Thông thường đường
đi học là đường đi Bình Dương qua Bình Hòa, lên Vườn Bà Đôn đến sân bay thì thả
dọc theo sân bay; Đến cuối ra một khoảng đường mòn nữa lại nhập vào đường từ Vĩnh
Trường sang An Mỹ, nương theo đó mà chúng tôi tới Trường. Vì có nhiều lớp từ Trường
Tư Thục của ông Trai đến Trường Công Lập nên trước giờ học bọn học trò lũ lượt
nhau từng nhóm vang rân trên đường đi thật là vui vẻ. Nếu có trường hợp xe nào
bị hư hay có vấn đề gì thì chúng tôi có thể chở cho nhau, và xe đạp do bạn khác
vừa lái xe của mình một tay, và tay kia dắt xe dùm cho bạn, nên cũng ổn. Tôi thì
rất muốn theo học Ban B, tức là Ban Toán, nhưng do vì hoàn cảnh eo hẹp trong năm
nầy nên đành phải theo học Ban A, là Ban Khoa Học Thực Nghiệm hay nôm na là Ban
Vạn Vật. Với trí nhớ không tốt của mình, dù biết học Ban A tôi sẽ có rất nhiều
vất vả, nhưng không thể làm khác hơn. Son, To và tôi thì học bên Ban A. Huệ học
Ban B. Còn anh Chi học với chúng tôi bên Tân Uyên, từ khi anh bị rớt trong kỳ
thi Trung Học thì bây giờ anh không học tiếp nữa mà ở nhà làm nghề nông.
An Mỹ nầy trồng
nhiều tầm vông và tre, có nơi chuyên tầm vông hơn là tre cho nên có một lần tôi
nghe hai đứa bạn ghẹo nhau: Đứa học Trường Trịnh Hoài Đức ghẹo đứa An Mỹ là học
“ở trường Rừng”; Nhưng đứa học Trường An Mỹ cũng không vừa đối lại đứa học Trường
Trịnh Hoài Đức là “mầy học ở Trường Ruộng”. Nghe xong tôi ngẫm nghĩ: “Mà đúng thiệt!”.
Ở Bình Dương có hai Trường Trung Học Công lập, một là Trường Trịnh Hoài Đức không
nằm ở phạm vi Tỉnh mà lại nằm ở Búng, bên Quốc lộ 13 cạnh Trường Tiểu Học Cộng Đồng
Dẫn Đạo Búng, có đồng ruộng chung quanh. Còn Trường Trung Học Công Lập An Mỹ thì
nằm trong xã An Mỹ nơi có nhiều rừng tầm vông. Qua cuộc đối thoại đùa vui ấy cũng
khiến cho tôi có nhiều thắc mắc để truy tìm về nguồn gốc của nó. Đối với Trường
An Mỹ thì tôi có thể tìm được câu giải đáp: Vì sự mong muốn đem lại vinh hạnh,
trù phú cho địa phương mà Luật Sư Trần Văn Trai đã bỏ công sức, tiền của để yểm
trợ cho xã Ông được những điều mà tôi được biết: Thứ nhứt là cơ sở vật chất, một
ngôi Trường Tiểu Học khang trang đẹp đẽ của An Mỹ, hai là thành hình cho một Trường
Trung Học Tư Thục; ba là gầy dựng Chi Nhánh Trường Trung Học Trịnh Hoài Đức ở An
Mỹ trong giai đoạn đầu, mà hiện nay trở thành Trường Trung Học Công lập mà chúng
tôi đang theo học; và lớp Đệ Tam nầy là lớp đầu đàn, mặc dù bên Trường Tư của Ông
đã có lớp Đệ Nhị khoảng một năm trước. Trong khi đó ở ngoài Tỉnh lỵ Bình Dương có
nhiều trường Trung Học Tư Thục từ rất lâu như Trường Văn An, Nguyễn Trải, trước
đó có Trường Trí Đức và sau có thêm Trường Nghĩa Phương. Ngoài công lao mở mang
trường học vừa giúp cho xã, Ông mà còn giúp cho học trò của nhiều địa phương
chung quanh, ngay cả những địa phương xa xôi như Bến Cỏ (Phú Hòa Đông), Bưng Cầu,
Bến Thế hay Vĩnh Tân. Ông còn làm con đường rộng rãi, khang trang từ ngã ba đuờng
Bình Dương đi Phú Chánh vô đến trường mà hai bên trồng hai hàng cây sao rất đẹp,
rồi tới cái dự án cất ngôi đình An Mỹ trên nền đất rất cao, nhưng chưa biết chừng
nào mới cất. Rồi thêm một cái đập để ngăn nước mà người dân thường gọi là “Đập ông
Trai”, nghe nói đập ấy nhưng tôi chưa hề tới đó bao giờ! Lạ một điều, Ông Trai làm
nhiều việc như thế đó, mà gian nhà cũ của Ông, phía bên trong đối diện với trường
học, vẫn không thay đổi hay cất mới vì có một lần tôi theo anh Hừng, cháu Ông vào
trong đó giúp lấy một chút ít đồ! Từ đó, tôi cũng nghiệm ra: “Tại sao Trường Trịnh
Hoài Đức không nằm ở trong phạm vi Tỉnh lỵ mà lại nằm ở Búng?”, không lẽ: “Những
người đồng sáng lập” muốn Thầy Trương Văn Di tiện việc cai quản, chăm sóc và làm
kiêm chức Hiệu Trưởng Trường Trung Học Công Lập Trịnh Hoài Đức, trong khi Thầy đang
là Hiệu Trưởng của Trường Tiểu Học Cộng Đồng Dẫn Đạo Búng”? Cũng có thể lắm chứ!
Đó là điều mà tôi suy nghĩ để lý giải: Vì sao một Trường Trung Học Công Lập độc
nhất của Tỉnh Bình Dương thuở ấy mà không nằm trong vị trí của Tỉnh lỵ vào lúc
bấy giờ? Kể như vậy, chắc Quý độc giả thấy công lao của Luật sư Trần Văn Trai đã
làm được những gì có ích cho chính xã An Mỹ của Ông, đồng thời giúp rất nhiều
cho những học sinh ở các vùng chung quanh và phụ cận, nhất là thêm số học trò
nghèo được học ở trường công càng ngày càng thêm đông. Số học trò trong lớp Đệ Tam
của tôi đa số đến từ Bưng Cầu, Bến Thế rồi Bình Dương và sau đó là Phú Hòa, Hòa
Thạnh, Cầu Định, Tân Hóa, Tân Khánh, Vĩnh Trường, Bình Chuẩn, Phú Chánh, kể cả ở
tận bên Bến Cỏ-Phú hòa Đông, nhưng ở tại An Mỹ và Phú Hữu thì không nhiều!
Trong năm nầy, như
tôi đã viết trong phần trước thì vào khoảng Tháng 4/63 các nhà cửa của dân chúng
ở vùng Phước Lộc phải dời vào trong Ấp Chiến Lược tất cả theo Chiến sách Ấp Chiến
Lược lúc bấy giờ, do vậy đường đi học của chúng tôi cũng không dám đi qua vùng đó
nữa vì sợ hai bên đụng độ nhau, nên đi học trên Tân Uyên phải chọn con đường xa
hơn là đi vòng ra Bình Chuẩn rồi xuống Tân Ba mới đi lên Tân Uyên. Nhưng may mắn
là thời gian ấy không lâu thì tới nghỉ Hè, thế chúng tôi vẫn cam nổi mà không
chọn kiếm nhà trọ học như ngày trước. Tình thế lúc ấy là giai đoạn chiến tranh
càng ngày càng tăng tốc độ và càng ác liệt hơn, và những cuộc biểu tình ở khắp
nơi thêm nhiều sôi động, nhất là từ lúc có xe cơ giới tấn công vào Lễ Phật Đản ở
Huế vào ngày 8/5/1963 gây cho 9 người chết và 20 người bị thương. Từ đó những
cuộc biểu tình chống đàn áp Tôn Giáo thật là sôi động khắp miền Nam, nhất là ở
Sài Gòn. Đến đỗi ngày 11/6 Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu ở tại góc đường
Lê Văn Duyệt và Phan Đình Phùng, và rồi đến ngày 7/7 lại có tin trên báo chí là
nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam đã tự tử. Đến ngày 25/8 thì lại nữ sinh Quách
Thị Trang bị bắn chết ở bùng binh chợ Bến Thành nên những cuộc biểu tình sau đó
lại càng sôi sục hơn. Nhưng ở một ngôi trường không lớn lắm của Tỉnh lẽ, mà lại
ở trong quê nữa nên tình hình cũng chẳng có gì là sôi động ngoài những tin tức
trên báo chí hay lan truyền cho nhau nghe. Tuy nhiên, bài thơ “Lửa Từ Bi” của
nhà thơ Vũ Hoàng Chương được lan truyền một cách nhanh chóng, được chuyền tay
nhau để chép mặc dù có chỗ đúng, chỗ sai. Bài thơ ấy như sau:
Nguyên Thảo,
19/19/2023.
No comments:
Post a Comment