Saturday, January 23, 2021

*Sang Đức. (7)

 

Hồi trước, tôi thường nghe câu “Cứu cánh biện minh cho phương tiện” là “lấy cái mục đích, thành quả cuối cùng để chứng minh cho những điều mà người ta thực hiện trên con đường đạt đến mục đích”. Có người cho rằng “Trong lúc thực hiện có thể sử dụng những phương cách, biện pháp gay gắt, độc đoán, tàn nhẫn để đạt được mục đích tốt đẹp sau cùng thì người ta có thể áp dụng”. Tôi không hiểu là trên thế giới thực tế nầy đã có nơi, hay chế độ nào áp dụng cách ấy chưa, nhưng nghĩ ra nếu dùng cách đó thì sẽ có nhiều tai họa không những cho đối tượng mà cũng cho chính mình nữa. Một sự tranh đấu lâu dài sẽ diễn ra và những sự đàn áp, áp bức không cùng, triền miên… thì dù cho cứu cánh ấy có tốt đẹp như thế nào đi nữa cũng không xóa hết những hận thù! Không như trong Đạo Phật có câu: “Lấy ân báo oán oán tiêu tan, lấy oán báo oán oán chập chùng”, chân lý ấy luôn là một điều chân lý!

Theo như ở trên tôi có kể anh bạn trẻ người Kampuchia kể lại lời ba nó nhận xét về chế độ Pol Pot, tôi chỉ nghĩ về cái “bình dân của một người dân thù hận” chứ theo tôi hiểu thì khi Karl Marx và Engels “đẻ” ra Chủ Nghĩa Cộng Sản là nhằm đem lại một chế độ tốt đẹp cho loài người trong tương lai; mà ở đó không có người “bốc lột, áp bức người”. Tất cả đều được sống chung trong một Thế Giới Đại Đồng và đều được hưởng mọi nhu cầu vật chất như nhau hay đúng hơn là “Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” không phân biệt giới tính, màu da, sắc tộc, quốc gia. Nhưng với “búa” tượng trưng cho giai cấp sản xuất trong nhà máy, hãng xưởng; và “liềm” tượng trưng cho giai cấp nông dân sản xuất các loại nông phẩm cần thiết cung ứng cho đời sống ấm no của con người, chứ không là những dụng cụ để áp bức, bắt người dân phải thi hành mệnh lệnh hay đường lối mà chính phủ chủ trương. Tuy nhiên, qua thời gian tôi cũng thu lượm được nhiều nhận xét, ý kiến, suy nghĩ của nhiều người lẫn bạn bè trong khi giải thích về sự thực hiện lý tưởng ấy gặp nhiều trở ngại mà không đạt được kết quả như người ta mong muốn. Mặc dù chỉ là những ý nghĩ thô thiển, có nhiều ngộ nghĩnh, nhưng chúng cũng phản ảnh lên được phần nào cái chướng ngại giới hạn cho sự thành công!

Lý tưởng nào cũng vậy, lý tưởng vẫn là lý tưởng. Lý tưởng chẳng qua là cái mà người ta suy nghĩ, dự trù, nó nằm trên lý thuyết, tất khi thực hiện trên thực tế sẽ có rất nhiều trở ngại mà người ta phải sửa đổi, rút kinh nghiệm từng lúc hay từng bước để vượt qua. Nhất là lý tưởng từ một người, hay một nhóm trong quá khứ nên khi thực hiện vào thời điểm hiện tại lại càng khó khăn hơn, vì người sau không nắm được hoàn toàn lý tưởng, phương cách thực hiện của người đi trước. Rồi lại có những hoàn cảnh, phong tục, địa lý, thời điểm khác nhau càng làm cho sự thực hiện càng trở nên khác biệt. Nhưng tựu chung người ta thường đặt vấn đề là: “Tại sao nó thất bại, không đạt được thành quả sau mấy mươi năm thực hiện? Tại sao nó không đem lại sự tự do và hạnh phúc cho con người? Tại sao nó lại không tiến hơn các xã hội khác, và tại sao nó lại sụp đổ”? Đó là những vấn đề mà người ta đặt ra và đi tìm câu giải đáp khi cho nó là chủ nghĩa ưu việt của loài người và trong tương lai!

Trong quá khứ đã có nhiều quan niệm về việc trị nước và các điều kiện cho người lãnh đạo từ việc lấy người dân làm mục tiêu hay là cho giới lãnh đạo trải qua từ thời tộc trưởng, bộ lạc cho đến thời phong kiến, lẫn các chế độ ngày nay, người ta có nhiều phương cách và suy nghĩ. Tuy nhiên với hai quan điểm “Nước giàu, dân mạnh” hay là “Dân giàu, nước mạnh” đáng được người ta quam tâm hơn.

Chuyện chính trị, điều binh khiển tướng, hay điều hành quốc gia không phải là chuyện của những người dân dã, cho nên người dân thường chỉ có những hình ảnh đơn giản để bàn chuyện vui chơi hoặc giải thích “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”!

Chuyện đầu tiên có lẽ là chuyện liên hệ đến người chơi cây cảnh hoặc bonsai: Người chơi bonsai, cây cảnh muốn cây được uốn éo, có hình thù, ý nghĩa theo ý mình nên uốn nắn, bắt cây hay nhánh phải vươn như thế này, mọc như thế kia vì thế họ gò đẽo, điều khiển một cách “tích cực” cây trở nên dị dạng, khác thường để trở nên những hình mẫu mong muốn. Những lá và nhánh vươn ra ngoài khuôn khổ đều bị “xén, cắt, o ép”, cho nên dù trong thời gian lâu dài cây ấy cũng chỉ là những cây “èo uột” của loài bonsai. Nếu chúng ta chọn cùng một cây nào đó, nửa cây theo cách tự do phát triển tự nhiên của nó, và nửa cây theo cách chơi của bonsai ta sẽ thấy sự khác biệt hoàn toàn. Một nửa bên cây sẽ phong phú, giàu mạnh, phát triển theo mọi khía cạnh, còn bên kia không thể phát triển nổi vì nó nằm trong diện của “bonsai”! Thì đối với chuyện con người, là loài có tư tưởng, suy nghĩ và thích phóng khoáng, tự do thì họ sẽ phải chọn bên nào?

Chính vì điều như vậy mà người ta có thể liên tưởng đến: Trong một xã hội mà bắt mọi người phải theo một khuôn đúc để tất cả đều giống nhau từ cách sống cho đến tư tưởng, suy nghĩ trở nên càng khó khăn. Đối với loài vật, loài thú sự thuần dưỡng còn đòi hỏi có thời gian lâu dài thì chuyện o ép con người lại càng khó vô vàn và không thể “một ngày một buổi” mà thành công. Nhưng sự kéo dài cái tình trạng “gian nan” sẽ khiến con người trở nên phản kháng và chống đối. Khi sự đàn áp, bắt buộc được thực hiện mạnh bạo thì người ta trở nên buông xuôi, không thèm chống báng nữa, cũng không cần lưu tâm và từ đó “ai làm gì mặc ai, mình làm gì thì mình làm”, “chuyện của người khác không phải là chuyện của mình”!

Thông thường, trên lý thuyết, người thực hiện kế sách luôn nghĩ đến những điều kiện thuận lợi; nhưng khi vào thực tế mới có nhiều diễn biến phức tạp nó không hoàn tất sớm theo như “ước lượng”. Sự kéo dài thời gian nhất là trong hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn lâu dài chừng nào thì lại khiến con người trở nên càng trở nên “cứng đầu và chai lì” chừng nấy! Vì họ không tìm thấy một tương lai sáng sủa, mà chỉ thấy một màn u tối ở phía trước. Điều đó tạo nên sự khác biệt giữa giới lãnh đạo và đám đông quần chúng trong suy nghĩ và tư tưởng, vì giới lãnh đạo có được nhiều ưu tiên, quyền lực để tìm lấy một cuộc sống hạnh phúc hơn cho cá nhân lẫn gia đình hay dòng họ; cho nên họ không nhìn thấy những điều mà người dân phải hứng chịu.

Đó là điều thứ nhất mà tôi đã thu lượm được để có thể “giải đáp” thắc mắc của đám chúng tôi và bạn bè về “sự khó khăn” của một chủ thuyết mới mà người ta cho là “Ưu việt” cho một chế độ trong tương lai. Còn chuyện thứ hai theo một ví dụ như sau:

Trên con đường có hàng trăm chiếc xe đang chạy tùy theo mức độ lớn nhỏ, mạnh yếu mà xe di chuyển được như thế nào. Đột nhiên trong đoàn đó, người đánh xe không hiểu suy nghĩ hay học được từ đâu được một kế hoạch cho là “hay nhất” để đưa chuyến xe tiến đến phía trước một cách “tiến bộ và sung sướng” cho mọi người trên xe, tránh được sự tranh giành chen lấn giữa những người khách. Những tài xế ấy “dừng xe” lại để bắt mọi người xuống, sắp xếp lại trật tự, rồi hành khách mới lên xe tiếp tục đi. Sự sắp xếp lại ấy chỉ vừa ý với tài xế, nhưng không vừa ý với hành khách nên sự phản đối lại xảy ra. Sự tranh cãi, phàn nàn của hành khách khiến tài xế phải dùng biện pháp trấn áp cho hành khách phải yên lặng mà thực hiện cái phương hướng của mình. Điều đó khiến hành khách lại phản đối mạnh hơn. Tài xế lấy keo bịt miệng hành khách lại, trói họ trên ghế ngồi, xong chạy một con đường khác mà họ nghĩ là con đường ngắn nhất để đạt được mục đích cho loài người. Con đường đang chạy đó càng lúc càng chông gai, dằn xốc hơn, hành khách đành yên lặng “chịu trận”. Chạy không bao lâu thì tài xế thấy đoạn đường đó không được nên phải dừng xe lại để “sửa sai”. Sự sửa sai ấy không phải một lần mà rất nhiều lần cho nhiều phương diện khác nhau, thế cho nên khi nhìn lại với những chuyến xe khác cùng đi với mình trước kia, họ đã chạy đến phía trước, bỏ xa xe mình không biết đến một độ xa như thế nào! Trong khi đó người tài xế vẫn luôn nghĩ là mình đang đưa mọi người đi trên con đường tốt và sẽ đến một nơi hạnh phúc, no ấm nhất trong sự loay hoay lãnh đạo của họ mà cỗ xe vẫn quay cuồng, chẳng đi tới đâu! Hình ảnh ấy được ví von minh chứng cho câu chuyện người ta muốn thực hiện một mô hình xã hội “tốt đẹp nhất” của loài người trong tương lai. Trong khi mình cứ “xoay vần” như một con vụ thì người khác đã đi xa vạn dậm tự bao giờ, thế mà mình cứ mãi “ca tụng”, ảo tưỏng cho chính mình cùng làm khổ cho không biết bao người đang bị dằn vặt trên cỗ xe chưa tìm được đường ra!

Chuyện về quan điểm rất quan trọng trong việc thực hiện các chế độ của thế giới Cộng Sản. Có lẽ từ kinh nghiệm ở các triều đại lịch sử đã trải qua, cho nên khi làm cuộc Cách mạng bằng bạo lực thành công, họ liền dùng bạo lực ấy để trấn áp những thành phần đối kháng, những thế lực mà họ gọi là phản động để “củng cố vững chắc” chính quyền, không để sơ hở cho các thành phần ấy phản công, giành lại theo phương châm “Thà giết lầm hơn là thả lầm”! Họ không hề tin tưởng các thành phần nào mà họ nghi ngờ, không nắm rõ lý lịch. Chính vì thế mà những con người nào dù ở các thành phần có xuất xứ chưa được cho là tốt, khó mà được trọng dụng hay đem tài năng của mình đóng góp vào sự tiến triển cho đất nước. Vì thế những con người ra làm việc hay giữ chức vụ, cũng như về sau nầy giữ các nguồn làm ăn, kinh tế thường do thân nhân hoặc người nhà của họ luôn được ưu tiên. Cho nên một xã hội thuộc về sự cai trị của gia đình, dòng họ là đương nhiên, sự thao túng là tất có ở mọi địa phương. Đường lối chủ trương từ ban đầu đã dần xa với dân chúng và người dân! Một cái điều mà người ta gọi là “Giai cấp mới” được hình thành, chỉ dành riêng cho giới lãnh đạo với gia đình, dòng họ của họ. Họ có đủ điều kiện để hưởng thụ sự sung sướng, tiền của qua quyền lực nên họ không nhìn thấy sự cùng khổ của dân chúng, hoặc là họ phớt lờ đi như là không nhìn thấy. Cũng chính ở “quan điểm” mà người ta chỉ tin tưởng, sử dụng những người thuộc thành phần được gọi là “tốt” thường có lý lịch “gia đình cách mạng” có khi cho đến ba đời. Nếu ở những cương vị nào đòi hỏi trình độ học thức mà người phụ trách không đủ khả năng, không đạt được thì sẽ được “học bổ túc” để hoàn thành tiêu chuẩn giữ chức vụ; đôi khi với quyền thế người ta có thể “thương lượng” với một tấm bằng giả ở một số tiền nào đó. Hay là ở những vị trí mà có thể “kiếm được nhiều tiền” thì sinh ra tệ nạn “mua quan bán chức” tùm lum! Cho nên với một “xã hội tiến bộ, nhân tài hàng khối” mà chẳng làm nên trò trống gì, người dân bị chìm đắm trong nghèo đói, lầm than, chỉ có giới cầm quyền là được “vinh thân, phì gia”, sống cuộc đời giàu có và sung sướng, nhưng khẩu hiệu vẫn luôn là “do dân và vì dân”! Xã hội càng ngày càng trở nên tồi tệ vì chẳng có phương tiện nào để “nói lên hay tố giác” những kẻ tham nhũng, hối lộ, hống hách, quan quyền… Không khéo lại bị “chụp mũ, gán ghép” cho những tội mà chính quyền liệt kê với những thành phần xấu. Vì thế mãi rồi “chính quyền làm gì thì chính quyền làm, coi như là mình không biết, không thấy, không dính líu” để cho được yên thân mà đi tìm phương cách sống cho bản thân và gia đình! Cho nên thiên hạ trở nên “vô tư, hay vô cảm” là chuyện bình thường chẳng có gì để lưu tâm!

Xe bắt đầu đi vào Thành phố kéo tôi trở về với những thực tại và tôi lại nhìn hai bên đường, khu phố, những con người ở đây để ngắm, quan sát cùng chụp hình hay quay phim. Đây là Thành phố Dressden thuộc vùng Đông Đức ngày trước. Thành phố không có nhiều nét mới, nhưng cũng có nhiều cây xanh giống như ở trên Berlin. Có vài nóc nhà thờ vươn lên cao với kiến trúc khá lạ lẫm, có nét đẹp riêng biệt, tôi nghe nói về kiến trúc Baroque không biết có phải là cách kiến trúc ấy hay không?

 

Nguyên Thảo,

23/01/2021.

 

 


No comments:

Post a Comment