Wednesday, April 14, 2010

H.T Chữ Nghĩa 14: Ba Người Bạn!


Khởi đầu, khi tôi quyết định xin cộng tác với Tạp chí Né chỉ mục đích viết để mà chơi, để giúp những nông gia giải trí và mình biết những cái gì thì chia sẻ vui buồn với họ mà thôi! Nó không nhằm mục đích can thiệp vào sự xung đột chung trong cộng đồng. Nó đơn thuần giống như khi tôi đến cộng tác với Bản Tin Nông Gia! Cho nên trong bài đầu tiên giao cho Tạp chí Né, tôi viết như sau:

Bài Viết Ra Mắt.

Đồ Ngông tôi được hân hạnh chào mừng với tất cả các bạn nông gia, lẫn các thành viên trong gia đình Né và kính chúc sức khoẻ đến tất cả mọi người. Thực ra Đồ tôi -(xin lỗi tất cả các vị gốc miền Bắc đừng hiểu lầm chữ Đồ của Đồ tôi mà tội nghiệp cho Đồ tôi lắm! Nếu mà "nhỡ" có hiểu lầm thì cũng chả sao, vì con người ai cũng vốn "từ nơi ấy")- không phải là thành viên của Gia đình Né đâu, nhưng vì Đồ tôi cũng muốn "tránh" nên lại dính vào "Né" đó thôi. Nói thế, chứ khi nghe được tin có tập san Né từ dưới thành phố Adelaide, mà Đồ tôi phải chạy đôn chạy đáo, chạy "vắt giò lên cần cổ" mới xin được hai tập. Đem về đọc ngấu nghiến. Đồ tôi lại "khoái" hai bài Trâu, Chó của nhà thơ Nguyễn Nhi. Bất nhơn, Đồ tôi lại cảm động khi coi kỹ lại các tập san thì chỉ có Nguyễn Nhi, Nhi Nguyễn, N bình phương và Thần nông. Đồ tôi ráng tìm thêm tên hoặc bút hiệu nào khác, thì không thấy ngoài các bài trích. Do nơi cảm động ấy, Đồ tôi mới năn nỉ xin gia nhập. Đồ tôi vốn dĩ là tay cầm cuốc giỏi, cuốc mãi nên mấy ngón tay chai cứng. Đầu ngón tay quấn cà "hoài" lại bị nhám xàm, thế mà bà xã lại trách yêu "bàn tay gì mà làm nhột thấy mồ", nhưng rút tay lại thì bà xã không cho...! Thôi bỏ đi! Nói chuyện khác vậy!

Trở lại, Đồ tôi vốn không có máu văn nghệ, tướng tá thì xấu xí cục mịch, ăn nói giống như "dùi đục chấm mắm nêm", tướng đi thì quả thật là "vịt đẹt". Nhưng do nơi mấy tháng nay hai tờ báo Adelaide và Nam Úc có nhiều nhà "Trí thức", "Văn nghệ" làm "Thơ cay", viết văn, chuyện phiếm hay quá, cho nên Đồ Ngông tôi "tự dưng nỗi hứng" y như là bị các bài ấy điểm trúng huyệt, Đồ tôi giật nẫy mình và "bà ứng" thế nào đó lại cũng bắt đầu làm thơ, viết văn. Và cũng vì tánh mình hay gàn gàn, ngông ngông nên thôi thì làm Đồ Ngông vậy.

Đồ Ngông tôi làm thơ thì tùy theo hứng, xin quý vị đừng bắt lỗi về niêm luật, vần bằng vần trắc, hoặc cước vận, yêu vận, vần chính, vần thông hay bất cứ một khuôn phép nào về thơ; còn văn thì Đồ tôi chỉ cần ý. Vả lại, Đồ tôi sẵn là ngông cho nên chắc cũng chẳng được bình thường! Nếu bạn đọc thấy có điều gì sơ sót thì tha thứ cho Đồ tôi. Nếu Đồ Ngông viết quá bậy, không đúng thì xin gọi điện thoại về tờ báo yêu cầu Đồ Ngông sửa chữa. Thế là Đồ Ngông được thành kính tri ân và sửa sai.

Do nơi Đồ Ngông muốn bắt chước các nhà "Trí thức" viết thơ cay và chuyện phiếm mà Đồ Ngông ái mộ, nên Đồ Ngông cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều giống như bài thơ "Bắt chước" hay là bài "Thơ Ngông" sau đây:

Ngồi buồn sắp chữ lại thành thơ
Ta gọi thơ ngông chửi cuộc đời
Moi móc kiếp người bao nếp xấu
Rao cho thiên hạ xúm coi chơi!

Ta ngông, ta thích làm thơ ngông
Ở cõi đời nầy cảnh trống không
Thấy đó, nhưng rồi đà mất đó
Đi về hai cõi "có" và "không"!

Lắm kẻ tranh giành "đá" lẫn nhau
Tiền tài, danh vọng,..."sướng" hay "sầu"?
Bao nhiêu mánh lới "lừa" nhau mãi
Lôi cuốn cùng nhau ở cuộc chơi.


Như vậy bạn đọc thấy Đồ tôi chỉ là "sắp chữ lại thành thơ" trong lúc buồn thôi. "Sắp chữ" nghĩa là làm thơ gượng ép, đem chữ nầy đặt kế chữ kia, khác với những nhà thơ thiên phú, mở miệng ra đã là thơ, là vần, là điệu (xuất khẩu thành thơ) nên thơ của họ có hồn, ý tưởng dồi giàu, súc tích, lời thơ trơn tru, mạch lạc, trau chuốt (dù là chửi đi nữa) chứ không ngập ngừng, gút mắc, gãy khúc như thơ của Đồ tôi. Thơ Đồ tôi là chấp vá giống như vợ hoặc chồng chết rồi "chấp nối" với người khác vậy. Nhưng mong bạn đọc cũng thông cảm vì Đồ tôi không phải là nhà thơ mà chỉ là đệ tử học lóm của các nhà "Trí thức" thơ cay và chuyện phiếm mà thôi!

Đồ tôi vốn là người ngông, gàn gàn nên thiệt tình lắm, thấy sao nói vậy, nghĩ sao viết vậy. Chứ nếu như người bình thường thì Đồ tôi sẽ không nói là mình "học lóm" của người khác để người ta tưởng lầm Đồ Ngông là "tay đặc biệt" tạo ra được một trường phái thơ văn mới là "Trường phái văn học chửi" hoặc mở ra một luận mới là "Biếm luận" thay vì phiếm luận. Chắc bạn đọc sẽ ngạc nhiên giữa "Biếm luận" và "phiếm luận" chứ gì? Hẳn bạn đã đọc trên tờ Nam Úc tuần báo về mục "chuyện gần, chuyện xa", Bao Bất Đồng có trích vài chuyện phiếm của vài tác giả như chuyện lái heo trong đó tác giả luận từ một con, hai con đến cả giỏ heo và trả lại một con, hai con, hết giỏ. Ấy là phiếm luận có tính cách tiếu lâm, tức là một câu chuyện tưởng tượng đặt ra không dính dáng tới câu chuyện thật nào trong xã hội để mà luận bàn, suy diễn là phiếm luận. Còn lôi chuyện của người khác là "châm biếm", nếu kèm theo luận, chửi, biến thành một chuyện tiếu lâm thì lại là "Biếm luận", tức là đem tính chất châm biếm, cay cú vào chuyện đó. Và để tránh đi trách nhiệm thì người ta lại cho nó mang hình thức phiếm luận. Như vậy có nghĩa là "chửi người mà bắt người phải ngậm câm". Ấy là một "thủ đoạn văn nghệ". Thủ đoạn ấy rất là cao cơ, giống như "công an điều tra đánh chết người mà không cho có dấu vết". Còn chuyện Bao Bất Đồng viết có thể là có thực trong xã hội, có thể là phiếm để từ đó rút ra những bài học xử thế trong cuộc đời, những chuyện ấy xảy ra ở gần hoặc xa, hoặc thời gian gần hay xa, thế mới là "chuyện gần, chuyện xa". Bạn cứ nhìn lại xem coi, có phải vậy không? Đồ tôi mắc tật "nổi ứng" rồi đó.

Ngày xưa, lúc Đồ tôi còn là học trò trung học, bạn bè khen các tiểu thuyết của Chu Tử nhiều lắm! Ông ta là tác giả nổi tiếng mà đặc biệt tựa đề các tiểu thuyết của ông ta đa số là một chữ như Yêu, Sống, Ghen...Cách ấy lại càng hấp dẫn người đọc hơn. Đồ tôi vốn xuất thân là con nhà nghèo đi học thiếu thốn nên chỉ biết ráng học chứ không có mấy khi coi tiểu thuyết. Đến khi có thằng bạn cho mượn quyển "Ghen" và quyển "Sống"(?) Đồ tôi không nhớ rõ lắm. Khi xem quyển "Ghen" thì mới thấy Chu Tử đem chuyện đời của vũ nữ Cẩm Nhung bị tạt ác-xít, và trong cuốn "Sống" là chuyện gia đình của Ứng cử viên Tổng Thống thất cử Nguyễn Đình Quát để châm biếm. Từ đấy dưới mắt "đứa học trò" Đồ tôi lúc ấy không mấy thích nhà văn nổi tiếng ấy lắm! Chắc có lẽ Đồ tôi quá khích, quá khắt khe hoặc có những ý nghĩ "ngông cuồng". Đồ tôi không biết dùng đến chữ nào cho đúng. Nhưng cho đến bây giờ Đồ tôi vẫn không thích như vậy. Quả thật Đồ tôi là "Ngông"!

Đồ tôi vốn có ân oán với xã hội nên Đồ tôi thích viết các mẫu chuyện về xã hội. Đồ tôi sẽ lần lượt kể một số các câu chuyện trong đời mà Đồ tôi đã nghe, thấy, hay, biết hoặc sống "hầu" bạn vậy.

Vì Đồ tôi không có khiếu trào lộng, nên chắc chuyện có thể là khô khan, buồn chán. Tuy nhiên bạn có thể thích thì đọc, không thích thì lật sang trang. Nhưng bạn cũng vui lòng cho biết ý kiến để Đồ tôi viết ngắn lại hoặc là chấm dứt vì Đồ tôi chỉ viết thiện nguyện "cho vui bạn và tôi" thế thôi!

Xin đa tạ.

Đồ tôi.

Từ đó ba anh em tôi đi cùng nhau trên một chiếc xe, chiếc xe xập xệ nhưng kéo dài cũng nhiều năm trời, cũng làm nên việc quan trọng trong cộng đồng, mặc dù ba tháng mới có một chuyến. Tôi chỉ là một khách quá giang “ăn ké” mà thôi! Chiếc xe của “Gia đình Né” chuyển tải những kỹ thuật, kiến thức trong nghề nông như phân, thuốc, sâu bệnh... của Thần Nông; thơ văn của Nguyễn Nhi và thơ văn của tôi. Thỉnh thoảng có vài bài của người khác cùng đôi khi có bài về y học của Bác Sĩ Ngô Anh Tuấn.

Sau khi ông chủ tờ báo cũ đề nghị tôi đổi bút hiệu, tôi không thuận và bài của tôi vài lúc bị khác đi, nên tôi đã có nhiều dè dặt khi đưa bài. Tôi chỉ chọn những bài không dính dáng đến chiến cuộc của họ mà đưa. Những bài ấy thường là những bài thơ cho trẻ con để phụ giúp cha mẹ hướng dẫn cho bé nhớ đến cách cư xử giống như bài học về Đức Dục ở quê nhà. Đó là: “Những bài thơ cho bé!”. Tình hình chửi không dứt, nó cứ âm ỉ đợi có cơ hội là bùng lên. Chính vì vậy mà thơ tôi cứ từng thời kỳ mà xuất hiện nhiều hay ít. Thơ Nguyễn Nhi thì đi thẳng vào vấn đề, dứt khoát vì bản chất của Nguyễn Nhi cứng rắn, kiêu hùng, không sợ sệt. Khi lâm trận rất xông xáo, thơ càng có hồn và hay hơn lúc bình thường. Do đó rất ít khi tôi phải cứu bồ, có lần anh bạn trong bộ ba kêu tôi phụ lực với Nguyễn Nhi, tôi nói: “Không cần, một mình ổng đã đủ rồi! Ổng làm thơ giống như xe tăng, tiến chứ không lùi; gặp càng cứng thì càng hăng, gặp chiến trận thì cứ “càn tới”, ổng không thua đâu mà sợ”. Nói thế! Chứ tôi cũng sẵn sàng, chuẩn bị khi cần thiết mặc dù tôi biết rõ là sẽ không cần tôi tham dự. Những bài thơ của tôi dù vui chơi hay châm biếm, hoặc chửi thói đời hầu hết đều đăng tải trong Tạp chí Né. Mỗi số đều có một bài, có khi hai bài “Chuyện Tào lao Thế Sự” ngăn ngắn thôi để người đọc giải trí cho vui. Còn những bài dài hoặc có giá trị hơn tôi gởi anh Sơn đưa về cho tờ báo liên bang Việt Luận đăng trong đặc trang Nam Úc của tờ báo.

Khi loạt bài thơ cho bé chấm dứt. Tôi nhờ đến tờ Adelaide Tuần Báo phổ biến dùm những bài học vần do từ kinh nghiệm khi dạy lớp 1 ở trường Sơ Cấp Ấp 2 Định Thành, quận Trị Tâm (Dầu Tiếng cũ) của Tỉnh Bình Dương. Tôi cùng với vợ tôi soạn những bài nầy nhằm giúp phụ huynh học sinh hướng dẫn thêm cho các em yếu tiếng Việt hoặc trước kia không học tiếng Việt mà thôi. Tôi không nhờ tờ báo Nam Úc vì báo đã có đăng thường xuyên các bài học tiếng Việt của tác giả Thái Đức Nhương. Cũng từ khi ấy, thơ tôi thường xuất hiện trên Adelaide Tuần Báo chứ không còn đưa đăng trên Nam Úc Tuần Báo nữa.

Riêng Nguyễn Nhi đã đôi lần đưa thơ mình đăng trên Nam Úc Tuần Báo, nhưng nội dung hoặc chống đối với những kẻ gây rối, hoặc gây thất lợi cho họ nên Nam Úc Tuần Báo không nhận đăng thơ ông nữa. Điều đó tôi đã phân tích với ông ta trước, nhưng ông ta không chịu tin, để rồi sau đó ông ta gởi thơ mình đến tờ Adelaide Tuần Báo. Như vậy, Nam Úc vô tình đã đưa tôi và Nguyễn Nhi về với tờ Adelaide Tuần Báo. Và Nam Úc Tuần Báo hoàn toàn là của phe nhóm “chửi người khác”. Nguyễn Nhi nằm trong phe “đối kháng” còn tôi thuộc thành phần can ngăn nằm trong “tờ báo bị chúng chửi” muốn triệt hạ. Những con người gây rối ấy chỉ có khoảng trên 4 tên “xung kích” hung hãn, chúng luân phiên viết văn, làm thơ để triệt những ai muốn can ngăn hoặc bênh vực phía bên kia. Đối với tôi, những bài viết hay thơ chẳng chửi ai, chẳng thuộc phe bên nào mà chỉ chửi cuộc đời, những kẻ gây rối, những ông già ham danh lợi phá sự yên ổn của cộng đồng sắc tộc trên quê người. Cho nên “chúng” chẳng chửi tôi được, là vì vậy. Còn báo nào đăng tôi không cần biết miễn họ chuyển đạt bài của tôi đến với quần chúng, vì “Tôi viết cho dân chúng chứ không viết cho tờ báo nào cả”. Tôi đem lợi ích đến cho quần chúng, nên tôi cần có tờ báo không cần biết báo đó thuộc phe nào ở đây”. Họ chửi càng mạnh thì tiến độ sáng tác của tôi lại mạnh hơn, đôi khi tôi xài từ ngữ không còn nhẹ nhàng như trước, hoặc “kết án” họ mà không còn ngần ngại như xưa. Miễn sao họ hay độc giả thấu hiểu được điều tôi muốn trình bày. Còn nhận định, thái độ như thế nào tùy theo người đọc. Tôi “xiá, can thiệp” vào cũng chỉ vì một tấm lòng!

Nguyên Thảo,
03/01/2010.

(“Cuộc Hành Trình Của Chữ Nghĩa” 14)

No comments:

Post a Comment