Sunday, March 9, 2025

*Góc Nhìn! (2)

 

Như ở trên đã nói: Con người, chúng sinh khi chết đi thì thân xác, tiền tài, người thân đều bị bỏ lại, chỉ mang theo cái “Túi Nghiệp” với hằng hà sa số chủng tử trong đó. Tùy theo những chủng tử nào “đủ duyên” để phát sinh trong thời kỳ kế tiếp, thì sẽ quyết định chúng sinh ấy sinh về cõi nào trong Lục Đạo Luân Hồi. Nhiều chủng tử tốt (Thiện) thì sinh về cõi Trời để hưởng Phước hay sinh về cõi Người, hoặc kém hơn thì về cõi Atula, kém hơn nữa thì vào cõi Ngạ Quỷ, Súc Sinh, tệ hơn thì vào Địa Ngục để “chiêu cảm” (danh từ trong Kinh Địa Tạng) tự cảm nhận, mời gọi những đau đớn, hình phạt đến với mình trong từng giây phút về các tội lỗi mà mình đã gây ra trước kia, hay trong kiếp vừa rồi. Và cũng tùy theo các “Nhân” trong túi nghiệp trổ quả trong giai đoạn nào, mà cuộc sống có nhiều tiến trình liên tiếp diễn ra cho đến lúc cuối đời. Do vậy, trong mỗi kiếp tái sinh con người, chúng sinh đều “vô thường” (biến đổi, thay đổi) trong từng thời gian nhỏ nhất (sát na). Cuộc đời gặp những biến cố đau khổ hay may mắn, hạnh phúc đều bắt nguồn từ các chủng tử Thiện, Ác đã gieo trong nhiều kiếp, vì do các nhân ấy đã tới lúc, giai đoạn nẫy mầm kết trái (Quả); cho nên theo từ ngữ trong Nhà Phật ta gọi là “Tùy duyên sinh” (Duyên Khởi), rồi tiếp theo đó là một chuỗi sự kiện xảy ra: Sự kiện xảy ra trước là nguyên nhân cho sự kiện xảy ra sau, sự kiện xảy ra sau là nguyên nhân của sự kiện xảy ra kế tiếp, cứ thế mà diễn tiến liên tiếp gọi là Trùng Trùng Duyên Khởi; kéo theo những “nhân phụ thuộc” cũng nẫy mầm đồng loạt hỗ trợ cho sự kiện chính, mãi đến khi biến cố cuối cùng bị “Tùy Duyên mà Diệt”, chấm dứt cho sự kiện đó. Để rồi lại bắt đầu cho những sự kiện kế tiếp do “Nhân” khác nẫy mầm, và cuộc đời bước vào một giai đoạn khác. Khi các nhân nẫy mầm trong cuộc đời nầy đã hết, thì người hay chúng sinh sẽ “chấm dứt cuộc chơi” (chết), để bước sang một “kiếp Tái sinh” sau nữa ở một cõi nào đó trong “Lục đạo Luân Hồi”!

Nói một cách rõ hơn, trong Đạo Phật khuyên chúng sinh nên làm việc Thiện để được Nhân Thiện, vì nhân thiện sẽ tạo được Phước đức, tốt cho mình và “bố thí” cho người, chúng sinh khác mà cao nhất là “sự bố thí, thi ân mà không cầu báo đáp” (Bố thí Ba La Mật). Còn khi tạo ra những nhân xấu với người, chúng sinh khác thì người ta sẽ đòi và mình phải trả (vay trả, trả vay) trong kiếp nào đó, tức là phải chịu “kiếp tái sinh” để trả nợ, thì vẫn còn lăn lộn trong “Vòng Luân Hồi”! Nếu qua nhiều kiếp mình làm việc Thiện nhiều hơn Ác, tức là hạt giống trong túi Nghiệp không còn bao nhiêu Nhân xấu; thì người, chúng sinh đó sẽ tiến đến kiếp cuối cùng và chấm dứt để ra khỏi sự Luân Hồi và tìm được Phật Tánh, Bản Lai Diện Mục… trở thành Bậc Giác Ngộ, là Phật, là Như Lai trở về với Chơn Tâm, dù chúng sinh ấy muốn hay không muốn đi nữa. Nhưng, cũng còn có con đường khác để họ đi là theo nguyện lực, lời nguyện không thành Phật, mà chỉ thành Bậc A-La-Hán để trở lại thế gian, cõi nào đó mà độ đời, giúp các chúng sinh khác; giống như Ngài Địa Tạng nguyện đi vào Địa Ngục để độ các chúng sinh trầm luân cho đến khi không còn chúng sinh nào ở đó nữa thì mới thành Phật. Đó là sự tìm hiểu, giải thích, chứng minh cho một tiến trình “Đi Tìm Sự Giải Thoát” vậy!

Thế cách nào đi tìm được Bản Lai Diện Mục hay cái Phật Tánh của mình và mong cầu giải thoát? Đó là sự trăn trở của Đức Phật ngày xưa để Ngài quyết chí đi tìm Đạo. Ta nhớ lại sau thời gian 6 năm đi tìm cầu, Ngài chưa thỏa mãn với những phương pháp tu tập mà Ngài đã học được, cuối cùng Ngài quyết chí Thiền Định dưới gốc cây Bồ Đề đến chết thì thôi. Trong 49 ngày, Ngài đã Chứng Ngộ và Kiểm chứng lại các điều ấy, và sau đó Ngài đi tìm năm anh em Kiều Trần Như để nói đến Bài Giảng Đầu Tiên là Tứ Diệu Đế. Tứ Diệu Đế mà người ta thường hay nói đến như là Bốn Thánh Đế, đó là những Qui Luật hiển nhiên, bất di bất dịch của Thiên Nhiên, Vũ trụ mà tất cả mọi chúng sinh đều bị chi phối, giống như cái “Định Đề”, chứ không phải là Định Lý trong toán học. Đó là bốn điều: Khổ Đế, Tập Đế, Diệt Đế và Đạo Đế.

Trước khi nói đến Tứ Diệu Đế, chúng tôi xin đề cập sơ qua về chuyện Thiền Định hay là nói đến Thiền. Thú thật, chúng tôi không có kiến thức hay nghiên cứu nhiều về Thiền, tất nhiên nói về chuyện nầy thì thật là nông cạn, tuy nhiên tôi có vài suy nghĩ sau:

Khi mình trở về già, hay không bận lo nhiều về vấn đề nhân sinh: Cơm, áo, gạo, tiền, gia đình, con cái, cuộc sống…thì người ta thường được sống trong cảnh tĩnh lặng, bình yên để có những lúc trầm tư, nghiền ngẫm những giai đoạn đã qua, nhìn lại cái quá khứ tìm ra cái đúng, cái sai mình đã làm; cái thiện, cái ác mình đã gieo vân..vân…Cái hiện tượng ấy giống như mình đang ngồi bên bờ hồ nước, lặng nhìn hồ bớt đi các làn sóng lao xao, dao động để rồi dần lặng yên, ta nhìn từng lúc. Nếu mặt nước càng yên chừng nào ta lại càng nhìn rõ được đáy hồ và tìm thấy những gì ở dưới đáy, càng cố nhìn thì ta càng thấy rõ ràng hơn. Có khi nào bạn nghĩ đến ta thấy được một vật quý giá dưới đáy hồ, giống như ta tìm thấy được cái Phật Tánh khi mình lắng Tâm xao động để đi tìm nó không? Đúng như thế bạn ạ, khi ta cố lắng lòng, yên tĩnh ấy qua Sự Thiền Định, khi đã Định được Tâm ta sẽ có được Tuệ và ta sẽ tìm thấy được cái quý giá mà ta có.

Thiền Định hay thường nói là Thiền, vậy Thiền là gì? Tức là một trạng thái lấy sự tĩnh lặng; cố gắng giữ cho tâm, ý không bị loạn động như ta làm cho mặt nước của hồ không còn lao xao, sóng gợn để từ đó ta có thể đi vào khám phá một thế giới sâu thẳm của cuộc sống gọi là thế giới Tâm Linh, mà ở trên ta đã thí dụ như thấy được vật chìm đắm dưới đáy hồ. Thông thường, trong con người có Tâm và Ý để thể hiện tư tưởng, khởi niệm cho những hành động, ước muốn, việc làm, tạo tác, điều khiển mọi hành động của chúng ta. Tuy nhiên tâm luôn biến chuyển, vọng động, thay đổì không ngừng; ý cũng vậy cho nên từ ngữ trong Đạo Phật ví dụ hai thứ đó giống như con ngựa không cương, khó kiềm hãm và con vượn nhảy lăng xăng nên gọi là “Tâm viên, ý mã” (Tâm như con vượn, ý như con ngựa). Muốn kiềm chế chúng không là dễ! Thiền là tìm cách chế ngự, cho chúng nằm im để chúng ta đi vào thế giới siêu hình mà khám phá, tìm được cái “Tâm Thanh Tịnh” của chính mình, để thấy “Hoa khai kiến Phật, ngộ vô sinh”, tức là cái Phật tánh, Bản Lai Diện Mục của chính mình và thành Bậc Giác Ngộ, và có thể biết được những gì mà Đức Phật, hay các chư Phật trong thời quá khứ, hiện tại, vị lai trong Tam Thiên Đại Thiên đã “Thấy, Biết”!

Người ta đề cập đến “Tứ oai nghi” để Thiền. Tứ oai nghi là bốn tư thế: Đi, đứng, nằm, ngồi, Thiền trong tư thế nào cũng được cả. Tuy nhiên đứng, nằm, ngồi dễ hơn, còn trong khi đi người ta chỉ chú tâm để định thần vào công việc, mục tiêu nào đó chứ không thể là thể Tĩnh lặng hoàn hảo để thực hành Thiền Quán. Tư thế tốt nhất vẫn là nằm hay ngồi, nằm khiến người ta dễ đi vào giấc ngủ (hôn trầm), và phương pháp ngồi vẫn được chọn, ưa chuộng nhiều hơn. Vì ngồi khiến cho người ta Thiền được trong thời gian dài hơn mà không bị buồn ngủ, hôn trầm. Tuy nhiên, tùy theo cơ thể, sức khoẻ người thực hành chọn cho mình cách thức thích hợp. Ngồi Thiền không nhất thiết là phải kiết già, sao cho mình cảm thấy thoải mái trong thời gian dài mà không bị trở ngại, khó khăn; nhưng với cách ngồi kiết già thì người Thiền đã quen có thể giữ vững cơ thể trong thời gian rất là dài, không phải nhúc nhích, loạn động, thì sự động tâm không còn trở ngại khiến ta khó “định” được tâm, ý hay nói nôm na là tinh thần!

 

Nguyên Thảo,

10/03/2025.

 


No comments:

Post a Comment