Monday, July 22, 2024

*Nói Để Mà Nói!


Ngày xưa đi làm chung với tôi, có anh bạn khá vui tính, nhưng mà mỗi lần nói đến câu chuyện gì thì anh hay mở đầu bằng câu: “Nói để mà nói…”, lúc đầu tôi nghe hơi lạ nhưng rồi cũng quen dần. Anh không kể câu chuyện nào là không tưởng hay để nói chơi cả, mà là những câu chuyện thật trong đời hay góp ý với nhau trong những mẫu chuyện vào lúc trà dư tửu hậu. Đó cũng là đặc điểm con người của anh. Đúng là anh nói nhưng không phải là nói để chơi, mà anh nói thật sự, cho nên có người bạn ghẹo anh “Ông nói để mà nói, vậy thì ông không nói có sao không?”, để rồi cả đám đông xúm nhau cười đùa vui vẻ, và anh cũng cười, chẳng giận hờn. Mỗi con người có một hay vài cái tật, mà những cái đó là đặc điểm của họ, tựu chung lại là những cái vô hại cho người khác. Anh bạn nầy nói thế chứ anh rất chân thật và nhiệt tình trong nhiều vấn đề kể cả góp ý và làm việc. Nhân chuyện nầy tôi lại nhớ đến chuyện trong thế gian cũng có những con người ngược lại: Họ tỏ ra sốt sắng, tình cảm giống như lúc nào họ cũng rộng mở, sẵn sàng giúp, quan tâm người khác, nhưng rồi họ chỉ nói để chiếm lấy cảm tình, chứ thật sự đến sự giúp đỡ hay thực hành thì chẳng có gì. Họ chỉ qua loa trong lúc họ nói, rồi phớt lờ và lắm lúc họ quên bẵng đã nói hay hứa những gì trước đó. Hoặc giả, có những lý do nào đó khiến họ quên đi, hay không thể thực hành được, giống như “Em tính lên thăm anh chị, nhưng chưa lên thì anh chị đã tới em rồi”!

Trong cuộc đời có những chuyện vừa vui, vừa buồn khi người ta cần để “lấy lòng” lẫn nhau, nên cái chuyện “nói cho có nói” là chuyện bình thường. Thực sự, đó không là vấn đề mà mình phải quan tâm nhiều cho lắm, vì thế gian có nhiều mẫu con người khác lạ, nhưng chung qui tùy theo bản chất của họ mà thôi, hay đúng hơn là làm theo cái bản năng “cái Ta” của họ. Nếu mình lặng yên, bình tâm suy nghĩ thì ai cũng có cái “Ta” riêng lẽ, với cái Ta to lớn ấy nếu không được người khác nuông chìu, nghe lời làm theo, hoặc sai ý thì họ sẽ nỗi “tam bành, lục tặc” mà tháo quát, sân hận, trù yếm…khiến cho người khác không thể ngóc đầu lên được. Cho nên câu chuyện Đức Phật khi giáng sinh thì đi 7 bước trên các tòa sen, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất mà thốt lên câu “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” không phải là không có lý. Sau nhiều thời gian tìm hiểu thì tôi mới nghiệm được ra rằng: Tại sao thế nhỉ? Đức Phật là cao ngạo ư? Nhưng trong con đường nhiều năm gian khó tu hành để đạt đến “Giác Ngộ”, thì Đức Phật đã đề cập đến “Vô Ngã”? Kỳ lạ đến thế là cùng! Vấn đề khiến cho tôi cũng như nhiều người thắc mắc mãi mà chưa tìm lời giải đáp được. Rồi một ngày nọ, có anh bạn muốn nhờ tôi làm cho họ một việc mà tôi phải bận vào một việc khác nên không thể giúp họ được; họ lại xem như là tôi không muốn giúp họ thế là họ đem tâm oán ghét, và đâm thọc với bạn bè để bạn bè “chơi” lại tôi cho bỏ ghét. Từ đó tôi mới thấy “cái Ta” là quan trọng và có vẻ “dị hợm”! Thế là tôi bắt đầu để ý trong cuộc sống: Nhìn từ những đứa trẻ mới biết ngồi đã biết giành thứ gì đó mà xô đẩy, đánh nhau; đến người trong gia đình cũng phật ý mà đưa đến cãi cọ, dỗi hờn; kể cả mọi người trong thế gian hay đến các chủng tộc, quốc gia khác nhau cũng vì “cái Ta” mà thành “cái của Ta, hay Chúng Ta mà tranh hơn thua, thắng bại” từ lời ăn tiếng nói, cử chỉ, hành động lẫn chưởi bới, gậy gộc, vũ khí để đánh, chiến tranh cùng nhau để mong cầu thắng lợi. À! Thì ra thế! Cho nên Đức Phật đề cập đến Vô Ngã! Vô Ngã là không coi cái của Ta, chúng ta là quan trọng, phải hơn cái của Người nữa, mà Người cũng như Ta, Ta Người hài hòa như nhau, chia sẻ cho nhau thì mới sống chung, hòa bình, êm ấm trong cùng một nơi, một thế giới! Đến một ngày ngồi ngẫm nghĩ: Vậy thì Đức Phật lúc ra đời đề cao cái Ta, đến khi thành đạo lại làm cho cái Ta biến mất, thế nên “Duy Ngã” độc tôn không phải là Ông Phật cao ngạo, coi mình hơn hẵn bao nhiêu người khác, mà chính là nói lên cái “Bản Ngã” trong mỗi con người. Và nếu ai cũng quên đi cái Ta, của Chúng Ta, mà thấy một sự bình đẳng, tương thân tương ái giữa những con người, chúng sinh thì thế giới nầy đầy an lạc, vui sướng của một cõi Thiên Đường!

Đồ Ngông tôi đi quá xa vấn đề rồi, thôi thì quanh trở lại vậy! Nhân nhắc đến anh bạn “nói để mà nói” cho vui vậy thôi, chứ không có ý gì để xoi mói về anh ấy cả mà chỉ thấy ảnh nói chân thật và làm, làm thực sự như những con người nhiệt tình đầy tâm huyết, đáng mến. Rồi nghĩ đến nhiều người trong xã hội chỉ nói “để mà chơi, hay là lấy lòng” thật không thiếu gì: Không phải chỉ ở cá nhân con người, mà nó còn thể hiện trong những tổ chức, đoàn thể, hay ở cả những bộ phận, tổ chức lớn hơn như quốc gia, hoặc là quốc tế, hoặc ngay cả những chủ thuyết “không tưởng”, ngưòi ta cũng chỉ nói mà để chơi, không bao giờ thực hiện được để lừa phỉnh những người nhẹ dạ, thích mơ tưởng không thôi. Nếu Quý vị không tin thì cứ thử nghiền ngẫm, suy tư một chút để mà xem!

 

Đồ Ngông,

15/07/2024.

 

 

No comments:

Post a Comment