Sunday, July 16, 2023

*Những Khung Trời Kỷ Niệm! (19)


Sau thời gian 3 tháng nghỉ Hè, chúng tôi lại lũ lượt đến trường. Năm nầy là năm cuối của Bậc Trung Học Đệ Nhất Cấp (niên học 1962-1963), chúng tôi phải dự vào cuộc thi bằng và lên lớp. Thông thường muốn lên lớp Đệ Tam trước kia học sinh phải có bằng Trung Học, nếu không thì phải học lại lớp Đệ Tứ lần nữa. Nhưng không biết năm nay thế nào, nếu có sự thay đổi để học trò được nhẹ nhàng hơn thì bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp không còn quan trọng, dù có hay không vẫn được lên học trên lớp Đệ Tam. Cái điều đó còn trong sự quyết định của Bộ Giáo Dục, nhưng hiện tại là chúng tôi phải cố gắng học cho một kỳ thi vào cuối năm. Các Thầy, Cô có nhiều thay đổi: Năm nay Thầy Mai Văn Phú dạy môn Toán, Cô Mai Thị Hồng dạy Vạn Vật, Cô Trần Kim Vân dạy Công Dân, Thầy Thại vẫn dạy Pháp Văn, Thầy Trần Văn Xuân dạy Sử, Địa. Lý Hóa là Thầy Anh, và môn Giảng Văn vẫn là Thầy Khánh. Cái không khí của một lớp cuối năm sẽ trải qua một “Kỳ Thi” đè nặng lên những đứa học trò như chúng tôi. Nếu không vượt qua được, có thể sẽ gặp lại trường hợp mà chúng tôi đã trải qua như trong kỳ thi tuyển vào lớp Đệ Thất trước kia.

Còn tình hình chiến sự cứ tăng dần, làm trên đường đi học có nhiều âu lo: Chỉ sợ đi đường rủi lọt vô giữa vòng hai bên đụng độ, hoặc khi đoàn xe quân đội bị giựt mìn thì rất nguy hiểm, chứ bình thường thì không đến đổi nào, vì dù gì những đám học trò nhỏ vẫn được nhiều châm chước, ưu đãi để đi học. Thỉnh thoảng gặp những toán hành quân, chúng tôi vẫn được dễ dãi cho đi qua để đến trường hay đi về. Về đường thì lúc nầy tương đối dễ dàng vì chúng tôi không phải băng qua các đồng ruộng, hay cầu khỉ nữa mà đi bằng những con đường mới khá tốt với các đoạn khô ráo, bằng phẳng. Tuy nhiên, dần rồi an ninh không ổn khi các nhà người dân trong xóm bị dời vào tập trung trong khu qui định để thành lập các ấp gọi là “Ấp Chiến Lược”. Giống như khoảng thời gian trước đường lên Tân Uyên qua các xã Tân Hóa, Tân Hội, Tân Long, Sở 49 phải thay đổi khi người dân các nơi đó bị buộc dời nhà ra Tân Khánh hay nơi nào đó mà người ta thích, thì đường đi trở nên nguy hiểm hơn do chiến cuộc: Đường sá bị phá, cầu cây bị đốt và trở thành những nơi có thể đụng độ giữa lực lượng hai bên bất cứ lúc nào, nên chúng tôi phải chuyển hướng, chuyển đường đi để được an toàn cho tính mạng. Thì ở đây, cũng may lần nầy là dân chúng dời đi vào những tháng cuối cùng của năm học, nên sự đi lại của chúng tôi không phải gian nan trong thời gian dài. Nếu không, có lẽ chúng tôi phải tìm nơi ở trọ trên Tân Uyên như tôi đã làm trong những năm trước.

Ở trong cái lớp được gọi là lớp cuối cùng của trường, thường thường nó cũng có những tâm lý tạo nên những kỷ niệm với nhau, nên các chuyện đi thăm viếng nhau thường xuyên hơn hầu như để níu kéo những tình cảm thân thương trong những năm qua; mặc dù sự nổ lực học hành càng lúc càng tăng thêm khi ngày tháng gần về cuối năm. Riêng tôi thì ít dịp đi hơn nhưng cũng có vài lần đi thăm viếng bạn bè như có lần đi với Chi qua bên xã Bình Hưng chơi để rồi Chi hướng dẫn cho cách chèo ghe, dù ráng chèo cho đúng cách mấy mà thuyền cứ quay vòng vòng, cuối cùng phải giao lại cho Chi. Hoặc là đi sang nhà Chị Sương bên Mỹ Quới để ăn trái sấu vị ngọt. Rồi có lúc anh Thông kéo cả đám sang nhà anh ở xóm dưới của Xã Bình Hưng, gần cuối cù lao sáu xã. Chúng tôi cưỡi xe đạp qua đồi Bình Chánh đến phía trước trường học, rồi mới đi đường ruộng xuống tới bờ sông, anh Thông kêu đò bên kia qua rước qua. Đến nhà anh Thông mới thấy cái đặc biệt của những nhà cất ở đây. Có lẽ do thường hay bị ngập và có những năm bị lụt nên nhà có nền rất cao, gần quá đầu người. Và có hôm tôi xuống nhà chị Thu Hồng ở đó một đêm, rồi hôm sau mới về.

Sau khi nhà cửa của xóm Phước Lộc dời hết vào trong khu vực Ấp Chiến Lược Tân Khánh là lúc mà chúng tôi cũng không dám đi con đường băng qua xóm cùng đồng ruộng để qua Khánh Vân nữa, vì có thể gặp những khó khăn khi gặp những người bên nầy hay bên kia hoặc là lọt vào giữa chiến trận thì sao? Do đó đường đi chúng tôi bây giờ lại phải chuyển hướng lần nữa khi mà lớp học chỉ còn khoảng hơn hai tháng. Không lẽ lên xin ở trọ, mà trong khi mấy bạn vẫn đi về, cho nên tôi vẫn đi theo mấy bạn đi về luôn. Đường đi bây giờ phải ra Bình Chuẩn, xuống Tân Ba rồi mới lên Tân Uyên, gần gắp đôi lúc trước. Nhưng nhờ đông vui nên đoạn đường không trở nên mệt nhọc cho lắm. Thời gian nầy, có kỷ niệm mà chúng tôi cũng hoảng hồn không biết sẽ bị phạt lúc nào không hay: Vốn là nhằm ngày chào cờ, thông thường trước khi hát bài “Quốc Ca” thì phải hát bài “Suy Tôn Ngô Tổng Thống”, trong bài có câu “bài phong kiến bốc lột” thì không biết bạn nào đó lại hát bậy là “bốc l..” khiến mấy bạn kế bên tức cười, và rồi cả đám không thể nhịn cười mà ca không được. Thầy Tổng Giám Thị Mã Sấm bắt ca lại, thì đến đoạn đó bạn ấy cũng hát y như vậy khiến cả nhóm lại cười nữa, không tài nào hát được. Thế là bị Thầy mắng cho một chập nữa, rồi buổi chào cờ đành dở dang, chỉ kéo cờ lên mà không hát nữa. Từ đó về sau việc chào cờ dành cho mấy lớp dưới. Lớp chúng tôi bị loại ra rồi. May mắn là không bị hình phạt nào khác! Mà mấy bạn cũng không dám chỉ ra người nào hát như vậy. Đúng là hú hồn! Thế rồi năm tháng cũng qua mau, ngày bãi trường nghỉ Hè cũng đến. Trường thông báo những ngày đến trường để biết tin tức hoặc những giấy tờ về Kỳ Thi Trung Học Đệ Nhất Cấp. Nơi thi của chúng tôi được biết là phải về Biên Hòa nhưng trường nào thì chưa biết. Sau đó không lâu, Trường cho biết ngày để chúng tôi đến để nhận Phiếu Báo Danh để biết chỗ thi của mình ở trường nào, ở đâu ở Biên Hòa và lịch trình của những ngày thi cùng thời gian. Trong những ngày cuối cùng không ai dự tính chụp hình chung của cả lớp, rồi đột nhiên có lời kêu gọi của bạn bè réo nhau để chụp chung làm kỷ niệm, cho nên tấm hình chung ấy còn thiếu khá nhiều, không đủ người! Rồi chuyện trò chia tay, mạnh ai nấy về lo học bài, trau luyện cho ngày đi thi để làm “Sĩ Tử”!

Đến ngày, Son, Huệ, tôi hẹn nhau cùng đi xe đạp đến trường sớm để nhận Số Báo Danh. Chỉ gặp vài người bạn tâm tình đôi chút, rồi cả ba đi luôn xuống Biên Hòa để xem nơi trường nào mà mình dự thí. May mắn là chúng tôi cùng thi tại một trường, chứ không phải khác, thành ra chuyện đi kiếm trường còn tập trung chứ không phải kiếm từng trường. Trường thi là tại Trường Tiểu Học Nguyễn Du. Trường nầy nằm trên đường chính, tại cái bùng binh lớn trên đường vô chợ Biên Hòa và đường đi thẳng lên Trường Trung Học Ngô Quyền. Khi kiếm được chỗ thi của mình xong, chúng tôi ra bờ sông ăn uống, nghỉ ngơi vào giấc trưa để sau đó đi xe đạp về. Nhưng rồi Huệ nói có ông anh ở gần đây, mới kêu tôi và Son đến đó chơi, sẵn hỏi luôn để những ngày thi xuống ở trọ vài ngày. Ông anh họ của Huệ vui lòng cho chúng tôi ở trọ, chỉ cần đem gạo và ít tiền phụ tiền mắm trong mấy ngày đó thôi. Anh chị sẵn sàng giúp cho. Như vậy, là chúng tôi được may mắn thêm một lần nữa! An lòng mọi chuyện, cả ba không tính về thẳng trên nhà mà lại cưỡi xe đánh môt vòng qua Thủ Đức chơi cho biết. Nhưng rồi đường đi Dĩ An, xong tới Thủ Đức xa quá, nhưng lở rồi đành phải đi tiếp. Đạp xe về Ngã Ba Bình Triệu, lại về đồng Chó Ngáp, Hiệp Bình Xã, Lái Thiêu rồi tới Búng mới rẽ về Tân Khánh. Về đến nhà mệt đứ đừ!

 

Nguyên Thảo,

16/07/2023.



Sunday, July 2, 2023

*Một Kho Tàng Văn Nghệ Vĩ Đại!

 

Đọc tựa đề Quý Vị có lẽ ngạc nhiên không cùng, khi tôi viết tựa đề như thế. Nhưng đây không phải là của nước nào khác, mà là của nước ta đó! Bạn không tin tôi ư? Bạn hoài nghi! Bạn cho tôi là người “nổ” cố hữu của những người mình thích nổ chăng? Ừ! Thôi thì cũng được, nhưng mời bạn đi vào những ý kiến của tôi về vấn đề ấy. Bạn đã biết hơn 16 tháng nay, nhìn vào tình hình trên thế giới có khá nhiều bất ổn, nhất là từ ngày 24 tháng 4 năm 2022, sau khi Nga đột ngột nửa đêm đưa quân đánh úp và dự trù thôn tính xứ Ukraina trong chớp mắt, hay vài ngày hoặc trong thời gian ngắn. Nhưng mưu lớn bất thành khiến thiên hạ mấy xứ Âu Châu giật mình tỉnh thức, rồi nhốn nháo cả lên để phải yểm trợ về vũ khí, huấn luyện cho người Ukraina để chống lại quân Nga. Nhưng tội nghiệp cho người dân Ukraina phải bỏ xứ ra đi mà lánh nạn khắp các nước khác, những người còn ở lại phải nhìn những cảnh tàn phá khi Nga tấn công vào các chung cư, tòa nhà, bệnh viện, trường học, những cơ sở điện nước làm cho dân Ukraina khốn khó mọi bề, nhất là thời tiết vào mùa Đông. Thế nhưng lại càng tội hơn khi quân Ukraina được các nước trang bị vũ khí nhưng chỉ được để chống lại quân thù trong phạm vi nước của mình, chứ không được tấn công sang lãnh thổ của đối phương. Đúng là võ sĩ bị trói tay để địch thủ tha hồ đấm đá, quăng ném từ xa mà mình chỉ được quyền chống đỡ không thôi thì chẳng có sự tức tưởi nào hơn! Đã vậy, đối phương còn “điếm đàng” hơn nữa là tìm cách sáp nhập lãnh thổ chiếm được vào lãnh thổ của mình, rồi hăm he dùng đến những vũ khí nặng ký để bảo vệ cho việc làm đó, chứng tỏ tham vọng chiếm đất dần từng bước trong chiến lược chiến tranh. Đúng là “lý lẽ của kẻ mạnh”, vậy thì những nước nhỏ từ nay sẽ làm sao đây? Có lẽ bài học ấy là bài học quý giá cho các nước nhỏ suy ngẫm về thân phận của mình! Nhất là những nước có vị trí kế bên nước lớn và hùng mạnh!

Nhìn vào chuyện người, ta lại nhìn về chuyện của ta. Ukraina chỉ chưa tới một năm rưởi chiến tranh mà bị tàn phá khủng khiếp như vậy, thế mà đất nước Việt Nam nhỏ bé của mình lại trải đến mấy mươi năm. Nếu tính từ năm 1945 đến năm 1975 thì cũng là ngót nghét cả 30 năm. Trong 30 năm đó đã biết bao nhiêu người ngã xuống, bao nhiêu gia đình tan nát, bao nhiêu người thương tật, và biết bao nhiêu tài sản phải bị tiêu tan, quê hương đầy tàn phá. Chắc chưa ai làm lại một công việc kiểm kê để thấy rằng thiệt hại đã đến mức độ nào ở cả hai Miền Nam Bắc, chỉ vì mấy chữ: Độc Lập, Tự Do và Thống Nhất. Vì Độc Lập toàn dân tộc dấn thân vào cuộc kháng chiến chống Pháp ròng rã 9 năm. Vì Tự Do, Thống Nhất làm một cuộc nội chiến 20 năm. Hai mươi năm dài đăng đẵng, làm thân phận con người của những thanh niên không còn tuổi trẻ mơ mộng, để sống cho xứng đáng với tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất của đời người. Nhiều con người chết sớm chưa kịp gây dựng tài năng cống hiến cho gia đình, Tổ Quốc. Có ai đã kết toán được thành quả của 30 năm ấy chưa nhỉ?

Tất nhiên trong hoàn cảnh chiến tranh, nhiều người sẽ có cái nhìn khác nhau. Không biết người Ukraina có diễn tả tâm trạng của mình qua từng trang sách vở, thi ca hay âm nhạc hoặc nghệ thuật nào đó không? Chứ đối với cuộc chiến tranh lâu dài của Việt Nam người dân trở nên chán chường, họ hiểu thân phận của mình, họ hiểu cuộc sống “không chừng không đổi”, “sống nay chết mai” hay chỉ trong vài giờ phút sau đã lìa đời, chưa kịp trối trăn. Cho nên nam thanh niên gần như trưởng thành về suy tư trước tuổi, hoặc học đòi theo kiểu thanh niên Âu châu sau Thế chiến thứ hai, sống vội vã để rồi phải đi vào “lính chiến” tham dự một cuộc chiến tranh tương tàn vì “Chủ Nghĩa Thế Giới”. Ôi trong hoàn cảnh ấy, người ta cần diễn tả các tâm sự, tâm trạng não nề, hay hứng khởi về cho cuộc chiến để khích động tinh thần người ta tiến lên để giành lấy chiến thắng theo cùng các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ đấu tranh. Dĩ nhiên là có những hoàn cảnh “bi hùng” mà nhiều người thích thì những bài ấy được truyền tụng trong dân gian, vượt lên để làm nên lịch sử như các bài thơ “Màu Tím Hoa Sim” của Hữu Loan; “Đôi Mắt người Sơn Tây” của Quang Dũng, “Nhà Tôi” của Yên Thao chẳng hạn. Cảm xúc muôn chiều của nhiều con người trong cuộc chiến được diễn tả qua “sự bi thương”, nhưng trong đó cũng có cái “hùng tráng” của nó. Điều ấy được thể hiện qua nhiều tác giả chứ không riêng gì các nhà thơ ấy, mà trong giới nhạc sĩ thì thật là nhiều kể cả ngoài Bắc lẫn trong Nam, dù khuynh hướng đường lối văn nghệ có chiều khác nhau. Nhưng dù gì sau ba mươi năm chiến tranh, trong một cuộc chiến dài như thế đấy và với một dân tộc thích nhạc, thơ thì không thể không có nhiều bài thơ, nhạc hoặc văn phẩm kể cả tư tưởng, tài liệu và triết học nào mà thiếu đề cập tới. Nếu tất cả gom góp lại ở cả hai miền Nam, Bắc thì có thể là cả một gia tài đồ sộ mà không một nước nào trên thế giới có thể có được sưu tập về “văn nghệ chiến tranh” vĩ đại như ở nước ta. Đó là chưa kể đến những kinh nghiệm của một quốc gia có “sự nô lệ cả ngàn năm” với phương Bắc, cả trăm năm với phương Tây, thế mà bây giờ người ta lại nở đành bỏ quên hay ngăn cấm! Thật là tiếc quá phải không Quý Vị?

 

Đồ Ngông,

28/06/2022.