Saturday, March 1, 2025

*Góc Nhìn! (1)

 

Sau hai chữ “Góc Nhìn” tôi xin phép đặt dấu chấm than (!) để nói lên những điều sẽ được đề cập đến. Đây chỉ là những khái niệm hạn hẹp mà chúng tôi đã từng suy tư, góp nhặt khi đi tìm hiều về giáo lý Nhà Phật, cũng như vài cái nhìn phiến diện của mình qua những sự việc đang xảy ra trên đường phố, dù là ở trên quê hương hoặc tại nơi xứ người theo hiện tượng của Thầy Thích Minh Tuệ.

Thú thật, trước kia tôi chẳng quan tâm gì về một nhà sư đi bộ hành trên đường Bắc Nam dọc theo các nẽo đường đất nước, cũng như không quan tâm về các tu sĩ Phật Giáo của các tu viện, hoặc những phái tu hay đường tu của họ; mặc dù có nhiều lần tôi theo dõi trực tiếp các buổi thuyết pháp của nhiều vị sư thuộc nhiều tông phái khác nhau, hay trên “internet” đã được các vị sư đưa lên trong tinh thần muốn tìm hiểu sâu hơn về giáo pháp, mong cầu có được một số kiến thức nào đó làm hành trang cho mình đang trên lúc về già. Bởi vì mình chưa có “căn” để tu hay hành một chút gì đó thuộc về của giới tu hành, do hình tướng xấu xí, thô kệch, nên không bao giờ dám mạo muội, luận bàn, phê phán những việc làm của họ.

Dĩ nhiên, khi nói đến Đạo Phật là chúng ta sẽ nghĩ ngay đến Thái Tử Sít-Đạt-Ta từ bỏ vợ đẹp con thơ, từ bỏ mọi quyền lực, giàu sang mình sẽ có để đi tìm Đạo, mong cầu một sự giải thoát trong cuộc sống đầy khổ hải của trần gian. Vì sự việc cá nhân ấy, Ngài phải dấn thân vào một cuộc sống hoàn toàn khác biệt có lúc trước chỉ sau một đêm từ bỏ. Sau 6 năm tìm thầy học đạo, thay đổi phương cách thực hành, Ngài vẫn chưa thỏa mãn với những gì mà Ngài nhận được. Cho nên một ngày, Ngài quyết chí tìm cho ra chân lý và thệ nguyện “Dù có chết cũng không bước khỏi chỗ nầy nếu chưa tìm được đạo”. Thế rồi, với 49 ngày đêm quyết tâm, ánh đạo đã hiện ra dưới cội cây mà sau nầy người ta gọi tên cho nó là cây Bồ Đề. Ngài trở thành Bậc Giác Ngộ, với cái “nhận biết” được kiểm chứng, chứng thực Ngài trở thành bậc Thầy, bậc Đạo sư để đi các nơi truyền bá, giải thích cho cái giáo lý ấy mong cầu chúng sinh được “khai mở (Khai); thấy, hiểu (Thị), nhận lấy (Ngộ), Thâm nhập và thực hành (Nhập) những tri kiến mà Bậc Phật đã khám phá được để tự giải thoát cho chính mình, vì một lẽ “Ai ăn nấy no, ai tu nấy đắc”, “Nghiệp Nhân Quả không ai thay thế cho ai, và cũng không ai gỡ cho mình được”. Do vậy: “Hãy tự mình thấp đuốc lên mà đi” theo con đường mà Ngài đã chỉ, hướng dẫn

Giáo pháp ấy có phải Ngài đã đặt hay bày ra? Tất nhiên là không phải! Giáo pháp ấy là những quy luật hiển nhiên trong vũ trụ và với Sự Giác Ngộ mà Ngài đã khám phá, nhận biết, rồi đúc kết thành hệ thống đem giảng giải cho mọi người, chúng sinh; và tùy theo căn cơ, nhận thức của từng giới mà Ngài nói từ thấp đến cao.

Thế nào là căn cơ? Căn cơ là “cái nguồn gốc Giác Ngộ”, hay “chỉ số Phật Tính” của từng cá nhân con người, chúng sinh mà họ có trong cơ thể, tâm tính hiện thời do nhiều đời, nhiều kiếp trước họ tạo điều Thiện nhiều hay ít, mà ngày nay họ sẽ được gần với Phật pháp, Sự Giác Ngộ ít hoặc nhiều. Tôi muốn kể vài ví dụ cho Quý vị nhìn rõ hơn về điều ấy. Giả sử vài người khi nói đến tu sĩ hay cái chùa nào đó mà họ không thích nghe, đôi khi còn chống báng, gạt phăng thì họ chưa có “căn” nào cả. Có người không ý kiến đó là sự bình lặng, vô thưởng vô phạt giống như người đi ngang qua cảnh chùa không hề quan tâm đến, chẳng nhìn đến cổng chùa. Có người đứng lại nhìn cổng và cảnh chùa. Rồi có người bước đến cổng chùa. Người thì đi vào trong sân, người thì vào chùa. Và xa hơn nữa đi vào trong chùa; lên Chánh điện lễ Phật; hoặc đi tìm kinh điển để nghiên cứu; hay tham gia vào các buổi đọc tụng kinh, nghe giáo lý. Hoặc xa hơn nữa là thực hành lối tu, tới việc xuất gia “cắt ái, từ thân”, “ăn cơm Như Lai, mặc áo Như Lai, thực hành theo Như Lai”. Đó là hình ảnh để chứng tỏ mỗi con người có căn “giác ngộ” khác nhau.

Tại sao làm điều Thiện lại quan trọng trong Đạo Phật như thế đấy? Cái Định Luật quan trọng nhất trong Đạo Phật là Định Luật “Nhân Quả”. Nói đơn giản là mình gieo “hạt” nào thì về sau sẽ nhận được “trái” nấy, như gieo trồng hạt chanh thì sau được trái chanh chua, hoặc gieo hạt xoài thì sẽ được trái xoài ngọt như thế nào. Để hiểu xa hơn “hạt giống” trong Đạo Phật là gì? Những hạt giống ấy với tiếng Hán Việt gọi là “chủng tử”, là danh từ thường được dùng trong môn Duy Thức Học, hay còn gọi là môn Tâm Lý Học Phật Giáo. Chủng tử là “kết quả, kết tinh” của mỗi hành động mà con người, chúng sinh làm ra hàng ngày bằng hành động từ thân xác (thân), lời nói (khẩu), suy nghĩ (ý); và những “tạo tác” ấy có thể thuộc về Thiện, Ác, hoặc Không Thiện, Không Ác. Chúng lập đi lập lại hàng ngày nhiều lần suốt trong đời sống tạo thành thói quen gọi chung là “Nghiệp”. Như vậy Nghiệp của con người, chúng sinh giống như “một cái túi” mang nhiều chủng tử có cả tốt lẫn xấu, hay là Thiện, Ác, Không Thiện Không Ác. Khi con người, chúng sinh chết đi thì như trong câu chuyện bốn bà vợ: Tiền tài, thân xác, người thân đều từ bỏ ta, chỉ có bà vợ Nghiệp đi theo mãi mãi; và chính cái túi Nghiệp nầy, cùng những chủng tử trong đó, quyết định Sự Tái Sinh của chúng sinh sẽ về cõi nào trong kiếp sau, khi một số chủng tử nào đó sẽ được nẫy mầm, trổ quả. Hạt giống thiện nhiều thì kiếp đó chúng sinh được Phước (đẹp đẽ, may mắn, hạnh phúc, giàu sang…), hạt giống Ác sẽ chịu Khổ (khổ cực, gian truân, nghèo khổ, xấu xí…), những hạt Không Thiện, Không Ác thì Vô hại! Do kết quả như thế, trong Đạo Phật khuyên chúng sinh nên làm việc Thiện, tránh xa các việc Ác. Trong “Túi nghiệp” mang đi nhiều đời, nếu hạt giống Ác càng ít chừng nào thì “Sự Trở Về” với “Chơn Tâm” càng nhanh; hay nói một cách khác là “Thành Phật” hoặc “Bậc Giác Ngộ” càng nhanh hơn.

Đến đây, chắc Quý Vị có thể hình dung ra được một vấn đề quan trọng khác là “Sự Tùy Duyên” mà trong Đạo Phật hay sử dụng đến, hoặc “Có Duyên thì gặp lại! Hết Duyên thì tan, thì lìa xa” phải không? Trong cái túi Nghiệp mà chúng sinh mang đi trong sáu cõi Luân Hồi (Lục Đạo Luân Hồi: Trời, Người, Atula, Ngạ quỷ, Súc sinh và Địa Ngục) đó gồm có vô số hằng hà Nhân thiện, ác, không thiện không ác; nhưng chỉ có số chủng tử nào đó sẽ nẫy mầm, có kết quả trong kiếp nầy thôi vì chúng đã đến độ chín mùi, đủ điều kiện để phát triển. Tùy theo hạt giống đó liên hệ với ai, và những ai trong kiếp trước thì mình sẽ có liên hệ với người đó trong kiếp nầy: Có thể là quan hệ cha mẹ, con cái, vợ chồng thân thuộc hay là kẻ thù, nợ nần với nhau đến để đòi nợ, làm khổ nhau. Do vậy mà Đức Phật đã nói: Chúng sinh trong nhiều kiếp đã là cha mẹ, con cái lẫn nhau.

 

Nguyên Thảo,

02/03/2025. 

 


No comments:

Post a Comment