Trong Kinh Tạp A Hàm của Nhà Phật có câu chuyện kể lại rằng:
“Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật trú tại bờ
ao Di Hầu, nơi giảng đường Trùng Các.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ
kheo:
-Ví như đất liền đều thành
biển lớn, có một con rùa mù sống vô lượng kiếp, một trăm năm mới trồi đầu lên một
lần, trong biển có một khúc gỗ nổi, chỉ có một cái lỗ, lênh đênh trên sóng nước
theo gió trôi dạt Đông Tây thì con rùa mù một trăm năm mới trồi đầu lên một lần,
sẽ gặp được cái lỗ hổng nầy chăng?
Tôn giả A Nan bạch Phật:
-Thưa Thế Tôn! Không thể được.
Vì sao? Vì con rùa mù nầy, nếu đến biển phía Đông thì khúc gỗ theo gió hoặc tới
biển phía Tây, Nam, Bắc, xung quanh; cũng vậy khắp bốn phía không dễ gì gặp được.
Phật bảo A Nan:
-Con rùa mù và khúc gỗ nổi
tuy sai trái nhau, có thể gặp được; còn kẻ phàm phu ngu si trôi nổi trong năm đường,
tạm được thân người còn khó hơn việc trên. Vì sao? Vì các chúng sanh ấy không
thực hành nghĩa, không thực hành pháp, không thực hành điều lành, không thực hành
chơn thật, xoay vần sát hại, kẻ mạnh lấn lướt người yếu, tạo ra vô lượng điều ác.
Bởi thế, nên Tỳ kheo đối với Bốn Thánh đế chưa hiện quán, nên siêng năng phương
tiện, khởi ý muốn tăng thượng, tu học hiện quán.
Phật nói kinh nầy xong, các
Tỳ kheo nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Trong chuyện nầy Đức Phật
ví thân phận chúng sinh lăn lộn trong sáu cõi Luân Hồi giống như là con rùa vậy.
Con rùa ấy không thấy đường làm sao biết khúc gỗ trôi ở đâu, trong khi mình cả trăm
năm mới trồi đầu lên một lần để tìm lỗ mà chui vào mong cầu giải thoát. Thời
gian đó thật là dài, và việc tìm sự giải thoát cũng khó khăn vô cùng. Tại sao?
Vì chúng sinh tạo nghiệp trong từng kiếp, thiện ác đều có cả, cho nên do những
nghiệp ấy khiến cho kiếp sau mình sẽ đi đâu, có chắc mình được làm người nữa không?
Hay tái sinh về cõi Trời, hoặc vào Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh hay nằm trong cõi
A Tu La; nếu ở các cõi đó thì không có Phật pháp để tu hành dù cho là trong cõi
Trời sung sướng đi nữa. Vậy thì biết đến bao giờ mới được trở lại làm kiếp người
để có được Phật pháp mà tu, mong cầu sự Giác Ngộ và Giải Thoát. Mà nếu đã làm
người mà không hiểu đời người đau khổ như thế nào? Vì sao đau khổ? Làm sao để
chấm dứt khổ đau? Và con đường nào để không còn đau khổ? Nếu chẳng mong cầu không
đau khổ nữa thì chưa phải là trí. Chưa hiểu về Tứ Thánh Đế, chưa nghĩ đến con đường
giải thoát thì sẽ tệ hơn con rùa mù! Vì sao? Vì Đức Phật giảng giải: “Vì con rùa
mù và khúc gỗ tuy sai trái nhau, có thể gặp được; còn kẻ phàm phu ngu si trôi nổi
trong năm đường, tạm được thân người còn khó hơn việc trên”. Tại sao vậy? Vì
con rùa mù dù vậy trong một thời gian dài nào đó có thể may mắn gặp được cái lỗ
để chui vào, nhưng kiếp nầy được làm con người tức là đang đứng tại nơi có Phật
Pháp, đủ tính chất để thoát ra ngoài vòng Luân Hồi đau khổ, với điều kiện chỉ cần
hiểu biết, nhận thức để tu tập, ít ra, nếu chưa đủ duyên thì vẫn được trở lại
kiếp người để hoàn thành con đường giải thoát. Nhưng ngược lại, được làm con người
mà không tu tập, cứ mãi mê tham ái, sát, đạo, dâm, vọng, theo dục lạc, tạo nghiệp
ác… thì những kiếp sau vẫn mãi cuốn trong lục đạo Luân hồi và biết đến bao giờ
trở lại làm người để mà tu. Thế được thân người quả là “Nhân thân nan đắc” hay “Thân
người khó đặng” là vậy? Theo Đồ tôi nghĩ như vậy, còn Quý vị thì nghĩ sao?
Đồ Ngông,
30/07/2024.
No comments:
Post a Comment