Wednesday, March 26, 2025

*Góc Nhìn! (4)

 

Theo chúng tôi nghĩ, qua các phần trên Quý vị cũng theo dõi được các phần về “Nhân và Quả”, Nghiệp, Duyên Khởi, Tái Sinh và Lục Đạo Luân Hồi! Bây giờ chúng ta trở lại xem Đức Phật đã chiêm nghiệm về sự thành hình con người, chúng sinh như thế nào? Trong giai đoạn Thiền Định 49 ngày của Đức Phật, vào những ngằy cuối cùng Ngài đã nhận thức được rằng: “Con người, chúng sinh khởi đầu hành trình lăn lộn trong bể khổ, trầm luân trong Lục Đạo Luân Hồi là do sự “Vô Minh” (không biết, mê mờ, ngu si), nên mới có hành vi tạo tác (Hành); rồi đến nhận thức phân biệt (Thức); kế là sự hình thành của Thân và Tâm (Danh Sắc); sau đó sự gắn kết thân, tâm cùng 6 căn: Mắt, tai, mũi, luỡi, thân, ý (Lục Nhập); từ các căn nầy mà tiếp xúc, có cảm xúc với ngoại cảnh (Xúc); nên mới nhận lấy, hưởng thụ (Thọ); từ hưởng thụ mới sinh ra luyến ái (Ái); từ luyến ái lại muốn giữ, muốn lấy (Thủ); cho mình, cho riêng mình (Hữu); và muốn thế nên mới có (Sinh); mà sinh ra tất có (Lão, Bệnh, Tử). Đó là tiến trình về con người mà Đức Phật chiêm nghiệm nhiều lần xuôi lẫn ngược để kiểm chứng điều mình đã tìm thấy được theo luật: “Cái nầy có thì cái kia có, cái nầy mất thì cái kia mất”. Cuối cùng, định luật ấy để giải thích cho sự thành hình con người, chúng sinh gọi là thuyết: “Thập Nhị Nhân Duyên”.

Vậy thì “Cái gì” cho sự khởi đầu bằng hai chữ “Vô Minh”? Ai Vô Minh? Hay cái gì Vô Minh? Thuyết Thập Nhị Nhân Duyên làm cho người tìm hiểu vào Đạo Phật có nhiều lấn cấn và bỡ ngỡ về vấn đề nầy! Thật ra, cũng không có gì khó để tìm ra, vì trong các Kinh Phật cũng thường đề cập đến, nếu chúng ta tinh ý một chút thì cũng có thể hiểu được, đó là cái Phật Tánh của mỗi con người, chúng sinh đều có. Nhưng Phật Tánh ấy được gọi nhiều tên khác trong các phần kinh khác nhau: Khi thì gọi là Tâm, khi thì gọi là Bản Lai Diện Mục.

Tôi xin kể một câu chuyện để Quý vị có thể hình dung ra điều ấy. Thí dụ: Tất cả chúng ta đều cùng ngồi trên bờ của một dòng sông, nước chảy im lìm, trong xanh trong một khung cảnh yên lặng; rồi đột nhiên có người nào đó đi đến bờ và bước vào dòng nước để chơi. Nhiều người khác bắt chước tiếp theo, và mọi người đều tham gia. Ở trong dòng sông ấy họ chơi giống như những trò chơi lúc nhỏ mà chúng ta chơi: Người thì lặn, người thì bơi, người nổi trên mặt nước, người chìm sâu dưới đáy, người thì đi càng ngày càng xa, người thì ờ sát bờ. Mọi người chơi tát nước, kẻ lớn thì ăn hiếp trẻ nhỏ, làm cho chúng khóc la, đứa mạnh thì cố nhận đầu cho đứa yếu uống nước chơi. Có đứa rón rén trốn cuộc chơi để bước lên bờ thì những đứa kia thấy được liền chạy đến cùng nhau lôi nó xuống để chơi tiếp.

Qua ví dụ ấy, chúng tôi muốn chứng minh cho Quý vị một câu chuyện để quán triệt cái trò chơi của trần thế, và hiểu hơn chút nào về lý thuyết, nhận xét, giải thích của Đạo Phật trong cuộc đời.

Mỗi người ngồi trên bờ sông chính là cái Phật tánh của mỗi người hay chúng sinh, cái không gian, khung trời đó là Cõi Chơn Tâm (hay Cõi Phật). Khi còn ngồi trên bờ sông để nhìn khắp nơi, thấy rõ mọi chuyện ấy là cái “Tánh giác diệu minh, bản giác minh diệu” (Chơn Tâm nhiệm mầu vắng lặng mà thường sáng suốt chiếu soi). Nhưng do vì không biết (Vô Minh) cái Phật tánh của mình rời chỗ ngồi trên bờ (rời cõi Chơn Tâm) để đến bờ sông đi vào dòng nước (Bến mê hay tiếng Hán Việt gọi là Mê Tân) liền bị dòng nước lôi cuốn cùng với bạn bè để chơi những trò chơi, lăn lộn trong dòng sông ấy (Tạo Nghiệp, gây Nhân và chịu Luân Hồi). Mình ăn hiếp, lừa đảo, cướp bóc, giết người, giúp đỡ hay hành thiện tạo nên những ân oán giang hồ đối với kẻ khác, thì tất nhiên với hận thù ấy họ không hề quên, cố tìm được ta để trả thù. Do vậy sự vay trả trả vay kéo dài không biết đến bao giờ! Cũng trong dòng sông ấy người thì được nổi trên mặt nước để thở hít không khí trong lành, có cái nhìn xa rộng hơn giống như chúng sinh đang hưởng phước trên cõi trời; người hơi chìm đắm chút ít là ở cõi người; người chìm đắm hơn là đang ở Atula; người sâu dưới đáy ngộp thở, kêu la thì đang ở trong địa ngục; và có những người ở tầng gần đáy là ngạ quỷ, súc sinh. Ngoài ra, có người lội ra thật xa bờ, chìm đắm đó là những chúng sinh còn mê muội vào cuộc chơi. Nếu có kẻ lội hướng vào phía bờ thì họ đang “Hồi đầu thị ngạn” (Quay đầu là bờ). Quay đầu như thế nào? Có nhiều cách: Quay đầu một cách năng nỗ là Tu sĩ, người tu dứt bỏ mọi hành trang, quyến luyến để lội ung dung, thoải mái vào bờ. Có người bơi từ từ, hơi vướng bận với trần thế giống như các cư sĩ, người tu tại gia. Và những người lội không phải vội vàng như những người hành thiện chẳng hạn. Nhưng dù gì họ cũng tùy theo hoàn cảnh, cơ thể của họ mà họ vận dụng cách tu nào, ứng dụng làm sao, như thế nào, mỗi người mỗi cách có khác nhau cho nên trong giáo lý nhà Phật mới nói đến “Bát vạn, tứ thiên” (Tám mươi bốn ngàn) pháp môn; đó là từ ngữ để diễn đạt của người Ấn Độ khi đề cập đến số lượng “thật là nhiều”; tức là có rất nhiều pháp môn. Khi ai đó đến được bờ thì bờ bây giờ được gọi là “Bờ giác” (Giác Ngạn). Nhưng tại bờ giác nầy, có nhiều người không muốn bạn bước lên bờ, mà họ muốn bạn trở lại chơi với họ tiếp tục nên họ quyết chí lôi kéo bạn trở lại, đó chính là những ma chướng, thế lực của Ma vương đang gây trở ngại cho người tu. Bạn cương quyết dùng mọi sức mạnh để vượt thoát bước lên bờ lúc ấy bạn là Bậc Giác Ngộ, là Thành Phật, là Như Lai…Phật tính của bạn trở về với thế giới Tĩnh Lặng trên bờ sông, nhìn ra khắp nơi thấy mọi phía, nhìn vào dòng sông thấy tất cả mọi điều, sống với “Tánh giác diệu minh, bản giác minh diệu”. Và quay lại các việc xảy ra trong quá khứ ở dưới dòng sông, giống như là một cơn mê, một giấc mơ mới vừa xảy ra đêm hôm qua (đại mộng, giấc mộng lớn).

Ở đây, chúng tôi muốn để cập vài phần nhỏ để chúng ta hiểu thêm phần nào nữa của quan niệm trong lý thuyết, hay nói đúng hơn là trong Giáo Lý của nhà Phật. Đó là:

Quý vị cứ xem không gian bao la phía trên bờ sông là Cõi Phật, cõi Chơn Tâm; những người ngồi trên bờ sông là Tâm, là Phật Tính từng chúng sinh trong cái Thức Tâm chung, cùng hòa quyện (viên dung) với các đại khác như đất, nước, gió, lửa, hư không, cái thấy, tức là 7 Đại của thế giới bao la. Trong một thoáng nào đó, Tâm chúng sinh vì không biết (Vô Minh) mà đã khởi lên (“Hành”) động, tạo tác; có vọng tưởng phân biệt (Thức); nên mượn đến tứ đại: Đất, lửa, gió, nước để kết nên thân thể, hình tướng (Danh sắc), rồi với hình tướng ấy có được 6 căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý gắn liền vào. Với 6 căn được tiếp (Xúc) 6 trần; qua nhận thức của 6 thức chúng sinh được nhận lấy, hưởng thụ (Thọ). Hưởng thụ, thọ lấy thì thấy thích (Ái). Thích thì muốn chiếm giữ (Thủ), và muốn có mãi (Hữu), có mãi thì phải có tái (Sinh), có sinh tất có (Già, Bệnh, Chết). Đó là thuyết Thập Nhị Nhân Duyên để giải thích rõ về sự hình thành con người, chúng sinh và tại sao chuỗi ấy lại tiếp nối tái diễn khá dai dẵng. Cái quan trọng trong chuỗi nầy là ở chỗ Dục Ái (yêu thích và ham muốn) cho nên mắt xích ấy khá quan trọng trong sự giải thoát. Khi chúng sinh có hình tướng và lục căn, với lục căn ấy tiếp xúc với 6 trần, rồi với 6 thức người ta biết thế nào là ấm êm, sung sướng, ngon ngọt, đẹp đẽ…thì muốn có; có ít rồi lại muốn có nhiều (Tham), tìm đủ mọi cách để chiếm lấy. Nếu không được lại trở nên giận dữ, sân hận (Sân). Đến lúc mù quáng (Si) thì dùng mọi cách để chiếm lấy qua các hình thức giết người (Sát); trộm cắp (Đạo), tà dâm (Dâm), xí gạt, dối trá, lừa đảo (Vọng) gây nên những nhân xấu, tạo nên những nghiệp phải trả trong tương lai.

 

Nguyên Thảo.

 


No comments:

Post a Comment