Friday, September 22, 2023

*Những Khung Trời Kỷ Niệm! (21)

 

Trước ngày nhập học một tuần tôi cùng Tong lên trường An Mỹ bằng đi ngõ Vĩnh Trường, tức là đi ngang qua nhà ngoại ở xóm dưới, lên Vĩnh Trường trên rồi đi thẳng qua bên An Mỹ mà không theo đường sân bay. Vì đêm hôm mưa nhiều nên đường tương đối lầy lội, nhưng đi xe đạp thì không trở ngại cho lắm; tuy nhiên đến xóm trên thì nước đổ từ Gò Bèo xuống nhiều quá nên ngoài đường chính không thể đi được, cho nên có đoạn chúng tôi phải mượn đường bờ ruộng để đi do nó khô ráo. Qua đoạn bờ đó thì đến đoạn đường ngập nước mình phải cưỡi xe băng qua. Vì không biết rành đường nầy như thế nào nên tôi cứ nhắm chừng để băng qua, không ngờ lọt phải vào cái miệng cống, xe đạp nhủi đầu, quần áo đều ướt, may là giấy tờ không bị thấm nước. Tong chạy qua bờ ruộng cao bên kia chờ tôi. Do quần áo ướt nên tôi phải dựng xe lại, cổi áo quần ra vắt nước cho tương đối ráo đi, rồi mặc vào. Trong lúc đó, có tiếng ai gọi tôi và nói lớn lên: “Ê Thạch, quần áo mầy ướt rồi có cần tao cho mượn quần áo khô để bận không?”. Vì hơi xa, tôi nhìn không rõ mà cũng chẳng biết là ai đã gọi; ở xóm trên nầy ít có người nào biết tôi lắm, mặc dù cái cống nhỏ ấy là trước cửa ngõ nhà Cậu Ba Ngô. Tôi vội trả lời là “Được rồi, không sao, không ướt lắm đâu, tao bận được mà”! Người hỏi hỏi lại một lần nữa. Tôi xác định là được và hỏi nó: “Đi đâu vậy?”, “Tao đi về nhà cũ, thôi tao đi nhe”! Thế rồi người đó cưỡi xe đạp đi! Tôi ngạc nhiên, hỏi Tong: “Ai hỏi tao vậy Tong?”. Tong nói: “Thằng To đó”. “Ủa nhà nó ở đây hả”. “Ở trong vuông tre, chỗ mầy té đó”! Thế là tôi mới hiểu To ở trong vuông tre nhà Cậu Ba Ngô. Nói đến Thằng To, thực ra tôi không biết nó nhiều lắm, chỉ gặp nó vài lần lúc còn trường Thầy Khai, nhất là khi Thầy Khai dời Trường về trong Chùa Cao Đài và dạy ở đó. To có một thành tích đáng thán phục, nghe nói trước khi đến trường Thầy Khai không biết nó học với ai, nhưng nó thông minh lắm, học không bao lâu thì đã nhảy tọt lên học lớp Nhì hay lớp Nhứt gì đó mà tụi bạn thường nói nó là con nuôi của Thầy Khai, nó học thật giỏi. Tôi chỉ biết về nó bao nhiêu đó thôi. Nay không ngờ lại gặp nó ở đây mà nó còn nhớ tôi, quả là trí nhớ tốt quá, hèn chi nó học nhảy lớp khá nhiều. Nhưng từ khi rời trường Thầy Khai, nó chạy ra ngoài Búng học ở Trường Cộng Đồng Dẫn Đạo, có lẽ nó đậu dự khuyết nên được về học ở Trường An Mỹ, chi nhánh của Trường Trịnh Hoài Đức lúc ban đầu. Tôi và Tong tiếp tục đến Trường An Mỹ. Đến nơi vì quần áo hãy còn ướt, cho nên tôi không đi vào văn phòng ngay, mà dạo vòng quanh coi xem thế nào. Sau bốn năm tôi trở lại, những cây điệp Tây bây giờ lớn quá, tàng rộng đầy bóng mát, những bụi cây bông mà ngưòi ta nói là Immortel nở to hơn. Dọc hai hàng điệp Tây đường vô Trường có thêm mấy băng xi măng đúc để ngồi chơi trong bóng râm của cây thật là thơ mộng. Trường là một khu dài, ngay chính giữa là Khu Văn Phòng, mái nhô cao lên để rồi hai bên là những dãy lớp học đối xứng nhau qua đó. Trường được xây dựng do công trình của Ông Luật Sư Dân Biểu Trần Văn Trai vận động và xin phép. Không biết có sự đóng góp nào của dân chúng và Chính phủ không, nhưng đó là công sức của Ông muốn cho quê hương An Mỹ của Ông được rỡ ràng theo sự thành công của Ông trên đường học vấn cũng như quan trường lẫn làm ăn. Hôm nay trở về đây tôi mới biết rõ là Trường Trung Học Tư Thục An Mỹ của Ông không biến thành Trường Công Lập như trước kia tôi đã nghe nói, mà bây giờ nó được xây dựng bên trong cái sân banh gần khu Trường nầy. Còn dãy cơ sở dài nầy, chính giữa là Khu Văn Phòng, về phía bên kia là của Trường Tiểu Học, và phía bên nây dành cho Trường Trung Học Công Lập An Mỹ, mà thời gian đầu Trường quả thực là Chi nhánh của Trường Trung Học Công Lập Trịnh Hoài Đức gồm số học sinh đậu dự khuyết đưa về đây, mà lúc đó tôi nghe nói là Cô Oanh làm Giám Thị, kiêm dạy luôn môn Nữ Công Gia Chánh. Sau khi trình diện, ghi tên cho lớp Đệ Tam của trường trong năm học mới xong, thì Tong cũng làm xong công việc của nó, chúng tôi đi về Tân Khánh bằng băng dọc theo sân bay về ngã Bình Hòa mà tôi đã từng đi vào bốn năm trước.

Vào ngày tựu trường, tôi, Huệ, Son đi cùng số bạn bè lên An Mỹ qua con đường băng dọc sân bay. Đường nầy có xa hơn đôi chút, nhưng nó sạch sẽ, không lầy lội hay có nhiều vũng nước đục ngầu, hoặc đôi lúc có nhiều gai tre làm lủng bánh xe như đường qua Vĩnh Trường. Trong ngày khai giảng nầy tôi gặp lại nhiều người bạn cũ hoặc cùng xóm như To, Lễ, chị Hồng con ông Năm Thính trên xóm chợ; người bà con trang lứa với tôi là Trương Văn Lập mà vai thứ tôi phải gọi bằng Bác; hoặc Chị Mới, chị Khởi cùng học ở Lớp Nhứt ở trường Tân Phước Khánh với chúng tôi mà hình như hai chị đã đậu Dự khuyết vào kỳ thi lên lớp Đệ Thất ở Trường Trung Học Công Lập Trịnh Hoài Đức vào những năm trước mà có cả Đức nữa. Sĩ số học sinh khá đông, vào khoảng hơn sáu mươi. Trong ngày đầu lớp được ông Hiệu Trưởng tâm tình đôi lời rồi được Giám Thị là Thầy Trần Văn Xuân cho chép Thời Khóa Biểu, cái lịch trình các môn học các ngày của Trường; cùng nói qua về những nguyên tắc, nội qui sinh hoạt và kỹ luật của trường. Sau đó được cho về sớm và chuẩn bị ngày mai bắt đầu một năm học mới.

Đúng ra đến lớp Đệ Tam nầy là chúng tôi được chọn Ban để theo học, nhưng vì sĩ số lớp không đủ cho hai lớp: Ban B hay là Ban Khoa Học Tự Nhiên cho lớp học chuyên về Toán lấy môn Toán làm môn chính, họ học môn Toán cao hơn; và Ban A hay còn gọi là Ban Khoa Học Thực nghiệm lấy môn Vạn Vật là môn chính, tức là học nhiều và kỹ hơn tức nhiều chi tiết hơn. Còn một Ban nữa tức là Ban C, hay gọi là Ban Văn Chương có các môn thuộc về Văn Chương và Sinh Ngữ là những môn chính gồm có Anh và Pháp Văn; nhưng ở đây nhất là những học sinh ở Tỉnh lẽ hoặc trong quê như chúng tôi không mấy ai học ở Ban C vì không đủ trình độ Sinh Ngữ để theo học. Và cũng chỉ vì có một lớp Đệ Tam nên giờ Sinh Ngữ lớp sẽ chia làm hai lớp riêng nữa, nhóm nào học Pháp Văn thì sẽ ra học riêng và nhóm học Anh Văn thành lớp riêng. Vào năm học nầy lớp học thêm được một Sinh Ngữ nữa, như vậy là học sinh nào trước học Sinh Ngữ chính là Pháp Văn thì bây giờ học thêm Tiếng Anh; và những ai trước học Tiếng Anh thì nay học thêm Pháp Văn, mặc dù ít giờ gọi là Sinh Ngữ hai, môn Sinh Ngữ chính được gọi là Sinh Ngữ 1. Hiệu Trưởng Trường là Thầy Bùi Ngọc Ấn Thầy thường đến trường bằng chiếc xe du lịch hiệu Volswagen màu xanh trắng nhạt, rất hiền, không biết vì sao Thầy có tật một chân nên tướng đi không đều, một bên cao bên thấp. Và người dạy môn Văn chúng tôi là Thầy Lã Huy Quý, nghe nói Thầy là người từ Miền Bắc đã vượt tuyến vào Nam sau năm 1954. Và rồi một ngày nào đó không lâu, tôi lại được đọc trong quyển Tạp chí có kể lại chuyến vượt ranh giới của Thầy, đại khái Thầy là một sinh viên của Trường Đại Học nào đó ở miền Bắc, trong chuyến đi thăm viếng ở bờ sông Bến Hải, nhân vào lúc mọi người trong đoàn không chú ý Thầy đã phóng xuống sông và bơi về bờ phía Nam. Thầy thoát khỏi miền Bắc và bây giờ Thầy đang hướng dẫn chúng tôi về môn Giảng Văn. Pháp Văn là cô giáo có xuất thân từ Trường Tây Marie Curie ở Sài Gòn. Toán là Thầy Phấn. Anh Văn là Thầy Trần Văn Ngà ở ngoài Bình Dương. Vạn Vật do Thầy La Cao Trí, sinh viên Trường Dược ở Sài Gòn xin dạy giờ ở đây.

 

Nguyên Thảo,

23/09/2023.


No comments:

Post a Comment