Wednesday, April 14, 2010

Vấn Đề Siêu Hình.


Có lẽ Đồ Ngông tôi được mẹ sinh ra vào giờ giấc âm thịnh dương suy hay như thế nào đó mà lớn lên Đồ Ngông tôi thường hay sợ ma. Tánh thì đã hay sợ, thế mà thích nghe kể chuyện ma mới chết được đi chứ! Thuở nhỏ, Đồ tôi cùng với đám bạn mỗi tối hay tập hợp lại chơi, xong rồi được nghe kể chuyện ma, có lúc do người lớn kể, có lúc anh mười kể. Khi hết một câu chuyện thì cứ kêu kể tiếp để rồi tối về nhà ngủ, nửa đêm thức giấc vạch mền he hé mà nhìn xem có ma không? Rồi lại kéo mền trùm kín đầu. Khổ nỗi ở quê ta thì gò mả tràn lan, gần như chỗ nào cũng có vài cái mả hoặc rải rác hoặc tập trung. Đường về ngoại Đồ tôi thì phải băng qua hai gò mả, mà mẹ Đồ tôi bắt phải đem đồ về cho bà ngoại thường xuyên. Đi sáng sớm Đồ tôi ít sợ hơn như đi giữa trưa. Khi băng qua gò mả, Đồ tôi phải đạp xe chạy gấp rút để rủi "ma rượt" thì sao? Không biết ở nơi quý vị thì như thế nào? Chứ ở vùng của Đồ tôi, mấy gò mả thường đất cát, nếu mình đi bộ thì cát lún xuống kêu "lộp bộp" nho nhỏ. Nếu mình đi càng nhanh thì âm thanh ấy vang nhanh lên, cứ thế mà mình tưởng chừng như có người đi sau lưng. Khi quay lại thì không thấy người trong lòng lại sợ và mình lại chạy nhanh lên. Ôi! Tâm trạng sợ ma khó mà diễn tả hết được cái cảm giác ấy: Vừa lo âu, sợ sệt, hồi hộp lẫn hối tiếc là mình đã đến đây...!

Có người bảo: "Có ma đâu mà sợ, ma đâu tao chẳng thấy mà cũng chẳng gặp bao giờ?". Có người đi Việt Cộng bao nhiêu năm không hề gặp ma, sau về làm ruộng lại bị ma dẫn chun vào bụi tre. Ông ta bảo: "Tại sao tao đang đi thì có người tới đi chung rồi họ dẫn đi vòng vòng đả rồi, lại dẫn tao chun vào đó cũng không biết nữa". Có người chạy xe ba bánh, tự dưng đang chạy đến chỗ đó thấy có một đám con nít nhào ra đường, ông ta hoảng hồn đạp thắng, xe chạy đổ xuống ruộng, ngó lại chẳng thấy đứa con nít nào cả. Rồi có người bảo thấy chỗ nọ có ma, nhiều người khác không thấy. Trong cuộc đời Đồ tôi thắc mắc hơi nhiều về chuyện nầy và hay để ý về chuyện ma để rồi tìm phương cách giải thích thử xem sao!

Thuở còn đi học Đồ tôi có lần nghe nói đến Động điện đồ của não hay của tim, Đồ tôi lại liên tưởng đến điện của con người hay nhân điện. Dòng điện ấy khiến cho con người ấm, khiến cho mọi cơ phận con người tồn tại và hoạt động giống như nguồn điện cung cấp cho một máy thu thanh hay phát sóng để phát được sóng hay bắt sóng.

Nhân điện đã có tự khi con người thành hình, do sự phát tri‹n lần lần nhân điện trở nên tinh tế hơn và đó chính là linh hồn. Khi thân xác con người chết đi, nhân điện ấy vẫn còn tồn tại trong một khoảng thời gian nào đó trong không gian và hoạt động trên một tần số nhất định. Nếu người nào đó có nhân điện hoạt động trên cùng một nhịp độ, một tần số thì họ sẽ thấy được người kia: Thế là họ gặp ma.

Để biện minh cho điều nầy, Đồ tôi lại lấy cây mía làm thí dụ. Cây mía già thì vị ngọt càng nhiều. Khi người ta ép chết xác cây mía đi để lấy nước nấu lại thành đường. Xác cây mía mất, nhưng chất đường vẫn tồn tại giống như con người chết mà linh hồn còn phảng phất trong khoảng không vậy. Đồ tôi chỉ tạm giải thích tới đó thôi và không thể đi xa hơn nữa.

Rồi đến một ngày kia, Đồ tôi tự dưng "hành thiền" một cách bất đắc dĩ. Vì Đồ tôi vốn dĩ đã có trí nhớ kém, rồi lại gặp mấy "hùm xám" trong quê dọa nạt, hành hung lúc còn đi học, nên khả năng ký ức lại càng tồi tệ hơn. Do vậy khi Đồ tôi về làm thầy đồ ở miền xa xôi, đèo heo hút gió, phần tức giận vì bài chỉ có 5, 10 dòng mà mình cũng không nhớ nỗi, phần vì bị chứng khó ngủ, nên Đồ tôi thừa cơ hội đó mà nằm yên tĩnh, mắt nhắm lại, tưởng tượng nhìn vào khoảng không bằng tam tinh giữa trán để luyện trí nhớ. Ôi! Khoảng mười ngày sau, Đồ tôi tự dưng thấy nơi đó phát quang thành những vòng màu sắc từ vàng qua lam, tím, đỏ... chạy càng lúc càng nhanh, xa về vô cực. Đồ tôi lại có cảm giác như mình phóng hồn theo các vòng tròn màu ấy, mà quên mọi cảm giác thân xác của mình đi! Trong khi ấy thằng bạn của Đồ tôi nó lại "mớ", đập tay đánh "rầm" vào tấm ván ngủ, khiến Đồ tôi giật mình chơi vơi. Tự lúc ấy Đồ tôi mới hiểu thế nào là "Tẩu hỏa nhập ma" trong truyện kiếm hiệp của Tàu. Và từ đó, Đồ tôi bỏ đi không dám thực hành điều ấy nữa.

Rồi khoảng 10 năm trước đây, Đồ tôi lại gặp vấn nạn to để lòng buồn vô hạn, nỗi suy nghĩ cùng cực. Đồ tôi lại tiến vào con đường tương tự bằng ngõ khác. Sau đó, Đồ tôi hiểu được các kinh Phật giảng tương đối dễ dàng hơn. Và điều nầy Đồ tôi đã viết đại khái trong bài "Điều bất đắc dĩ": "Con người chết đi chẳng còn lại gì cả, tiền bạc, vợ đẹp, con ngoan, danh vọng hay ngay cả thân xác của mình cũng không thể đem theo. Xác sẽ thối rữa. Nếu ta đừng yêu mến cái xác của ta thì ta sẽ đi đầu thai, tìm cái xác mới thành hình mà chui vào làm một cuộc sống mới. Nếu ta còn yêu mến cái xác của ta quá, hồn ta cứ lởn vởn, bay bay không định hướng, không chịu tìm cái xác mới thì ta sẽ là ma hay quỷ chỉ hiện ra hù nhát mọi người, hoặc lựa người nào đó mà mình "khoái" nhập vào để nói chuyện nầy chuyện kia, hay làm cái gì đó. Ấy là thế giới siêu hình".

Tự lúc đó, Đồ tôi thấy có nét gì lạ lạ trong tư tưởng, ý nghĩ của mình về siêu hình, Đồ tôi mới bắt đầu tìm kiếm băng giảng hoặc kinh Phật để tìm hiểu. Rồi cái gì đến nó đã đến. Đến bằng một cơ duyên và bằng những duyên khởi: Điều kiện tập hợp đã đủ, thời gian chín mùi thì việc sẽ xảy đến. Việc đang xảy ra là quả của các việc trước, nhưng lại là nhân của việc sau, việc sau là quả nhưng lại là nhân của việc sau nữa...Cứ thế mà nối tiếp, ấy là "Trùng trùng duyên khởi" vậy.

Sau một thời gian tìm hiểu, Đồ tôi mới biết không phải chỉ có ma quỷ trong thế giới siêu hình mà còn có nhiều loại, theo như Đức Phật cho biết:

Trong cõi vô sắc giới còn có cõi Trời (Thánh, Tiên, Thiên vương), A Tu La (Các loại thần) ngoài loài ngạ quỷ, địa ngục. Đa số thì thuộc loại tốt giúp người, một số thì cũng hại người. Do đó cuộc sống trong các cõi tam giới lại càng phức tạp hơn. Nhưng đó cũng là do những nhân, quả mà ra. Và chung quy lại chỉ do mọi chúng sanh muốn chơi trò chơi mà thôi! Nếu không muốn chơi nữa thì tìm đến con đường Đức Phật đã chỉ để tới cửa ra. Lúc ấy mình sẽ thoát khỏi cảnh Luân hồi và đến nơi yên tịnh, bước lên bờ giác mà Đức Phật gọi là "Người đã thoát khỏi giấc mơ".

Đồ Ngông.
(“Chuyện Tào Lao Thế Sự”)

H.T Chữ Nghĩa 14: Ba Người Bạn!


Khởi đầu, khi tôi quyết định xin cộng tác với Tạp chí Né chỉ mục đích viết để mà chơi, để giúp những nông gia giải trí và mình biết những cái gì thì chia sẻ vui buồn với họ mà thôi! Nó không nhằm mục đích can thiệp vào sự xung đột chung trong cộng đồng. Nó đơn thuần giống như khi tôi đến cộng tác với Bản Tin Nông Gia! Cho nên trong bài đầu tiên giao cho Tạp chí Né, tôi viết như sau:

Bài Viết Ra Mắt.

Đồ Ngông tôi được hân hạnh chào mừng với tất cả các bạn nông gia, lẫn các thành viên trong gia đình Né và kính chúc sức khoẻ đến tất cả mọi người. Thực ra Đồ tôi -(xin lỗi tất cả các vị gốc miền Bắc đừng hiểu lầm chữ Đồ của Đồ tôi mà tội nghiệp cho Đồ tôi lắm! Nếu mà "nhỡ" có hiểu lầm thì cũng chả sao, vì con người ai cũng vốn "từ nơi ấy")- không phải là thành viên của Gia đình Né đâu, nhưng vì Đồ tôi cũng muốn "tránh" nên lại dính vào "Né" đó thôi. Nói thế, chứ khi nghe được tin có tập san Né từ dưới thành phố Adelaide, mà Đồ tôi phải chạy đôn chạy đáo, chạy "vắt giò lên cần cổ" mới xin được hai tập. Đem về đọc ngấu nghiến. Đồ tôi lại "khoái" hai bài Trâu, Chó của nhà thơ Nguyễn Nhi. Bất nhơn, Đồ tôi lại cảm động khi coi kỹ lại các tập san thì chỉ có Nguyễn Nhi, Nhi Nguyễn, N bình phương và Thần nông. Đồ tôi ráng tìm thêm tên hoặc bút hiệu nào khác, thì không thấy ngoài các bài trích. Do nơi cảm động ấy, Đồ tôi mới năn nỉ xin gia nhập. Đồ tôi vốn dĩ là tay cầm cuốc giỏi, cuốc mãi nên mấy ngón tay chai cứng. Đầu ngón tay quấn cà "hoài" lại bị nhám xàm, thế mà bà xã lại trách yêu "bàn tay gì mà làm nhột thấy mồ", nhưng rút tay lại thì bà xã không cho...! Thôi bỏ đi! Nói chuyện khác vậy!

Trở lại, Đồ tôi vốn không có máu văn nghệ, tướng tá thì xấu xí cục mịch, ăn nói giống như "dùi đục chấm mắm nêm", tướng đi thì quả thật là "vịt đẹt". Nhưng do nơi mấy tháng nay hai tờ báo Adelaide và Nam Úc có nhiều nhà "Trí thức", "Văn nghệ" làm "Thơ cay", viết văn, chuyện phiếm hay quá, cho nên Đồ Ngông tôi "tự dưng nỗi hứng" y như là bị các bài ấy điểm trúng huyệt, Đồ tôi giật nẫy mình và "bà ứng" thế nào đó lại cũng bắt đầu làm thơ, viết văn. Và cũng vì tánh mình hay gàn gàn, ngông ngông nên thôi thì làm Đồ Ngông vậy.

Đồ Ngông tôi làm thơ thì tùy theo hứng, xin quý vị đừng bắt lỗi về niêm luật, vần bằng vần trắc, hoặc cước vận, yêu vận, vần chính, vần thông hay bất cứ một khuôn phép nào về thơ; còn văn thì Đồ tôi chỉ cần ý. Vả lại, Đồ tôi sẵn là ngông cho nên chắc cũng chẳng được bình thường! Nếu bạn đọc thấy có điều gì sơ sót thì tha thứ cho Đồ tôi. Nếu Đồ Ngông viết quá bậy, không đúng thì xin gọi điện thoại về tờ báo yêu cầu Đồ Ngông sửa chữa. Thế là Đồ Ngông được thành kính tri ân và sửa sai.

Do nơi Đồ Ngông muốn bắt chước các nhà "Trí thức" viết thơ cay và chuyện phiếm mà Đồ Ngông ái mộ, nên Đồ Ngông cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều giống như bài thơ "Bắt chước" hay là bài "Thơ Ngông" sau đây:

Ngồi buồn sắp chữ lại thành thơ
Ta gọi thơ ngông chửi cuộc đời
Moi móc kiếp người bao nếp xấu
Rao cho thiên hạ xúm coi chơi!

Ta ngông, ta thích làm thơ ngông
Ở cõi đời nầy cảnh trống không
Thấy đó, nhưng rồi đà mất đó
Đi về hai cõi "có" và "không"!

Lắm kẻ tranh giành "đá" lẫn nhau
Tiền tài, danh vọng,..."sướng" hay "sầu"?
Bao nhiêu mánh lới "lừa" nhau mãi
Lôi cuốn cùng nhau ở cuộc chơi.


Như vậy bạn đọc thấy Đồ tôi chỉ là "sắp chữ lại thành thơ" trong lúc buồn thôi. "Sắp chữ" nghĩa là làm thơ gượng ép, đem chữ nầy đặt kế chữ kia, khác với những nhà thơ thiên phú, mở miệng ra đã là thơ, là vần, là điệu (xuất khẩu thành thơ) nên thơ của họ có hồn, ý tưởng dồi giàu, súc tích, lời thơ trơn tru, mạch lạc, trau chuốt (dù là chửi đi nữa) chứ không ngập ngừng, gút mắc, gãy khúc như thơ của Đồ tôi. Thơ Đồ tôi là chấp vá giống như vợ hoặc chồng chết rồi "chấp nối" với người khác vậy. Nhưng mong bạn đọc cũng thông cảm vì Đồ tôi không phải là nhà thơ mà chỉ là đệ tử học lóm của các nhà "Trí thức" thơ cay và chuyện phiếm mà thôi!

Đồ tôi vốn là người ngông, gàn gàn nên thiệt tình lắm, thấy sao nói vậy, nghĩ sao viết vậy. Chứ nếu như người bình thường thì Đồ tôi sẽ không nói là mình "học lóm" của người khác để người ta tưởng lầm Đồ Ngông là "tay đặc biệt" tạo ra được một trường phái thơ văn mới là "Trường phái văn học chửi" hoặc mở ra một luận mới là "Biếm luận" thay vì phiếm luận. Chắc bạn đọc sẽ ngạc nhiên giữa "Biếm luận" và "phiếm luận" chứ gì? Hẳn bạn đã đọc trên tờ Nam Úc tuần báo về mục "chuyện gần, chuyện xa", Bao Bất Đồng có trích vài chuyện phiếm của vài tác giả như chuyện lái heo trong đó tác giả luận từ một con, hai con đến cả giỏ heo và trả lại một con, hai con, hết giỏ. Ấy là phiếm luận có tính cách tiếu lâm, tức là một câu chuyện tưởng tượng đặt ra không dính dáng tới câu chuyện thật nào trong xã hội để mà luận bàn, suy diễn là phiếm luận. Còn lôi chuyện của người khác là "châm biếm", nếu kèm theo luận, chửi, biến thành một chuyện tiếu lâm thì lại là "Biếm luận", tức là đem tính chất châm biếm, cay cú vào chuyện đó. Và để tránh đi trách nhiệm thì người ta lại cho nó mang hình thức phiếm luận. Như vậy có nghĩa là "chửi người mà bắt người phải ngậm câm". Ấy là một "thủ đoạn văn nghệ". Thủ đoạn ấy rất là cao cơ, giống như "công an điều tra đánh chết người mà không cho có dấu vết". Còn chuyện Bao Bất Đồng viết có thể là có thực trong xã hội, có thể là phiếm để từ đó rút ra những bài học xử thế trong cuộc đời, những chuyện ấy xảy ra ở gần hoặc xa, hoặc thời gian gần hay xa, thế mới là "chuyện gần, chuyện xa". Bạn cứ nhìn lại xem coi, có phải vậy không? Đồ tôi mắc tật "nổi ứng" rồi đó.

Ngày xưa, lúc Đồ tôi còn là học trò trung học, bạn bè khen các tiểu thuyết của Chu Tử nhiều lắm! Ông ta là tác giả nổi tiếng mà đặc biệt tựa đề các tiểu thuyết của ông ta đa số là một chữ như Yêu, Sống, Ghen...Cách ấy lại càng hấp dẫn người đọc hơn. Đồ tôi vốn xuất thân là con nhà nghèo đi học thiếu thốn nên chỉ biết ráng học chứ không có mấy khi coi tiểu thuyết. Đến khi có thằng bạn cho mượn quyển "Ghen" và quyển "Sống"(?) Đồ tôi không nhớ rõ lắm. Khi xem quyển "Ghen" thì mới thấy Chu Tử đem chuyện đời của vũ nữ Cẩm Nhung bị tạt ác-xít, và trong cuốn "Sống" là chuyện gia đình của Ứng cử viên Tổng Thống thất cử Nguyễn Đình Quát để châm biếm. Từ đấy dưới mắt "đứa học trò" Đồ tôi lúc ấy không mấy thích nhà văn nổi tiếng ấy lắm! Chắc có lẽ Đồ tôi quá khích, quá khắt khe hoặc có những ý nghĩ "ngông cuồng". Đồ tôi không biết dùng đến chữ nào cho đúng. Nhưng cho đến bây giờ Đồ tôi vẫn không thích như vậy. Quả thật Đồ tôi là "Ngông"!

Đồ tôi vốn có ân oán với xã hội nên Đồ tôi thích viết các mẫu chuyện về xã hội. Đồ tôi sẽ lần lượt kể một số các câu chuyện trong đời mà Đồ tôi đã nghe, thấy, hay, biết hoặc sống "hầu" bạn vậy.

Vì Đồ tôi không có khiếu trào lộng, nên chắc chuyện có thể là khô khan, buồn chán. Tuy nhiên bạn có thể thích thì đọc, không thích thì lật sang trang. Nhưng bạn cũng vui lòng cho biết ý kiến để Đồ tôi viết ngắn lại hoặc là chấm dứt vì Đồ tôi chỉ viết thiện nguyện "cho vui bạn và tôi" thế thôi!

Xin đa tạ.

Đồ tôi.

Từ đó ba anh em tôi đi cùng nhau trên một chiếc xe, chiếc xe xập xệ nhưng kéo dài cũng nhiều năm trời, cũng làm nên việc quan trọng trong cộng đồng, mặc dù ba tháng mới có một chuyến. Tôi chỉ là một khách quá giang “ăn ké” mà thôi! Chiếc xe của “Gia đình Né” chuyển tải những kỹ thuật, kiến thức trong nghề nông như phân, thuốc, sâu bệnh... của Thần Nông; thơ văn của Nguyễn Nhi và thơ văn của tôi. Thỉnh thoảng có vài bài của người khác cùng đôi khi có bài về y học của Bác Sĩ Ngô Anh Tuấn.

Sau khi ông chủ tờ báo cũ đề nghị tôi đổi bút hiệu, tôi không thuận và bài của tôi vài lúc bị khác đi, nên tôi đã có nhiều dè dặt khi đưa bài. Tôi chỉ chọn những bài không dính dáng đến chiến cuộc của họ mà đưa. Những bài ấy thường là những bài thơ cho trẻ con để phụ giúp cha mẹ hướng dẫn cho bé nhớ đến cách cư xử giống như bài học về Đức Dục ở quê nhà. Đó là: “Những bài thơ cho bé!”. Tình hình chửi không dứt, nó cứ âm ỉ đợi có cơ hội là bùng lên. Chính vì vậy mà thơ tôi cứ từng thời kỳ mà xuất hiện nhiều hay ít. Thơ Nguyễn Nhi thì đi thẳng vào vấn đề, dứt khoát vì bản chất của Nguyễn Nhi cứng rắn, kiêu hùng, không sợ sệt. Khi lâm trận rất xông xáo, thơ càng có hồn và hay hơn lúc bình thường. Do đó rất ít khi tôi phải cứu bồ, có lần anh bạn trong bộ ba kêu tôi phụ lực với Nguyễn Nhi, tôi nói: “Không cần, một mình ổng đã đủ rồi! Ổng làm thơ giống như xe tăng, tiến chứ không lùi; gặp càng cứng thì càng hăng, gặp chiến trận thì cứ “càn tới”, ổng không thua đâu mà sợ”. Nói thế! Chứ tôi cũng sẵn sàng, chuẩn bị khi cần thiết mặc dù tôi biết rõ là sẽ không cần tôi tham dự. Những bài thơ của tôi dù vui chơi hay châm biếm, hoặc chửi thói đời hầu hết đều đăng tải trong Tạp chí Né. Mỗi số đều có một bài, có khi hai bài “Chuyện Tào lao Thế Sự” ngăn ngắn thôi để người đọc giải trí cho vui. Còn những bài dài hoặc có giá trị hơn tôi gởi anh Sơn đưa về cho tờ báo liên bang Việt Luận đăng trong đặc trang Nam Úc của tờ báo.

Khi loạt bài thơ cho bé chấm dứt. Tôi nhờ đến tờ Adelaide Tuần Báo phổ biến dùm những bài học vần do từ kinh nghiệm khi dạy lớp 1 ở trường Sơ Cấp Ấp 2 Định Thành, quận Trị Tâm (Dầu Tiếng cũ) của Tỉnh Bình Dương. Tôi cùng với vợ tôi soạn những bài nầy nhằm giúp phụ huynh học sinh hướng dẫn thêm cho các em yếu tiếng Việt hoặc trước kia không học tiếng Việt mà thôi. Tôi không nhờ tờ báo Nam Úc vì báo đã có đăng thường xuyên các bài học tiếng Việt của tác giả Thái Đức Nhương. Cũng từ khi ấy, thơ tôi thường xuất hiện trên Adelaide Tuần Báo chứ không còn đưa đăng trên Nam Úc Tuần Báo nữa.

Riêng Nguyễn Nhi đã đôi lần đưa thơ mình đăng trên Nam Úc Tuần Báo, nhưng nội dung hoặc chống đối với những kẻ gây rối, hoặc gây thất lợi cho họ nên Nam Úc Tuần Báo không nhận đăng thơ ông nữa. Điều đó tôi đã phân tích với ông ta trước, nhưng ông ta không chịu tin, để rồi sau đó ông ta gởi thơ mình đến tờ Adelaide Tuần Báo. Như vậy, Nam Úc vô tình đã đưa tôi và Nguyễn Nhi về với tờ Adelaide Tuần Báo. Và Nam Úc Tuần Báo hoàn toàn là của phe nhóm “chửi người khác”. Nguyễn Nhi nằm trong phe “đối kháng” còn tôi thuộc thành phần can ngăn nằm trong “tờ báo bị chúng chửi” muốn triệt hạ. Những con người gây rối ấy chỉ có khoảng trên 4 tên “xung kích” hung hãn, chúng luân phiên viết văn, làm thơ để triệt những ai muốn can ngăn hoặc bênh vực phía bên kia. Đối với tôi, những bài viết hay thơ chẳng chửi ai, chẳng thuộc phe bên nào mà chỉ chửi cuộc đời, những kẻ gây rối, những ông già ham danh lợi phá sự yên ổn của cộng đồng sắc tộc trên quê người. Cho nên “chúng” chẳng chửi tôi được, là vì vậy. Còn báo nào đăng tôi không cần biết miễn họ chuyển đạt bài của tôi đến với quần chúng, vì “Tôi viết cho dân chúng chứ không viết cho tờ báo nào cả”. Tôi đem lợi ích đến cho quần chúng, nên tôi cần có tờ báo không cần biết báo đó thuộc phe nào ở đây”. Họ chửi càng mạnh thì tiến độ sáng tác của tôi lại mạnh hơn, đôi khi tôi xài từ ngữ không còn nhẹ nhàng như trước, hoặc “kết án” họ mà không còn ngần ngại như xưa. Miễn sao họ hay độc giả thấu hiểu được điều tôi muốn trình bày. Còn nhận định, thái độ như thế nào tùy theo người đọc. Tôi “xiá, can thiệp” vào cũng chỉ vì một tấm lòng!

Nguyên Thảo,
03/01/2010.

(“Cuộc Hành Trình Của Chữ Nghĩa” 14)

Những Bài Thơ Cho Bé (tt):

31- Lớp Học Thân Yêu!

Nầy bạn, nầy trường, nầy lớp học
Cùng nhau góp mặt chốn thân thương
Ê, A tiếng đọc theo ngày tháng
Sách vở ghi đầy ý bốn phương.

Bao nhiêu nét đẹp, người tài giỏi
Kết lại cho em học ở trường.
Phấn trắng, bảng đen thầy cố giảng,
Em ngồi dáng nhỏ, bóng in tường.

Mỗi buổi hai lần trong lớp học
Cùng nhau yên lặng, nín nghe bài
Chỉ mong vui học, mau lên lớp
Chẳng phí công thầy, nghĩa mẹ cha!

Nguyên Thảo,
08-07-04.

32- Thầy Cô Thân Thương!

Dáng cô hơi gầy gầy
Thân thầy lại cao cao,
Nhưng cả hai đều khỏe
Dạy em học những ngày.

Em đưa tay lên hỏi
Thầy tươi cười giảng thêm.
Cô đặt tay trìu mến
Em bồi hồi, vấn vương!

Thầy, Cô theo em lớn
Hết lớp, lại hết trường
Nơi nầy sang nơi khác
Thầy và Cô thân thương!

Nguyên Thảo,
08-07-04.


33- Bạn Bè Khó Quên.

Những bạn, những bè thật dễ thương
Bao năm chung lớp dưới khung trường
Cùng chơi, cùng giỡn, cùng đua học
Những nỗi vui buồn thêm vấn vương.

Mỗi đứa, mỗi trò riêng một nét
In trong ký ức quyện vào nhau
Mai mốt rời xa thêm nỗi nhớ
Và bao kỷ niệm thuở ban đầu.

Nhớ lúc đong đưa trên nhánh cây
Khi nằm sân cỏ ngắm mây bay
Lúc cùng chạy nhảy giành banh nhỏ
Lúc lại cùng nhau rượt bướm bay.

Những lúc tan trường trên ngõ phố
Lang thang sóng bước ở trên đường
Cười vui nói giỡn thời gian ấy
In nét đậm màu với nhớ thương!

Nguyên Thảo,
12-07-04.

34- Tấm Bảng Mỗi Ngày.

Bảng đen, bảng xanh hay bảng trắng
Phấn màu, phấn trắng với mực xanh
Đều in lên bảng ngày em học
Hiện ý giúp em thuở học hành.

Từ bảng thầy cô truyền ý tưởng
Giúp em biết được những bài thơ
Những là phép tính, từng môn học
Đến cả bài ca tuổi dại khờ.

Tấm bảng uy nghi trên vách thẳng
Hàng ngày bọn nhỏ phải nhìn lên
Thầy cô in bóng che dòng chữ
Ngoái cổ, nghiêng đầu em chép nhanh.

Tấm bảng đôi lần em thấy run
Bài làm không biết sợ vô cùng
Thầy cô đừng gọi, em mong thế
Tấm bảng lắm lần, em thấy run...!

Nguyên Thảo,
13-07-04.


35- Cổng Trường Em Qua.

Cổng trường thì thật to
Thân em thì nho nhỏ
Những ngày học, đi qua
Em vào sân rộng rãi.

Cổng đứng mãi hàng năm
Không bao giờ nghiêng nón
Chào em và chúng bạn
Nhưng em cũng chẳng buồn.

Những ngày hè không học
Em lại nhớ cổng trường
Cái cổng trường yêu thương
Hàng ngày em qua đó!

Nguyên Thảo,
15-07-04.

Thơ Đó, Thơ Đây (Tây Nguyên)

Mây. (Pleiku)

Mây trôi lờ lửng. mây bay qua
Phố núi chiều nay ngồi nhớ nhà
Nhìn núi, nhìn mây buồn chẳng cớ
Mây mù thoáng chốc lại bay xa.

Mây lại mây, rồi mây cứ trôi
Thời gian cứ thế mà qua thôi
Mây bay thong thả, ta thong thả
Hồn thả theo thơ, cuốn khoảng trời!

Đồ Ngông.

Mây Vào Phòng! (Pleiku)

Vừa ra mở cửa, mây vào phòng
Lồng lộng Tây Nguyên vượt khoảng không
Mây quấn bên mình, mây thổn thức,
Mây tràn khắp cả, lại vô phòng!

Đồ Ngông.

Vào Hội Chợ. (Pleiku)

Hội chợ đêm này người đông thay,
Chen chen, lấn lấn người với người
Nhìn xem chẳng thấy bao nhiêu cả
Chỉ sợ túi hờ... tiền lại bay!

Đồ Ngông.

Chiều Xem Thả Diều. (Pleiku)

Cánh diều no gió chiều lên cao
Bao nỗi ngày thơ mở cửa vào
Ký ức nhập nhằng bao kỷ niệm
Không ngờ thoáng chốc ở trên cao! (trên cao nguyên)

Đồ Ngông.

Chiều Xuống Trên Ngàn. (Pleiku)

Mặt trời lần đi ngủ
Bóng chiều vươn lên cao
Mây chiều mờ lảng đảng
Gió lạnh hây hây vào.

Non ngàn lại mờ xa
Thấp thoáng những mái nhà
Tưởng tơ chiều vơ vẩn
Ngồi buồn ta trong ta!

Đồ Ngông.

Thơ Đồ Ngông (tt)

Chuyện Đời!

Ra đi chỉ có riêng mình tớ
Lại nẽo trở về buồn quá cỡ
Lủi thủi bóng hình cùng sánh bước
Lơ thơ dáng dấp đều trăn trở
Chuyện đời rối rắm nhiều sân hận
Thiên hạ tranh giành bao sự cớ
Chán nản, thua buồn, sao lắm khổ
Tỉnh say - say tỉnh, về hay ở?

Đồ Ngông,
12-05-07.

Tớ Quyết...!

Tớ quyết phen này phải bắt thang
Lên cao để hỏi Ông Trời rằng:
Cớ sao Ông lại sanh người nhỉ?
Lại khiến cho người lắm khổ đau.

Tớ quyết phen này hỏi cho ra
Vì sao thiên hạ ham vinh hoa
Tham lam không đáy gây tang tóc
Gieo rắc nơi nơi khắp mọi nhà.

Tớ quyết phen này phải lật Ông
Trời cao có mắt lại không tròng
Tốt đâu không thấy, mà vô loại
Xuất hiện trùng trùng cũng tại Ông!

Đồ Ngông,
12-05-07.

Quan.

Rằng quan quan lại rất là cần
Quan sống được nhờ bọn thứ dân
Không chúng làm sao quan được chức
Mai sau thiếu họ phải sanh "bần"

Quan to ưỡn ngực ngồi vênh váo
Thiên hạ nhôn nhao phải phục hầu (hầu hạ, phục vụ)
Tiền bạc ngựa xe lo sắp sẵn
"Quan cần, dân có" lấy làm đầu!

Rằng quan, quan lại khoét mà ăn
Của đụn của kho từ chúng dân
Gom góp mong giàu cho đất nước
Quan ra công sức cố mà ăn!

Đồ Ngông,
12-05-07.

Quà Và Biếu.

-Bác có gì không, Bác có gì?
Làm quà cho cháu lúc ra đi
Lâu lâu bác biếu cho đôi chút
Gọi ấy là quà có mấy khi!

-Ông có gì không? Sao thế này?
Giấy tờ hàng hóa với tờ khai
Sao mà lộn xộn nhiều như thế?
"Trà nước" qua đường chẳng bỏ ai!

-Xã hội sao mà lắm kiếm tiền
Vì đâu nên nỗi "bạc vi tiên" (tiền làm đầu)
Công bằng được tính trên công sức
Cửa ngõ thiên đàng chỉ cõi tiên!

Đồ Ngông,
12-05-07.

Thế Đấy!

Làm quan tham nhũng đúng hoang đàng
Hoạnh họe cướp dân đúng bạo tàn,
Tổ chức bao che: Điều sĩ nhục
Lòng dân ta thán, dạ mang mang!

Đồ Ngông,
12-05-07.