Khi đề cập đến sự khai ngộ
của Đức Phật trong thiền định khoảng 49 ngày thì chúng tôi lại liên tưởng đến
thời gian của Đức Chúa Jésus với 40 ngày trong đồng vắng cho Đạo Thiên Chúa,
hay cũng khoảng bốn mươi mấy ngày của Muhammad trên núi Hira gần Mecca khởi nguồn
cho Đạo Hồi, như vậy với con số hơn 40 ngày quyết chí tịnh tâm nầy có phải là
thời gian để con người tìm thấy bản thể của chính mình đó chăng? Tuy nhiên, sự đi
tìm bản thể con người cũng có nhiều hướng khác nhau, điều ấy chúng ta cần phải
tìm hiểu nhiều thêm nữa, nhất là những gì mà Đức Phật đã cảnh giác trong Kinh Lăng
Nghiêm về những ma chướng mà người tu hành cần phải đối phó, hay xa lánh để tránh
lọt vào ma đạo do các loài ma hướng người tu đi vào.
Với thời gian nhập định ấy,
Đức Phật đã quán chiếu và suy niệm được nguồn gốc của con người, chúng sinh qua
sự “Vô Minh”. Chính vì Vô Minh mà Phật Tánh (mỗi con người, chúng sinh đều có) đã
mượn đến Tứ Đại (Đất, Nước, Lửa, Gió) để tạo thành thân xác. Và từ cái chưa có
trở thành cái có (duyên khởi), rồi từ “cái nầy có thì cái kia có, từ cái kia có
đến cái khác có…nối tiếp xảy ra. Cái có trước chính là Nguyên nhân (Nhân) cho cái
xảy ra sau. Cái sau là Kết quả (Quả) của cái trước, đồng thời cũng là cái “Nhân”
cho sự kiện xảy ra kế tiếp. Sự tiếp nối đó liên tục kéo dài thành chuỗi “Trùng
trùng Duyên khởi” không hề dứt. Muốn chấm dứt được chúng, cho nên phải dứt cái
nầy thì cái kia mới chấm dứt, và cuối cùng sẽ trở về cái ban đầu. Từ suy niệm ấy
Đức Phật đã thấu rõ “Thập Nhị Nhân Duyên” (Vô Minh, Hành, Thức, Danh Sắc, Lục
Nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sanh, Lão Tử) khởi nguồn cho thân xác con người và
chúng sinh. Cũng từ sự có thân xác ấy mà chúng sinh phải đáp ứng nhu cầu về ăn
uống, thời tiết để bảo toàn thân mạng, cùng các nhu cầu về tinh thần mà đã đưa đến
thế gian nầy trở thành một môi trường “tranh đấu để sinh tồn”, kẻ mạnh hiếp yếu,
lớn hiếp nhỏ, đầy dẫy lòng “Tham”, giận dữ, “Sân” hận, rồi không
kiểm soát được trở nên u muội, “Si” mê mà dùng mọi thủ đoạn: Sát, Đạo, Dâm,
Vọng qua Thân xác, miệng lưỡi (Khẩu), Ý tưởng, suy tính để tranh giành, chiếm đoạt,
hãm hại lẫn nhau…tạo nên Nghiệp. Nghiệp là “Nhân” của Kiếp nầy, lôi cuốn chúng
sinh Tái sinh vào các kiếp sau để trả “Quả”. Sự trả Quả ấy được xoay vòng (Luân
Hồi) trong sáu cõi (Lục Đạo: Trời, Người, A-Tu-La, Ngạ Quỷ, Súc Sanh và Địa Ngục)
mà không hề thoát ra được thế giới đầy khổ đau nầy. Vả lại, do nơi có thân xác
mà con người, chúng sinh chịu nổi đau khổ về Sinh, Lão, Bệnh, Tử!
Sau sự Quán triệt, thấu rõ
ngọn ngành về Vũ Trụ Quan và Nhân Sinh Quan qua Trí Huệ trong Thiền Định, Đức
Phật bèn rời cội Bồ Đề để đi thuyết giảng, truyền bá Giáo lý mà Ngài đã lĩnh hội
được cho những ai mà Ngài gặp, sau khi có hai thiện tín đầu tiên là các thương gia
Tapassu và Bhallika đi ngang qua nơi Ngài. Rồi, Đức Phật nghĩ đến việc đi đến Lộc
Giả (Vườn Nai) tìm năm anh em Kiều Trần Như (Kondanna) là những Đạo sĩ tu khổ hạnh
với Ngài trước kia, để chia sẻ những gì Ngài đã đạt được. Bài Pháp đầu tiên mà
Ngài chuyển Pháp Luân chính là con đường tu theo “Trung Đạo”, không khổ hạnh ép
xác, cũng không lợi dưỡng, chỉ ăn uống vừa đủ để nuôi giữ thân mạng mà tu hành;
và Tứ Diệu Đế, hay Tứ Thánh Đế (vì đó là bốn điều chắc thật, không thể sai trên
con đường đi tìm Sự Giải Thoát) trở thành Bốn Chân Lý làm hành trang vững chắc
về nhận thức cho người hành đạo không phải thối chí, ngã lòng. Ấy là: Khổ, Tập,
Diệt, Đạo vậy!
Để tóm lại, sau sự suy niệm
trong Thiền Định đó của Đức Phật đã đưa đến Sự Đại Ngộ về những Chân Lý của Vũ
Trụ mà Ngài đã nhận biết như: Trong mỗi chúng sinh đều có Phật Tánh hay là Chơn
Tâm (có bản chất trong sáng, diệu kỳ, sáng suốt, chiếu soi, khắp giáp Pháp Giới:
“Tánh giác diệu minh, bản giác minh diệu”); vì do Vô Minh (Sự không biết, si mê)
mà Phật Tánh ấy đã mượn đến Tứ Đại (Đất, Lửa, Gió, Nước) kết hợp lại thành thân
xác theo Thập Nhị Nhân Duyên (tức là Thuyết Nhân Duyên và chuỗi sự kiện tiếp
theo Trùng Trùng Duyên Khởi) để từ thân xác ấy chúng sinh phải cần đến các nhu cầu
về vật chất lẫn tinh thần mà lo cung phụng, bảo tồn lấy nó. Nhu cầu càng lúc càng
cao khiến chúng sinh càng tham lam, ham muốn nhiều hơn, và tìm mọi cách chiếm lấy
những gì mình cần, ham thích (Ái dục) bằng các hình thức, hành vi từ Thân, Khẩu,
Ý khởi lên. Nếu bị cản trở do chúng sinh khác thì trở nên Sân hận; khi sự Sân hận
quá sức thì trở nên Mê mờ, ngu si mà thực hiện các thủ đoạn chiếm đoạt bằng các
cách Sát, Đạo, Dâm, Vọng mà tạo nên “Nghiệp”. Chính cái Nghiệp ấy trở thành những
cái Nhân. Các Nhân tạo tác trong Kiếp nầy khiến chúng sinh đó phải trả Quả vào
những Kiếp sau, đó là đi vào “Thuyết Tái Sanh” và “Luật Nhân Quả” trong một cái
vòng luân chuyển mà Đức Phật nói đến là “Vòng Luân Hồi”. Trong vòng ấy có sáu cõi
mà chúng sinh phải lăn lộn xoay chuyển, khó thoát ra khỏi gồm có: Trời, Người,
A-tu-la, Ngạ Quỷ, Súc Sinh và Địa Ngục. Vậy muốn thoát khỏi sanh tử Luân Hồi thì
làm sao? Phải chấm dứt Tái Sanh như vậy là không tạo Nhân nữa. Mà không muốn tạo
Nhân thì phải dứt Nghiệp: Sát, Đạo, Dâm, Vọng khởi từ Thân, Khẩu, Ý. Tu Thân, Khẩu,
Ý và giữ Không Sát sanh (Sát); Trộm cắp (Đạo); Tà dâm (Dâm); nói dối, hai chiều,
đâm thọc, lừa đảo (Vọng ngữ); và “muốn ít, biết đủ” (thiểu dục, tri túc) để không
phải Tham lam, luyện tính nhẫn nhục và bố thí, từ bi, không xem “cái Ta” quan
trọng hơn người khác nữa, để không phải “Sân hận” vì “Lửa sân hận có thể thiêu đốt
cả vạn rừng công đức”. Suy nghĩ, đắn đo, học chính tư duy, chính kiến để tránh
khỏi si mê mà lỡ làm những hành động bất thiện. Như vậy mới tránh được ba “Món Độc:
Tham, Sân, Si” thường gắn liền với cuộc sống con người để tạo ra nghiệp và tái
sanh!
Từ những quán triệt con đường,
diễn tiến như vậy, Đức Phật đã được “Tự giải thoát cho chính mình ra khỏi vòng
Sinh Tử Luân Hồi” trong cơn Đại Ngộ; cho nên sau đó Ngài đúc kết thành Bốn Chân
Lý bất di bất dịch mà chúng ta thường gọi là Tứ Diệu, hay là Tứ Thánh Đế để làm
Căn bản nhận thức cho người tu hành hầu vượt thoát sinh tử và trở thành Bậc Giác
Ngộ như câu “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”!
Bốn Chân Lý đó là: “Khổ Đế”
nhận định rõ trong cuộc đời nầy khổ nhiều hơn vui từ Sinh, Lão, Bệnh, Tử và nhiều
cái khổ khác như khổ chồng khổ, hoại diệt khổ, hành khổ, ái biệt ly khổ, cầu bất
đắc khổ, oán tắng hội khổ và ngũ ấm xí thạnh khổ và luôn chịu khổ từ sự tranh
giành, thủ đoạn giữa những chúng sinh, con người với nhau. Rồi truy tìm nguồn gốc,
nguyên nhân của khổ tức là “Tập Đế”: Các nguyên nhân do từ sự Tham, Sân, Si, Mạn,
Nghi, Thân Kiến, Biên Kiến, Kiến Thủ, Giới Cấm Thủ, Tà Kiến. Rồi từ đó, nghĩ đến
cách diệt những nguyên nhân và sự đau khổ ấy là “Diệt Đế” bằng con đường tu tập,
tức là tìm đến “Đạo Đế” mà Đức Phật đã tìm ra và thực hành trong khi Đi Tìm Đạo
Giải Thoát của Ngài!
Đức Phật đã suy nghiệm, tư
duy và quán triệt những nguyên lý vận hành trong vũ trụ như chúng ta đề cập đến
ở trên mà trong Giáo Lý, Triết Thuyết của Ngài từng thuyết giảng. Qua các giai đoạn
nào Ngài thực hiện đạt đến kết quả để trở thành Bậc Giác Ngộ, thoát khỏi vòng
Luân Hồi sinh tử; do đó Ngài đúc kết thành hệ thống để rao giảng, truyền đạt lại
cho mọi người, trên con đường hành đạo hơn 45 năm của Ngài. Tứ Diệu Đế ấy trở
thành Chân Lý chắc, thật để chúng sinh, con người thoát khỏi khổ đau và Luân Hồi,
ung dung tự tại của những Người Giác Ngộ cần biết và thực hành. Sự thực hành đó
như thế nào?
Nguyên Thảo,
12/08/2024.
No comments:
Post a Comment