Tôi với anh Sơn đồng
lứa mà lại tính tình tương đối hợp, nên trong những câu chuyện có khá nhiều thích
thú. Vì thân nhân đa số ở bên Mỹ, do vậy mà anh được nhiều băng nhạc để thay đổi
mở hát trên đường đi làm hay về, khiến chỉ vài ngày mà tôi đã “ghiền” nghe băng
nhạc của ca sĩ Thanh Tuyền. Không biết vì kỹ thuật thu âm hay tiếng ca cô Thanh
Tuyền thay đổi, mà trong băng nầy tiếng ca cô ấm hơn, không lãnh lót như xưa làm
cho tôi nghe có nhiều truyền cảm, nhất là bản gì đó có câu: “Từ anh xa vắng em
không trang điểm đợi chờ…..” và “Tình chàng ý thiếp ai buồn hơn ai” đã đưa tôi vào
những bồi hồi, nghĩ về hoàn cảnh của mình với vợ con, rồi thấy lòng buồn vô hạn.
Hay cái bài “Trộm nhìn nhau” của Trầm Tử Thiêng kéo tôi về cái khung cảnh thơ mộng
tình yêu của những người “lo lắng” cho nhau. Đến đỗi tôi phải mượn cuồn băng ấy
của anh về sang lại cho riêng mình và từng đêm bắt nghe trước khi ngủ, có đêm
nghĩ đến thân phận mình mà rơi nhiều nước mắt, nhưng lại thích nghe để lòng mình
tuôn trào các cảm xúc. Thế rồi cũng không lâu anh Sơn có công việc khác lại từ
giã chúng tôi. Xoan lại nhờ đến anh Tế. Anh Tế làm ở hãng máy giặt nay nhân dịp
nghĩ hãng vào dịp holiday cuối năm anh được Xoan nhờ đưa đi và cùng làm. Anh làm
để kiếm thêm thu nhập cùng giúp tôi và Xoan. Thế rồi mấy ngày sau Thành cũng được
nghỉ holiday ở hãng, gia nhập chung với bọn tôi. Bốn người cứ làm đều đặn, chắc
cũng không còn bao lâu nữa sẽ hết công việc “đi tỉa táo” nầy! Anh Tế lớn tuổi hơn
tôi, người hiền lành, anh qua hơi sớm nên dễ xin việc làm hơn vì trong những thời
gian trước, như có lần tôi kể lại lời của một anh bạn khi đến trại tiếp cư thăm
Bác Vỹ, Bác Phương kể, người Úc thương mến người tị nạn Việt Nam lắm nên các hãng
xưởng có khi đến tuyển người khi còn ở trong trại. Nhưng về sau nầy không còn
như thế nữa mà lắm lúc họ đưa hai ngón tay lên để chửi mình. Đoàn chúng tôi từ Mã
Lai qua đúng vào ngay tình huống ấy, khi mà ông Giáo Sư Sử Học Blainey đang khuấy
động phong trào “Bài người Châu Á (Asian out)”. Dù vậy, chúng tôi cũng phải “chai
mặt” ra mà hứng chịu tất cả những gì có thể xảy ra. Chính vì điều đó tôi mới hiểu
tại sao những người Hoa trên đất Việt Nam, mà tôi đã biết: Khi họ buôn bán để
kiếm ăn, thường họ luôn cười, vui vẻ dù mình gắt gỏng hay chọc ghẹo họ, họ không
hề tỏ vẽ giận dữ, hoặc hờn dỗi. Thì ra họ tha phương chỉ để tìm một mảnh đất
dung thân! Nhưng đối với người mình không là như thế. Những gì người ta không vừa
ý, không thích thì sự giận dữ, hùng hổ, hành hung mà quên đi thân phận ta đang “ăn
nhờ ở đậu” trên xứ người! Đó là cái tâm lý, yếu tố khiến người bản xứ không hài
lòng với những gì mà người mình đã làm nên! Tất nhiên điều đó không phải ảnh hưởng
đến một hay vài người mà nó được đánh giá trên một sắc tộc, nhưng mình cũng phải
đành chịu thôi vì trong vấn đề “người vượt biên” rất là phức tạp. Bạn cứ thử
nghĩ người đi vượt biên dù trên mục đích nào thì người ta đều đối diện với cái
chết trên biển cả, trên đường đi; đối diện với bị bắt, tù đày, hành hạ; người
ta phải liều. Đã liều mà không sợ chết nữa thì bạn nghĩ thử xem cái gì mà họ không
dám làm! Tuy vậy, khi đến định cư trên đất nước thứ ba thì tính khí ấy cũng được
nguôi ngoai, trầm lắng để sống một cuộc sống cho chính mình. Sự hung hãn cũng dần
bớt đi theo kiểu cách “giàu có sinh lễ nghĩa” chứ không còn “bần cùng sinh đạo
tặc” như trong thời còn gian nan!
Cái hoàn cảnh
kinh tế khiến cho con người thay đổi tâm tính, đạo đức hay hoang dại, sống với
bản năng sinh tồn. Sự tạo nên những nét tốt đẹp của một nền văn hóa, trong đó
con người cư xử với nhau đầy bản chất nhân văn, tôn trọng lẫn nhau không phải xây
dựng được một ngày một buổi, có khi hằng thế kỷ hoặc ngàn năm mới được như xã hội
Việt Nam trước kia. Nền đạo đức Nho Giáo, tôn sư trọng đạo, triết lý gia tiên lẫn
thấm nhuần đạo lý từ Phật Giáo được hun đúc suốt chiều dài lịch sử, tạo nên
cung cách gia đình, dòng tộc, làng xóm, láng giềng, dân tộc đặc trưng của Việt Nam.
Nhưng chỉ trong thời gian ngắn tất cả đều tan biến, sự “vong bản” đã thành hình:
Không ai còn tin ai nữa ngay cả con cái trong nhà. Chỉ cần nói bậy một chút thôi
thì nguời ta có thể đi tù, hay mất mạng! Trong hoàn cảnh nghèo đói nhanh chóng ấy
nạn ăn cắp vặt lén lút hay công khai đầy khắp trong xã hội. Người ta cướp giựt
dọc đường, cướp của giết người chỉ để được sinh tồn. Người ta đi buôn lậu khắp
nơi. Nói chung gần như cái gì cũng gian dối, lừa đảo, láo khoét, lo lót; đòi hối
lộ phổ biến, tính tình không ngay thẳng tràn đầy trong cuộc sống. Nề nếp cũ không
còn nữa. Một cuộc cách mạng tận gốc rễ đã thành hình! Tôi nhìn lại thân phận mình
mà cảm thấy buồn và lo âu cho các con tôi. Tương lai của chúng sẽ về đâu? Rồi mấy
đứa cháu sẽ thế nào? Tôi thấy màn đen, u ám ở trước mặt trên con đường mai sau,
mặc dù tôi cố tìm lấy cái “lạc quan” mà người ta thường hô hào để mọi người tin
tưởng vào tương lai!
Chiều về, Trọng
cho tôi hay là Chính phủ Việt Nam đã ngưng lại công việc xét hồ sơ bảo lãnh nữa
rồi vì báo bữa nay có đăng, nói xong Trọng đưa cho tôi tờ báo. Khi Thành tắm, tôi
xem qua bản tin đợi tới phiên mình. Trong lúc ăn cơm, vấn đề nầy được bàn qua. Chuyện
ấy không lạ vì trước ngày tôi đặt chân lên đất Úc thì Chính phủ Việt Nam vẫn cứu
xét những hồ sơ bảo lãnh cho thân nhân đi đoàn tụ ở nước ngoài, trong đó ở quê
tôi có gia đình của ông Yếu làm lò chén tất cả gia đình được đi một lần cả thảy
là 27 người; nhưng khi tôi vừa đến Úc vì chuyện biểu tình chống đối mà ông Ngoại
Trưởng Nguyễn Cơ Thạch đình chỉ với lý do thái độ chống đối đó. Thế là sau sáu
tháng ngưng trệ gọi là hình phạt, Chính Phủ Việt Nam cho cứu xét lại. Chưa được
bao lâu thì một ngày trên báo đăng tin: Có cán bộ đi mua sắm ở khu Thương mại
ngoài khu Cabramatta trên Sydney bị phát hiện, người ta dàn cảnh đánh. Lúc ấy
chúng tôi ngờ ngờ sẽ có một màn đình chỉ cứu xét hồ sơ bảo lãnh tiếp tục. Đến
nay điều ấy đã xảy ra, nhưng hồ sơ của chúng tôi quá mới thì chuyện dù không xảy
ra thì hồ sơ cũng còn lâu mới được giải quyết. Thôi thì chuyện tới đâu hay tới đó!
Lúc chúng tôi
quay quần xem truyền hình cùng để bé Thiện nằm chơi nơi phòng khách thì vợ chồng
ông Hoài, Bà Sa đến, rồi cùng nhau chuyện trò. Đang lúc đó thì có tiếng chuông
cửa vang lên, tôi ra mở cửa lại là anh Tế tới cho tôi hay chuyện đi ngày mai. Vừa
đến cửa phòng khách thì anh Tế nói là anh cần về liền nên nói với tôi vắn tắt vấn
đề. Khi anh Tế đi rồi, bà Sa mới hỏi tôi: “Đó có phải là ông Tế không”? Tôi nói:
“Đúng rồi, nhưng sao bà biết”? Bà Sa cười: “Tôi biết ông ấy lâu lắm rồi, từ hồi
còn ở Cần Thơ lận”! Rồi bà kể sơ chuyện bà biết ông Tế như thế nào: Ông Tế ngày
xưa là một Biện lý ở Tòa án Cần Thơ, trong một chuyện tình cờ bà được biết ông.
Bà Sa chỉ kể như vậy, và tôi cũng nghe như vậy thôi chứ không hỏi thêm gì nữa.
Tức là tôi đã biết được ông Tế ngày trước ở Việt Nam là một Luật Sư làm ở Tòa án
Cần Thơ.
Sáng hôm sau đúng
giờ hẹn, anh Tế cùng Xoan đến rước tôi và Thành. Đi đường chúng tôi vẫn trò
chuyện vui vẻ, nhưng tôi không hề nhắc đến chuyện của bà Sa nói về anh Tế tối
qua. Khi tiến vào công việc làm, anh Tế có hỏi tôi: “Bà hồi hôm có phải là bà
Sa không”? Tôi đáp: “Đúng rồi, mà anh có quen với bả hả”? Anh Tế cười: “Tôi
quen với bả lâu lắm rồi, không ngờ lại thấy bả ở đây”! Tôi đùa với anh: “Vậy là
hai người là cố nhân sao”? Rồi anh kể lại chuyện biết bà Sa trong một phiên tòa
ở Cần Thơ năm nào đó, với lý do rõ ràng mà anh Tế là người thụ lý. Anh Tế kể thì
tôi nghe, nhưng từ đó tôi cũng không hề hỏi hay kể lại cho bà Sa nghe vì chuyện
ấy là chuyện riêng tư và nó cũng chẳng hay ho gì, cho nên tôi đành nín thinh luôn!
Từ trường hợp của
anh Tế tôi ngẫm nghĩ lại chuyện đời: Không ngờ nhiều người trí thức, nhân tài của
quê hương mình đã bị mai một tài năng trên xứ người chỉ vì không đủ ngôn ngữ để
trở lại cuộc đời với những tài năng tiềm tàng. Họ phải thầm lặng với những công
việc của con người bình thường. Bao nhiêu năm dày công học hành, tôi luyện tài
năng mà không cống hiến gì được cho đất nước bởi cái “quan điểm”. Bài ca “quê hương
ruồng bỏ” trở nên phổ quát hơn bao giờ hết! Những đoàn người lang thang, tha phương
đi tìm đất sống. Quả là ngộ nghĩnh cho một đất nước khi mà người dân “đội bom để
bám đất, bám làng trong thời chiến tranh ác liệt, thế mà lại phải bỏ nước ra đi
khi đất nước được thanh bình và thống nhất”. Có ai đặt nên câu hỏi: “Vì sao”? Và
có ai giải đáp được dùm chưa? Và có chế độ nào giống như thế chăng? Đúng là một
sự nghịch lý chưa từng có trong lịch sử của loài người và dân tộc!
Chiều về, Trọng
cho tôi và Thành hay là tối nay anh Lâm sẽ đến để bàn về chuyện Bảo hiểm nhân
thọ AMP và nếu mình thích thì tiến hành làm hồ sơ gia nhập luôn. Sau bữa cơm chúng
tôi quay quần ngồi xem phim video trên truyền hình đợi chờ anh Lâm tới. Những hồi
chuông cửa báo để rồi chúng tôi cùng anh Lâm phải xuống nhà dưới nơi ăn cơm bàn
chuyện, vì nơi đó mới có chiếc bàn lớn đủ chỗ cho việc bày biện các giấy tờ hồ
sơ. Trước tiên anh Lâm cho chúng tôi biết những thông tin khái quát về bảo hiểm
nhân thọ sẽ như thế nào, rồi những điều kiện gia nhập cũng như các điều mình được
hưởng. Sau khi hiểu rõ, tôi, Trọng, Thành và chị Yến hội ý xem nên hay không
tham gia hay cần để suy nghĩ thêm vài ngày. Cuối cùng, chúng tôi quyết định làm
đơn tham gia ngay, nhất là tôi với Trọng vì chúng tôi còn có vợ con ở bên nhà và
không biết chuyện ngày mai ra sao?
Sau khi làm các
thủ tục xong xuôi, chúng tôi cùng anh Lâm ngồi tâm tình cùng nhau và nói chuyện
đời cũng như chuyện vượt biên. Anh Lâm cũng cho biết anh là một Luật Sư trước
kia, đến đây cách nay nhiều năm anh từng ở Úc 2 năm, xong sang Mỹ ở 2 năm, rồi
mới trở về Úc cũng cả 2 năm, nhưng chưa tìm được người “đồng hành” để lo cho
anh. Anh nói “khó kiếm quá”! Đến khoảng gần 10 giờ anh từ giã chúng tôi để ra về.
Xong việc gia nhập AMP rồi, trong lòng tôi cảm thấy tương đối nhẹ nhỏm hơn với
vợ con, chắc có lẽ là do vấn đề tâm lý hơn, khi tôi nghĩ về chuyện tương lai mình
có mệnh hệ gì thì vợ con cũng có được một phần nào đó “an ủi” trong cuộc đời!
Loay hoay thì công
việc “tỉa táo” cũng hết. Thành và anh Tế cũng sắp trở lại hãng để làm sau kỳ
nghỉ “holiday”. Tôi đang suy nghĩ để đi tìm việc khác, thì một hôm Bob đến chơi
và cho tôi hay Báu hôm nghỉ hè đi làm thêm ở một hãng đúc nọ, bây giờ Báu nghỉ để
trở lại làm ở hãng xe Holden nên chỗ ấy trống, nếu tôi muốn làm thì Bob sẽ giới
thiệu cho tôi. Tôi đồng ý. Đêm hôm sau Bob đem đến cho tôi một phong thư trong
có giấy giới thiệu của Bob và kêu tôi đến hãng ấy và đưa thư của Bob cho chủ để
xin việc làm.
Hãng không xa lắm
nên tôi lái xe Morris lạch cạch của mình đến đó xin. Qua lá thư của Bob tôi được
nhận vào làm và bắt đầu vào hai ngày sau. Đó là ngày đầu tháng giêng năm 1985 với
số tiền cho biết trước là 316 đô Úc một tuần và sẽ trừ thuế là 66 đô, tức lương
tôi còn được lãnh đúng là 250 đô.
Nguyên Thảo,
27/01/2021.
No comments:
Post a Comment