Thursday, November 18, 2010

Thời "Hung Hăng".

Ai cũng trải qua "thời hung hăng". Nói đến thời hung hăng là Đồ tôi nhớ đến cái thời mới lớn và cái thời thanh niên kéo dài cho tới tuổi trung niên. Tính ra "thời hung hăng" trên dướị ba mươi lăm năm. Nói thế, chứ nó còn tùy thuộc vào cá tính cá nhân hay nghề nghiệp sinh hoạt của cá nhân đó. Ôi! Thời hung hăng là thời oanh liệt, thời bốc đồng, nẫy lửa, cái thời không biết ngán ai, hay sợ thằng nào. Thời dễ tức khí, nóng nảy, muốn nhào ra sân để đánh lộn. Nhưng, thời ấy lại là thời có nhiều kỹ niệm, thời để về già ngồi uống nước trà mà nhớ lại.
Nhắc đến thời hung hăng Đồ tôi lại được sống về với những kỹ niệm thời thơ ấu xa xưa, cái thời mà mình được gọi là "thằng lùn" hoặc là "thằng óc tiêu". Chính vì là thằng lùn, thằng óc tiêu mà tánh khí của Đồ tôi không "dám" nôn nóng hay oai hùng cho đến bây giờ. Thân đã lùn mà lại nhỏ con nếu lỡ chọc giận thằng nào nó "nỗi sùng" lên thì mình chạy làm sao khỏi nó. Thế nên Đồ tôi phải biết thủ lấy thân mình. Nhưng cũng do vậy mà người ta "thấy hiền ăn hiếp", Đồ tôi lúc nhỏ phải "khổ sở" vô cùng. Tuy nhiên "lù khù có ông cù độ mạng", người lớn hay những đứa lớn thấy Đồ tôi bị ăn hiếp thì bênh dùm, cho nên Đồ tôi trở thành nhân vật "thấy nó mà tội nghiệp".
Cứ như vậy mà Đồ tôi trải qua thời niên thiếu ở làng quê. Rồi đến khi đi học xa, ở trọ, người ta cũng thương tình vì siêng năng giúp việc, còn bạn học thì "thôi tha cho nó đi làm phước".
Thời gian cứ trôi đi, trôi đi. Đồ tôi lang thang về thành phố đông người để nghe "lòng mình nhỏ lệ", thiếu thốn mọi bề, đành bỏ ngang con đường tiến bước chui vào "trường đồ": Một là đi kiếm cái nghề, hai là có ba-tăng trốn lính. Mà quả thật suốt trong cuộc chiến Đồ tôi đã ở bên ngoài chiến cuộc: "Hay không bằng hên"! Vì nhu cầu "cấp trên" tính chuyện, sắp xếp cho mình tất cả. Thế cho nên Đồ tôi phải đối đầu và cũng có một thời gọi là hung hăng.
Nói là "hung hăng" đối với Đồ tôi quả là một chuyện quá đáng hay "nói cho quá", chứ thật sự Đồ tôi phải đương đầu với con người hống hách, muốn chứng tỏ "Tao là người quan trọng ở chốn khỉ ho cò gáy nầy".
Ôi! Trong thời gian gọi là "chân ướt chân ráo", hoặc là loại "bồ câu mới ra ràng" hãy còn lơ ngơ nơi "chân trời xa lạ" chưa biết làm cái gì cho đúng, cho gọn gàng như "lính mới tò te" thì thường bị người ta ăn hiếp, người ta "dằn mặt" để thị uy, để dễ làm việc sau nầy.
Nhớ đến ngày ấy Đồ tôi vẫn hãy còn tức cười, và vẫn cảm thấy một cái gì "kỳ quái" trong câu chuyện đáng ra "chẳng có gì là đáng ầm ĩ", nhưng chỉ vì chút tự ái hay phách lối mà trở thành một chuyện "chẳng đặng đừng".
Vốn là ngày trình diện nhận "Sự Vụ Lệnh" ở "Ty Thầy Đồ", Đồ Ngông tôi được "Ngài Trưởng Phòng Nhân Viên" cho biết đúng lý ra Đồ tôi là nhân số của Trường cấp Quận, nhưng gì sợ Đồ tôi phải đi lính thì Ty sẽ bị mất người, mà đi lính thì Đồ tôi chắc cũng không muốn mấy; cho nên Ty quyết định để trong Sự Vụ Lệnh là nhân số của trường ấp để hưởng quy chế "Hoãn dịch xã ấp" thay vì ghi là nhân số của trường quận.
Thế là Đồ tôi cầm SVL trong tay đi theo thằng bạn học chung ngày trước về "nơi xứ xa" để trình diện bắt đầu "làm vú em trăm họ".
Sau khi vượt hàng trăm cây số đường vòng để về nơi "ốc đảo" ấy vào ban trưa, Đồ tôi tắm rửa, ăn uống, nghỉ ngơi, rồi chuẩn bị đi trình diện cùng Trưởng giáo. Gọi là "ốc đảo" để cho nó có vẻ là một nơi để sống trong sa mạc hoang vu vậy thôi! Chứ thực ra trên vùng nầy chung quanh là rừng núi và cao su bạt ngàn, nhưng chỉ vì nơi nầy là một vùng được gọi là "an ninh" nằm giữa lòng các chiến khu lớn bao chung quanh. Một con lộ duy nhất để đi về vùng bên ngoài cho người dân thường, còn quân đội thì đã có trực thăng. Nhưng con lộ ấy cũng "thỉnh thoảng bị chặn giữa đường" để "dằn mặt" chứng tỏ "tụi tao vẫn có mặt nơi đây". Ôi! Thời chiến tranh thay đổi mọi lối sống lẫn suy tư ở giữa cuộc đời vốn đầy đau thương và khổ ải!
Đồ tôi xuống trường "đưa mặt" cho ông Trưởng giáo coi mắt. Đang nói chuyện, tâm tình cùng ông trưởng giáo thì có một người cưỡi chiếc Honda 67 đến có vẻ oai vệ. Đồ tôi chào ông nhưng ông không để ý, ông chỉ lo công việc của ông. "Ông Tr., ông tính như thế nào? Ông Th. là người của tôi, tôi bắt ổng về trển". Đồ tôi nghe mặt mình nóng ran, một câu nói đầy oai quyền và trịch thượng thế ư? Ông Trưởng giáo Đồ tôi là một người dù không già lắm nhưng cũng thuộc hàng "cha, chú" của Ngài Trung tâm Văn hóa trưởng; và lúc mới sơ giao Ngài đã dùng đến từ ngữ "bắt" quá nặng nề đối với tư cách của Đồ tôi rồi!
Đồ tôi tươi cười có chút mỉa mai: "Trước khi lên đây, ông Trưởng phòng nhân viên có nói rõ ràng cho tôi rồi, chắc thầy cũng đã được báo rồi đó! Đúng, tôi là nhân số của trường thầy, nhưng vì Ty muốn giữ người và Ty cũng muốn giúp tôi được hoãn dịch vì lý do xã ấp, cho nên trên SVL Ty để tôi là nhân số của Trường thầy Tr., nhưng nếu thầy nói "mượn" thì tôi sẵn sàng đi ngay và nếu thầy nói "bắt" thì kẹt cho tôi và thầy Tr. quá!" Ngài Hiệu trưởng khẳng định: "Không! Nhất định là "bắt". Thầy Tr. lặng thinh, Đồ tôi thấy lòng mình không được vui và thầm nghĩ; "Chỉ một tiếng nói, một danh từ thế mà ông nầy lại muốn tỏ ra oai quyền như vậy, hèn chi những thằng bạn của Đồ tôi đã nói với Đồ tôi trước đó: "Ông Hiệu Trưởng nầy hắc ám lắm! Nếu mầy ở dưới đó được thì ở dưới đó đi. Lên trên nầy mệt với thằng chả lắm! Mà nếu lỡ có chuyện gì đối với mầy ở trường trên thì ai sẽ chịu trách nhiệm?". Mặc dù bạn bè nói thế, nhưng Đồ tôi cũng không muốn rắc rối để làm gì. Nhưng trước tình trạng nầy, Đồ tôi đã có vài tự ái nỗi lên và vì sĩ diện của ông Trưởng giáo, Đồ tôi bắt đầu cứng rắn: "Nếu Ông Hiệu Trưởng nhất định nói "bắt" thì tôi cũng thấy khó lòng cho tôi lẫn ông Trưởng giáo; phải chi ông nói tiếng mượn thì tôi sẵn sàng đi ngay và ông trưởng giáo cũng vui vẻ để tôi đi, vì có lẽ cả ba chúng ta Thầy Tr., thầy và tôi đã được Ty cho biết và sắp xếp cả rồi!". Thế nhưng, ông Hiệu Trưởng nhất định không thay đổi "ngôn từ"! Đồ tôi đành nhờ ông Hiệu trưởng và Trưởng giáo thỉnh ý của Ty. Trong khi đợi chờ, Đồ tôi đến Trường Sơ cấp trình diện với ông Trưởng giáo mỗi ngày.
Mấy ngày sau, Ty quyết định miệng hẳn hoi, Đồ tôi phải lên trường trên. Đồ tôi về trường trên với cái không thiện cảm của ông Hiệu trưởng và nhóm vây cánh của ông.
Đầu tiên, Đồ tôi được bàn giao cho cái lớp mà không mấy ai ham thích, có nhiều tay "cốt đột" mà nhiều cô giáo phải ứa nước mắt với chúng. Thế rồi, Đồ tôi phải từ kinh nghiệm nghề dạy nghề và thủ thuật "đánh phủ đầu" mà kềm chế được chúng vào nề nếp; nhưng sau đó có vài cô giáo bỏ nghề, thế là Đồ tôi phải chuyển sang lớp khác vì nhu cầu lớp đó quan trọng hơn.
Nhưng đó không phải là cái chuyện quan trọng để chuyển biến con người của Đồ Ngông tôi trở thành một gã tương đối cũng gọi là hung hăng; mà chính là cái hậu quả của tiếng "bắt" tự lúc khởi đầu.
Ông Hiệu trưởng bị "mắc me" không tuân hành theo ý muốn của ông ta, do đó ông ta đã có thành kiến với Đồ tôi và những người phe cánh ông coi Đồ tôi như là một tên cứng đầu, khó điều khiển. Thế rồi những lời "mách ngoé, xỏ xiên, châm chích" thường xảy ra khi có mặt Đồ Ngông tôi. Đồ Ngông tôi cứ phớt lờ, thỉnh thoảng cũng đôi lần trả miếng để người ta biết mặt. Nhưng thói đời khuôn mặt "non choẹt" của mình cũng là điểm để người ta "bắt nạt" giống như câu tục ngữ: "Xem mặt mà bắt hình dung". Đồ tôi lại được làm cái điểm "Cho đám Giáo học bỏ túi (Giáo học bổ túc) biết tay!". Nhưng vì chủ trương "cho học trò" mà Đồ tôi và bạn bè không hề chùn bước. Đôi lúc Đồ tôi "chơi đòn liều, tới đâu thì tới; kéo về đến Nha, Bộ cũng tốt thôi!
Và rồi, một niên học trôi qua! Niên học kế tiếp đến, Đồ tôi được trả về trường ấp để phụ ông Trưởng giáo già sắp về hưu. Đồ tôi chán chường cảnh hiếp đáp, quan liêu; thậm chí lắm lúc "xía" vào chuyện của người khác khiến những người liên hệ cũng khá bực mình. Nhưng sao thuở ấy, Đồ tôi không "còn thấy ngán (sợ)" nữa mà tới luôn như một người liều lĩnh. Thế mà, người ta đã phải nhượng bộ. Đồ tôi không hiểu Đồ tôi làm đúng hay là người ta thấy được cái sai để sửa, nhưng có một điều chắc chắn Đồ tôi biết rõ là trong đời người ta sợ "những thằng liều": "Nhứt thân, nhì thế, thứ ba liều". Nhiều lúc người ta cố tình gán ghép vào chuyện nầy chuyện kia để thi hành kỹ luật, Đồ tôi cũng phải mệt mình mà ở vào thế thủ. Vài năm sau, Đồ tôi suy gẫm lại cuộc đời mà "bình tĩnh đắn đo khi tham dự vào bất cứ một sự rắc rối nào". Tất cả qua đi như là một kỷ niệm của một thời hung hăng.
Vì thế mà sau nầy Đồ tôi có làm một bài thơ "Thời Hung Hăng":

Một thuở hung hăng đã quá rồi!
Tớ ngồi uống nước nhớ lại chơi
Hung hăng chẳng được thêm gì nhỉ?
Chỉ khổ người, mình có thế thôi!

Thuở trước bất bình bao ức hiếp
Gian ngoa, lừa đảo, cố chèn người
Tớ quyết xen vào ăn thua đủ,
Chuyện mình cho tới tận nơi đâu!

Cũng có một thời không oanh liệt
Nhưng không hỗ thẹn kiếp con người
Nghĩ lại ê chề thân trí thức,
Không xây mà lại phá cho hôi!

Hung hăng cho lắm chẳng được gì!
Mà thêm cho chúng (1) dễ khinh khi
Đưa mặt "mày mo"(2) thiên hạ ngắm
Hung hăng cho lắm..! Chẳng được gì!


(1) tiếng ám chỉ chung chung về "người ta, thiên hạ"
(2) thành ngữ: "Mặt dày như mo cau" ý chỉ mặt lì lợm, chai mặt, không biết mắc cỡ, xấu hỗ

Nhưng trong cuộc đời, mỗi con người có sự suy tư khác nhau, có nhiều người đến khi lớn tuổi vẫn còn có những sự hơn thua, tức khí lẫn tranh giành. Và họ cũng không hề nao núng, chùn bước trước mọi trở ngại cản bước con đường mình muốn đi. Chính vì vậy mà những bất ổn trong một cộng đồng người xa xứ cũng thường xảy ra. Cho nên người đời thường hay nói: "Yên hay không yên do chính tự trong tâm của con người!". Đồ Ngông tôi biết vậy, nhưng mà "xin" không có ý kiến...!

Đồ Ngông,
26-12-04.

No comments:

Post a Comment