Sunday, April 6, 2025

*Góc Nhìn! (6)


Đó là “cái bè” thứ nhất (bè giáo lý) để con người học Phật, chúng sinh vượt qua “khổ hải” (biển khổ) quay trở về “giác ngạn” (bờ giác), bước lên cõi “giải thoát” (cõi Chơn Tâm, cõi Phật, Pháp Giới, Niết Bàn, Viên Giác…). Còn “bè thứ hai” là cái thân xác con người mà trong Đạo Phật cho là khó được: “Thân người khó được” (Nhân thân nan đắc). Tại sao thân người lại quan trọng như thế? Vì trong Kinh có đề cập đến việc Đức Phật Thích Ca chọn thế giới Ta Bà là cõi có nhiều khổ, ít vui mà nói pháp giải thoát; Thế cho nên, chỉ ở cõi Ta Bà, tức thế giới của chúng ta đang sống nầy, mới có được Phật pháp để con người tập tu mà thoát khỏi cõi Luân Hồi. Chúng ta nhớ lại rằng: Lục đạo Luân hồi có 6 đường: 4 cõi không có sắc hình, hình tướng (Vô sắc giới) như chúng sinh sinh vào cõi Trời (Thiên), Atula (Thần), quỷ đói (Ngạ Quỷ), Địa Ngục; và 2 loại chúng sinh có hình tướng (Sắc Giới) là: Người (Nhân), cùng súc vật (Súc Sinh). Trong 6 loài đó chỉ có loài người mới được Đức Phật truyền bá về giáo lý. Để dễ hiểu hơn, chúng ta có thể tưởng tượng chúng sinh trong Vòng Luân Hồi (hay là vòng của sự tái sanh) như là cái lồng cầu to lớn chia ra 6 ngăn để chúng sinh xoay vòng trong đó do gây Nhân và trả Quả trong vô lượng kiếp; Nhưng cửa ra, cửa giải thoát của nó chỉ có ở một nơi duy nhất là nơi ở của “con người”. Cho nên chỉ có con người mới có thể tu để được Giải Thoát khỏi vòng Sanh tử Luân hồi; vì thế được làm con người là rất quý; và có thân người thì mới có thể tu qua các phần, bộ phận liên hệ trên thân thể như trong Kinh Lăng Nghiêm chỉ rõ trong “25 phép tu” có thể chứng được. 25 phép tu đó là gì? Đó là sự chứng quả qua 6 trần (thanh trần, sắc trần, hương trần, vị trần, xúc trần, pháp trần); do 6 Căn (Nhãn căn, Nhĩ căn, Tỹ căn, Thiệt căn, Thân căn, Ý căn); do 6 Thức (Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỹ thức, Thiệt thức, Thân thức, Ý thức); do 7 Đại (Lửa, Đất, Nước, Gió, Hư không, Thức đại, Kiến đại). Như vậy, con người có thể dùng mọi yếu tố liên quan đến cơ thể, để làm con đường tu tập, mà đạt đến sự giải thoát theo hướng dẫn của Bậc Đạo Sư Thích Ca, và Đệ tử cùng thời hay các thế hệ về sau của Ngài rao giảng. Ngày nay, chúng ta được làm con người tức là chúng ta đang được đứng tại cửa thoát ra khỏi vòng luân hồi nếu chúng ta biết tu tập. Nếu không thì quá uổng, lỡ trong kiếp nầy chúng ta làm quá nhiều điều không thiện, thì phải đi vào con đuờng tái sinh khác, nơi đó không có Phật pháp để tu, thì biết đến bao giờ ta được làm người trở lại (là nơi có cửa để thoát ra) mà tu. Nếu ta được tái sinh lên cõi trời, nhưng nơi đó dù sung sướng, hạnh phúc, đầy phước đức nhưng không có Phật pháp thì cũng chẳng làm sao để tu! Do vậy, được kiếp người có nhiều khổ ít vui, nhưng là nơi mà chúng ta có thể mong cầu được giải thoát. Quả thực là “Nhân thân nan đắc”! Với thân, ta có thể mượn chiếc “bè” nầy để sang sông, trở về với “bến giác”, bước lên bờ “giác ngộ”! Cũng như trong Kinh Tạp A Hàm Đức Phật có thuyết:

“Như Lai tuyên bố rằng thế gian, nguồn gốc của thế gian, sự chấm dứt thế gian và con đường dẫn đến sự chấm dứt thế gian đều nằm trong tấm thân một trượng này, cùng với tri giác và tư tưởng”.

Trong Kinh Viên Giác, chương Phỗ Nhãn, Đức Phật có thuyết: “Bởi thế nên biết “Sanh tử và Niết Bàn” cũng đều như giấc mộng hôm qua, vì chúng sanh vốn đã thành Phật từ xưa đến giờ”, tại sao như thế? Nếu nghiên cứu kỹ hơn, chúng ta sẽ thấy: Chúng sinh vốn từ cõi Chơn Tâm tức là cõi Phật, nhưng vì còn u mê (Vô minh) mà đã rời xa cõi ấy với cái Tâm phân biệt, đầy vọng tưởng cho nên để rồi mượn đến tứ đại, kiến đại, hư không để tạo nên thân xác cùng nhận thức. Rồi cái Tâm bị trói buộc trong thân xác ấy, lại thêm các nhu cầu đòi hỏi phải đáp ứng, cung phụng cho thân xác như ăn uống, mặc ấm chống lạnh, trừ nóng…của môi trường sống làm cho thêm nhiều trói buộc. Nhu cầu sống đòi hỏi càng ngày càng cao, sự yêu thích, ham muốn (ái, dục) càng lúc càng nhiều gây nên lòng tham không đáy; không được như ý thì sanh sân hận; cuối cùng do không kiềm nén được (si) mà tạo nên những ác nghiệp do các hành động sát, đạo, dâm, vọng. Từ đó những hạt nhân (ác lẫn thiện) hướng dẫn ta đi vòng vòng trong Luân hồi không thoát ra được. Nhưng khi ta biết tháo gỡ, hành thiện và tu hành để tạo nhân tốt, loại trừ nhân xấu đến khi trở về thành Bậc Giác Ngộ, tức là thành Phật thì cũng trở về cõi Chơn Tâm ấy. Trong quá trình đó Đức Phật ví chúng sinh khi “vô minh” rời cõi Phật (Chơn Tâm) giống như là quặng vàng; sự trôi nỗi, lang thang cho đến khi trở về nơi cũ, giống như là quặng vàng ấy đã được tôi luyện thành vàng ròng; và khi đã là vàng ròng thì không bao giờ trở lại thành quặng nữa. Và mọi chuyện xảy ra trong quá khứ giống như là một giấc mộng dài (đại mộng) của đêm hôm qua.

Tuy nhiên, trong Kinh Viên Giác (chương: Tịnh Chư Nghiệp Chướng), cũng như Kinh Kim Cang dẫn cho chúng ta biết rõ hơn về những điều vọng tưởng, tâm phân biệt mà đã được đề cập đến trong Kinh Lăng Nghiêm là: “Nhân, Ngã, Chúng sinh và Thọ giả”, để giảng giải cho hành giả hiểu thấu đáo cái cốt yếu khiến cho họ khó thành được Đạo. Tại sao “Nhân, Ngã, Chúng sinh và Thọ giả” lại quan trọng như vậy? Trong Kinh Lăng Nghiêm Đức Phật nhấn mạnh đến cái “Vọng Tâm”, “Tâm phân biệt”; vì chúng mà chúng sinh mới sa vào “sinh tử luân hồi”. Nếu muốn trở về nơi “hoàn toàn thanh tịnh” (Cõi Phật, Chơn Như, Bồ Đề, Niết Bàn, Pháp Tánh, Yêm Ma La Thức, Không Như Lai Tạng, Đại Viên Cảnh Trí) thì trước hết là phải thoát khỏi cái Vọng Tâm, vì “căn bản của sanh tử luân hồi là vọng tâm”, tức là bước đầu trở thành Bậc Giác Ngộ. Nhưng quan trọng hơn, chính là ở nơi cái “Tâm phân biệt”! Phân biệt cái gì? Và sự phân biệt ấy có ảnh hưởng như thế nào với cái cõi chung (cõi Phật) như thế? Ở đây, chúng tôi muốn kể một ví dụ để chúng ta có thể dễ hiểu hơn:

Ví dụ trong cùng một căn phòng tập họp rất nhiều vị trí thức với nhau. Nếu ai cũng biết nhường, nương vào nhau thì không có biến động nào xảy ra cả. Tuy nhiên, có một hay vài người nào đó vì thấy chật chội, bực bội lại bắt đầu nảy sinh mình phải được thoải mái, hay được hưởng lợi ích khá hơn, rồi bắt đầu đòi hỏi thế nấy thế kia, hoặc tranh giành. Tất nhiên có tình trạng như vậy thì sẽ có xung đột để rồi phải có sự phân tán, phá tan cái tập hợp, đoàn thể chung ấy. Và nếu mọi người biết nương, hòa hợp nhau thì sự yên ổn ấy được lâu dài, tùy theo sự dung nạp, nhường nhịn được càng lâu thì sự kết hợp cùng nhau được lâu bền chừng ấy.

Thì trong cõi Phật cũng vậy: Nếu đã thành Phật và vào cõi Phật mà còn thấy mình (Ngã), khác với Phật khác (Nhân) hay toàn thể các Phật (Chúng sinh) thì sự kết hợp sẽ không còn nữa; Cõi Phật không còn là cõi Thanh Tịnh với bốn Đức: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh mà trở thành cõi Uế Độ. Và, sự kết hợp đó có trường tồn lâu dài hay không là điều mà các Đức Phật cần ý thức rõ, đó chính là: “Thọ Giả”. Nhưng các vị Phật “trở về” trong thời gian nầy đã hết “Vô Minh”, nên không còn Vọng Tưởng và Tâm Phân Biệt, giống như quặng vàng đã được tôi luyện trở thành vàng ròng rồi, nên không bao giờ trở lại thành quặng nữa.

Và để chúng ta có thể hiểu các Đức Phật đã thành đạo trong thời quá khứ, đang trong thời hiện tại cũng như sẽ thành trong tương lai như thế nào, chúng tôi xin phép trích dẫn vài đoạn Kinh để chúng ta có thể nghiền ngẫm, suy tư xem như thế nào:

-“Khi Tâm hoàn toàn thanh tịnh rồi, thì cái trí quang sáng suốt hiện ra. Lúc bấy giờ chơn tâm ông vừa tịch tịnh lại vừa chiếu soi, bao trùm khắp cả mười phương hư không thế giới, lúc bấy giờ ông trở lại xem cảnh vật hiện tiền ở thế gian này, cũng như là việc trong chiêm bao”.    (Kinh Lăng Nghiêm).

-“Thí như trăm ngàn ngọn đèn, đồng đốt trong một căn nhà, ánh sáng của mỗi ngọn đèn tuy đều chiếu khắp cả nhà, nhưng không có lộn lạo hay lấn diệt lẫn nhau”.  (Kinh Viên Giác)

-“Còn ta (Phật) thì trái với vọng trần, hiệp với chơn tâm thường trụ bất sanh, bất diệt, biến khắp cả pháp giới. Cho nên ta mới được tự tại vô ngại: Ở trong một hiện ra vô lượng, vô lượng hiệp làm một, trong nhỏ hiện lớn, trong lớn hiện nhỏ; không rời nơi đạo tràng mà hiện khắp cả mười phương thế giới. Thân ta bao trùm mười phương hư không vô tận. Trên đầu một mảy lông hiện ra các cõi nước; ngồi trong hạt bụi, mà chuyển đại pháp luân. Vì ta diệt hết vọng trần, trở lại với bản tâm thanh tịnh trong suốt, nên mới được như vậy”.   (Kinh Lăng Nghiêm).

Để kết luận, chúng tôi hi vọng đây là một “Góc Nhìn” hạn hẹp của mình, về một tôn giáo có lý thuyết khá bí hiểm, cao thâm mà nhiều người từng bỏ bao nhiêu công sức ra nghiên cứu, tìm hiểu; thì chúng tôi cũng mạo muội ghi lại những gì mình lĩnh hội được dù không nhiều, nhằm giúp thêm vài ý kiến để chúng ta cùng nhau hiểu hơn về giáo lý của Đạo Phật, và cùng đi tìm một sự đúng đắn, lẫn thực hành sao cho có kết quả!

Xin thành kính tạ ơn lòng!

 

Nguyên Thảo,

07/04/2025.

 

No comments:

Post a Comment