Đồ Ngông tôi chỉ lấy một câu của vế đầu để làm cái
tựa bài nầy. Đầy đủ của nó là “Kẻ có tình ngồi rình trong bụi, Kẻ vô tình lủi
thủi mà đi” mà Đồ Ngông đã nghe được từ trong một vở hài kịch phát trên radio hồi
còn nhỏ, nhưng có lẽ chúng cũng bắt nguồn từ kho tàng “tục ngữ, ca dao” trong dân
gian của dân tộc ta mà thôi!
Kẻ có tình mang một tâm ý “cố tình theo đuổi người
khác để thực hiện những mưu đồ gì đó” mà người ấy muốn đạt được. Và, trong khi,
người bị làm mục tiêu không thể ngờ tới hoặc vẫn lặng lẽ, âm thầm không hề chú ý
đến “dã tâm” của kẻ cố tình! Giống như những kẻ trộm cắp luôn theo dõi, đợi chờ
sự hờ hững, không lưu ý của nạn nhân mà ra tay trộm cắp, móc túi, cướp giựt đồ
vật, tiền bạc từ một ai đó. Hay là chúng lợi dụng chủ nhà đi vắng, ra ngoài rồi
tìm cách đột nhập và cuỗm đồ của người ta. Cũng vậy, trong cuộc đời có những kẻ
lớn hơn hay có sức mạnh hiếp đáp người sức yếu, thế cô, làm cho họ nhiều ấm ức,
tức tưởi đã khiến kẻ yếu thế không thể nhịn nhục, phải tìm cách đánh lén vì không
thể đối đầu trực diện. Chính vì thế mà cần đến sự ẩn nấp, trang bị vũ khí dù là
khúc cây, hoặc sắt tấn công kẻ mạnh để trả thù. Tất cả đều chứng minh “Kẻ có tình
ngồi rình trong bụi, kẻ vô tình lủi thủi mà đi”!
Những chuyện như vậy chứng minh cho sự phức tạp
trong cuộc sống, đời thường của con người, nhất là những con người yếu đuối, thế
cô bị ức hiếp; hay những kẻ “lười biếng, xài to” không muốn làm, lại muốn thụ hưởng
mọi thứ, ăn chơi, nhậu nhẹt thừa sơ hở để “chôm” lấy của cải người khác! Đi xa
hơn nữa ta cũng thấy con người tận dụng ý tưởng ấy vào trong các cuộc chiến tranh
mà điển hình là trong cuộc chiến tranh “du kích” dùng “sức yếu để chống lại cái
mạnh”, dùng “thô sơ để đối chọi với tân tiến”, dụng “ít để chống nhiều”! Ấy là “sách
lược” của chiến tranh!
Với chiến tranh “du kích”, kẻ “cầm đầu” sử dụng “lực
lượng ít, khởi đầu” trà trộn trong dân chúng, tạo nên sự kiện hay điều gì đó chống
lại kẻ cầm quyền để cho kẻ cầm quyền nghi ngờ, giận dữ, bắt bớ, giam cầm, điều
tra người dân vô tội. Từ đó, người ta tuyên truyền, khơi dậy lòng căm thù trong
dân chúng rồi hướng người dân vào sự “tàn ác, bất công, đàn áp” của nhà cầm quyền
để lôi kéo người dân vào lực lượng của mình. Như vậy, người dân là “kẻ vô tình
lủi thủi mà đi”! Và để cho sự hoạt động, phát triển thuận lợi người ta sẽ tìm cách
tận diệt, khủng bố thành phần chính quyền từ trong các cấp địa phương, để các cấp
thừa hành phải hoảng sợ từ bỏ vị trí, nếu các chỗ ấy biến mất lại càng tốt hơn
cho sự hoạt động. Từ đó chiến tranh du kích dần phát triển mạnh hơn, thuận lợi
cho những kẻ cầm đầu thực hiện mục tiêu của họ.
Tưởng rằng, chuyện đến đó là cuối cùng của tư tưởng
ấy, nhưng không! Trong thế giới lớn lao của nhân loại, điều ấy cũng vươn lên đến
nơi tột đỉnh của tư tưởng. Người ta tận dụng để đạt được mục đích sau cùng là
tiến đến “thống trị nhân loại”, hay nói theo chuyện kiếm hiệp của Tàu là “làm Bá
chủ Võ lâm”!
Hoặc nói đúng hơn là tâm lý, tinh thần muốn tất cả
mọi người trên thế gian nầy phải quy phục về một mối, quy phục về nước mình, dân
tộc mình vì nước ta là nước lớn, nước mạnh. Cho nên với tư tưởng đó, người ta dùng
đủ mọi cách để “vươn lên” trở thành là nước lãnh đạo. Tuy nhiên để chiến thắng,
theo như Binh Pháp cổ thì “phải biết ta, biết người” hầu “trăm trận, trăm thắng”,
nhất là chủ trương của chủ thuyết: “Nhất định thắng kẻ thù” hầu biến thế giới nầy
chỉ còn có một. Từ đó, thu thập những gì địch có; và phát triển, cố giữ những gì
ta có đã bắt đầu! Trong thế giới nhiều nước, nhiều dân tộc muốn giành được chiến
thắng thì cần đến thu thập tài liệu về đối tác lẫn kẻ thù đôi khi cũng của kẻ
thuộc “phe ta”, cho nên “Tình báo” là quan trọng hơn cả!
Những ngày trước, khi các phương tiện còn thô sơ,
chưa có internet, kỹ thuật máy móc hạn chế, các nước tìm cách gài người làm tình
báo, đôi khi hoạt động “hai mang” để lấy tin tức về mọi ngành, nhất là về quân
sự và kinh tế. Họ tận dụng mua chuộc người sở tại, chuyên viên; lôi kéo tình yêu
nước của kiều bào; cho người hoạt động xen vào ngành ngoại giao, du lịch, du học,
báo chí, chuyên viên nghiên cứu, thương gia…nhiều, nhiều lắm. Người ta chi tiền
cho ngành nầy không tiếc, chỉ mong lấy được thật nhiều về các phát minh, kỹ thuật,
khoa học, kinh tế, những sáng chế về vũ khí, về tất cả những gì mà kẻ địch có. Ngày
nay người ta tận dụng “hackers” để đột nhập vào các trang mạng “đánh cắp, sao
chép, hủy hoại” những tài liệu cần thiết “để biết rõ kẻ thù” hầu đạt được chiến
thắng cho mưu đồ “thống trị thiên hạ”! Cho nên: Chỉ có những kẻ “ngây thơ” đã rước
“hổ vào nhà”, “bỏ ngõ cho kẻ thù tự do bay nhảy trong vùng đất cấm của mình” để
ngày nào đó hổ quay trở lại “ăn thịt mình”. Những bài học ấy nhiều nước từ Châu
Mỹ đến cả Âu Châu, và nhiều nước khác phải “ngậm ngùi” cho một bài học “đã qua đi”!
Dù có hối tiếc thì cũng quá muộn màng!
Đồ Ngông,
22/07/2021.
No comments:
Post a Comment