Sunday, July 2, 2023

*Một Kho Tàng Văn Nghệ Vĩ Đại!

 

Đọc tựa đề Quý Vị có lẽ ngạc nhiên không cùng, khi tôi viết tựa đề như thế. Nhưng đây không phải là của nước nào khác, mà là của nước ta đó! Bạn không tin tôi ư? Bạn hoài nghi! Bạn cho tôi là người “nổ” cố hữu của những người mình thích nổ chăng? Ừ! Thôi thì cũng được, nhưng mời bạn đi vào những ý kiến của tôi về vấn đề ấy. Bạn đã biết hơn 16 tháng nay, nhìn vào tình hình trên thế giới có khá nhiều bất ổn, nhất là từ ngày 24 tháng 4 năm 2022, sau khi Nga đột ngột nửa đêm đưa quân đánh úp và dự trù thôn tính xứ Ukraina trong chớp mắt, hay vài ngày hoặc trong thời gian ngắn. Nhưng mưu lớn bất thành khiến thiên hạ mấy xứ Âu Châu giật mình tỉnh thức, rồi nhốn nháo cả lên để phải yểm trợ về vũ khí, huấn luyện cho người Ukraina để chống lại quân Nga. Nhưng tội nghiệp cho người dân Ukraina phải bỏ xứ ra đi mà lánh nạn khắp các nước khác, những người còn ở lại phải nhìn những cảnh tàn phá khi Nga tấn công vào các chung cư, tòa nhà, bệnh viện, trường học, những cơ sở điện nước làm cho dân Ukraina khốn khó mọi bề, nhất là thời tiết vào mùa Đông. Thế nhưng lại càng tội hơn khi quân Ukraina được các nước trang bị vũ khí nhưng chỉ được để chống lại quân thù trong phạm vi nước của mình, chứ không được tấn công sang lãnh thổ của đối phương. Đúng là võ sĩ bị trói tay để địch thủ tha hồ đấm đá, quăng ném từ xa mà mình chỉ được quyền chống đỡ không thôi thì chẳng có sự tức tưởi nào hơn! Đã vậy, đối phương còn “điếm đàng” hơn nữa là tìm cách sáp nhập lãnh thổ chiếm được vào lãnh thổ của mình, rồi hăm he dùng đến những vũ khí nặng ký để bảo vệ cho việc làm đó, chứng tỏ tham vọng chiếm đất dần từng bước trong chiến lược chiến tranh. Đúng là “lý lẽ của kẻ mạnh”, vậy thì những nước nhỏ từ nay sẽ làm sao đây? Có lẽ bài học ấy là bài học quý giá cho các nước nhỏ suy ngẫm về thân phận của mình! Nhất là những nước có vị trí kế bên nước lớn và hùng mạnh!

Nhìn vào chuyện người, ta lại nhìn về chuyện của ta. Ukraina chỉ chưa tới một năm rưởi chiến tranh mà bị tàn phá khủng khiếp như vậy, thế mà đất nước Việt Nam nhỏ bé của mình lại trải đến mấy mươi năm. Nếu tính từ năm 1945 đến năm 1975 thì cũng là ngót nghét cả 30 năm. Trong 30 năm đó đã biết bao nhiêu người ngã xuống, bao nhiêu gia đình tan nát, bao nhiêu người thương tật, và biết bao nhiêu tài sản phải bị tiêu tan, quê hương đầy tàn phá. Chắc chưa ai làm lại một công việc kiểm kê để thấy rằng thiệt hại đã đến mức độ nào ở cả hai Miền Nam Bắc, chỉ vì mấy chữ: Độc Lập, Tự Do và Thống Nhất. Vì Độc Lập toàn dân tộc dấn thân vào cuộc kháng chiến chống Pháp ròng rã 9 năm. Vì Tự Do, Thống Nhất làm một cuộc nội chiến 20 năm. Hai mươi năm dài đăng đẵng, làm thân phận con người của những thanh niên không còn tuổi trẻ mơ mộng, để sống cho xứng đáng với tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất của đời người. Nhiều con người chết sớm chưa kịp gây dựng tài năng cống hiến cho gia đình, Tổ Quốc. Có ai đã kết toán được thành quả của 30 năm ấy chưa nhỉ?

Tất nhiên trong hoàn cảnh chiến tranh, nhiều người sẽ có cái nhìn khác nhau. Không biết người Ukraina có diễn tả tâm trạng của mình qua từng trang sách vở, thi ca hay âm nhạc hoặc nghệ thuật nào đó không? Chứ đối với cuộc chiến tranh lâu dài của Việt Nam người dân trở nên chán chường, họ hiểu thân phận của mình, họ hiểu cuộc sống “không chừng không đổi”, “sống nay chết mai” hay chỉ trong vài giờ phút sau đã lìa đời, chưa kịp trối trăn. Cho nên nam thanh niên gần như trưởng thành về suy tư trước tuổi, hoặc học đòi theo kiểu thanh niên Âu châu sau Thế chiến thứ hai, sống vội vã để rồi phải đi vào “lính chiến” tham dự một cuộc chiến tranh tương tàn vì “Chủ Nghĩa Thế Giới”. Ôi trong hoàn cảnh ấy, người ta cần diễn tả các tâm sự, tâm trạng não nề, hay hứng khởi về cho cuộc chiến để khích động tinh thần người ta tiến lên để giành lấy chiến thắng theo cùng các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ đấu tranh. Dĩ nhiên là có những hoàn cảnh “bi hùng” mà nhiều người thích thì những bài ấy được truyền tụng trong dân gian, vượt lên để làm nên lịch sử như các bài thơ “Màu Tím Hoa Sim” của Hữu Loan; “Đôi Mắt người Sơn Tây” của Quang Dũng, “Nhà Tôi” của Yên Thao chẳng hạn. Cảm xúc muôn chiều của nhiều con người trong cuộc chiến được diễn tả qua “sự bi thương”, nhưng trong đó cũng có cái “hùng tráng” của nó. Điều ấy được thể hiện qua nhiều tác giả chứ không riêng gì các nhà thơ ấy, mà trong giới nhạc sĩ thì thật là nhiều kể cả ngoài Bắc lẫn trong Nam, dù khuynh hướng đường lối văn nghệ có chiều khác nhau. Nhưng dù gì sau ba mươi năm chiến tranh, trong một cuộc chiến dài như thế đấy và với một dân tộc thích nhạc, thơ thì không thể không có nhiều bài thơ, nhạc hoặc văn phẩm kể cả tư tưởng, tài liệu và triết học nào mà thiếu đề cập tới. Nếu tất cả gom góp lại ở cả hai miền Nam, Bắc thì có thể là cả một gia tài đồ sộ mà không một nước nào trên thế giới có thể có được sưu tập về “văn nghệ chiến tranh” vĩ đại như ở nước ta. Đó là chưa kể đến những kinh nghiệm của một quốc gia có “sự nô lệ cả ngàn năm” với phương Bắc, cả trăm năm với phương Tây, thế mà bây giờ người ta lại nở đành bỏ quên hay ngăn cấm! Thật là tiếc quá phải không Quý Vị?

 

Đồ Ngông,

28/06/2022.

 


No comments:

Post a Comment