Vào một ngày cuối
tuần, sau khi bãi học tôi về ghé chùa trước khi cưỡi xe đạp về trong Tân Khánh để
lấy sách vở cho cho mấy tiết học trong tuần sau. Xong mới đạp xe về ngõ Thuận
giao, nhưng vừa qua cây chai, đến khoảng đất trống thì gặp anh On, con của ông
Năm Bột cưỡi xe chạy tới kêu tôi “Đừng vô trổng”, tôi không biết như thế nào nhưng
anh đã chạy mất rồi, tôi dí theo không kịp nên vẫn tiếp tục đi tới mà lòng phân
vân. May lúc đó, Hoa, con bà chủ quán cà phê tại ngã tư Bình Chuẩn chạy tới cùng
vài người bạn, Hoa kêu tôi: “Anh đừng vô trổng nữa, lính bắn người ta chết đó,
anh quay lại đi”. Tôi nghe mà hoảng hồn, đành quay lại trở về Búng và đi đường
về Phú Văn, Phú Lợi mà về trong nhà. Tuy nhiên đến bình Quới thuộc xã Bình chuẩn
thì gặp người quen kêu đừng chạy xuống ngã tư mà đi đường tắt về trong Tân Khánh.
Lúc nầy đường sân bay đã đóng lại vì trại lính đã chiếm cứ rồi, nên qua khỏi Bình
Quới một đoạn thì có đường mòn băng đồng để về đầu dưới vườn Bà Đôn mà về Bình
Hòa rồi Chợ Tân Khánh. Qua ngày Thứ Hai tôi đi học không dám đi đường Bình Chuẩn
nữa vì không biết tình hình thế nào, nên đi về Phú Lợi xong xuống trường bằng
ngõ Phú Văn. Học xong về chùa lo cơm nước, chiều đi chợ Búng mua ít đồ ăn, về dọc
đường thì lại thấy cái xe Lam trên đó có Chú Ba Oanh ba của Nghĩa, cả ba tôi nữa.
Ba tôi không nói nhiều, kêu tôi chạy lên nhà thương Thủ (Dầu Một). Tôi không biết
thế nào, về chùa cất đồ xong chạy lên nhà thương. Đến nơi mới biết rằng Chú Sáu
Tò, con ông Chín tôi đã bị bắn chết ở Bình Chuẩn vào ngày Thứ Bảy vừa qua, sau
khi chú từ Sài Gòn về chơi cuối tuần; cùng với một người nữa từ trên lò chén Bình
Hòa có công việc đi ngang qua xã nầy. May là xác không được chôn cất mà chỉ đem
bỏ gần đất Thánh Tây đường từ Búng qua An Phú Xã, nên gia đình mới tìm được xác.
Đến chiều tối tôi mới trở về chùa để học bài cho các giờ học ngày mai, vừa ngẫm
nghĩ mình cũng may nếu không mình cũng đã bỏ mạng theo cùng chú Sáu của mỉnh. Bốn
chúng tôi cùng quay quần quanh cây đèn dầu để học, thỉnh thoảng kể vài chuyện
cho nhau nghe như là giờ giải lao. Hồng, Lịnh cho hay vài bữa nữa có Niềm sang ở
chung. Niềm là bà con của Hồng, Lịnh cũng từ bên Bến Cỏ sang nhưng đang ở trọ bên
xóm Gò Đình, nay Niềm muốn sang ở chung bên nây, như vậy là nhóm chúng tôi sẽ là
năm người. Thầy Trụ Trì đã đồng ý rồi!
Thế rồi, không
biết tình hình vài vùng ở Mỹ Tho như thế nào mà một số bà con của Thầy Trụ Trì
khoảng chừng bốn người đến tá túc ở chùa nên bây giờ rất đông vui. Họ cùng phụ
giúp công việc trong chùa, cùng phòng thuốc Từ Thiện của Thầy Ba. Có người muốn
học nghề hốt thuốc nam, nên đôi lúc tôi có thì giờ giúp họ sao chép các vị thuốc
và công dụng của chúng. Lúc trước có Cô Ba, đệ tử của Thầy từ lúc ở Sài Gòn, thỉnh
thoảng lên thăm Thầy, nay chùa đông người cần có người phụ giúp nấu nướng, lo việc
bếp, nên Cô Ba nay cũng ở lại hẵn tại chùa cho tiện việc. Chùa có thêm người nhưng
vẫn đủ chỗ nghỉ ngơi vì có rất nhiều bộ ván để phụng sự cho việc cúng tế từ hậu
liêu cho đến nhà dưới. Như vậy, việc ở trọ học của tôi trong năm nầy đã được ổn
định. Chúng tôi chỉ còn lo học hành cho tốt nữa thôi.
Nhưng một ngày nọ
khiến tôi trở nên buồn và rất là ân hận cho chính mình, có thể là trong suốt cuộc
đời nầy. Số là, má của Hồng sang thăm con và cháu, tức là Lịnh kể cả Niềm nữa.
Sau khi ăn uống vui vẻ xong xuôi thì chúng tôi cùng ra ngoài giếng lo rửa chén
bát, trò chuyện. Không may tôi không để ý vừa kéo tay quay của bộ phận quay nước
để đưa thùng xuống giếng thì tay quay ấy trúng lên đầu của Hồng khiến Hồng chạy
la thất thanh. Thế là một chuyện buồn xảy ra: Hồng đau đớn về thể xác, má Hồng đau
về tình thương, còn tôi cảm thấy có nhiều ân hận chẳng biết đến bao giờ. Dù vậy,
những ngày sau cũng không khiến Hồng phải đau đớn nhiều và không có chuyện gì hệ
trọng xảy ra. Nhưng trong lòng tôi chỉ sợ về sau, trong tương lai thôi.
Ở trường, với môn
Vạn Vật, Cô Kim Hưng dạy về những Bộ Thần Kinh của con người phát sinh từ xương
sống có nhiều khó nhớ, nhưng Cô đã có mẹo khiến cho chúng tôi dễ nhớ hơn. Với
Pháp Văn, Thầy Thanh Trừng dạy qua quyển sách do hai Ông Bà soạn trong đó tôi
thích nhất là đoạn văn của Anatole France mà tôi chỉ nhớ thoang thoáng như sau:
“Je vais vous dire ce que me rappelle tous les ans les premiers dinners à la
lamp et les feuilles qui jauner dans les arbres” (lâu quá chắc viết lại không đúng
rồi), giống như tôi đã thích câu của nhà văn Thanh Tịnh: “Hàng năm, cứ vào cuối
thu lá ngoài đường rụng nhiều, và trên không có những đám mây bàng bạc lòng tôi
lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường”… Thầy Trần Văn Hải dạy
Anh Văn và dạy luôn ba bài hát “Tạm Biệt” bằng ba ngôn ngữ Anh, Pháp, Việt. Với
Triết thì thầy Nguyễn Văn Phúc có lẽ vì mới ra trường nên trong giờ giảng bài
Thầy thường đi từ bàn ra cửa, xong lại quay trở vào giống như một con thoi, nhưng
các bài của Thầy rất hay và dễ hiểu nhất là bọn chúng tôi mới làm quen các môn
Triết nầy. Còn Thầy Em thì rất nhiệt tình, giảng dạy dễ hiểu nhưng tội cho Thầy,
sau giờ dạy quần Thầy đầy phấn trắng. Lạ hơn là Thầy Phó Đức Long, Thầy thì hiền
nhưng có một cái điều là trong giờ giảng mà Thầy nghe ồn là Thầy hay chắc lưỡi,
không nói gì mà lại hay nhìn lên trần nhà cuối lớp. Thế cho nên một hôm trong lúc
Thầy chắc lưỡi và nhìn lên trần, khiến cả lớp quay lại nhìn theo, khiến Thầy không
biết gì, và tức cười. Cái cười của Thầy rất đẹp và có duyên, có bạn bảo: “Có lẽ
vì cái cười duyên dáng ấy mà Thầy có vợ đẹp đó chăng?”. Riêng các Thầy khác cũng
vẫn bình thường, nhưng đối với Thầy Nguyễn Vũ Hải, công nhận Thầy dạy rất hay,
tuy nhiên Thầy có vẽ “hơi gàn” thì phải, hay là Thầy đóng vai để khiến học trò
lo sợ mà học. Có lần Thầy đuổi Nguyễn Thành Tri từ bảng đen về chỗ, nhưng khi
Tri vừa đặt đít lên chỗ ngồi, Thầy quát: “Tao bảo mầy về, ôm cặp đi về!”, khiến
cả lớp ngơ ngác chẳng biết vì sao? Rồi Thành Tri cũng phải ôm cặp ra ngoài, đợi
tời giờ học sau mới vào lớp. Từ chuyện nầy tôi đã hiểu được tính của Thầy Vũ Hải
nên không còn ấm ức của chuyện ở đầu năm học. Rồi một hôm không biết đường từ Sài
Gòn lên có chuyện gì đó mà Thầy phải lên trễ hơn nửa tiếng đồng hồ, thế rồi Thầy
tâm sự: “Muốn đi làm tài xế xích lô, coi ngon hơn là đi dạy trong cái thời buổi
nhiễu nhương, loạn lạc mà người ta nói Nhất đĩ, Nhì Sư, Tam Cha, Tứ Tướng nầy”,
rồi tiếp theo Thầy tràn đầy tâm sự. Từ buổi tâm sự ấy lớp chúng tôi cảm thông và
rất mến Thầy, tình cảm của tôi cũng thay đổi hẵn từ đó. Trong giai đoạn nầy sự
học hành của tôi trở nên thuận lợi và nhớ rất nhiều, chắc do ảnh hưởng từ lúc tôi
học thi cho kỳ thi Tú Tài I vừa qua. Tôi vẫn tưởng năm nầy thật là ổn định!
Nhưng không, mỗi
con người có một cái số, cái số của tôi có phải chăng theo như người ta nói: “Là
sanh ra dưới vì sao xấu”. Mà có thể là như thế thật! Một buổi chiều Chủ Nhật, sau
khi hớt tóc thì tôi ra lại ra chùa sớm để học bài vì tôi quên đem vở về. Khi đứng
ở cửa hậu lieu cùng với Thầy Ba và Lịnh, thì đột nhiên Thầy Ba thốt lên: “Ủa,
sao chú mầy kỳ vậy?”, tôi nhìn Thầy: “Mặt con dính lọ hả Thầy?”. “Không, mà sao
kỳ vậy?”. Thầy tỏ vẽ ngạc nhiên và tôi trở nên bối rối: “Chứ gì vậy Thầy?”. Thầy
không trả lời mà cứ: “Sao kỳ vậy nè, kỳ thiệt!”, rồi Thầy vạch mí lỗ tai của tôi,
nhìn kỹ. Thầy nói mụt ruồi nầy không tốt đó nhe”. Nói xong, Thầy kêu tôi vào
trong bàn của Thầy đưa bàn tay ra cho Thầy xem, Thầy xem hồi lâu từ bàn tay trái
sang tay phải, Thầy vẫn lắc đầu. Tôi không hiểu gì hết vì Thầy chưa đưa ra lời đoán.
Rồi Thầy lại lấy ra một bộ bài, Bây giờ Thầy lại chuyển sang bói bài. Thầy nói:
“Bây giờ Thầy xem cho chú mầy ba quẻ, để xem coi như thế nào, rồi Thầy sẽ nói điều
Thầy thấy trong các kiểu bói cho chú mầy biết. Đây là bộ bài chú mầy xào bài cho
nhiều lần, trước khi bắt con bài chú mầy muốn van vái thầm trong lòng cái gì cũng
được, rồi bắt con bài, lật ra cho Thầy coi. Lần đầu tôi bắt ra con Mụ Bích, lần
sau lại là 10 Bích và lần nữa lại là con Già Bích, Thầy Ba thấy Thầy thở dài, rồi
Thầy bảo: “Đúng là cái số của chú mầy!”, “Lúc đầu Thầy thấy mụt ruồi ấy Thầy không
nghĩ nó như vậy, nhưng sau khi xem hai bàn tay của chú mầy thì Thầy lại ngỡ ngàng
hơn. Nhưng lần nầy sau ba lần xào, bắt con bài thì nó đều không tốt. Đó là tại
cái số chú mầy thôi!”. Tôi thắc mắc, không rõ như thế nào nên hỏi Thầy: “Cái gì
vậy Thầy?”. Thầy nói: “Không biết về sau như thế nào đó mà chú mầy có nhiều suy
nghĩ lắm, gần như quẩn trí lận. Sau trận đó thì chú mầy mới khá hơn. Khoảng ấy
chừng 40 tuổi trở đi. Qua mấy cách xem, Thầy chỉ thấy và nói như vậy thôi. Về
sau chú mầy cẩn thận và đừng quá lo lắng, có thể mấy quẻ bói đó sai”.
Nguyên Thảo,
05/05/2024.
No comments:
Post a Comment