(Hay: Chất Phật Trong Con Người).
Cũng như lần trước, khi về đến Việt Nam tôi và vợ tôi vẫn phải theo thủ tục thông lệ, là bỏ thì giờ ra đi thăm bà con bốn họ: Nội ngoại bên vợ, nội ngoại của tôi mặc dù thời gian lưu lại rất là ngắn ngủi: Chỉ một tuần lễ thôi! Chúng tôi phải tranh thủ, gấp rút để còn về xuống giống cho vụ mùa. Cô bác, chú cậu, các dì, dượng trở nên già hết rồi. So với lần trước chỉ cách có hai năm mà bây giờ đã khác quá xa. Có một số mất đi, số còn lại ở hàng 70 thì sức khoẻ tương đối, số ở hàng 8o thì yếu lắm ! Người càng yếu thì sự mong mỏi được chết đối với họ lại càng mãnh liệt. Quả thực, cuộc sống sanh bệnh lão tử là vấn đề lớn, nhưng vào lứa tuổi thanh niên và trung niên người ta ít ai hề nghĩ đến. Có người thì bảo “Lần sau, tụi bây về chắc không còn gặp tao; Lại có người “Người ta chết đông chết tây quá chừng, mà sao tao với bả không chết. Có cô tôi thoải mái thôi “Chết mà sướng à mầy, à mà chừng nào chết thì chết”. Thế nhưng, có một câu nói làm tôi khởi lên một ý niệm: Số là bà 10 (em bà nội) của tôi, có lẽ còn nhỏ tuổi hơn cô tôi nhưng cũng ở vào hàng 80, khi tôi đến thăm hỏi bà khỏe không? Bà bảo không khoẻ lắm, nhưng mà ngủ không được. Tôi ngạc nhiên hỏi lý do, Bà bảo “Không biết tại sao mà bà cứ nhớ lại mọi chuyện hồi xưa con à, cứ nhắm mắt lại là nhớ, nên bà ngủ không được”. Từ lâu, tôi đã có mang máng về ý nghĩ ấy, thế mà hôm nay Bà tôi lại xác định cho tôi. Bây giờ tôi nhớ lại viết thành bài để tôi bạn cùng trao đổi lý, sự của cuộc đời và tìm sâu vào đạo Phật.
Lúc nhỏ, khi còn ở chung với ông nội tôi, cứ mỗi buổi sáng vào khoảng 3, 4 giờ thì ông đã thức rồi, nấu nước pha trà ngồi uống một mình. Chừng lát sau, thì ông 7 nhà kế bên, ông hai tôi cùng nhau hợp lại. Các ông ấy kể chuyện đời, chuyện hồi xưa, chuyện thế sự... Không biết lúc đó trong đầu óc các ông có giống như một cuồn phim chiếu bóng không? Chứ tôi nghe mà tưởng tượng các lớp lang xếp đặt như trong một tuồng hát. Về sau, lớn lên có dịp đi xa, thỉnh thoảng nghe các người già cũng nói nhau: Họ ngủ không nhiều, sáng thức sớm ngồi uống nước trà trầm ngâm ôn lại chuyện đời và nhắc đến những lúc làm các điều đúng, điều sai... Tôi lấy làm lạ tự hỏi “Tại sao con người lại như vậy? Cứ vào khoảng ngoài 50 trở đi, họ lại thường có một diễn tiến tâm lý như nhau?’ Và đến khi tôi nhận thức được chút ít về giáo lý đạo Phật, thì điều ấy không còn là lạ nữa: Vì đó là cái tâm thức, cái Phật tánh bắt đầu hoạt động trở lại, sau khi thân xác đến giai đoạn từ từ yên nghỉ. Khi còn nhỏ thì trí óc chưa phát triển. Khi trưởng thành lớn lên thì thể xác đòi hỏi những nhu cầu, người lo làm vật lộn với cuộc sống để đáp ứng cho thân xác, hệ quả của nó là gia đình và đại gia đình.
Trường hợp đó giống như các Dục Ái luôn thúc đẩy con người hoạt động, gây sóng gió nên mặt nước không thể yên lặng được. Tới thời gian con cái đã lớn, sự nghiệp tạm ổn thì thân xác vào tuổi yên tịnh, tâm thức mới lộ ra mà xét lại chuyện đời. Cuồn phim cuộc sống được trả trở lại, chiếu từ từ lên màn ảnh tri thức: Bao nhiêu điều Thiện, bao nhiêu điều Ác được đúc kết để con người sám hối lần lần trong tâm thức. Tại sao ta nói là “lần lần trong tâm thức”? Vì thực ra, mỗi con người ai cũng có tự ái và ái ngại nên ít khi thổ lộ với người ngoài. Đó là lý do tại sao người ta về già hay đề cập đến Tu Hành. Ấy là một sự bình thường của những người bình thường. Còn đối với những người có “căn cơ” thì lại khác.
Nếu bạn từ trong một hoàn cảnh khổ đau, thiếu thốn bất hạnh, bạn hay sống về nội tâm, bạn thường tự hỏi về hoàn cảnh, số phận; bạn thường kiểm điểm từng ngày, từng thời gian cho nên bạn không xao lãng, theo dõi hành động của mình. Vì vậy, bạn có thể biết được khi nào bạn làm điều đúng, khi nào bạn làm điều sai; khi nào ý thiện bắt đầu, khi nào ý ác khởi sanh. Còn nếu bạn là người giàu có, hay bạn chạy theo nhu cầu vật dục để thoả mãn đòi hỏi, bạn có thể làm bất cứ điều gì để đạt được thành quả mong muốn, thì bạn sẽ bị “mờ mắt” hay mắt, trí não, phật tánh bị màn u minh che khuất, bạn không ý thức rõ được giữa thiện và ác.
Nếu hiểu chữ “Phật” là Giác Ngộ thì bạn có thể biết được trong con người của bạn có bao nhiêu phần trăm “chất Phật”. Giả sử như bạn làm 100 điều sai cả mà bạn nghĩ là bạn làm đúng, có nhiều người chỉ cho bạn, bạn coi họ là nói bậy, thì chất Phật của bạn là 0 % (bạn là kẻ u mê hoàn toàn). Nếu bạn làm 100 việc bạn biết rất rõ 50 việc là đúng hoặc sai, còn 50 việc bạn còn “u mê”, thì “sự giác ngộ” của bạn là 50%. Và nếu bạn biết rõ 100 việc bạn làm chỉ có 30 việc là đúng, và 70 việc kia là sai thì chất Phật của bạn là 100%; vì bạn biết rõ hoàn toàn những việc làm của bạn đúng hay sai. Nhưng bạn chưa phải là “Bậc Giác Ngộ” vì bạn cần phải “tu” tức là sửa sai 70 việc kia. Đến khi bạn “hiểu rõ, rất rõ ràng những điều mình suy nghĩ, nói ra, hành động đều đúng 100%” thì bạn là Bậc Giác Ngộ, là Phật. Đó mới chỉ là Phật thôi nha! Nếu bạn phát triển được tâm Từ, Bi, Hỉ, Xả tức Tứ Vô Lượng Tâm đem độ cho mọi chúng sanh thì bạn mới đạt đến đạo “Vô Thượng Bồ Đề”. Đó là lý do tại sao trong Kinh các vị Bồ Tát, Phật thường có những đại nguyện rất là lớn lao. Tại vì con đường đi là như vậy! Khi bạn còn nhỏ, bạn chưa biết đi, người ta chỉ cho bạn, dìu dắt bạn đi. Khi bạn đi vững bạn đi thong thả, nhanh nhẹn, gọn gàng; đến khi bạn chạy không bị vấp ngã thì bạn nhìn lại thấy những người khác đi lướng vướng, ngã lên ngã xuống thì bạn thấy thương muốn giúp họ, chỉ là vậy thôi! Các vị Phật, Bồ Tát không khác!
Thói thường trong đời, do căn nguyên, nghiệp quả có nhiều người cứ mãi nói “Cần gì phải Tu, mình làm những gì đúng với lương tâm của mình là đủ rồi, Tu để làm gì?”. Thực ra, họ không hiểu rõ đó thôi, bạn ạ! Tu không phải là cái gì xa lạ, Tu là “Sửa” là “Trau dồi”, là “Chỉnh đốn” lại những cái sai, cái xấu trở thành được tốt, đem ích lợi đến cho mình, cho mọi người cho tất cả chúng sanh. Còn về lương tâm thì họ lại tự đánh lừa lương tâm của họ: Bạn cứ nghĩ lương tâm của một thầy tu khi “lỡ làm chết một con kiến” có khác với lương tâm của một tên cướp khi “quyết giết một con kiến” hay không? Sự ăn năn sẽ khác nhau thì lương tâm của họ cũng khác nhau. Tên tướng cướp sẽ dửng dưng khi giết con kiến mà thầy tu thì hối hận vô ngần khi lỡ làm con kiến chết. Bạn thấy thế nào? Tôi viết có bậy lắm không?
Viết một cách tổng quát thì như thế đó để bạn có một ý niệm đo lường về “Chất Phật” trong con người của bạn. Từ đó bạn có thể hiểu được “đẳng cấp” trong không gian trên đường về “Xứ Phật” của mình; thì bạn cũng không ngạc nhiên và bạn có thể hiểu được ở những kiếp trước mình đã có Tu hay chưa? Và đường tu của mình có còn bao xa..!
Trở lại phần “Ôn lại cuối đời”, mỗi con người sinh ra đời gần như gắn liền với một Định số (Định số là những nghiệp quả, định nghiệp mình phải trả hoặc nhận được trong kiếp hiện tại, chứ không phải là số mệnh hay ý trời trong thuyết “Thiên mệnh” của Khổng Giáo, hoặc do “Ý Chúa muốn”). Đời người giống như một vai trò trong tuồng hát, đến giai đoạn nào phải diễn tiến, diễn xuất như vậy thì phải làm như vậy.Và đến khi nào chấm dứt thì chấm dứt (chết). Cũng giống như người kịch sĩ trước khi nhận vai trò trong một vở tuồng thì đã hiểu vai trò đó phải diễn ra sao rồi, thì con người trước khi sinh ra đời đã chọn một định số sẵn sàng. Còn việc trong khi “miễn cưỡng” diễn trò mà tâm hồn chán nãn, thì vừa “diễn trả nợ” lại vừa thối lui... tìm con đường tu để không gây nhân nữa mà chỉ lo trả nợ cũ thôi. Khi hết nợ, họ sẽ ung dung tự tại, đứng ngoài lề cuộc chơi, rời khỏi dòng nước lôi cuốn của luân hồi.
Hiện tượng nằm hay ngồi trầm tư, suy nghĩ lại “diễn tiến trong đời” của con người là một sự tất yếu; giống như mọi người hay là một tổ chức khi hoàn tất một công việc, công tác gì thì rút kinh nghiệm đúng sai hoặc hay dở để hoàn thiện cho những lần sau. Còn con người thì tách ra điều thiện, điều ác để xem mình làm được những gì tốt, những gì xấu để rồi Tự ăn năn, tự sám hối, tu tịnh để giải bớt hành trang “Nhân kiếp sau”. Và kết quả “Các nghiệp còn lại” ấy gọi là “Cận tử nghiệp” mà các đời sau phải giải quyết. Sự thương, ghét, luyến lưu hay mơ ước còn “được có” là ý nguyện muốn trở lại luân hồi.
Nếu trút bỏ được tất cả để tâm thức thanh thản ra đi, rời cái thân xác ô uế, vô thường thì sẽ được về nơi tự tại, cõi cực lạc và thản nhiên.
Nhưng thói thường, con người muốn vậy không có nhiều, vì đa số hãy còn mang nặng Tham, Ái, Dục, còn thích chơi trong cõi đời nầy; họ còn chưa trả thù người kia được, họ còn tiếc nuối không cưới được người yêu xưa,... Thân xác sắp ra đi mà lòng vương vấn con còn bé nhỏ, cần họ săn sóc... Vì vậy, tâm thức họ lìa xác mà không nở đi xa, “họ lẩn quẩn” ở lại, làm cho người thân phải sợ sệt.
Thế thì bạn có nghĩ rằng “Bạn sẽ làm gì?” trong giai đoạn cuối cùng, để cho tâm hồn an lạc và lên được bến bờ? Con đường Đức Phật đã chỉ rõ cho bạn rồi! Đi hay không là do chính bạn. “Hãy tự thấp đuốc lên mà đi!”...
Nguyên Thảo,
06-08-01.
Tuesday, February 1, 2011
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment