Wednesday, June 19, 2024

*Những Khung Trời Kỷ Niệm! (31)


Nghe Thầy Ba nói an ủi như vậy, thì tôi cũng nghĩ rằng mình cũng không nên hệ trọng quá vấn đề xem bói ấy, mà cứ sống từng thời gian theo hoàn cảnh của mình, rồi chuyện gì tới sẽ tính sau. Với những năm qua rồi, tôi chẳng đã từng phấn đấu vượt qua những khó khăn của mình sao? Từ vấn đề tinh thần cho đến vật chất, mà chuyện tôi phải đi Ban A là một yếu tố quyết định “bất khả kháng”. Thế rồi tôi vẫn lo học một cách đều đặn, chuẩn bị cho kỳ thi trong mùa Hè cuối năm học. Chúng tôi vẫn năm đứa ngồi dưới ánh đèn dầu để học bài cùng nhau, thỉnh thoảng Lịnh lên tụng Kinh “Vu Lan Bồn” trên Chánh điện thế Cô Ba khi Thầy có chuyện cần đi vắng, và tôi là người dọng chuông.

Sau Tết, tình hình an ninh trong xã lại sôi động, người dân lại tản cư, ba tôi lo đi buôn bán, má tôi và gia đình lại chạy ra Phú Lợi tá túc ở nhà Dì Năm, kỳ nầy có cả anh chị bên Dì Tư cùng con của Cậu Sáu nữa, nên nhà khá đông. Má tôi lại tới ngày sanh đứa em út, mà lại phải sanh mổ, nên tôi đành từ giã ở trọ chùa Phước Tường, từ giã Thầy Trụ Trì, Cô Ba, Thầy Ba, Bà Sáu, Bữu Châu cùng mọi người, từ giã Niềm, Hồng, Lịnh và Bác Cỏi để về lo cho má sau giờ học. Sáng tôi đi học, trưa về dở cơm ra nhà thương cho má, rồi tới cơm chiều cũng vậy. Cơm do Dì Năm nấu dùm. Một ngày nọ, tôi đang bữa củi ở vườn bên hông nhà, thì nghe có tiếng súng nổ kiểu người ta bắn chim, rồi không ngờ người bắn chim lại là ông Chét, ông dân vệ khét tiếng ở Phú Lợi nầy, thấy dáng ông tôi đã sợ, mà ông lại đi về phía tôi với kiểu cách của người say rượu. Tôi không dám nhìn ông và lui cui bữa củi, đợi ông đi qua. Nhưng không, ông lại đứng ở chỗ tôi, đột nhiên ông thụt lui, rồi ông bồng súng lên chỉa vào tôi và nói: “Mầy nói vậy hả mậy, mầy nói vậy hả mậy?”. Tôi nhìn ông không nói được gì. Dì Năm nghe chuyện chạy đến hỏi: “Nó nói gì hả Chét?”, vì ông Chét nầy là cháu của Dượng Năm. Ông Chét nói: “Nó nói tôi là ai mà dám hỏi nó”. Dì Năm quay lại hỏi tôi; “Con có nói như vậy không?”. “Con đâu có nói gì”. Rồi Dì Năm nói chuyện với Ông Chét, sau đó ông đòi lấy thẻ học sinh của tôi. Tôi đưa thẻ cho ông. Ông biểu: “Lên xã lấy”, rồi ông bỏ đi. Sau đó Dì Năm nói với Dượng Năm lên xã lấy lại Thẻ Học Sinh dùm tôi. Chuyện chỉ vậy thôi, nhưng không biết vì sao tự nhiên sự học của tôi biến đổi lạ lùng: Nếu lúc trước tôi học bài dễ nhớ giống như mình ghi lên bảng đen, thì bây giờ học thêm vào hay xem lại thì y như mình cầm nùi lau xóa đi những gì mình đã ghi, càng học thì đầu óc lại càng trống hơn. Tôi cố gắng mãi mà không tài nào níu kéo lại được. Sự học của tôi càng gặp nhiều khó khăn, với tình trạng nầy tôi khá bi quan. Trong lúc ấy thì sự giảng dạy trong lớp của các Thầy Cô cũng có nhiều thay đổi: Thầy Nguyễn Ngọc Thạch hình như từ Phú Giáo về dạy môn Pháp Văn thay Thầy Nguyễn Thanh Trừng; Cô Kim Hưng đổi đi nơi khác và Thầy Nguyễn Trí Lục về dạy môn Vạn Vật, Thầy Trần Quang Tuấn về thay thế Thầy Phạm Ngọc Em.

Một ngày nọ, tôi ra chợ Thủ mua ít đồ nhưng không đi xe đạp, và chuyến về đón xe đò về Phú Lợi, nhưng vừa lên đứng trên phía sau xe đò vì xe đông người, không hiểu sao trong đầu óc nghĩ rằng năm nay mình có thể thi rớt, nhưng nếu mà có đậu thì phải mất cái gì đó. Thế rồi khi xuống xe, xem lại trong túi quần sau đã bị mất cái thẻ Học Sinh với vài đồng bạc, như vậy là đã bị người ta móc túi lấy mất rồi. Qua ngày sau, khi xuống trường tôi vào văn phòng báo mất Thẻ Học Sinh và xin một Thẻ khác. Tôi đến gặp người xin mà tôi cứ nghĩ Thầy ấy là một Giám Học hay Giám Thị gì đó, nhưng không ngờ Ông làm liền cho tôi, rồi ký tên và đóng dấu. Tôi xem lại không phải là Thầy Hiệu Trưởng Đặng Trần Thường nữa mà Thầy Hiệu Trưởng nầy lại là Nguyễn Đức Lâm. Trường đổi Hiệu Trưởng và Thầy Nguyễn Đức Lâm thay thế tự lúc nào mà chúng tôi không hay biết hay là lỗi ở cá nhân tôi chẳng để ý gì chăng?

Nếu ngày xưa khi còn học trên Tân Uyên tôi đã ngạc nhiên với Thạch A vì cái học của nó từ học trung bình ở các lớp khác cho đến năm Đệ Lục, nhưng chỉ sau ba tháng Hè đột nhiên nó giỏi toàn các bộ môn vào đầu năm Đệ Ngũ, thì ở trong lớp nầy tôi phải nễ phục hai bạn Nguyễn Ngọc Cẩn và Ngô Trọng Hải, quả thật là xuất sắc, giỏi mọi bộ môn từ Vạn Vật cho đến Anh, Pháp Văn, còn Thạch A ở vào độ giỏi thôi, cũng như Thái Văn Bạn có cách nói chuyện khôi hài mà lại thông minh. Vui hơn là anh chàng Lê Minh Văn từ Lái Thiêu lên hay đọc thơ của mình, của người cho các bạn nghe, nhưng có lúc nổi nóng lại rượt bạn đồng hành Nguyễn Văn Hải chạy khắp sân trường. Thỉnh thoảng khi nào tương đối rỗi rảnh tôi mới ghé qua Chùa thăm Bà Sáu, Cô Ba, Thầy Ba và mọi người. Nhưng chắc tình hình ở Mỹ Tho khá ổn định nên những người thân của Thầy Trụ Trì đã trở về quê hết rồi. Mấy ngày gần đây, rộ tin đồn từ những học sinh lớp khác nói rằng: Thầy Thạch khi dạy ở lớp Đệ Tam gặp một em phá phách sao đó, Thầy đuổi em ấy ra khỏi lớp. Em đó có người thân làm dân vệ ở dưới Búng nhờ mấy người bạn cùng lên làm dữ, khiến nhiều Thầy đón xe đò về Sài Gòn bị nhóm đó níu áo lôi xuống để hỏi có phải là Thầy Thạch không? Nhưng bữa đó thì không gặp. Mấy bữa sau Thầy Nguyễn Huy đứng ra hòa giải. Sự hòa giải xong xuôi thì họ biết mặt, và sau đó thì họ có tổ chức đánh Thầy Thạch. Chuyện đồn là như vậy, nhưng chúng tôi không được rõ lắm. Các bạn am tường nói Thầy Thạch là bạn với nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang, thơ của thầy được nhạc sĩ phổ nhạc ở bản nào mà bắt đầu bằng “Đừng kể Bắc, đừng kể Nam….” gì đó mà tôi không nhớ được cái tựa bài! Càng gần ngày Hè chúng tôi càng cố gắng lo học hơn, không dám đi chơi nhiều, thỉnh thoảng chỉ đến nhà người bạn nào thân thì ngủ một đêm như là để níu kéo những kỷ niệm trước lúc mình phải xa nhau. Và sau nầy chỉ còn có Lịnh ở lại chùa với bác Cỏi, còn Hồng và Niềm thì sang ở trọ gần Trường nữ bên kia cánh đồng. Khoảng thời gian nầy tôi cố gắng tập lại trí nhớ bằng phương pháp mà tôi đã áp dụng khi học thi Tú Tài I. Nhưng thật là khó khăn!

Tình hình ở Tân Khánh khá được yên ổn, mọi người kéo nhau về từ từ. Ở trên sân bay quân đội Mỹ thành lập căn cứ của Sư Đoàn I Không Kỵ thường phối hợp với Tỉnh hành quân chung quanh, do đó chiến trận không sôi động lắm. Tôi cùng gia đình trở về nhà, lúc nầy có Đức, con Bác Tư, ở với Ông Nội nên tôi không ở trên đó nữa. Lắm lúc tôi xuống nhà bạn Em để học bài thi cùng với Em. Nhưng một ngày nọ, tôi lại gặp một chuyện khác khiến đầu óc lại càng có vấn đề hơn thêm. Vốn là ở đồn Tân Khánh có ba người lính Địa Phương có tiếng là “dữ dằn” là ông Trâu, Danh mũi gãy, và Hùng mặt đỏ, họ hay đi ruồng trong xóm và hoạnh hoẹ. Vào một ngày nọ, họ đi xuống phía Cầu Đúc nầy thấy Bạch Tuyết em của thằng Em loáng thoáng thì họ muốn trêu ghẹo, nên đến nhà gặp Em và tôi đang học bài. Họ kêu Em ra một góc nói chuyện và rồi kêu tôi ra chỗ xe của Ông năm bán nước đá nói chuyện. Họ hỏi chuyện nầy chuyện kia giống như là điều tra mình vậy trong hồi lâu rồi thôi. Thế mà sau trận ấy đầu óc tôi lại có hiện tượng giống như khi tôi bị Ông Chét ở Phú Lợi: Học sao không vô, mà đôi khi cảm thấy mình lại quên hơn. Tôi nghĩ kỳ thi tới với kiểu nầy khó mà đậu được!

Rồi kỳ thi tới, ba dẫn xuống nhà Bác Hai Nguyệt ở chợ Vườn Chuối – Sài Gòn để xin cho tôi ở trọ vài ngày đi thi. Kỳ nầy tôi thi ở Trường Trung Học Nguyễn Thái Học ở góc đường Trần Hưng Đạo cùng với Lực và Thạch. Trường nầy ở đầu đường còn Trường Cô Giang mà tôi thi tú Tài I ở trong kia gần Chợ Cầu Muối cách nhau không xa lắm. Kỳ thi cũng giống như đợt thi Tú Tài I năm trước. Cũng có hai vòng và hai kỳ. Vì Trường không có tổ chức chỗ để xe đạp, nên tự thí sinh kiếm chỗ gửi xe. Tôi và Lực khóa xe với nhau để bên cạnh cửa ra vào cùng với một số thí sinh khác, ngày nào cũng như ngày nấy. Xong buổi thi cuối mà môn Công Dân là môn chót. Vừa ra đến cửa để lấy xe đạp thì: Hỡi ơi! “Xe mầy đâu rồi Thạch?”. Tôi và Lực nhìn kỹ lại ống khóa vòng của hai đứa bị mở, xe tôi ở phía trong xe Lực đã biến mất. Thế là xe tôi đã bị tụi ăn cắp lấy đi mất tiêu rồi. Lực và mấy bạn kêu tôi báo Cảnh Sát. Cảnh sát nói: “Em báo thì báo, tôi lập biên bản, nhưng nói thật rất khó kiếm lại, năm khi mười họa hên lắm mới lấy lại được, cái đó thì tùy em!”. Nghe thế thì tôi cũng không muốn làm biên bản nữa. Dù tiếc nuối một chiếc xe nó đã gắn bó với mình trong suốt bảy năm trường khi bắt đầu lên học ở bậc Trung Học trên Tân Uyên, nay ngày kết thúc tôi lại bị mất nó đi. Sự thân thương trở thành luyến tiếc! Lực nói: “Thôi, mầy lên xe tao chở mầy qua Cầu Sắt Đa Kao, rồi đón xe đò đi về!”. Tôi ngồi sau lưng Lực với nỗi buồn, nhưng tôi kể cho Lực nghe về chuyện tôi “đột nhiên nghĩ đến chuyện mất cái gì đó, nếu tôi đậu phần II” ở vài tháng trước. Lực nghe thì nghe, tôi nói thì nói. Nhưng chuyện đậu rớt là về sau! Những ngày sau khi thi lo nghĩ ngơi, đi chơi cho thoải mái trước đã, nhưng dù gì vẫn phải coi lại bài và nhiểu lần tôi đã kiểm lại những bài mình đã làm. Tính theo thang điểm cực gắt thì tôi hi vọng đậu, còn tính thoải mái thì điểm số có thể gần đến điểm Bình Thứ là thứ hạng cao hơn. Đi thi mà đậu được đã là mừng lắm rồi. Và đến kết quả kỳ thi trên bảng niêm yết ở Trường Chu Văn An trong Chợ Lớn, tôi đã đậu hoàn toàn sau kỳ thi vấn đáp môn Pháp Văn ở Trường nữ Gia Long. Ôi! Bảy năm trời ròng rã với ba kỳ thi mệt nhoài! Nhưng còn một vấn đề khó cho tôi trước mắt là với khai sinh sinh năm 1949, mặc dù chỉ trễ hơn có 9 ngày nhưng các kỳ thi vào các ngành đều đòi sinh năm 1948 thì tôi phải làm sao đây? Nhưng với đầu óc của tôi trong năm nầy chắc gì tôi được đậu vào nghề. Ôi! Bôn ba chẳng qua thời vận, đúng là cái số, hay đúng hơn là Định Mệnh của mình theo Nhân Quả đã gieo!

 

Nguyên Thảo,

20/06/2024.

 

  

No comments:

Post a Comment