Sunday, March 9, 2025

*Có Phải Là Nợ Nần Với Nhau?

 

Đến nay khi mình trở nên già đi, mọi công việc lo toan được gác lại, rồi ngẫm nghĩ về thế sự, cũng như nhìn lại những quãng đời đã qua, để mình có cái nhìn tổng quát hơn về cái con người của mình trong trần thế nầy đã như thế nào, có ích gì hay là có hại; hoặc những sự “đái nát” nào đó mà mình chẳng làm được gì.

 Ngày xưa, khi về ở chung với ông nội vì ông ở có một mình. Lúc đó chị hai Nhiếm, con Bác Tư đã đi lấy chồng tận bên Bến Gỗ thuộc Tỉnh Biên Hòa, thì tôi cũng bắt đầu vào lớp Đệ Tam (tức lớp 10 ngày nay). Nhiều đêm tôi chong đèn ngồi học thì ông nội đã đi ngủ sớm, nhưng rồi khoảng 2, 3 giờ sáng ông thức dậy, đi nấu nước để pha trà ngồi uống một mình bên chiếc bàn tròn kê ở căn giữa của nhà. Lúc sau thì có ông Hai (anh rễ của ông nội) bên kia đường sang gõ cửa vào ngồi cùng chuyện trò. Chẳng bao lâu thì ông Bảy nhà kế bên cũng sang tham gia. Các ông nói toàn những chuyện đời xưa, rồi cũng như chuyện ngủ không nhiều, nhớ lại chuyện hồi năm nào. Lúc ấy, tôi thường chập chờn thức giấc mà chứng kiến rất nhiều ngày như vậy. Có khi có thêm dượng Hai Đố nhà kế bên, cùng Dượng Bảy Dí bên kia đường đối diện tạo thành một buổi họp mặt những người già vào buổi sáng sớm, ở một khu phố trong khu ấp chiến lược của một làng quê vào thời buổi chiến tranh.

Thế rồi, từng thế hệ qua đi từ ông nội cho đến ba mình, và bây giờ mình đã già quá cái tuổi gọi là “Thất thập cổ lai hi”, mình cũng có những cái nỗi niềm giống như ông nội ngày trước: Cũng ngủ ít, ăn ít cùng nhớ chuyện xưa cũ và ôn lại kỷ niệm thuở nào đó đối với bạn bè vào những lúc có dịp gặp hoặc hàn huyên. Thêm vào đó, mình lại kiểm điểm cuộc sống của mình sau gần 80 năm trải qua cuộc đời đầy ganh đua, biến động. Trước tiên, có lẽ tôi phải xin lỗi với ba tôi thật nhiều vì tôi “quá ngu”, không đáp ứng được điều nào mà ông đã kỳ vọng vào một đứa con trai đầu lòng mà ông đã có. Bất cứ một người cha hay mẹ nào khi sinh được đứa con cũng điều mong con mình được lành lặn, khôn ngoan, có ích cho gia đình, xã hội, làm nở danh dòng họ trong tương lai. Điều ấy tôi học được từ khi có những đứa con, nhưng để xét lại mình thì tôi chỉ có khái niệm ấy mới đây thôi, cũng trong một dịp tình cờ khi kể lại câu chuyện ngày xưa: Tại sao mình lại quá ngu như thế mà chắc không có một đứa trẻ nào tệ hơn? Thực vậy, bạn thử nghĩ ngày ấy tôi đã 5 tuổi thế mà ba tôi dạy tôi đếm số từ 1 tới 10; tôi đã không đếm được, có lúc đếm đến 9 chỉ còn một số nữa thôi mà tôi cũng đếm không được. Quả thật là tệ phải không bạn? Sau trận đòn ấy, từ đó ba tôi không hề dạy cho tôi nữa. Bây giờ tôi nghĩ ngày ấy chắc ông thất vọng về tôi rất nhiều! Rồi không những thế có lúc ông làm cây đàn gáo (đàn độc huyền bằng gáo dừa xiêm) mà ngày nay người ta chế biến bằng hình thức đẹp hơn và gọi là đàn “độc huyền” (một dây), và ghi dấu để dạy tôi đánh đàn, nhưng thêm một lần nữa ông cũng thất vọng không cùng. Thế rồi hai năm sau, vì tình hình chiến tranh ông phải dời gia đình về chợ Tân Phước Khánh sống cho yên ổn hơn. Vì bận lo buôn bán nên ông gởi tôi vào trường học nơi lớp Đồng Ấu cho Thầy giáo Sáu ở trường Cây Gòn của Thầy giáo Khai. Ba tôi từng nghe “mắng vốn” từ Thầy giáo Sáu là vào lớp tôi hay ngủ nên ông khuyên ba tôi để cho tôi ở nhà, nhưng ba tôi cần gởi tôi ở trường hơn vì sợ tôi đi chơi. Thế nhưng sau nhiều tháng tôi cũng học tạm được, không còn gì phải phiền hà đến thầy và ba nữa. Từ đó tôi thấy khả năng học bài “thuộc lòng” của mình vất vả vô cùng. Có khi học đến hai mươi lần mới thuộc nhưng lại rất mau quên. Điều ấy đã theo tôi đến tận bây giờ, tôi có thể kiểm chứng nó qua nhiều bài hát hoặc các bài quốc ca mà tôi đã từng ca rất nhiều lần nhưng chưa bao giờ thuộc hoàn hảo một bài, ca cứ “lộn qua lộn lại” hoài. Theo thời gian, tôi cũng chỉ làm được một điều là hoàn tất kết quả các kỳ thi Tú Tài I và 2 một cách năng nỗ mà thôi. Đó là điều mà tôi đã cố gắng đền đáp an ủi lại cho ông thôi, chứ không còn có gì khác hơn!

Còn đối với má tôi, thì có lẽ tôi ra đời là một chuỗi “oan gia” hơn là hạnh phúc cho nhau. Không biết ngày má tôi mang thai, tôi có hành hạ bà nhiều không, chứ sau nầy bà kể lại khi sanh tôi ra thì đã khóc quá nhiều, khóc đến đỗi bà dỗ không nín và không thể ngũ được. Khóc đến đỗi rún lòi ra thành một cục tròn chứ không lặn vô trong như bao nhiêu đứa trẻ khác. Khóc đến đỗi bà giận quá, có lúc bà đưa tôi ngủ trên võng mà phải văng vào chuồng trâu mà tôi vẫn khóc. Bao nhiêu người chỉ, hay bày làm cách này, cách khác để tôi trở nên dễ hơn, nhưng vẫn không hiệu quả. Tôi vẫn khóc mãi như vậy cho đến đúng sáu tháng tròn trĩnh, thì qua ngày sau đó đột nhiên tôi trở nên dễ vô cùng, để ở đâu nằm chơi ở đó không hề quấy rầy. Tuy nhiên trong chuyện kể lại của má, có một điều làm tôi suy nghĩ hơi nhiều, không biết có phải điều ấy làm cho tôi kém trí nhớ mãi về sau nầy. Má nói, ngày ấy Tây “đi bố” (ruồng bố, lùng xục) khiến dân trong xóm phải bỏ chạy, vì nếu không tụi Tây có thể bắt giết, bắn hay lấy lưỡi liềm cắt cổ. Vì vậy má bồng tôi cứ chạy, nhưng tôi thì cứ khóc mãi, khiến bà sợ tụi Tây nghe mà bắt giết nên đành phải ấn tôi xuống nước ruộng. Sau nầy nghe người ta thường nói những đứa kém trí nhớ, hay quên rằng “giống như thằng té giếng”, ở đây tôi không bị té giếng nhưng bị dìm vào trong nước ruộng để tránh tụi Tây nghe được do tiếng khóc của mình. Thế là mọi chuyện nào xảy ra trong đời đều có cái tương quan với nhau của nó, không phải nó ngẫu nhiên đến mà không có nguyên nhân.

Tất cả những chuyện giữa cha mẹ và tôi là như vậy, nếu Quý vị có đứa con như thế đó thì cảm tưởng bạn sẽ ra sao? Thất vọng thật nhiều phải không? Thì có lẽ ba má tôi cũng không khác! Rồi với vài biến cố trong cuộc đời, tôi đã đi tìm…đi tìm sự bình an cho mình qua các tôn giáo. Cuối cùng tôi đã tìm thấy “sự lý giải hợp lý” khi tôi đi sâu vào giáo lý của Nhà Phật, và ngày nay tôi bằng lòng với tất cả những gì đã có, giống như những hạt giống mình đã gieo từ xa xưa mà bây giờ mình nhận được kết quả của nó; và với cha mẹ là “nhân duyên”: Sinh ra, gắn kết là nợ nần của nhau, như sự thừa hưởng cùng chuỗi “gen” di truyền của nghiệp.

 

Đồ Ngông,

16/02/2025.

 


No comments:

Post a Comment