tôi chỉ ông nhưng ông không tin, rồi ông dẫn tôi đến tấm bảng. Ông viết lên đó, ông trả cho tôi từ sáng đến giờ mấy tiếng đồng hồ với giá 7 đô, rồi với những mối hàn đó tôi mài phải mấy tiếng nữa như vậy ông bị thất thoát là bao nhiêu tiền. Thế rồi ông không cho tôi hàn nữa, mà chi kêu tôi phụ việc cho những người khác thôi giống như anh bạn Việt Nam kia. Sang ngày hôm sau tôi cũng đi theo anh Hòa một ngày nữa. Không biết anh bạn Việt Nam có còn làm nữa không tôi không thấy, mà tôi đi giúp việc vặt cho những ông thợ khác để làm với lương 5 đô một giờ. Rồi tới xế chiều, ông thợ Úc kêu tôi lấy cái “chisel” tôi không biết là cái gì, khiến ông lắc đầu đành dẫn tôi vào nơi để dụng cụ lấy cái đục để đục sắt. Tôi cảm thấy buồn vì mình không hiểu được nhiều nên không làm được việc cho người khác. Chiều đó tôi gặp ông chủ xin nghỉ, ông kêu nhân viên trả lương cho tôi với mấy giờ làm thợ hàn và bao nhiêu giờ phụ việc, tôi nói tôi sẽ cố gắng học thêm Tiếng Anh để đi làm về sau nầy. Ông chủ vui vẻ, động viên và chúc cho tôi nhiều may mắn trong tương lai! Tính ra hãng tôi làm nầy xa hơn là hãng Holden của Trọng, mặc dù ở cùng khu vực. Nhưng anh Hòa chở tôi thì đi con đường bên ngoài nên vào lúc cao điểm, hãng xưởng, trường học tan ra về nên kẹt xe là chuyện phải gặp. Thời gian di chuyển có khi hơn cả tếng đồng hồ, tôi tính chuyện trả tiền xe cho anh Hòa, nhưng anh không lấy và nói giúp tôi thôi!

Từ lúc đó tôi càng ráng học Anh Văn hơn. Tôi đi mượn băng ở thư viện về nghe, tìm từ ngữ để học nhất là trong quyển “Lexicon” mà anh Hợi đã chỉ cho tôi mua lúc trước. Nhưng đối với người có trí nhớ dở và nói không nhanh nhẹn như tôi thì không đạt được như ước muốn. Dù gì tôi phải cố gắng, tất nhiên là vất vả khá nhiều! Ban đêm cứ mở radio đài Tiếng Anh địa phương mà nghe dù hiểu hay là không hiểu, chỉ cố gắng nghe để phân biệt, khi nghe truyền hình thì tôi chú ý về phần thời tiết vì nó không có nhiều từ ngữ khó, hi vọng là mình bắt được cái nghe tốt hơn từ căn bản ở mục nầy!

Trọng thì vui vẻ với công việc dù phải đi hơi xa, sáng dậy sớm đem thức ăn đi, chiều tan hãng về. Còn Thành thì làm ở hãng gần hơn, vẫn còn ham đi xe đạp; tuy nhiên một hôm thấy có người bị tai nạn nó bắt đầu hơi sợ rồi, nên thỉnh thoảng mới đi xe đạp thôi. Tôi phải chuẩn bị kiếm một chiếc xe cũ để riêng cho mình khi cần đi đây đi đó. Một buổi tối Trọng với chị Yến đi đâu về ngang chỗ nọ thấy có một chiếc xe cũ đề giá 140 đô, Trọng xem thử thấy còn được nên về nói với tôi: “Tao thấy chỗ kia có một chiếc xe Morris nhỏ mầy à, coi cũng còn được để chiều mai đi làm về tao chở mầy lợi đằng đó coi, nếu được mua về chạy đỡ rồi sau nầy mua chiếc khác, tính ra nó còn rẽ hơn chiếc xe đạp của thằng Thành nữa”!

Thế là chiều ngày hôm sau, sau khi đi làm về, tắm rửa xong Trọng vội vã kêu tôi, Thành đi lại chỗ đêm hôm có chiếc xe Morris để bán coi xe còn hay không. Vừa quẹo cua thì chúng tôi đã thấy chiếc xe ở phía đàng xa. Ngừng xe, tôi và Trọng đi đến gần, mở cửa và xem bên trong. Thấy xe cũng còn khá, trong lúc đó thì ông chủ đi ra, Trọng hỏi chuyện ông, ông là một ông Úc già, dáng còn khỏe mạnh, vui vẻ. Sau những câu xã giao, chúng tôi xin ông coi xe, nổ máy và chạy thử. Chạy một hồi trong khu vực của ông là một khu hãng xưởng, nên về chiều không có nhiều xe, vì thế việc thử tương đối dễ dàng. Tôi không cần chạy với vận tốc cao vì xe cũ với giá đó thì tạm gọi là để có xài là quý rồi, còn về sau sẽ tính sau; chỉ có một điều là khi bắt đầu đề nổ máy thì máy hơi run lắc một chút, chứ khi máy chạy thì không có gì phải quan ngại, thuế đường thì hãy còn mới, có lẽ ông chủ đóng thuế 3 tháng rồi mới đề bán. Chung lại máy xe vẫn còn tốt, các bánh xe có thể đi được khoảng một năm nữa mới thay. Trọng hỏi ông chủ có thể bớt không chút nào không vì tôi (Trọng chỉ tôi) mới tới Úc vài tháng thôi. Sau khi suy nghĩ ông nói: “Thôi thì tao bán cho nó 120 đô đó, OK”. Trọng quay lại nói với tôi: “120 tao thấy được à mầy, thôi lấy đi”, tôi thấy giá ấy cũng là được, tôi đồng ý. Vậy là tôi đã có một chiếc xe đầu đời nơi xứ lạ quê người! Lái chiếc xe về nhà để ở phía sau sân cỏ, ngày mai tôi phải đi làm thủ tục đăng bộ, sang tên. Chủ nhà ở phía sau thấy tôi có chiếc xe mới, ông sang chơi hỏi tôi mua xe bao nhiêu, nghe xong ông cười. Trọng hỏi ông vì sao khi đề máy thì máy xe lại run lắc, ông là thợ máy nên ông giải đáp và chỉ cho chúng tôi thấy mấy cục cao su của chân máy bị nhão nên nó không giữ máy chắc chắn khi mới đề nổ; nhưng sau đó thì máy nổ đều nó không còn run lắc nữa. Ông chủ nhà nói cái đó không quan trọng lắm, không thay cũng không sao, nếu muốn thay thì về sau ông sẽ thay cho, cũng khá tốn tiền đó vì công mắc hơn mua đồ phụ tùng. Khi tôi mua được chiếc xe thì Thành cũng thường lấy xe đi làm thay vì đi xe đạp như lúc trước, vì có một lần nó thấy người đi xe đạp bị tai nạn dọc đường, nó thấy nguy hiểm nên không còn ham đi xe đạp nữa. Thế là Trọng, Thành đã ổn định cuộc sống, còn tôi phải tiến thêm một bước nữa mới đủ điều kiện cho chính mình!

 

Nguyên Thảo,

21/08/2020.

 

 

 


No comments:

Post a Comment