Monday, August 21, 2023

*Rác!

 

Trong tục ngữ có câu: “Nhà sạch thì mát, bát sạch thì ngon”. Điều đó đúng hẳn thế. Khi nhà sạch thì chúng ta nghe thoải mái, cảm thấy mát mẻ hơn ngoài cái mát mẻ của vật lý. Cũng vậy bát sạch cho ta cái cảm giác tươi mát, không vướng bận, khó chịu, thức ăn dường như ngon hơn, dù món ăn không thay đổi. Ông bà ta ngày xưa đã thu gọn lại cái nhận xét, quan niệm ấy để lưu truyền lại cho ngày sau. Có một ngày nọ trên đường lên Tây Nguyên, anh bạn dẫn đường ghé vào một tiệm ăn mà anh quảng cáo là tiệm bánh canh nầy ngon lắm. Xe dừng lại, đoàn người xuống tại một quán bánh canh vào buổi chiều hơi tối, bên kia nhà thờ các giáo dân đông người dần kéo vào bên trong để tham dự buổi lễ ban chiều, đèn sáng lên cùng mặt trời vừa lặn, những tia sáng ửng lên tạo thành một quang cảnh khá đẹp và nên thơ, thú vị. Tuy nhiên vừa bước vào quán chúng tôi vội sững sờ, ngon đâu chưa thấy mà thấy dưới đất toàn là giấy tissue lênh láng từ ngoài đường đi cho đến các gầm bàn làm tầm mắt của mình phải bị vương vương làm sao ấy, khiến chúng tôi phải mĩm cười, nghĩ rằng: Ừ! Quán nầy có thể ngon đấy, bằng chứng là khách ăn khá đông nên người ta mới quăng giấy đầy trên đất như thế đó; nhưng nó thật sự được ngon hơn nếu quán được sạch sẽ không làm cho người ta có cảm tưởng ngồi trên đống rác để thưởng thức được cái món ngon. Điều nầy làm tôi nhớ đến một ngày nọ khi bước vào trong một quán nước ở trong Chợ Lớn kêu một ly cà phê để uống, nhưng dưới nền đất có nhiều đờm dãi, nước miếng mà khách đã khạc nhổ trong đó, thật là tởm đành phải cầm ly cà phê ấy bước ra ngoài mà uống vội vàng với hình ảnh các cái bẩn thỉu ấy in vào trong đầu óc của mình. Rồi một lần theo vợ chồng anh bạn ra Phú Quốc, đến bãi tắm biển và ăn trưa tại mấy quán bìa bờ, nhưng mùi rác rến bốc mùi lên tự dưới gầm làm cho chúng tôi cả thấy mất hứng thú mà thưỏng thức món ăn. Không biết các du khách khác như thế nào, nhất là các khách Tây, người ngoại quốc có cảm nghĩ gì không, chứ đối với chúng tôi thì bị giảm đi cái cảm hứng, thích thú về thức ăn nầy dù nó có ngon bao nhiêu đi nữa! Rồi cái cảnh chúng tôi mua ghẹ bên bờ bãi biển ở Long Hải mà dẫm phải những đống phân người đây đó. Ôi! Các điều ấy chẳng có thể thay đổi được hay sao?

Nhớ ngày xưa tôi có Ông Chú đi sang Singapore, khi về ông có kể lại rằng: Ở Singapore, người ta xả rác bị phạt nặng lắm, cứ một đầu lọc của thuốc hút xuống đất là có thể bị phạt một số tiền lớn, nên ai cũng phải lo giữ gìn, không dám xả rác, vì vậy mà ở Singapore rất sạch. Hình phạt đã khiến mọi người chăm chú đến túi tiền của mình, dần tạo sự ý thức công cộng và tới lúc nào đó trở thành một phản xạ tự nhiên, một thói quen tốt. Rồi một ngày nọ, trường học chúng tôi phát động vệ sinh chung, mỗi em phải có ý thức sạch sẽ về rác rến, nhờ thế mà trong thời gian dài, trường rất sạch, không hề có chuyện xả rác bừa bãi cho đến ngày tôi đi xa trường, không biết về sau đó thì trường như thế nào vì tôi không được chứng kiến. Có những chuyện được nghe kể nhất là những người có dịp sang Nhật, họ thán phục người Nhật là khu phố, đường sá thật sạch, không thấy rác mặc dù dọc theo các con đường ít khi thấy các thùng rác. Sau họ tìm hiểu thì người Nhật có đem theo các bọc nhỏ, nếu có rác họ bỏ vào đó, rồi mang về bỏ vào thùng rác ở nhà; đó là điều mà chỉ nghe kể lại nhưng trên thực tế ta thấy người Nhật có thói quen tốt, nhất là ở những cuộc thi đấu quốc tế ở những vận động trường có người Nhật tham dự. Họ đã dùng bao rác thu nhặt rác ở các vùng chung quanh chỗ họ ngồi trong khi các vị khách khác đứng dậy ra về không quan tâm đến rác. Có lẽ trường học, nền giáo dục của họ đã hướng dẫn học sinh Nhật bảo vệ môi trường quá tốt, tạo nên ý thức tốt đối với mọi người dân của họ ngay từ lúc bắt đầu ngồi trên ghế nhà trường. Đó là những tấm gương ta cần chú ý và học theo. Như vậy, trông người lại ngẫm đến ta là ta có thể tạo được cái ý thức bảo vệ mội trường như thế không? Tất nhiên là không có gì là không thể! Vậy ta sẽ có thể như thế nào?

Ở đây, chúng tôi chỉ bàn chuyện để chơi, chứ không có quyền hạn gì cả, vì quyền hạn, làm hay không là do những người lãnh đạo, có thẩm quyền điều hành đất nước, có nhiệm vụ đối với môi trường, có trách nhiệm giáo dục người công dân thực hiện các thái độ, hành động tốt và hay, có ích chung cho xã hội và Tổ Quốc. Nhưng dù gì thì cũng cần giáo dục cho thế hệ nhỏ trong tương lai có thói quen đó trước đã, chuyện đó không khó thực hiện khi chúng đã có nội quy của nhà trường và sự hướng dẫn, kiểm soát của đoàn thể mà chúng hiện diện trong đó. Còn đối với người trưởng thành trong xã hội đã có các phương tiện truyền thông từ báo chí, truyền hình, truyền thanh, kêu gọi từ các đoàn thể,…cùng nhau thực hiện một chỉ thị chung thì tất không thể không làm được. Trước là kêu gọi, giáo dục một thời gian đi trước mà không nói đến hình phạt, sau thì hình thức phạt nhẹ, càng ngày càng tăng tiến, dĩ nhiên dần người ta sẽ có ý thức ngay: Vì không ai muốn tốn tiền cho những hành động” ngu xuẫn” như thế đấy, chỉ vì “sơ ý” mà phải mất một số tiền lớn! Ở xứ người, người ta không ngăn cấm hút thuốc, uống rượu nhưng cứ tăng giá thuốc càng ngày càng cao, quảng cáo các bệnh sinh ra từ hút thuốc, khiến người ghiền thuốc phải bỏ hút từ từ. Và với sự tịch thu bằng lái sau án lịnh của tòa khiến người lái xe phải e dè khi uống rượu bia, từ đó tai nạn xe cộ cũng giảm nhiều, người chết vì xe cũng ít đi; hay những kẻ tàn phế làm khổ cho mình, tạo gia đình thêm gánh nặng được bớt dần. Đó là chuyện ở xứ người, còn ở ta thì sao? Nhất là chuyện rác rến chắc không khó để làm, nhưng chính yếu là “mình có muốn làm hay không” mà thôi!

 

Đồ Ngông,

22/08/2023.


No comments:

Post a Comment