Điều tôi muốn nói “Cuốn
theo Chiều Gió” ở đây là vì chúng tôi đang được cuốn theo một trào lưu, và trào
lưu ấy đã, đang hiển hiện ra trên đất nước Việt Nam, cũng như trên cộng đồng mạng
một cách sôi nổi, cuồng nhiệt mà không một ai tránh khỏi sự quan tâm. Chúng tôi
là một nhóm bạn bè trong lúc “trà dư, tửu hậu” cùng họp bàn, bàn luận xôn xao cái
hiện tượng đó, dù số vốn hiểu biết về Phật pháp hay Đạo Phật của mình chẳng là
bao nhiêu. Và bây giờ, tôi cũng mạo muội tích góp vài tài liệu, ý niệm, suy nghĩ
đưa đến với mọi người để cùng nhau chiêm nghiệm, hầu tìm được một vài giải thích
thỏa đáng nào đó xem coi có được hay chăng?
Nói đến hiện tượng “Sư Thích
Minh Tuệ” thì quả thật là hiện tượng “Ngàn năm có một” mà đến đỗi có vạn người
tin, nhưng cũng không phải không có người chẳng tin. Ông ấy có phải là người chứng
quả Phật hay không? Hay ông ấy chỉ đang trên hành trình tu chứng? Chắc chắn những
nhà tu “Học cao hiểu rộng” không thể không còn những nghi ngờ nào đó về trình độ
giáo lý, giới luật, chắc gì hơn họ? Nhưng đối với Phật tử hay quần chúng, Sư đã
được tôn vinh như là vị Phật sống để mọi người săn đón, lễ lạy và cầu mong được
chút ít phước báu từ Sư. Cũng từ sự tôn kính đó mà mảnh đất Gia Lai được người
ta đến thăm viếng đông đảo như hiện nay; hay nhiều người theo Sư để thực hành Hạnh
tu Đầu Đà mà Sư đang theo đuổi. Đoàn người từ vài người thuở đầu kéo theo hơn bảy
mươi người trước khi người ta tìm phương cách để giải tán, do sự tập trung đông
đảo làm cản trở giao thông, lẫn không tốt cho tình hình an ninh. Sư thực hành hạnh
tu trong nhiều năm đơn độc sau khi từ giã ngôi chùa mà Sư tu trong lúc đầu, để
rồi lên núi ẩn tu trên núi và cuối cùng Sư chọn phương thức đi khất thực khắp nơi
từ Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam; đi khắp các nẻo đường đất nước, đặc biệt là đi
trong mọi điều kiện thời tiết với đầu trần, chân đất dù cho những ai khinh khi,
chế nhạo hoặc hành hung; mà Sư coi đó là những phương thức để mình học sự buông
bỏ, nhẫn nhục và trì giới của những 13 hạnh khó khăn của người tu theo Hạnh Đầu
Đà.
Thú thật, chúng tôi không
biết về
lối tu theo Hạnh Đầu Đà cho lắm, và do từ phong trào qua hiện tượng của Sư mà
chúng tôi có thể hiểu khá hơn về Hạnh nầy. Trước khi phong trào nở rộ, trên cộng
đồng mạng có nói đến nhà Sư kèm theo hình ảnh với bộ áo “phấn tảo” nhiều màu chấp
vá lủi thủi, đơn độc đi trên đường trong mưa nắng với đầu trần, chân đất, chúng
tôi cũng không để ý gì nhiều: Vì trong quan niệm mỗi người có một
cách tu, tu như thế nào thì họ làm theo cách họ thích. Đó là sự tự do trong Đạo
Phật! Và sự tự do ấy khiến nhiều người không để ý đến cách thức mà họ tu. Thông
thường người ta chỉ để ý đến phương thức lập am, cốc hay cảnh chùa để tu theo
Phật giáo Bắc Tông; hay những vị Sư đi khất thực có Tịnh Thất, hoặc tu ẩn trong
các núi của nhiều vị theo phái Nam Tông. Theo ý kiến của vài bạn khá biết về Đạo
Phật thì ngày xưa khi Thái Tử Siddhattha từ bỏ cung điện, đời sống Hoàng gia để
đi tu thì Ngài cũng hành đạo theo cách của những người trước đó như Đạo Sĩ Alara
Kalama, Đạo Sư Uddaka Ramaputta để học đạo. Có lúc Ngài nhịn ăn theo lối sống cực
kỳ kham khổ, ép xác khổ hạnh cùng năm anh em Kondanna (Kiều Trần Như) trong suốt
sáu năm trường, đến đỗi thân xác chỉ còn da bọc xương mà vẫn chưa tìm được Đạo,
thỏa đáng theo như ý nguyện. Rồi Ngài bỏ đi đến một nơi và tu tập một mình, nghiền
ngẫm đến con đường giải thoát; thân hình càng ngày càng tiều tụy, yếu đuối và
ngã quỵ trên cỏ. Một thôn nữ tên Sujata đến cúng dường đổ sữa cho Ngài tỉnh lại.
Từ đó Ngài nhận thức được rằng con đường quá khổ hạnh không phải là con đường
giải thoát, mà cần phải bảo dưỡng thân mạng, giữ lại mạng sống mới đi tìm đến được
sự giải thoát khổ đau! Cho nên Ngài đến nhập định dưới gốc cây, mà ngày nay người
ta gọi là cây Bồ Đề, quyết không rời xa nếu chưa tìm được Chân Lý. Sau 49 ngày,
Ngài đột nhiên Đại Ngộ, biết rõ những gì trong thiên nhiên, vũ trụ và con người
mà sau nầy trong Kinh Sách gọi là “Tri Kiến Phật” (tức những gì mà Phật đã thấy
và nhận biết) qua Lậu Tận Thông.
Theo như câu chuyện được
kể lại thì sau khi Đại Ngộ, Ngài thấy biết chúng sinh rất là khó khăn để độ được
họ (chúng sinh khó độ), nên Ngài muốn nhập diệt. Tuy nhiên vì Chư Thiên yêu cầu
nên Ngài phải dấn thân vào con đường hành đạo trong suốt hơn 45 năm và tùy theo
căn cơ của chúng sinh mà nói Pháp để giúp chúng sinh được hiểu mà thực hành các
bước, hầu tiến đến được con đường giải thoát cho chính mình (Tự thấp đuốc lên mà
đi). Chính vì thế mà cõi Ta Bà nầy mới có Phật Pháp và Ngài được xem như là Giáo
Chủ. Điều đáng chú ý là tất cả chúng sinh nào trong sáu cõi Luân Hồi muốn thành
Phật đều phải tái sinh vào cõi Ta Bà nầy cả, vì chỉ ở cõi nầy mới có Phật Pháp để
hành giả tu và thành Phật. Như vậy “kiếp con người” thật là “Đáng Quý” (Nhân thân
nan đắc – Thân người khó được), cũng là kiếp may mắn nhất của chúng sinh để có
thể tu thành Phật, thoát khỏi sáu cõi trầm luân trong đau khổ, khổ đau. Và “kiếp
con người” cũng là những kiếp cuối cùng trong Vòng Luân Hồi của chúng sinh vì
con người đang đứng tại cửa thoát ra của Vòng ấy! Còn chúng sinh ở các cõi khác
dù sung sướng như Cõi Trời, hoặc ít hay không đau khổ như A-Tu-La, hoặc đầy đau
khổ như Súc Sanh, Ngạ Quỷ và Địa Ngục thì không hề có Phật Pháp bao giờ!
Những gì Đức Phật khám phá
được trong lúc Thiền và Nhập Định, sau được Ngài thuyết giảng và trở thành Học
Thuyết, hay đúng hơn là những Giáo Pháp của Đạo Phật lưu truyền cho đến ngày
nay. Theo nhiều người, kể cả nhiều học giả đều nghĩ rằng: “Đạo Phật không phải
là một Tôn Giáo” mà chỉ là những “Triết Lý Giải Thoát”, vì trong Đạo Phật không
đề cập đến Thần Quyền của những Vị Thần ban phước, giáng họa. Điều ấy cũng đúng
một phần, theo quan điểm tư tưởng phương Tây, vì Đạo Phật không có chuyện “Đấng
Thần quyền Tối Cao” nào đó có khả năng cứu rỗi người khác. Tuy nhiên, người ta
quên rằng: Đạo Phật đang cung cấp phương pháp cứu rỗi cho từng con người, tự biết
cứu rỗi chính mình bằng những phương pháp rất là khoa học và đúng theo cái luận
chứng của thế gian. Trong Đạo Phật có điều đặc biệt hơn mọi tôn giáo khác là sự
giải thích con người đến từ đâu và khi chết sẽ đi về đâu tùy theo nghiệp lực của
mình. Không những thế mà Đức Phật còn đề cập đến những thế giới khác rất xa xôi
trong vũ trụ mà khoa học ngày nay chưa thể đạt đến, mà cũng chẳng biết đến bao
giờ mới đạt đến được; hoặc những cõi Vô Sắc Giới mà Khoa học Huyền bí chưa hề
nghiên cứu, giải thích hết được. Vả lại, theo tinh thần của phương Đông, Đạo Phật
cũng có cả một quy trình, hệ thống tôn chỉ Đạo giáo giống các Tôn Giáo khác như
Đạo Lão hay Đạo Khổng của Trung Hoa, vậy thì với Phương Đông, Đạo Phật chẳng phải
là một Đạo sao?
Nguyên Thảo,
28/07/2024.
No comments:
Post a Comment