Sunday, November 29, 2020

*Sang Đức. (5)

 

Trước khi chọn chuyến đi nầy thì chúng tôi cũng đã được nghe nhiều người bạn ca tụng về cảnh trí đẹp của vùng Nga và Trung Âu; nhưng đối với riêng tôi, tôi muốn tìm hiểu thêm về đời sống, văn hóa của những nơi đó ngoài sự chiêm ngưỡng các vẽ đẹp thiên nhiên. Còn nói riêng về chính trị hầu như từ lâu tôi chẳng quan tâm gì đến nó: Từ chế độ thực dân, rồi đến chế độ trước lẫn chế độ sau hầu như những người lãnh đạo chỉ luôn hô to khẩu hiệu “cho người dân”, chứ thực sự người dân bao giờ cũng là những kẻ “nô lệ”. Dân chỉ là “công cụ” để các chế độ bắt thực hiện những gì mà giai cấp lãnh đạo mong muốn cũng như củng cố sự cai trị của họ. Đôi khi dân chúng lại là “nguồn lợi” mà bọn họ khai thác để làm giàu, được hưởng sự sung sướng trên sự đau khổ cùng công lao của người khác, chỉ khác chăng là “sự bốc lột” ấy ít hay nhiều, hoặc người dân được thoải mái tự do có hay không. Tôi chán nãn, mệt mỏi với những khẩu hiệu, câu vận động mà người ta đã nêu lên. Đi bầu là để làm nhiệm vụ của người công dân, hoặc trả ơn mà mình đã nợ cho đảng phái đem đến cho mình một cuộc sống mới nơi xứ lạ quê người, chứ trong thâm tâm thì “ai làm cũng được”, đường lối nào thì mình thích nghi với đường lối đó!

Sau khi ăn xong, về đến phòng lo tắm rửa, rồi chuyển ít hình ảnh về cho con cháu. Với một ngày đi suốt chắc ai cũng chìm vào cơn ngủ say, nhưng tôi đã quen rồi với những giấc ngủ không nhiều và do tuổi già nên giấc ngủ thường chập chờn, dậy sớm! Từ lúc 5 giờ tôi đã dậy để lo vệ sinh cá nhân và soạn đồ đạc sẵn vào trong va li, thu dọn những dụng cụ xài cho đồ điện tử, rồi đến 6 giờ đi cùng anh chị Thới xuống căng tin ăn sáng.

Hôm nay chúng tôi được thơi thả hơn chút ít do ngày hôm qua vì di chuyển từ bên Nga sang mà phải đi cả ngày nữa, để “bù lỗ” sức khỏe đoàn được khởi hành trễ hơn vào lúc 8 giờ rưởi để đi sang Dresden. Rộng thì giờ, mọi người lẩn quẩn chụp hình kỷ niệm ở khung cảnh của khách sạn Holiday Inn Berlin Airport nầy trước khi xe buýt đến. Dù vậy, thời gian vẫn trôi qua nhanh! Khi hành lý được chất vào khoang dưới của xe hoàn tất, đoàn lại lên đường.

Xe đi ra ngoại ô của Thủ đô Berlin, nhưng những hình ảnh trong các bộ phim về quân đội của Hitler tập trung với rừng cờ chữ Vạn ở quảng trường của Brandenburg Tor lại hiện về trong trí óc tôi. Sau sự hùng hỗ đánh chiếm khắp nơi để rồi tàn chiến tranh nước Đức lại bị phân chia với sự có mặt của Liên Xô, Mỹ, Anh và Pháp. Rồi tôi lại nghĩ về hậu quả của một nước Đức dưới thời Hitler có hậu quả như vậy cũng không có gì là đáng nói vì “cá muốn ăn kiến không được, thì kiến ăn cá vậy”! Nhưng chỉ thương Việt Nam bé nhỏ của mình thôi, sau cuộc chiến đấu giành lấy độc lập với Thực dân Pháp, để rồi cũng phải chịu phân chia do các nước lớn trên thế giới. Rồi do sự xúi giục, cũng như khát vọng thống nhất, người ta đã "dấn thân” vào một cuộc chiến tranh lâu dài khiến bao nhiêu người chết và đất nước bị tàn phá không thể tính được, rồi lại “dính” vào một món nợ chiến tranh khó lòng giải quyết, kéo theo một sự lệ thuộc triền miên, qua nhiều thế hệ!

Giã từ Thủ đô của một nước Đức với nhiều Triết gia có tiếng và một nền Triết học Cổ Điển sáng chói, cùng với sự góp mặt của Karl Marx và Engels trong đó để rồi “Chủ Nghĩa Cộng Sản” được sản sinh. Xe đi qua những khu vực cánh đồng thênh thang không thấy bờ hay rào phân chia, tôi cố tìm những dấu vết của các “nông trường” hay “các hợp tác xã nông nghiệp” trước kia, nhưng khó có thể thấy được do nơi chế độ Cộng Sản đã bị sụp đổ và đời sống của người dân trở lại với sự tự do và tư hữu từ lâu. Tuy vậy, đời sống người miền Đông xứ Đức vẫn chưa bắt kịp với nhịp sống của dân chúng phía Tây. Đó là hậu quả của cơ cấu mà chế độ Cộng Sản đã tổ chức và vận hành! Không biết là những tổ chức trong chế độ Cộng Sản của phương Tây nầy có giống với cơ cấu của những người Cộng Sản phương Đông hay không, nhưng theo cái nghĩ của tôi thì chắc là không khác lắm vì họ đều là hệ thống Cộng Sản Quốc Tế cả, chỉ khác chăng là chút ít tùy theo hoàn cảnh của địa phương. Tất cả đều theo một mô hình, lúc đầu là của Liên Xô dưới thời Lénin. Đến khi Trung Quốc muốn làm một mô hình riêng để gây uy thế trong một nhánh phân chia khác để chứng minh cái dân tộc và nước lớn của mình khiến khối Cộng Sản tách ra làm hai phần mâu thuẫn với nhau. Có lẽ, theo tôi thì dù gì những người Cộng Sản ở phương Tây vẫn còn dễ chịu, nhân đạo hơn phương Đông nhiều vì từ lâu phong tục phương Tây luôn phóng khoáng hơn các dân tộc phong kiến, độc tài của phương Đông.

Theo lý thuyết của Marx, những người bị bốc lột công sức nhiều nhất là ở hai giai cấp: Công nhân ở trong các hãng xưởng, và nông dân không có ruộng đất chỉ đi làm thuê mướn cho các chủ đất với tính chất “Chủ muốn công nhân làm nhiều việc cho mình, và họ chỉ phải trả với số tiền lương ít ỏi”; nhưng hai thành phần nầy lại là hai thành phần chính để sản xuất nhiều sản phẩm cung ứng cho toàn xã hội. Do đó Marx đã lấy hai thành phần nầy, mà Marx gọi là “hai giai cấp”, làm lực lượng chính yếu để kêu gọi làm một cuộc “Cách Mạng” đòi lại sự công bằng, bình đẳng của xã hội. Đồng thời với hai giai cấp đó sẽ nổ lực sản xuất nhiều “của cải vật chất” làm giàu cho mọi người trên thế giới, làm cho thế giới con người nầy trở nên giàu có, sung sướng giống như một Thiên Đường. Rồi từ đó con người tiến đến sống chung nhau trong một “Thế Giới Đại Đồng”, và xa hơn nữa là “Cái được gọi là Nhà Nước” sẽ tự tiêu vong theo trình độ ý thức càng cao của con người. Vì vậy mà biểu tượng của mọi người Cộng Sản đều lấy “Búa” và “Liềm” để tượng trưng cho giai cấp công nhân và nông dân!

Có điều về sau nầy khi tôi nhìn trên truyền hình chiếu những cảnh ở Bắc Triều Tiên tôi mới thấy trong cờ Búa Liềm ấy mới có thêm “ Cây Viết”, là điều không hề giống với bất cứ lá cờ nào của các Tổ chức Đảng Cộng Sản khác trên thế giới. Không hiểu, chỉ có xứ Bắc Triều Tiên mới trọng vọng nhân tài Trí thức chăng? Điều mà những nơi khác xem người trí thức giống như “thành phần đáng quan ngại”, những ai học tương đối khá hơn được gọi là “Tiểu Tư Sản Trí Thức” và người học cao là “Tư Sản Trí Thức”? Có lẽ vì thế mà những Trí Thức luôn phải được “dè chừng” nhất là những “trí thức từ bên ngoài về”, biết đâu họ là những gián điệp về để len lỏi, hoạt động tình báo thì sao? Vì thế mà họ luôn là những thành phần phải “dè chừng” và sử dụng ở một cấp độ nào đó theo tiêu chuẩn “hồng hơn chuyên”!

Nhìn những cánh đồng lúa mì xanh mướt vào mùa Xuân, tôi lại nhớ đến quê nhà vào mùa lúa xanh non, nhất là khung cảnh ở một trường học bên đường, kế cánh đồng. Đứng trên lầu nhìn những sóng lúa lượn theo từng cơn trong cái mát của gió mang theo cái ngai ngái của mùi bùn. Những thứ ấy cùng tuổi thơ của tôi đã trôi đi không biết đến bao giờ mới được thưởng thức trở lại, nhất là trên xứ sở của quê người! Cánh đồng lúa mì mênh mông, ngút mắt xen lẫn với sắc hoa vàng của loại cây gì giống như cây cải bẹ xanh khi trổ hoa cũng trải dài thênh thang. Có người bảo đó là cây “canola” dùng để làm chất bơ hoặc ép dầu mà tôi không biết điều ấy có đúng không? Rồi tôi lại nghĩ đến các hợp tác xã hay những nông trường, nếu người ta tổ chức hợp lý hơn hay với sự vui vẻ hợp tác, hoặc cơ giới hóa nông nghiệp và được khung cảnh tự do thì nhà nông đâu đến đỗi lâm vào hoàn cảnh tang thương! Ngày xưa, khi anh bạn học của tôi xin được quyển sách viết về nền kinh tế Liên Xô bằng Tiếng Anh từ Trung Tâm Văn Hóa Hoa Kỳ về khoe với tôi. Dù bập bỏm tiếng Anh, nhưng xem hình tôi cũng có thể thấy được biểu đồ của nền nông nghiệp Liên Xô trong thời kỳ Cộng Sản: Lúc đầu vào thời kỳ mà trong đó ghi là Giai đoạn “bần cùng hóa nhân dân” thì biểu đồ ghi chỉ dấu xuống thấp rất nhiều, sau đó cứ mỗi giai đoạn vài năm thì đường biểu thị lại vượt lên rất cao, đánh dấu sự tiến triển của nền nông nghiệp. Nhưng điều ấy sau cuộc Cách mạng Việt Nam thành công, thống nhất đất nước tôi đã ngờ ngợ về sự thật của nó, rồi đến sự sụp đổ của khối Cộng Sản Đông Âu và Liên Xô thì sự thật mới được kiểm chứng: Con số đạt tiêu chuẩn hàng năm hay “vượt chỉ tiêu” theo kế hoạch chẳng qua là những con số ảo mà các cấp dưới “báo cáo láo” để khỏi bị kiểm điểm và phê bình, để tránh đi sự quản lý yếu kém của họ. Do đó sau sụp đổ, nền kinh tế của Liên Xô là một nền kinh tế tệ hại chứ không như là trên sách vở hay giấy tờ. Cũng may Liên Xô còn được Putin vực dậy và vững vàng trước sự chao đảo cho nên cô Hướng dẫn viên người Nga khi ở Thành Phố Saint Petersburg đã dí dỏm “Biết đâu sau nầy Saint Petersburg lại được đổi tên là Putingrad cũng không chừng”!

Đứng trên bình diện lý thuyết thì không ai là không nghĩ đến sự “hợp lý” hay ho của suy luận từ Karl Marx, khi ông chọn lấy hai “giai cấp” sản xuất chủ lực trong xã hội để tạo nên nhiều của cải vật chất cung ứng, giúp cho loài người được đầy đủ, ấm no và hạnh phúc. Do vậy, mà các thành phần trí thức dễ dàng tiếp thu triết thuyết của ông và họ cũng vẽ nên một xã hội tốt đẹp trong tương lai vào lý tưởng của họ, đó là lý do của những “tín đồ đã đam mê” chủ nghĩa của ông!

Đối với tôi, tôi chỉ là một kẻ tình cờ đi tìm hiểu vào lý thuyết ấy: Một là vì sự khó khăn trong kiến thức bộ môn mà tôi đã dạy; hai là do sự tò mò muốn biết thêm để xem như chủ nghĩa ấy thế nào mà lại hấp dẫn đối với nhiều nhà giáo, cũng như những nhà làm báo, hoặc những thành phần trí thức có sách vở mà vài lần tôi có dịp được đọc qua, và nhất là sau ngày thống nhất mọi người được chỉ thị phải dấn thân vào việc xây dựng chủ nghĩa đó trên đất nước của mình! Sự tìm hiểu của tôi thực là “vượt quá” khả năng kiến thức mà tôi đã có, nhưng vì “tò mò” mà tôi cố đi tới đâu hay tới đó!

Trong lúc đang lan man với những ý nghĩ của mình, thì anh Thới quay sang nói với tôi: “Anh Thạch à! Bây giờ tụi Âu Châu nầy phát triển điện gió nhiều quá, anh nhìn coi cánh đồng đầy những trụ cánh quạt kìa”! Nhìn theo hướng anh Thới chỉ, trên cánh đồng đầy các trụ với những cánh quạt chầm chậm chuyển động để tạo nên điện cung cấp cho dân chúng xứ nầy. Đó là năng lượng sạch mà người ta phát triển để bảo vệ môi trường. Khi vợ chồng tôi vào năm 2009 có dịp đi qua vùng Tây Âu, chỉ thấy vài trụ ở vài nơi thôi, nhưng cách nay khoảng mười năm đã có nhiều cánh đồng điện gió thành hình trên khắp các nẻo đường mà chúng tôi đi qua, có nơi chắc phải đến hàng trăm cái!

Ánh nắng chiếu qua cửa sổ hơi nóng, tôi liền kéo tấm màn che bớt lại, nhưng tấm màn che lại là tấm màn che cho cả hai khung kính cửa sổ nên màn lại chạy về phía sau, cô nàng ngồi phía trước chắc không vừa ý lại kéo thẳng về phía trước. Thôi thì mình đành chịu ánh nắng vậy! Đi cùng chung chuyến, hơn thua để làm gì! Rồi tôi lại thoải mái nhìn ra cánh đồng, lúa mì không cần nước như lúa nước ở xứ mình nên trên địa hình dốc, trũng thế nào nó vẫn xanh tươi, chắc nó chỉ cần nước trời mưa là đủ. Lúa mì chạy dài ngút ngàn theo các sườn đồi nghiêng nghiêng, xen lẫn những đám canola trổ bông vàng ối, rồi xen vào đó là những khoảng rừng cây hay thông trông rất đẹp mắt và đầy sức sống! Gần như chúng không cần biên giới hay bờ.

Trong ánh nắng và ý niệm không ranh giới ấy tôi lại quay về những thắc mắc mà tôi đã có khi tôi đi tìm hiểu về lý thuyết Xã Hội Chủ Nghĩa hay Cộng Sản của Marx. Marx nghiên cứu những lý thuyết của các triết gia đi trước, trên nhiều lĩnh vực cùng khoa học, kỹ thuật để đúc kết thành một chủ thuyết, mô hình xã hội tốt đẹp cho loài người trong tương lai không có áp bức, bốc lột. Thế nhưng, tại sao những nơi nào Chủ Nghĩa của Marx được thống trị thì người dân nơi đó phải khốn khổ trong sự nghèo đói, bị áp bức, đàn áp, không có tự do… đến đỗi họ phải từ bỏ, không kể sống chết trốn chạy xa rời cái Thiên Đàng ấy! Tự tôi đã thắc mắc hơi nhiều!

 

Nguyên Thảo,

28/11/2020.

 

 


Thursday, November 19, 2020

*Quê Người! (37)

 

Rồi một hôm, vào chập tối Ba Anh đến nhà rủ Trọng đánh cờ tướng chơi, nhưng Trọng không hứng thú, nên chỉ ngồi nói chuyện thôi. Lúc trước, có lần Trọng nói với tôi là Ba Anh thích đánh cờ với nó lắm, vì khi đi hái cải “spout” trên núi vào lúc ăn trưa hai đứa thường vừa ăn vừa đánh cờ cho tới giờ làm thì thôi. Ba Anh đánh không thắng được, do đó Ba Anh thường muốn đánh với nó là vì vậy. Trong lúc ngồi nói chuyện chơi, Trọng hỏi Ba Anh lúc nầy làm việc gì, Ba Anh cho biết đi tỉa táo trên núi, nghe vậy tôi liền hỏi là ở chỗ đó có cần người không cho tôi đi theo. Ba Anh cho biết là khá đông rồi, không biết là mấy đứa lãnh công việc có cần nữa không, nếu muốn thì mai Ba Anh sẽ chở tôi đi theo, nếu có thì làm, không thì coi như đi chơi thôi! Thế là tôi sửa soạn cơm nước sáng đi theo Ba Anh. Đường đi khá xa, đi khoảng một tiếng đồng hồ mới đến nơi. Mọi người sửa soạn vào công việc. Các xe đậu bên cạnh vườn táo, ở một khoảng đất trống. Ba Anh đi đến gặp mấy người, xong rồi lại nói với tôi là tụi nó không muốn nhận thêm người nữa. Như vậy là tôi không được vào làm mà phải ngồi chơi ở trong xe suốt mấy tiếng đồng hồ, đến khi họ nghỉ nửa buổi thì Ba Anh mới đến với tôi. Xong rồi tới ăn trưa, ngoài những giờ đó, tôi chỉ quanh quẩn bên chiếc xe, hay ngồi ve vẩy những lá thông rơi rụng trên mặt đất. Đây là lần thứ nhì tôi phải “lang thang” trong chuyến xin đi làm, thật là vô vị. Tình trạng ấy kéo dài cho đến khi cả đám hoàn tất được một ngày làm. Trên đường về, tôi có nhiều suy tư! Quả thật kiếm việc là không phải dễ! Vào lúc ăn cơm tối, Trọng nói: “Thôi! Ráng đi mầy. Mai mốt vào nắng ấm thì thiếu gì công việc, không có hãng xưởng thì công việc trên núi cũng sẽ có nhiều”. Mấy hôm sau, tôi lại gặp Kim, rồi hai đứa rủ nhau đi đến hãng làm mâm xe ROH và hãng làm máy giặt Kelnivator gần đó xin việc, nhưng họ nói trong khoảng thời gian nầy chưa có việc. Chúng tôi đành lủi thủi đi về! Theo lời những người đi trước thì với số tuổi như chúng tôi khó mà xin được việc ở hãng vì hãng cần những người tuổi trẻ, có sức để làm lâu dài, nên những người qua trước thường đi vào các nông trại do nơi chỗ quen biết, giới thiệu nhau và số người làm cũng giới hạn nên cũng là điều khó cho các người mới tới; vả lại, trong thời gian nầy công việc ở nơi các vùng nông trại chưa có nhiều!

Một hôm, Trọng và chị Yến đi mua thực phẩm từ dưới tiệm của chị Bảo Liên về cho hay: “A Thạch à! Hồi nãy tao với Bà Yến mua đồ ở dưới tiệm chị Bảo Liên có gặp con Phượng, nó hỏi tao có việc làm nào không, giới thiệu cho chồng nó là Thằng Đức vừa được nó bảo lãnh từ Mỹ qua để đi làm với. Tao nói tao đã đi làm hãng Holden rồi, thôi thì tao sẽ nói thằng em tao sẽ đi xin việc làm với nó, mầy có tính đi không”? Tôi nghe đến đó thì cũng mừng, liền đồng ý, Trọng liền điện thoại nói chuyện với Phượng, Phượng nói để về bàn chuyện với anh Đức xem, rồi trả lời sau.

Sau đó hai ngày, tôi gặp Đức lẫn Xoan là bạn của Đức cùng ở chung một chung cư với nhau để bàn chuyện đi xin việc ở trên núi. Xoan có xe tương đối vững chắc sẽ lái đưa chúng tôi đi. Xoan thì lái xe, nhưng không biết đường phía bên sẽ đi, Đức thì Tiếng Anh giỏi hơn hai đứa chúng tôi, nhưng vừa từ bên Mỹ qua chẳng bao lâu, còn tôi thì không biết đường nhưng cũng may là tôi có thể coi được bản đồ. Do vậy Trọng chỉ cho tôi phương hướng, địa điểm trên bản đồ để tôi có thể nhìn theo đó mà tìm đường để đi. Đường chúng tôi đi là theo đường lớn lên núi và đi về phía Melbourne của Tiểu bang Victoria. Đường đi nầy Xoan có biết hơn nửa đoạn đường, như vậy cũng tốt, do đó chúng tôi chỉ chật vật với một khoảng đoạn đường không dài lắm của chuyến đi. Xoan lái xe khi gần hết khúc đường mà Xoan biết thì cho tôi hay để tôi nhìn trên bản đồ đoạn đường tiếp theo. Cứ theo con đường và nhìn hai bên thấy nơi nào có vườn cây là chúng tôi lủi vào tìm nhà hay chủ để hỏi xin việc làm. Nếu họ nói không có thì chúng tôi lại lái xe đi tiếp. Đi nhiều chỗ nhưng vẫn chưa có chỗ nào có việc làm. Đường trên núi quanh co, lên xuống mới nhìn thì thấy cũng ghê nhưng lúc trước thì tôi cũng có đi với Trọng, anh Nam, cô Hoa cùng anh chị Sáu Khánh rồi nên cũng yên lòng. Tất nhiên là Xoan đã quen với loại đường nầy, vì Xoan đã từng đi hái dâu tây ở nơi khác rồi, riêng Đức thì có chút lo, nhưng với ba đứa thì nổi vui trong câu chuyện lấn áp hết cả. Chúng tôi đi đến nhiều nông trại nhưng chỗ thì đã có người, chỗ thì việc chưa tới nên không biết nhóm cũ sẽ có làm hay không, vì vậy họ chỉ ghi số điện thoại của chúng tôi thôi. Cuối cùng chúng tôi trên đường đi về qua ngã ba mà trên bản đồ có tên là Lenswood thì kế bên đường có ông Tây đang tỉa táo ở bên lề. Chúng tôi ráp vào xin việc. Ông ta ghẹo chúng tôi là “Ăn cơm” bằng tiếng Việt. Biết là chắc có người Việt làm cho ông ta nên ông biết chút ít tiếng Việt. Sau khi nói chuyện hồi lâu, ông bảo ông có vài người Việt đã làm cho ông năm trước, năm nay họ sẽ trở lại; nhưng ông sẽ giới thiệu bạn của ông ấy, rồi ông viết địa chỉ, số điện thoại cùng chỉ đường. Xoan quay xe trở lại con đường vừa chạy qua, chúng tôi lần theo sự chỉ dẫn để lên nhà của ông Campbell. Gặp con ông ấy rồi nó cho chúng tôi gặp ông. Ông hẹn hai ngày sau lên làm và giờ giấc làm như thế nào! Như vậy là chúng tôi được an lòng để lái xe về nhà!

Đến ngày đi làm, chúng tôi phải thức dậy sớm để lo chuyện cơm nước cùng với một tiếng đồng hồ cho việc di chuyển đi đường vì khoảng cách chừng 50 chục cây số đường núi. Trên đường đi Xoan có nói, lái xe trên nầy vừa lên xuống, quanh qua ẹo lại nghe “đã” tay quá. Nghe như vậy tôi giật mình nói với Xoan: “Coi chừng, chính vì “đã tay” đó mà có thể nguy hiểm nhe Xoan”! Tôi vừa nói nửa chơi, nửa thiệt trong cái cười nhẹ, khiến Đức cũng cười theo. Lên đến nơi thì gặp ông chủ Campbell đứng ngoài cửa nhà kho đón chúng tôi. Xong ông dẫn ra ngoài vườn với những cây táo với nhiều chùm trái nhỏ và ông chỉ cách tỉa như thế nào. Điều ngộ là cây trái bên xứ mình trái đậu không nhiều, nên thường người ta không cần tỉa trái; còn ở bên nây có lẽ do khí hậu vào Xuân mát mẻ nên trái đậu khá nhiều vì vậy mà cần phải lặt bỏ bớt trái xấu, cho chúng thưa ra thì trái mới có thể lớn, tốt đúng với kích cỡ để bán mới có giá. Hành động lặt bỏ bớt ấy gọi là “tỉa”. Tất nhiên người nghe tiếng Anh và giải thích lại phải là Đức, còn tôi và Xoan thì cố nghe được bao nhiêu thì bao và chỉ để là kiểm chứng cùng nhau nghe có đúng với lời chỉ dẫn của ông chủ Campbell không thôi. Lúc đầu làm thì công việc hãy còn lọng cọng, chậm chạp. Sau chừng khoảng hai tiếng đồng hồ thì tay cũng đã nhuần nhuyễn nên công việc không còn gì là khó khăn. Ông chủ ra nhìn, không thấy ông nói gì thì chúng tôi biết là công việc mình làm được tương đối là được. Sau mười lăm phút ăn sáng thì công việc được tiếp tục cho đến 12 giờ tới giờ ăn trưa. Giờ ăn được nửa tiếng, rồi chúng tôi phải tiếp tục cho đến 4 giờ rưởi chiều thì chấm dứt một ngày. Khi về ông Campbell cho biết ngày mai vẫn tiếp tục ở khu vực của ngày nay.

Về đến nhà thay đồ, tắm rửa, ăn cơm, tôi nghe có vẽ uể oải. Trong lúc cùng nhau ngồi xem truyền hình, Trọng có hỏi tôi làm như thế nào? Tôi kể công việc không khó, nhưng mới làm nên có vẽ khiến cho mình hơi mệt. Rồi Trọng kể lại chuyện gặp Phượng, vợ của Đức, nói chuyện chúng tôi đi xin việc làm “tỉa táo” mà lại đã có kinh nghiệm làm trên Renmark thì thật là “dốt” thế mà ông chủ lại nhận mấy ông ấy làm, chắc là ông chủ đó cần người vì ở Renmark chỉ có hái cam chứ làm gì có “tỉa táo”! Trọng kể lại, rồi chúng tôi cùng nhau cười, nhưng chuyện chính là làm sao chúng tôi có việc làm là tốt rồi. So với những ngày đi hái cải với Trọng thì công việc mới nầy vẫn là nhẹ nhàng hơn nhiều “chỉ cần lặt bỏ bớt trái” thì đâu có gì là khó, chỉ điều là vác cái thang đi nghiêng theo dốc đồi sao cho khéo không phải trợt té thôi! Với công việc nầy chúng tôi còn thoải mái trò chuyện với nhau mà không phải biết nhiều Tiếng Anh. Nghe tới đó Trọng nhắc nhở: “Làm mà tụi bây nói chuyện nhiều quá, coi chừng ông chủ cho nghỉ cả đám mặc dù tụi bây vẫn làm đều đặn, vì Tây nó nghĩ khi nói chuyện thì tay ngưng làm giống như tụi nó vậy”! Hồi lâu, Trọng vụt nhớ chuyện gì rồi nó đi vào trong, khi ra nó nói: “Bữa nay mầy có thư nè”! Nó đưa thư thì ra đó là thư của vợ tôi. Trong thời gian gần đây, ông Nhà Nước Việt Nam đã mở cửa duyệt xét hồ sơ bảo lãnh trở lại sau 6 tháng đình chỉ vì chuyện Cộng Đồng người Việt biểu tình chống ông Ngoại Trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch lúc ông đến Úc vào ngày 16/04/1984 tức là sau khi tôi đến Úc một ngày. Nhưng chuyện hồ sơ chưa phải là chuyện mà tôi phải lo nhiều vì hồ sơ của tôi chỉ là quá mới, dù có mở hay không mở thì hồ sơ ấy còn lâu mới tới phiên duyệt xét, mặc dù tôi rất nôn nóng bảo lãnh được cho gia đình. Chuyện cấp thiết là tôi ráng làm sao có tiền để gởi về cho gia đình để ổn định đời sống trong muôn vàn khó khăn của tình trạng hiện nay lẫn sự chèn ép của chính quyền khi tôi đã là “thành phần phản quốc vượt biên”! Sau bao năm làm việc dưới chế độ tôi không còn lạ gì về cái quan điểm của họ! Chính vì những cái nhìn thấy ấy mà tôi đã chọn con đường “đào thoát” để mong tìm một tương lai tươi sáng hơn cho đàn con sau nầy. Kéo chúng ra khỏi “vũng bùn lý lịch ba đời” là trách nhiệm của tôi khi đi vượt biên! Chuyện “vượt biên” đã hoàn tất, bây giờ tôi được định cư trên xứ Úc do “tình thương” của Chính Phủ cũng như người dân. Đây là quê hương thứ hai của tôi và nhiều người cùng hoàn cảnh. Cái trách nhiệm nặng nề với tôi nhất trong giai đoạn nầy là cố gắng làm để gởi về cho gia đình vượt qua cơn ngặt nghèo, túng bấn do hoàn cảnh xã hội hiện tại cũng như sự “bị giới hạn” nhiều mặt vì “thành phần vượt biên” của tôi!

Cứ mỗi lần nhận được thư của gia đình là mỗi lần tôi lại ứa nước mắt thật nhiều: Một phần tôi là con người nhạy cảm cũng có, một phần tôi lại nghĩ đến sự cực khổ của gia đình, vợ con mà họ phải hứng chịu trong lúc tôi chưa làm được gì để đem họ thoát ra ngoài vòng “kiềm tỏa” của chế độ đang tiến hành cải tạo xã hội theo kiểu cách mới của người Cộng Sản. Ngày xưa tôi có biết rất nhiều người học cao họ thường có đầu óc, cảm tình theo chủ nghĩa Cộng Sản, nhưng sau ngày “Giải Phóng” họ lại “bật ngữa” ra vì nó không như là họ “tưởng tượng” về những gì tốt đẹp khi họ đã đọc trong lý thuyết của ông Marx. Cũng như tôi đã được nghe nhiều người kể về những nhà trí thức từ nước ngoài muốn về giúp cho đất nước từ những thời gian xa trước kia; nhưng khi về họ không được trọng dụng, đôi khi còn bị nghi ngờ “giống như là tình báo nước ngoài cài vào” để phá hoại sự nghiệp “cách mạng” của chế độ! Từ đó, tôi mới hiểu vì sao cái “quan điểm” của chế độ mới rất quyết liệt với những người không phải là của họ, quan điểm ấy được thể hiện qua “ba đời” của gia tộc. Chính vì vậy mà tôi phải chọn con đường gian nan, liều sống chết để cứu lấy tương lai của các con tôi!

 

Nguyên Thảo,

20/11/2010.

 

 

 


Thursday, November 12, 2020

*Thế Gian!

 

Thế gian lắm chuyện lạ đời

Hàng hàng, lớp lớp chẳng thời giống nhau

Khá nhiều trong cuộc bể dâu

Cười ra nước mắt, lẫn sầu thương đau!

Khi Trời nổi chứng mưa rào

Khi người dưới thế cùng nhau tạo nguồn.

“Tâm” luôn vận động quay cuồng

Cuốn theo bão nổi, gió dông chập chùng

Đi trong biển nước mông lung

Chìm nơi biển lửa, trông đâu bến bờ?

Ôi, đời là một giấc mơ

Cơn mơ của cuộc “đi, về tay không”!

 

Đồ Ngông,

13/11/2020.

 

 

 

*Chuyện Lạ!

 

Ai ngờ trên xứ đẹp Cờ Hoa

Chuyện lạ trong đời lại xảy ra

Cái xác không hồn vươn đứng dậy

Lê la bỏ phiếu, “Sự Thật” mà!

 

Cái máy giữa chừng lại phải hư

Nửa đêm “đếm gấp”, chẳng từ từ

Máy bớt bên nầy, thêm bên nọ

Tạo nên “Kỳ Tích” óc con người!

 

Dân Mỹ nghĩ gì? Đáng buồn không?

Văn minh, Tiến bộ nhất Cộng Đồng

Lại cũng xảy ra trò gian lận

Gian lận cả bầy, thế “Hết Mong”!

 

Đồ Ngông,

13/11/2020.