Với Thiền Định, chọn
tư thế Thiền và vào Thiền đã khó, nhưng khó hơn nữa là làm thế nào để định được
Tâm, giữ Tâm cho ổn định, nhìn sâu vào thế giới Chân Không hay là Chân Như bằng
Phật Nhãn. Và, sự khám phá lại càng khó thêm vì vốn do trở ngại bởi “Tâm Viên, Ý
Mã”. Vả lại, trên con đường hành Thiền có vài ma chướng mà người hành Thiền cũng
cần nên biết (Những điều nầy Thầy Thích Thiện Hoa đã trình bày trong bộ Phật Học
Phổ Thông ở phần Kinh Lăng Nghiêm và Kinh Viên Giác). Thiền giống như chúng ta đi
trong ruột của một thân cây, đi từ dưới gốc lên tới ngọn. Trên đường sẽ có những
ngõ ngách để tẽ ra các nhánh; nếu chúng ta vượt qua, đi đúng đường thì chúng ta
sẽ lên tới được ngọn, lúc ấy chúng ta sẽ thành được Đạo, tiến tới Chánh Đẳng Chánh
Giác. Tuy nhiên, bất cứ con đường tu tập nào cũng đều có những chướng ngại; hay
ma vương thử thách người tu, hoặc loài ma dùng cái thần lực của họ có nhằm lôi
kéo người tu trở lại, vì nếu ai cũng thoát khỏi vòng Luân hồi sanh tử thì họ sẽ
“chơi” với ai! Với điều nầy, chúng tôi sẽ kể một câu chuyện hồi nhỏ để cho các
bạn dễ hiểu hơn: Ngày xưa, ở trong làng quê tôi có con suối nhỏ, dù không sâu lắm,
nhưng cũng là nơi để cho bọn chúng tôi tắm, học bơi lội sau những chuyến rong
chơi. Ở dưới suối chia phe tát nước vào nhau; bọn nhỏ con, còn nhỏ như chúng tôi
làm sao tát lại những đứa lớn hơn. Thế là bị tụi nó nhận đầu xuống cho uống nước,
hoặc tát nước vào lỗ tai, mặt mày túi bụi. Chịu không nỗi đành phải tìm đường trèo
lên bờ, mình vừa bước chân lên nó lại lôi mình xuống và tạt nước tiếp đến đỗi đành
phải khóc la chúng mới buông tha. Thì ở đây, các ma vương cũng làm giống như vậy.
Đức Phật có kể các ma trong Kinh, nhất là Kinh Lăng Nghiêm trong phần người tu
cố gắng vượt qua “ngũ ấm” (sắc, thọ, tưởng, hành, thức); mỗi ấm có 10 thứ ma chướng
được liệt kê gọi là “Ngũ Ấm Ma”; tuy nhiên “sự tưởng mình thành đạo, có khả năng
nói pháp mà kiêu mạn” là quan trọng nhất. Lại thêm loại “Thiên Ma Ba Tuần” chúng
cũng có nhiều Thần Thông chỉ thua Phật ở chỗ là không có Lậu Tận Thông mà thôi!
Như vậy, người tu phải cố gắng tự mình vượt qua nhiều chướng ngại, cùng những lực
lượng ma vương mà chúng luôn lôi kéo họ trở lại cái thế gian trầm luân nầy mà cùng
chơi với chúng.
Chúng ta đã lược qua về
Thiền để hiểu một vài khái niệm sơ khởi, và với Thiền Định trong 49 ngày Đức Phật
đã tìm được con đường Giác Ngộ, Ngài tìm đến năm anh em Kiều-Trần-Như để giảng
bài pháp đầu tiên là Tứ Diệu Đế. Tứ Diệu Đế là những Chân lý hiển nhiên, bất di
bất dịch mà mọi chúng sinh nào cũng phải chịu chi phối như là những Qui Luật tất
yếu, đó là:
1-Khổ-Đế: Trước tiên là mình
thấy được rõ cái thế giới mình đang sống hiện tại có rất nhiều đau khổ, khổ
trong nhiều vấn đề, sinh hoạt, đời sống, giao tiếp; và là những sự tranh giành,
lừa đảo; tranh hơn thua bằng những thủ đoạn tàn ác khiến cho cuộc đời trở nên
khổ hơn; mạnh ăn hiếp yếu, lớn ăn hiếp nhỏ, và luôn cả những thiên tai dồn dập từ
thời tiết mưa bão, các hiện tượng thiên nhiên, dịch bệnh, sóng thần khiến thế
giới mà chúng sinh đang sống có khổ nhiều hơn vui. Đã vậy, ngoài tiến trình cuộc
sống bằng các giai đoạn: Sinh, Lão, Bệnh, Tử; chúng sinh còn có những cái khổ
khác chất chồng như: Khổ chồng khổ (khổ khổ); hư hoại khổ (hoại khổ); hành động,
làm khổ (hành khổ); yêu thích mà phải xa rời (Ái biệt ly khổ); mong cầu mà không
được (Cầu bất đắc khổ); những gì không ưa thích, mong muốn cứ đeo đuổi theo ta
mãi khổ (Oán tắng hội khổ); và những đau khổ về thần xác, tinh thần (Ngũ ấm xí
thạnh khổ).
2-Tập-Đế: Biết được những
cái khổ thì chúng ta cần tìm hiểu về những nguyên nhân của nó, để tường tận về
cuộc sống mà chúng sinh từng trải qua: Đó là do Tham, Sân, Si. Từ sự ham muốn càng
ngày càng nhiều về danh lợi, vật chất; càng muốn chiếm về cho nhiều hơn, nếu không
được trở nên sân hận gây nên hành động, cử chỉ thù hằn, oán ghét, giận dữ…Đến
khi không kiềm chế được trở thành u mê mà có nhiều hành động sát, đạo, dâm, vọng
rồi tạo thành nhiều nhân xấu đem bỏ vào “túi nghiệp”. Ngoài ra, còn có những tính
“Mạn”: Khinh mạn, kiêu căng, ngạo mạn (Mạn, Ngã mạn, Quá mạn, Mạn quá mạn, Tăng
thương mạn, Ty liệt mạn, Tà mạn); hoặc “Nghi” ngờ tới người khác (Tự nghi, nghi
pháp, Nghi nhơn) và Thân Kiến: Chấp vào cái Ta để coi thường, chà đạp người khác
(Biên kiến, Kiến thủ, Giới cấm thủ, Tà kiến).
3-Diệt Đế: Biết được đau
khổ và những nguyên nhân nào đưa đến sự đau khổ, thì mình cần thực hành phương
pháp để không còn khổ đau, đó là sự chấm dứt khổ đau bằng sự tu tập, thực hiện
tu hành.
4-Đạo Đế: Nhưng tu hành
như thế nào? Tức là nương theo con đường mà Đức Phật đã tìm ra được khi đi tìm
kiếm sự giải thoát, và giảng giải suốt hơn 45 năm hành đạo của Ngài.
Sau bài pháp đầu tiên nầy,
Ngài đã thu phục được năm anh em Kiều Trần Như và thành lập tăng đoàn, bắt đầu ôm
bình bát đi khất thực ở các nơi, cùng thuyết pháp, giảng giải cho những người mà
Ngài gặp.
Tại sao hình thức khất thực thành hình? Thử tưởng tượng một chút, chúng ta cũng có thể hình dung được khất thực bắt đầu như thế nào. Trong những ngày Đức Phật tu khổ hạnh, ép xác đã có lúc Ngài kiệt sức, ngã quỵ trên cỏ thì có nàng thôn nữ Sujata dâng cho Ngài bát sữa để cho Ngài hồi sức. Từ đó Ngài nghĩ rằng thân xác nầy cần được bảo tồn, tồn tại để thực hiện sự tu tập của mình, cho nên Ngài chọn con đường trung đạo: Không lợi dưỡng mà cũng không ép xác, khổ hạnh. Để nhu cầu đi khắp nơi rao giảng thì phương thức khất thực (xin ăn) là thích hợp. Xin vừa đủ ăn một bữa trong ngày để giữ gìn thân xác, ai cho gì ăn nấy không chê khen, chọn lựa. Bảo tồn mạng sống để đi giảng pháp cho mọi người khác. Người theo càng ngày càng đông, tăng đoàn càng lớn; số đệ tử hiểu rõ pháp càng lúc càng nhiều. Những đại đệ tử đã hiểu được pháp một cách rõ ràng, minh bạch được chia đi khắp nơi để truyền bá giáo pháp độ đời. Tất nhiên, khi đi thì có nhiều nơi khác nhau về địa lý, hoàn cảnh, đời sống: Có nơi nghèo, nơi giàu; nơi khó khăn, nơi thuận lợi thì cách ăn mặc có khác nhau, có người được nhận sự bố thí cúng dường, có nơi thì phải nhặt vải bên đường hay nghĩa địa để kết lại mà mặc. Đời du tăng đã được phổ biến. Nhưng việc nào cũng có biến đổi tùy theo môi trường, nơi chốn; thì ở đây Đạo Phật cũng thay đổi theo các hướng mà nó đi: Với Nam tông thì giữ được cách khất thực như thời Đức Phật và đệ tử vào lúc ban đầu do thời tiết, khí hậu ấm; nhưng ngày nay, cũng cần có nơi cố định để tiện lợi cho người dân đến để tập tu và tìm hiểu về Đạo nên các Tịnh xá, am, cốc cũng được thành hình. Đời du tăng có nhiều trở ngại, nhất là trong hoàn cảnh của những nước có chiến tranh. Có một câu chuyện mà chúng tôi muốn kể để Quý vị suy ngẫm xem thế nào? Ở làng quê tôi trong thời chiến tranh khá ác liệt vào những năm 60, có một ông chú đi hớt tóc, ông ấy cưỡi xe đạp đi vòng qua các xóm để hớt dạo. Sau ông theo đạo Tin Lành, không biết có phải vì ông sốt sắng truyền đạo quá theo tiêu chí của người theo đạo nầy, mà ông len lõi các xóm ở mức độ nhiều hơn, và sau đó thì ông bị mất tích. Không biết ông mất tích vì lý do gì, nhưng có tin đồn ông làm gián điệp. Chẳng hiểu thế nào, nhưng dù gì sự việc cũng đã xảy ra, có thể đó là sự sai lầm theo kiểu: “Thà giết lầm, còn hơn là thả lầm” chăng? Từ câu chuyện ấy, bây giờ ta có thể giải mã được vài câu chuyện khá quan trọng trong thời gian chiến tranh, lúc mà những lực lượng đối kháng không thể tin người khác, dù người đó là ai! Còn về nơi phương Bắc thì với thời tiết lạnh lẽo, tuyết phủ vào mùa Đông thì người tu phải thích ứng theo nó, không thể giống như ở phía Nam được, nên bắt đầu những tự viện ra đời. Hình thức khất thực để “gieo duyên”, “hóa duyên” khó mà thực hiện.
Nguyên Thảo.
No comments:
Post a Comment