Monday, August 21, 2023

*Rác!

 

Trong tục ngữ có câu: “Nhà sạch thì mát, bát sạch thì ngon”. Điều đó đúng hẳn thế. Khi nhà sạch thì chúng ta nghe thoải mái, cảm thấy mát mẻ hơn ngoài cái mát mẻ của vật lý. Cũng vậy bát sạch cho ta cái cảm giác tươi mát, không vướng bận, khó chịu, thức ăn dường như ngon hơn, dù món ăn không thay đổi. Ông bà ta ngày xưa đã thu gọn lại cái nhận xét, quan niệm ấy để lưu truyền lại cho ngày sau. Có một ngày nọ trên đường lên Tây Nguyên, anh bạn dẫn đường ghé vào một tiệm ăn mà anh quảng cáo là tiệm bánh canh nầy ngon lắm. Xe dừng lại, đoàn người xuống tại một quán bánh canh vào buổi chiều hơi tối, bên kia nhà thờ các giáo dân đông người dần kéo vào bên trong để tham dự buổi lễ ban chiều, đèn sáng lên cùng mặt trời vừa lặn, những tia sáng ửng lên tạo thành một quang cảnh khá đẹp và nên thơ, thú vị. Tuy nhiên vừa bước vào quán chúng tôi vội sững sờ, ngon đâu chưa thấy mà thấy dưới đất toàn là giấy tissue lênh láng từ ngoài đường đi cho đến các gầm bàn làm tầm mắt của mình phải bị vương vương làm sao ấy, khiến chúng tôi phải mĩm cười, nghĩ rằng: Ừ! Quán nầy có thể ngon đấy, bằng chứng là khách ăn khá đông nên người ta mới quăng giấy đầy trên đất như thế đó; nhưng nó thật sự được ngon hơn nếu quán được sạch sẽ không làm cho người ta có cảm tưởng ngồi trên đống rác để thưởng thức được cái món ngon. Điều nầy làm tôi nhớ đến một ngày nọ khi bước vào trong một quán nước ở trong Chợ Lớn kêu một ly cà phê để uống, nhưng dưới nền đất có nhiều đờm dãi, nước miếng mà khách đã khạc nhổ trong đó, thật là tởm đành phải cầm ly cà phê ấy bước ra ngoài mà uống vội vàng với hình ảnh các cái bẩn thỉu ấy in vào trong đầu óc của mình. Rồi một lần theo vợ chồng anh bạn ra Phú Quốc, đến bãi tắm biển và ăn trưa tại mấy quán bìa bờ, nhưng mùi rác rến bốc mùi lên tự dưới gầm làm cho chúng tôi cả thấy mất hứng thú mà thưỏng thức món ăn. Không biết các du khách khác như thế nào, nhất là các khách Tây, người ngoại quốc có cảm nghĩ gì không, chứ đối với chúng tôi thì bị giảm đi cái cảm hứng, thích thú về thức ăn nầy dù nó có ngon bao nhiêu đi nữa! Rồi cái cảnh chúng tôi mua ghẹ bên bờ bãi biển ở Long Hải mà dẫm phải những đống phân người đây đó. Ôi! Các điều ấy chẳng có thể thay đổi được hay sao?

Nhớ ngày xưa tôi có Ông Chú đi sang Singapore, khi về ông có kể lại rằng: Ở Singapore, người ta xả rác bị phạt nặng lắm, cứ một đầu lọc của thuốc hút xuống đất là có thể bị phạt một số tiền lớn, nên ai cũng phải lo giữ gìn, không dám xả rác, vì vậy mà ở Singapore rất sạch. Hình phạt đã khiến mọi người chăm chú đến túi tiền của mình, dần tạo sự ý thức công cộng và tới lúc nào đó trở thành một phản xạ tự nhiên, một thói quen tốt. Rồi một ngày nọ, trường học chúng tôi phát động vệ sinh chung, mỗi em phải có ý thức sạch sẽ về rác rến, nhờ thế mà trong thời gian dài, trường rất sạch, không hề có chuyện xả rác bừa bãi cho đến ngày tôi đi xa trường, không biết về sau đó thì trường như thế nào vì tôi không được chứng kiến. Có những chuyện được nghe kể nhất là những người có dịp sang Nhật, họ thán phục người Nhật là khu phố, đường sá thật sạch, không thấy rác mặc dù dọc theo các con đường ít khi thấy các thùng rác. Sau họ tìm hiểu thì người Nhật có đem theo các bọc nhỏ, nếu có rác họ bỏ vào đó, rồi mang về bỏ vào thùng rác ở nhà; đó là điều mà chỉ nghe kể lại nhưng trên thực tế ta thấy người Nhật có thói quen tốt, nhất là ở những cuộc thi đấu quốc tế ở những vận động trường có người Nhật tham dự. Họ đã dùng bao rác thu nhặt rác ở các vùng chung quanh chỗ họ ngồi trong khi các vị khách khác đứng dậy ra về không quan tâm đến rác. Có lẽ trường học, nền giáo dục của họ đã hướng dẫn học sinh Nhật bảo vệ môi trường quá tốt, tạo nên ý thức tốt đối với mọi người dân của họ ngay từ lúc bắt đầu ngồi trên ghế nhà trường. Đó là những tấm gương ta cần chú ý và học theo. Như vậy, trông người lại ngẫm đến ta là ta có thể tạo được cái ý thức bảo vệ mội trường như thế không? Tất nhiên là không có gì là không thể! Vậy ta sẽ có thể như thế nào?

Ở đây, chúng tôi chỉ bàn chuyện để chơi, chứ không có quyền hạn gì cả, vì quyền hạn, làm hay không là do những người lãnh đạo, có thẩm quyền điều hành đất nước, có nhiệm vụ đối với môi trường, có trách nhiệm giáo dục người công dân thực hiện các thái độ, hành động tốt và hay, có ích chung cho xã hội và Tổ Quốc. Nhưng dù gì thì cũng cần giáo dục cho thế hệ nhỏ trong tương lai có thói quen đó trước đã, chuyện đó không khó thực hiện khi chúng đã có nội quy của nhà trường và sự hướng dẫn, kiểm soát của đoàn thể mà chúng hiện diện trong đó. Còn đối với người trưởng thành trong xã hội đã có các phương tiện truyền thông từ báo chí, truyền hình, truyền thanh, kêu gọi từ các đoàn thể,…cùng nhau thực hiện một chỉ thị chung thì tất không thể không làm được. Trước là kêu gọi, giáo dục một thời gian đi trước mà không nói đến hình phạt, sau thì hình thức phạt nhẹ, càng ngày càng tăng tiến, dĩ nhiên dần người ta sẽ có ý thức ngay: Vì không ai muốn tốn tiền cho những hành động” ngu xuẫn” như thế đấy, chỉ vì “sơ ý” mà phải mất một số tiền lớn! Ở xứ người, người ta không ngăn cấm hút thuốc, uống rượu nhưng cứ tăng giá thuốc càng ngày càng cao, quảng cáo các bệnh sinh ra từ hút thuốc, khiến người ghiền thuốc phải bỏ hút từ từ. Và với sự tịch thu bằng lái sau án lịnh của tòa khiến người lái xe phải e dè khi uống rượu bia, từ đó tai nạn xe cộ cũng giảm nhiều, người chết vì xe cũng ít đi; hay những kẻ tàn phế làm khổ cho mình, tạo gia đình thêm gánh nặng được bớt dần. Đó là chuyện ở xứ người, còn ở ta thì sao? Nhất là chuyện rác rến chắc không khó để làm, nhưng chính yếu là “mình có muốn làm hay không” mà thôi!

 

Đồ Ngông,

22/08/2023.


*Những Khung Trời Kỷ Niệm! (20)


Xong ngày hôm đó là chúng tôi ở nhà phải học tới tấp lo cho kỳ thi săp đến. Những ngày học toán cùng nhau tập hợp tại nhà Tâm Lọt để cùng giải các đề toán trong sách cũng như giúp nhau ôn lại những phần đã học ở trường trong năm. Cái không khí thi ngập tràn những âu lo. Gần ngày thi thì lại càng nặng nề hơn, có khi phải thức suốt đêm để học bài, có đứa thì uống cà phê đắng, không đường, hay trà đậm để thức. Có đứa mua bí tộ về nấu ăn mà người ta nói là bổ óc. Rồi cũng có nhóm họp nhau lại đi ra gò mã nào đó “cầu cơ” xem trước coi mình thi “đậu hay rớt”. Nhưng chung quy là ráng học cho “tới đâu hay tới đó”. Tôi không dám kỳ vọng nhiều, vì những kỳ thi trước mình đã rớt mặc dù học trong lớp tương đối là khá, là hi vọng của Thầy Cô đặt vào mình; thế mà cuối cùng mình lại bị rớt như kỳ thi học bỗng hồi Lớp Ba, cũng như kỳ thi vào Đệ Thất ở Trường Trịnh Hoài Đức. Lần nầy tôi cẩn thận hơn nhiều, ráng căn dặn tự nhủ lấy mình.

Trước ngày thi một ngày, Huệ, Son và tôi cùng Chi đi xe đạp ra Tân Ba, qua Bến đò Trạm, tới Bữu Long rồi ra Biên Hòa hẹn gặp Lực, Thạch A ở cổng trường Nguyễn Du để xem lại địa điểm thi có thay đổi gì không, rồi cùng nhau về nhà anh của Huệ xin ở thêm 3 đứa nữa, thành ra tất cả là 6 tên. Sáng ngày thi đầu tiên cùng thức sớm, kéo nhau lội bộ từ nhà đến trường vì cũng không xa lắm. Bao nhiêu bí quyết học được cố dồn cho kỳ thi nầy từ chuyện hít hơi cho dài, ém lại rồi thở ra từ từ nhiều lần trước khi làm bài, cho đến câu nào dễ thì làm trước, câu khó làm sau; cho đến các trình bày bài thi cho sáng sủa, dễ nhìn để chiếm lấy thiện cảm của Giám Khảo khi họ chấm bài do mấy Thầy Cô kinh nghiệm chỉ dạy. Ngày đầu qua các môn Giảng, Luận Văn, Lý Hóa, Sử Địa tương đối không khó nên chúng tôi còn vui vẻ khi xong ngày thi. Đến ngày sau khi các môn buổi sáng xong thì đến trưa về nhà nghỉ ngơi để thi môn Toán vào buổi chiều. Chưa ăn cơm thì có một đứa nhỏ tới nhà đưa cái gì đó cho Huệ, hỏi ra thì đó là đề Toán và cách giải mà không biết là phải hay không. Chúng tôi quá ngạc nhiên cùng bàn tán rồi theo vết xem coi đứa nhỏ từ nhà nào tới, nhưng không tìm thấy, khi về tôi nhìn xuống đường có một miếng giấy nhỏ giống như giấy mà chúng tôi đã nhận được trước nhà nọ khá gần với nhà chúng tôi ở. Về nhà ăn cơm, nghỉ ngơi đôi chút rồi đến trường thi vào buổi chiều có môn Toán. Đề mà “nói lộ ra” không đúng rồi, nhưng dù gì chúng tôi cũng cám ơn người đưa tin. Môn Toán nầy đa số chúng tôi đều làm được. Sau cơm nước chiều xong, tôi, Huệ, Son, Thạch, Lực đến cám ơn người đưa tin ấy, thì ra đó là một chị gái đang học lớp Đệ Nhị cũng đang chuẩn bị cho kỳ thi Tú Tài I, chị cho biết là có người bạn nhận được đề như thế đó nên chị cho hay thế thôi, chứ không biết là có đúng hay không? Rồi mấy ngày thi cũng qua nhanh. Môn cuối cùng là môn “Nhiệm ý” tức là môn Nhạc và Vẽ, ai muốn thi môn nào thì tự chọn. Tôi chọn môn Vẽ. Đề tài là vẽ bàn tay nắm hoặc xòe. Cái bàn tay nầy khá vui, có đứa vẽ bàn tay giống như hình bàn tay của các Thầy bói, có đứa vẽ hình nắm tay một cục giống như đang thoi người ta, trông ngộ nghỉnh thật. Thế là cuộc thi quyết định nầy đã xong. Mọi thí sinh tan hàng trở về nhà, hồi hộp mà đợi trông! Bốn năm đèn sách mới có một lần! Trước khi đi về nhà chúng tôi có ghé qua nhà của chị đưa đề toán hôm trước thăm chị và chúc cho chị thành công trong kỳ thi cử sắp tới. Sau đó mấy tuần khi báo chí cho biết kỳ thi có kết quả, tôi, Son Huệ, hẹn nhau ngày giờ để đi xem kết quả. Với kết quả kỳ đó, chúng tôi kể cả Thạch A, Lực đều vượt qua được, chỉ có Chi là rớt, cũng là một điều buồn. Sau bốn năm lên học trên Tân Uyên từ con số hơn mười đứa, đoàn chúng tôi rốt cuộc chỉ còn lại 5 đứa vì mấy người kia đã rời nhà trường trước khi kết thúc bậc Trung Học Đệ Nhất Cấp và Chi là người sau cùng. Rồi Thạch A, Lực xin chuyển về Trịnh Hoài Đức vì Thạch A ở Búng và Lực đã chuyển về ở Bình Nhâm từ lúc Tân Hội, Tân Long có lịnh phải tản cư, không thể ở trong đó được vì tình trạng chiến tranh. Còn Huệ, Son xin về Trường Trung Học Công Lập An Mỹ; riêng tôi lưỡng ước, nhưng sau cùng do hoàn cảnh riêng của mình nên thôi xin về An Mỹ luôn vì sợ không đủ sức theo học ở Trưòng Trịnh Hoài Đức dù rất muốn, và là mơ ước trong nhiều năm trời. Còn tất cả những bạn bè khác trong lớp, ai đậu được bằng Trung Học đều chuyển về Trường Trung Học Công lập Ngô Quyền bên Biên Hòa.

 

3* Về Trường Trung Học Công Lập An Mỹ:

Trước khi ngày tựu trường khoảng chừng 2 tuần lễ, tôi cùng đi với Son, Huệ lên văn phòng trường Tân Uyên xin giấy chuyển trường. Trong thời gian nầy chỉ có người Văn phòng phụ trách, đồng thời có vài Thầy Cô phân công phụ giải quyết công việc trường chung với Ban Giám Hiệu, đồng thời lo chuẩn bị cho việc khai giảng niên học mới. Lần nầy có gặp Thầy Khánh, nhưng rồi không biết đến chừng nào mới gặp lại, Thầy trò chia tay bùi ngùi và những lời chúc sức khoẻ, sự thành công trong tương lai. Về đến nhà chúng tôi không vội vã để đi đến trường mới, nhưng cũng không hẹn đi chung với nhau vì mỗi đứa cần phụ giúp công việc nhà khá bận rộn trong thời gian nầy. Do vậy mà tôi hẹn với Tong, bạn gần nhà cũng là bà con cô cậu xa với tôi, ngày đi lên An Mỹ để nộp giấy giới thiệu và trình diện với trường cho niên học mới tôi về trường nầy học lớp Đệ Tam.

 

Nguyên Thảo,

22/08/2023.